• Về đầu trang
[+ +]
[+ +]

Taylor Swift ngày xưa còn sống hay đã chết?

Âm nhạc

Với việc phát hành Look What You Made Me Do làm single quảng bá đầu tiên cho reputation, đây rõ ràng là một bước đi đầy tính toán của Taylor Swift khi vừa đánh vào sự quan tâm của công chúng sau vụ xì xèo đầy nóng bỏng giữa cô và cặp vợ chồng rapper Kanye West – Kim Kardashian hồi cuối năm ngoái, lại vừa khôn khéo giữ được một chỗ đứng nhất định cho reputation trong làng nhạc thế giới trước thời điểm album được hoàn thiện. Phản hồi đầy hào hứng của đại chúng với LWYMMD (Look What You Made Me Do) sau khi phát hành phần nào đã thể hiện được thành công của Taylor Swift và đội ngũ hùng hậu đứng sau nàng “công chúa nhạc đồng quê” nổi tiếng một thời. Hàng ngàn tít báo, cùng hàng trăm bài thảo luận và tranh cãi không ngừng nghỉ xung quanh những "ẩn ý" sâu cay mà Taylor Swift "cài" vào trong ca khúc. Đặt những tư thù cá nhân đó sang một bên (dù cho đó cũng là phần nào lý do khiến cho ca khúc này có thể nổi tiếng đến như vậy), thì LWYMMD chưa phải là ca khúc thể hiện rõ ràng nhất cá tính của Taylor Swift trong Pop. Tất nhiên, có thể không ngoa mà nói rằng đây chính là một trong những track “mang đậm tính cá nhân” nhất sự nghiệp của Taylor Swift (“I’ve got a list of names and yours is in red underlined”), chỉ khác là nó lại được lấy cảm hứng từ sự phản bội, thù ghét và giận dữ trước những kẻ đã đâm lén sau lưng cô, “những kẻ mà cô tưởng rằng mình có thể làm bạn":

I don't trust nobody and nobody trusts me

I'll be the actress starring in your bad dreams

Điểm yếu của LWYMMD nằm ở chỗ, trong khi đáng lẽ ra ca khúc nên cần phải có một đoạn "drop" thật mượt mà trước khi bắt đầu tiến vào phần điệp khúc, thì hóa ra nó lại trở nên hụt hẫng và hoàn toàn không ăn nhập gì với bầu không khí ma quái phần nửa đầu bản thu mang lại. Một cú rơi trực tiếp cực kì trống rỗng và gây thất vọng, trong khi đây hoàn toàn lại là một vấn đề có thể xử lí được. Công chúng cần có một thứ gì đó thật "epic" để thỏa mãn đôi tai của họ. Còn các nhà phê bình lại cần có sự sáng tạo mới mẻ về mặt nhạc lý (hoặc ít nhất cũng phải biết cách kết hợp những chất liệu âm nhạc căn bản một cách chuyên nghiệp). Với cả hai điều trên, LWYMMD lại chẳng thể làm thỏa mãn được bên nào. Ca khúc lưng chừng giữa sự phân cực – một bên đầy thất vọng và một bên tràn ngập hưng phấn. Nó không hẳn là dở, cũng không phải là không hoàn thiện hay thiếu đi một cái gì đó hoàn hảo. LWYMMD giống như đưa người nghe ngồi vào một chuyến tàu lượn tốc hành lúc lên lúc xuống, nhất là sau đoạn “drop” trước phần chorus, thì đó cũng chính là lúc mà LWYMMD bắt đầu cú rơi tự do của chính mình.

“Ooh, look what you made me do

Look what you made me do

Look what you just made me do

Look what you just made me

Ooh, look what you made me do

Look what you made me do

Look what you just made me do

Look what you just made me do.”

Điều tương tự cũng đang xảy ra với ...Ready For It?, nhất là khi ta mang ra mổ xẻ những genre đao to búa lớn mà ca khúc đã hứa hẹn sẽ mang đến với công chúng như: electropop, industrial music; cùng ảnh hưởng từ tropical house, dubstep và trap. Với sự tham lam quá nhiều những thể loại khác nhau vào trong một bài hát, ...Ready For It? như bị overwhelming về mặt phối khí và thành ra – giống như trường hợp mà LWYMMD gặp phải – trở nên sáo rỗng và đi theo một lối mòn thường thấy trong các ca khúc nhạc Pop – nhạt nhòa, không điểm nhấn, dễ gây nhàm chán. Tự nhận mình như một “tên sát nhân”, Taylor Swift mượn ...Ready For It? để miêu tả về một người đàn ông mà “younger than my exes" (trẻ hơn những người yêu cũ của tôi) nhưng lại "acts like such a man" (hành xử như một người đàn ông thực thụ). Thế nhưng, Taylor Swift thực sự vẫn chưa hiểu rõ được những tiềm năng mà ...Ready For It? có thể phát triển về mặt arrangement và instrumental. Dù sao, đó cũng là một nỗ lực đáng tuyên dương khi đã không cố gắng ép buộc ...Ready For It? trở nên hoàn hảo để rồi đánh mất những mặt tốt "rải rác" có sẵn trong bản thu.

Nhưng chỉ khi sang đến single thứ ba: Gorgeous, thì Taylor Swift cuối cùng mới thể hiện được một điều gì đó mới mẻ hơn. Gorgeous đơn giản và "lộng lẫy" theo một cách riêng của mình. Không còn là "the new Taylor" trong LWYMMD, Taylor Swift trong Gorgeous vẫn là “the old ones” thời hậu era Red hay 1989 – tràn ngập vui vẻ, hạnh phúc và chìm đắm trong tình yêu tự thân. “Whiskey on ice, Sunset and Vine”. Taylor miêu tả về tình mới của mình như thể anh ta quá tuyệt vời và hoàn mỹ đến nỗi khiến cô ganh tị khi không thể sở hữu được anh ta. “You ruin my life, by not being mine”. Lời trách móc đầy tính dramatic và hài hước này bỗng chốc làm gợi lên những cảm xúc bông đùa tinh nghịch của Taylor trước cơn cảm nắng bất ngờ nơi ái tình, trước khi dần tháo bỏ đi lớp vỏ bị tổn thương của mình để thay vào đó bằng một sự hấp dẫn đầy mê hoặc và thi vị: “ You’re so gorgeous. I can’t say anything to your face, because look at your face.”

“You’re so gorgeous”.

Cảm giác thoải mái và hạnh phúc tiếp tục được duy trì kéo dài đến Call It What You Want (CIWYW). Trong số bốn single quảng bá của reputation, chỉ có mỗi CIWYW là đi theo một mặt bằng chung dễ chịu nhưng cũng mang ít tính đột phá hơn cả. “Cô ấy không biết mình nên làm gì”, đó là tất cả những gì mà Frank Guan đã viết về CIWYW cho tạp chí Vulture. Vậy nhưng, đó thực sự không phải là vấn đề của Taylor Swift. Taylor Swift vẫn luôn là Taylor Swift, và vẫn mãi là Taylor Swift mà công chúng biết tới. Cô nàng chưa bao giờ giấu giếm việc mình sử dụng cảm xúc và đời tư để làm đề tài viết nhạc. Cô cũng chưa bao giờ khẳng định rằng mình sẽ tạo nên một album gây đột phá hay “hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng” trong âm nhạc. Taylor thực sự rất thông minh và đầy chiến lược. Thay vì tự đề cao bản thân một cách quá lố như nhiều những trường hợp khác, Taylor Swift lại “khôn ngoan” lùi về phía sau một bước, và mượn tiếng nói của công chúng để thay cho lời khẳng định về danh tiếng của cô.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.