• Về đầu trang
Khánh Ngọc
Khánh Ngọc

Xảy ố, pét híp, cay phò, chẳm chéo... Đố bạn biết chúng là gì?

Ẩm thực

Thái là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, cư ngụ trên hầu khắp các tỉnh thành, tuy nhiên tập trung đông đúc nhất vẫn ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Với lịch sử sinh sống lâu đời, văn hóa của người Thái vô cùng phong phú, chứa đựng nhiều nét đặc sắc. Ẩm thực chính là một khía cạnh phong phú đó. Bài viết dưới đây do một độc giả bản địa của Lost Bird gửi về, sẽ bật mí cho bạn mâm cơm truyền thống tại gia đình người Thái bao gồm những món gì, để khi tới đây du lịch không bị bỡ ngỡ nhé!

1. Xổm hom kíp – Tỏi muối

Lá tỏi xắt nhỏ, muối theo kiểu muối dưa chua. Tỏi muối rất hợp khi ăn cùng với hoa của cây man ca, một loại cây họ dong riềng. Búp hoa man ca nướng lên cho thơm, sau đó ngắt từng cánh hoa trộn cùng muối tỏi. Có thể thêm vào rau mùi ta thái nhỏ. Món này thích hợp ăn kèm với những món thịt nhiều mỡ.

2. Xảy ố - Lòng bò nướng

Băm nhỏ thịt bò, phổi bò, rau răm, lá hành, lá tỏi, trộn cùng tiết bò rồi nhồi vào trong lòng già. Sau đó đem những khúc lòng đã nhồi này đi phơi nắng để thịt lên men, có độ chua nhất định. Khi ăn thì đem nướng trên than. Nghe nói thời xưa đây là một món ăn quý, hiếm lắm mới được ăn và chỉ thường dành cho các cụ già cả trong gia đình.

Đây từng là món ăn hiếm

Chỉ dành cho các cụ già trong nhà

3. Pét híp – Thịt nướng ống tre

“Pét” có nghĩa là số 8, “híp” là ống tre. Đây là món thịt lợn băm kèm tỏi nhồi vào trong một ống tre chẻ ra làm tám thanh nhỏ.

Có một câu chuyện dân gian đi kèm món ăn này. Truyện kể rằng ngày xưa có một nhà rất nghèo, có lần khách quý đến chơi, hai vợ chồng không có gì để mang ra đãi khách ngoài một xiên thịt lợn nướng. Khi bưng mâm cơm lên, người khách để ý thấy những đứa trẻ trong nhà không có mặt, liền hỏi nhà chủ: “Thế bọn trẻ con thì ăn gì?” Chủ nhà đáp: “Bọn trẻ đã có “pét híp” rồi”. “Pét híp” ở đây vừa có thể hiểu là tám ống tre nhồi thịt như vậy, vừa có thể hiểu là phần thịt ít ỏi còn dính lại trên những thanh tre chẻ mảnh sau khi đã bóc phần thịt lớn ra mời khách.

4. Mắc nga lẳm – Xôi nắm vừng đen

Món này chế biến rất đơn giản. Vừng đen rang chín, giã nhỏ mịn cùng một chút muối. Sau đó trộn vừng cùng xôi nếp và vo xôi lại thành những viên tròn nho nhỏ.

5. Mắc thúa nau – Đỗ tương thối

Đỗ tương xôi chín, sau đó trộn muối, tỏi và ớt băm nhỏ, rồi đem ủ trong lọ khoảng chục ngày đến khi bốc mùi thum thủm. Món này dùng để ăn kèm rau củ luộc.

6. Cay phò - Rêu nướng

Rêu mọc trên những tảng đá trên sông suối nước sạch. Sau khi gặt về thì đem phơi cho ráo nước hoặc phơi khô hẳn. Trước khi nấu cần đem xối dưới nước và dùng chày đập dập để rửa sạch. Sau đó trộn cùng với ớt, hành, thì là, tỏi, gừng băm nhỏ. Và không thể thiếu một chút bột mắc khén giã nhỏ (đây là một loại hạt gia vị truyền thống của người Thái, dung giống như hạt tiêu). Gói hỗn hợp này vào trong lá dong hoặc lá chuối rồi đem đi nướng chín. “Cay phò” rất hợp ăn kèm xôi nếp.

7. Chẳm chéo

Đây là món chấm kèm gần như không thể thiếu trong các bữa ăn của người Thái. Tầm quan trọng của nó cũng giống như nước mắm đối với người Kinh vậy. Để làm món này, trước tiên cần mang ớt đi rang trên chảo khô hoặc nướng trên bếp than để ớt dậy mùi thơm. Giã nhuyễn hỗn hợp ớt nướng, tỏi và muối. Sau đó cho thêm rau mùi ta vào giã tiếp cho đến khi được một hỗn hợp sền sệt. Có thể cho thêm mắc khén, thường là khi dùng để chấm thịt bò, bê và trâu. Nếu chấm thịt gà thì thêm lá chanh. Chẳm chéo được dùng để chấm gần như tất cả các món, thậm chí
ăn cùng xôi nếp.

8. Năng xổm – Da lợn muối chua

Da lợn đem thui vàng rồi luộc đến khi chín mềm. Sau đó thái miếng hình chữ nhật vừa ăn. Gạo đem rang cho chín vàng rồi giã nhỏ cùng giềng. Đem hỗn hợp này để ướp những miếng da lợn đã luộc chín, cho vào lọ rồi ủ thêm vài ngày là có thể ăn được. Khi ăn, trộn cùng hành, rau mùi ta và ớt xắt nhỏ.

9. Nó xổm khủa xảy mù – Măng chua xào lòng lợn

Để làm măng chua: măng sống xắt nhỏ, ấn chặt trong chum, không thêm muối, không thêm nước. Càng ủ lâu càng ngon, có thể để được cả năm. Khi măng đã chua, đem xào cùng lòng non của lợn hoặc lòng gà rồi thêm hành và mùi thái nhỏ. Ăn kèm rau sống và lá “hom bay”, một loại lá cây rừng.

10. Canh măng tre

Măng tre rừng (“nó hốc”) phơi khô, nấu canh với xương lợn và đỗ tương, thêm hành và mùi.

11. Rượu hoẵng

Hoẵng ở đây là tên dụng cụ ủ rượu. Rượu làm từ nếp cái, ủ, lấy nước nhỏ xuống, không chưng cất. Vị hơi giống rượu cần. Nhẹ cồn, giống nước hoa quả hơn là rượu.

12. Nhót xanh chấm “chẳm chéo”

Quả nhót xanh bổ đôi, kẹp một miếng nhót với một lát gừng thái mỏng, cuộn lại bằng một chiếc lá tỏi tươi và một cọng rau mùi ta, sau đó gói vào trong một miếng lá bắp cải tươi và chấm “chẳm chéo”.

13. Quả sim rừng

Quả sim của người Thái khác quả sim dưới xuôi, thân quả dài và bên ngoài phủ một lớp lông mịn. Thái miếng mỏng theo chiều ngang, kẹp thêm một lát gừng và một lát củ đậu. Khi ăn chấm cùng “chẳm chéo”.

14. Canh rêu

Rêu nấu cùng nước luộc gà hoặc nước ninh xương sườn bò, thêm gừng, sả, mắc khén, hành.

15. Nhứa giảng xá – Thịt hun khói gác bếp

Món thịt hun khói có thể làm từ thịt bò, trâu, lợn và cá. Không nhất thiết phải là thịt trâu. Thịt lợn ướp hạt tiêu và hành khô. Thịt bò và trâu ướp mắc khén và gừng. Cá ướp mắc khén, sả và tỏi.

16. Nhứa mu xổm – Thịt lợn chua

Thịt lợn chua. Thịt lợn thái nhỏ trộn cùng thính và giềng giã nhỏ để lên men. Khi chế biến, phi hành khô lên để xào chín. Ăn kèm rau sống.

17. Măng muối ớt

Đây là một món ăn của người H’mông, nhưng người Thái cũng hay dùng trong bữa ăn của họ. Măng đem muối là măng của cây mây, không phải măng tre.

18. Canh măng chua

Măng ủ chua đem nấu cùng nước luộc gà hoặc nấu với đầu và đuôi cá. Ăn kèm rau sống.

19. Phắc chụp - Rau nộm

Rau cải ngồng cho vào nồi đồ như xôi. Sau đó thêm muối, gừng, tỏi, ớt, mắc khén, rau mùi tàu, mùi ta và lá tỏi thái nhỏ.

20. Cơm lam

Ống tre để làm cơm lam gọi là tre “pa ngá”, không phải cây giang cũng không phải loại tre thường gặp. Nó có một lớp lụa bên trong. Gạo vo sạch, ngâm nước luôn trong ống, vo lá chuối để nút đầu ống lại. Ngâm khoảng ba đến bốn tiếng rồi đem nướng. Khi bóc ra, phải có một lớp màng lụa mỏng dính bên ngoài cơm. Nếu mua cơm lam dọc đường, các bạn nên tránh mua phải cơm lam rởm. Một là người ta nhét xôi đã đồ sẵn vào trong ống, hai là luộc các ống cơm trong nồi quân dụng cho chín trước rồi mới đốt qua cho cháy ống.

Pa ngá

Cơm lam nướng lên cho chín

21. Nặm pịa

Dung dịch trong ruột non của con bò và dê. Pha thêm muối, gừng, tỏi, ớt và mắc khén. Nặm pịa có vị đắng. Có thể pha thêm bột lá “khồm xa khia” để tăng đắng. “Khồm xa khia” là một loại cây chỉ mọc bên bờ suối nước sạch. Lá phơi khô, bóp vụn thành bột. Nặm pịa bò dùng để chấm thịt bò luộc, nặm pịa dê để chấm thịt dê.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.