• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Đôi lời mạn đàm về các nàng 'Beauty guru' xứ Việt

Chị em

Đã qua rồi cái thời mà các phương pháp làm đẹp chỉ có thể được truyền miệng hoặc tham khảo qua sách báo, đây là thời đại của công nghệ thông tin, khi có hàng lô lốc những người sẵn sàng thực hiện những video clip và bài viết hướng dẫn bạn làm đẹp cho đến từng lỗ chân lông.

Michelle Phan - beauty guru "huyền thoại"

Và cũng qua luôn rồi cái thời mà nhắc đến beauty guru người (gốc) Việt thì suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu mọi người là cái tên Michelle Phan. Beauty guru được định nghĩa nôm na là những người hướng dẫn làm đẹp bằng nhiều hình thức, và điểm chung của những beauty guru nổi tiếng, đó là họ truyền cảm hứng cho các follower- người theo dõi mình. Không chỉ là những phương pháp làm đẹp, ăn mặc, tóc tai, lifestyle- phong cách sống, mà có thể là ăn uống, đi đứng hay thậm chí là ngủ nghỉ, yêu đương. Có bao giờ bạn xem trang blog hoặc kênh YouTube của một cô nàng nào đó và cảm thấy ngưỡng mộ cuộc sống và nhan sắc của cô? Việc tiếp theo là bạn sẽ xem cô nàng sử dụng mỹ phẩm gì, trang điểm, dưỡng da ra sao, ăn uống thế nào, và xem cả việc nàng ấy và bạn trai đi chơi những đâu, làm những gì. Đó là cách mà hầu hết những người theo dõi mong muốn được biết về các beauty guru.

Và việc của các beauty guru là chiều lòng các fan và follower của mình. Ban đầu chỉ đơn thuần là các hướng dẫn làm đẹp, review những món đồ đang sử dụng, sau đó là các clip routine được quay và chỉnh sửa thật tỉ mỉ, lung linh, mô tả một buổi sáng/trưa/chiều/tối hay cả ngày của một beauty guru, bao gồm việc nàng dậy lúc mấy giờ, đánh răng rửa mặt, trang điểm, chọn phục trang và ăn uống những gì. Nếu đã xem qua những clip routine này, hẳn bạn đã quen với việc các nàng ăn sáng bằng yogurt, uống trà thật thong thả với những cây nến thơm được thắp liên tục trong phòng. Đố các bạn tìm được beauty guru nào không thích đốt nến thơm đấy. Các guru luôn biết nên khoe và nên giấu đi những gì khỏi trang blog và kênh YouTube của mình.

Ngoài các nhãn hàng mỹ phẩm, các beauty guru không chừng còn rất đắt hàng quảng cáo trà và nến thơm đủ thể loại Minh hoạ: Bale

Đã là những người truyền cảm hứng và hướng dẫn làm đẹp nên các guru luôn được trông đợi có nhan sắc ưa nhìn và làn da đẹp. Khi đó, sản phẩm họ dùng sẽ được nhiều người chú ý và tìm mua. Người ta sẵn sàng bỏ ra 600000 VNĐ cho một lọ tẩy da chết môi vì một beauty blogger nổi tiếng khen ngợi sản phẩm đó, cho dù chỉ mới vài bài blog trước, chị này bảo rằng chẳng có gì tẩy da chết tốt hơn đường và dưỡng ẩm tốt hơn dầu. Thật kì diệu khi người ta vẫn cứ bỏ tiền ra mua một lọ tẩy da chết toàn thân có giá gần cả triệu đồng sau khi chị guru này kể một câu chuyện về người bạn của mình bị cảm lạnh và dùng loại sản phẩm trên để thư giãn khi tắm. Tác giả sẽ bỏ qua vấn đề bị cảm có nên tắm hay không mà chỉ chú ý vào chi tiết rằng chị thật tài khi có thể khiến người ta mua những món đồ giá trên trời sau khi khuyên rằng cứ Do It Yourself là tốt nhất. Cũng bởi sự tài giỏi đó, chị được rất nhiều beauty blogger và beauty guru khác xem là thần tượng.

Mình cho rằng các sản phẩm DIY tự làm là tốt nhất nhưng nếu có tiền thì bạn có quyền mua đồ đắt mà dùng cho sướng Minh hoạ: Bale

Khi mới tập tành làm đẹp, hẳn không ít người đã tìm trên chị Google từ khóa “dưỡng da cơ bản” hoặc “dưỡng da cho học sinh/sinh viên” với mong muốn tìm được những sản phẩm cơ bản có giá tầm tầm để sử dụng cho khỏi đau túi. Các bạn có đau lòng không nếu click vào một vài viết tiếng Việt, của một blogger nổi tiếng người Việt 100%, có tiêu đề đại loại là dưỡng da cho học sinh, sinh viên nhưng các món mỹ phẩm trong bài thì có giá không yêu thương nổi? Nhiều người sẽ thông cảm vì nàng luôn có một câu cửa miệng đó là vì lí do công việc nên các món đồ nàng dùng luôn ở mức giá hơi bị cao, cũng vì lí do công việc nên hễ giới thiệu sản phẩm nào, nàng sẽ chu đáo kèm cả giá và địa chỉ mua hàng, có khi cả mấy chi nhánh cho một món đồ nào đấy. Mà nàng có mua hàng ở đấy không thì chắc chỉ có nàng biết, nhãn hàng biết, người tặng biết. Nàng có dùng sản phẩm đấy không thì thôi chắc chỉ mình nàng biết. Kiến thức và quyền lợi của đọc giả mới là quan trọng.

Một ngày đẹp trời, bạn buông lời mỉa mai theo tinh thần tự do ngôn luận thông qua bàn phím và bằng công cụ ngón tay để lại comment - bình luận trên kênh YouTube của một beauty guru nổi tiếng nào đó, với mong muốn rằng góp ý tuy đọc thì tiêu cực nhưng nghĩ lại thì chỉ có ý tích cực của mình sẽ được ghi nhận. Nhưng không, vài phút hoặc vài giờ sau, bình luận của bạn bốc hơi như chưa từng có mặt trên cõi đời. Là một con người vị tha, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận sự thật rằng chủ nhân kênh YouTube trên có tâm hồn khá là nhạy cảm trước những công kích nhẹ nhàng của bạn. Những người “qua đường”, chỉ lướt qua kênh YouTube sẽ thấy toàn những bình luận tốt đẹp và lòng thầm ngưỡng mộ, nào biết đâu những lời có cánh đó được dựng lên trên bia mộ của các bình luận không mang tính tích cực đã bị khai tử trong vòng vài nốt nhạc sau khi chào đời. Còn chủ kênh YouTube cứ thoải mái hưởng những lượt xem, lượt like và dislike từ một clip review sản phẩm chống thấm nước nhưng từ đầu đến cuối chỉ thấy giơ mỗi cái smartphone trước màn hình, bình luận bên dưới khen ngợi khả năng nhịn thở dưới nước và tài bơi lội điêu luyện của nàng. Tiếp bước thành công, nàng lại tiếp tục ra clip review son môi fake. Thật đáng ngưỡng mộ và vinh danh nàng- một người con gái dũng cảm.

Đáng thương thay những bình luận chưa kịp mở mắt nhìn đời Minh hoạ: Bale

Bạn mong đợi gì ở một beauty guru? Ngày nay, beauty guru gần như trở thành một nghề nghiệp và không chỉ giới hạn ở phái nữ. Chỉ nói riêng ở Việt Nam, không thiếu những clip hướng dẫn makeup được thực hiện bởi các nhi đồng tiểu học với khả năng tán kem nền không đều và dùng son môi có nhãn hiệu lạ hoắc, mà ở đây tác giả sẽ tránh nói đến sự đam mê không đợi tuổi của các mầm non, hay những hotgirl tự nhận mình là beauty guru để review các sản phẩm không rõ là kem trộn hay kem khoáy, hoặc review mỹ phẩm làm đẹp nhưng cả bài viết chỉ thấy mỗi hình selfie của chủ blog khi đang cầm sản phẩm trên tay. Ai cũng có mong muốn và đam mê, trong đó không thiếu những người "có tâm", thật sự muốn chia sẻ kiến thức của mình cho nhân loại, và cũng có hằng hà sa số các cá nhân đoàn thể chỉ tham được nổi tiếng và kiếm tiền từ cái danh xưng beauty guru khi mà nó đang dần trở thành một nghề hợp pháp được xã hội công nhận.

Vậy hãy cho Lost Bird biết bạn mong gì ở một beauty guru, và bạn có bao nhiêu phần trăm tin tưởng vào họ?

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.