• Về đầu trang
Vàng Anh
Vàng Anh

Hóa ra mỗi tuần bạn đều được gặp... cả nhà thần Thor đấy

Cuộc sống

Nguồn gốc 7 ngày trong tuần

Vì sao một tuần có 7 ngày?

Trong thiên văn học, sự di chuyển của trái đất xung quanh mặt trời và mặt trăng mang đến cho chúng ta đơn vị "ngày", "tháng" và "năm". Tuy nhiên, "tuần" với số lượng 7 ngày hoàn toàn do con người nghĩ ra.

Số 7 có ý nghĩa thần bí đối với người Babylon. Nó liên kết cùng 7 tinh tú bao gồm mặt trời, mặt trăng, sao Hỏa, sao Thuỷ, sao Mộc, sao Kim và sao Thổ. Do đó mà họ cho rằng việc đánh dấu cột mốc mỗi 7 ngày là vô cùng quan trọng. Văn hóa cổ đại Nhật Bản và Trung Quốc cũng mang hàm ý tương tự.

7 cũng quan trọng trong Do thái giáo khi mà Chúa trời sáng tạo ra vạn vật 6 ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ 7. Tuy nhiên, họ không đặt tên các ngày trong tuần theo những vị thần mà chỉ đánh thứ tự bằng con số.

Mặc dù vậy, việc sử dụng một tuần 7 ngày theo lịch hiện đại có nguồn gốc từ người La Mã. Họ đặt tên những ngày trong tuần theo các vị thần của Rome, mặt trời và mặt trăng.

Hoàng đế La Mã Constantine chính thức thông qua hệ thống tuần và ngày năm 321, nó đã được sử dụng không chính thức kể từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Và Chủ Nhật lại là ngày đầu tiên còn Thứ Bảy - ngày nghỉ ngơi của người Do Thái - là cuối tuần.

Thứ Hai

Mặt trăng và mặt trời trong thần thoại Bắc Âu

Từ "Monday" có nguồn gốc từ tiếng Anh cổ (Mōnandæg) và được đặt theo tên của thần mặt trăng Máni trong thần thoại Bắc Âu. Khi những người Anglo-Saxons xâm lược Anh, họ thờ những vị thần tương tự với nền văn hóa này. Trong tiếng Latin, "thứ hai" (dies Lunae) cũng có nguồn gốc từ "mặt trăng" (lunae) nhưng không hề liên quan tới "Monday". Tuy nhiên, chúng lại cho ta từ "luna" (âm lịch) hay "lunatic" (một chứng bệnh liên quan tới chu kỳ của mặt trăng). Còn trong thần thoại La Mã, Diana là em gái sinh đôi của thần mặt trời Apollo. Nàng là nữ thần của mặt trăng, săn bắn và trẻ sơ sinh.

Thứ Ba

Thần Týr với truyền thuyết bị Fenrir cắn một tay

"Tuesday" có nguồn gốc từ tiếng Anh cổ (Tīwesdæg) và được đặt theo tên thần chiến tranh Tiw (hay Týr) trong thần thoại Bắc Âu. Tiếng Latin của "Thứ Ba" là "dies Martis" dựa theo thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã. John McKinnell, giáo sư ngành Ngôn ngữ Trung cổ tại Đại học Durham cho rằng, người Anglo-Saxons đặt từ Thứ Ba đến Thứ Sáu theo các vị thần của người Đức (German), một nhánh khác của thần thoại Bắc Âu. Tiw là con trai của Woden (Odin), thủ lĩnh tối cao của các vị thần. Ông là thần chiến tranh, hiệp ước và công lý.

Thứ Tư

Hình ảnh Odin quá đỗi quen thuộc với tín đồ điện ảnh

Nguồn gốc của "Wednesday" là "Wōdnesdæg" theo tên của Woden (Odin) - vị thần tối cao trong thần thoại Bắc Âu. Ngoài ra, Odin "Allfather" (cha thiên hạ) còn là thần chiến tranh, thơ ca và trí tuệ. Trong tiếng Latin, "Thứ Tư" là dies Mercurii, được đặt theo tên vị thần đưa tin Mercury. Dù được sử dụng trong tiếng Anh nhưng Woden lại biến mất trong chính ngôn ngữ của người Đức hiện đại. Việc này được lý giải là do sự trỗi dậy của Thiên Chúa giáo sau khi Đế chế La Mã sụp đổ. Trong tiếng Đức hiện đại, "Thứ Tư" gọi là "Mittwoch" hay có nghĩa là "Ngày giữa tuần" (Mid-week).

Thứ Năm

Ai mà không biết Thor cơ chứ?

"Thursday" có nguồn gốc từ "Þūnresdæg" hay "Ngày của Thunor" (Þunor), được đặt theo tên vị thần sấm sét trong thần thoại Bắc Âu (Thor). Theo các ghi chép từ xưa, Thor có mối liên quan tới vị thần tối cao Jupiter của thần thoại La Mã - người cũng được dùng tên để đặt cho ngày thứ năm trong tiếng Latin (dies Iovis) - khi cùng điều khiển sấm sét. Theo các nhà nghiên cứu, "Ngày của Odin" trở thành "Ngày giữa tuần" còn "Ngày của Thor"  và "Ngày của Týr" - hai con trai ông - đứng hai bên trở thành "Thứ Ba" và "Thứ Năm".

Thứ Sáu

Nữ thần Frigg là vợ của Odin

"Friday" được đặt theo tên của Frigg (Frīgedæg) - vợ của Odin. Bà là nữ thần tình yêu, sắc đẹp, hôn nhân và sinh sản. Friggjarstjarna (ngôi sao của Frigg) là tên Bắc Âu cho sao Kim (Venus). Trong thần thoại La Mã, Venus mang nhiệm vụ y hệt với Frigg. Tên bà cũng được đặt cho "Thứ Sáu" trong ngôn ngữ Latin (dies Veneris).

Thứ Bảy

Saturn chính là Cronus trong thần thoại Hy Lạp

"Saturday" (Sæturnesdæg) là ngày duy nhất trong tiếng Anh cổ có liên quan đến thần thoại La Mã. "Thứ bảy" trong tiếng Latin là "dies Saturni". Saturn là vị thần của thời gian và cũng là cha của Jupiter. Trong các ngôn ngữ khác không có nguồn gốc từ tiếng Latin, "Thứ Bảy" không hề liên quan tới thần thoại La Mã, ví dụ như trong tiếng Tây Ban Nha là "Sábado" từ Sabbath - một ngày lễ của Thiên Chúa giáo - hay tiếng Đan Mạch là Lørdag - có nghĩa là "ngày tắm rửa".

Chủ Nhật

Chủ Nhật là ngày Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo ra vạn vật

"Sunday" trong tiếng Anh cổ là "Sunnandæg", dĩ nhiên là có nguồn gốc từ mặt trời (sun) giống như tiếng Latin (dies Solis). Với nhiều tôn giáo, mặt trời là khởi nguyên của vạn vật nên được sử dụng để đặt cho ngày đầu tiên trong tuần. Như thần thoại Ai Cập, vị thần tối cao cũng là thần mặt trời Ra. Trong nhiều ngôn ngữ khác, "Chủ Nhật" lại mang yếu tố của Thiên Chúa giáo, như tiếng Ý là "Domenica" (Ngày của Chúa) hay tiếng Nga là "Voskresen'je" (Ngày Phục sinh). Trong tiếng Việt, "Chủ Nhật" có nguồn gốc từ "Chúa Nhật" hay "Ngày của Chúa".

Theo: BBC
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.