• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Bạn đã bao giờ nghe những bản hit đình đám như 'Call Me Maybe' được phối lại theo style 100 năm trước?

Âm nhạc

Sẽ thế nào khi Bad Romance đậm chất dance-pop và electropop của Lady Gaga được phối theo phong cách những năm 1920? Sẽ thế nào khi Timber sôi động của rapper Pitbull và giọng ca mạnh mẽ Kesha quay trở về thập niên 1950? Và sẽ thế nào khi nhạc swing 1940 trở thành chất liệu chính cho Beauty And A Beat của Justin Bieber và Nicki Minaj?

Nghe như chuyện hoang đường và có mùi “fail”. Nhưng với Postmodern Jukebox, không gì là không thể khi đưa nhạc hiện đại quay về 50 năm hay thậm chí là 100 năm trước. Và những dòng nhạc tưởng chừng khó nghe như jazz, swing hay ragtime, khi được Postmodern Jukebox phối lại bỗng trở nên bắt tai và mới lạ hơn.

Tên đầy đủ của nhóm là Scot Bradlee's Postmodern Jukebox, gọi tắt là PMJ

Postmodern Jukebox hoạt động âm nhạc từ năm 2011 đến nay. Đây không phải là một nhóm nhạc với những thành viên cố định mà tập hợp những ca sĩ yêu nhạc jazz và những nhạc công chơi đủ loại nhạc cụ như saxophone, kèn trombone, banjo,... Duy chỉ có vị trí piano là chưa bao giờ thay đổi và chắc chắn không một ai có thể thay thế chàng nghệ sĩ này.

Tên anh là Scott Bradlee. Anh vẫn luôn xuất hiện trong các MV của Postmodern Jukebox: có thể là một vị trí ở khuất phía sau ca sĩ, có thể là chỗ ngồi mà người xem chỉ thấy bóng lưng và gương mặt nghiêng nghiêng của anh. Dù thế nào thì anh vẫn sẽ ở đó chuyên tâm đệm đàn, âm thầm soạn nhạc và là linh hồn sáng tạo suốt bao nhiêu năm qua của Postmodern Jukebox.

Scott Bradlee là nhạc sĩ người Mỹ, sinh năm 1981. Anh học piano từ nhỏ nhưng lúc ấy chưa có nhiều hứng thú với âm nhạc. Chỉ đến khi nghe Rhapsody in Blue - một bài hát từ năm 1924 của George Gershwin, mối tình của Bradlee với nhạc jazz mới chớm nở. Trong lúc đám bạn say mê nhạc pop thì cậu bé 12 tuổi Bradlee chỉ đắm đuối với giai điệu của “người tình già” jazz và ragtime.

Tình yêu đó đã thôi thúc Scott Bradlee theo học nhạc jazz và quản lý âm nhạc chuyên nghiệp tại Đại học Hartford. Năm 2009, Bradlee chuyển đến New York và kiếm sống chủ yếu bằng công việc chơi đàn trong các lễ cưới cũng như biểu diễn piano ở các câu lạc bộ nhạc jazz.

Scott Bradlee - Nhạc công piano, nhà soạn nhạc chính của PMJ

Nhận thấy sự phát triển của YouTube, Scott Bradlee đã tạo một kênh âm nhạc của riêng mình. Sau vài giờ đăng tải bản phối những ca khúc nhạc pop theo phong cách ragtime, clip đầu tiên của Scott Bradlee thu hút sự chú ý và được nhà văn Neil Gaiman chia sẻ trên Twitter. Với Bradlee, đây là động lực để anh nghĩ cách đưa âm nhạc của mình vươn ra thế giới.

Từ ý tưởng cover nhạc game hay nhạc phim bằng piano, Scott Bradlee dần dần tiến hành dàn dựng các clip biểu diễn. Ở đó có nữ ca sĩ sở hữu giọng hát cao vút, các nhạc công chuyên nghiệp chơi đàn thổi kèn, và ở đó có những bài hát quen thuộc được làm mới theo phong cách nhạc jazz thời kỳ đầu. Postmodern Jukebox, đứa con tinh thần của Scott Bradlee, đã ra đời như vậy đấy.

Bản cover đưa Postmodern Jukebox đến với khán giả

Gặp được những người cùng chung sở thích và có tình yêu với nhạc jazz, Scott Bradlee bung 100% sức sáng tạo và hiểu biết về jazz suốt 20 năm qua vào từng MV. Thành công đến sớm khi bản cover Thrift Shop nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Được đà xông lên, Scott Bradlee và Postmodern Jukebox mạnh dạn lựa chọn những hit làm mưa làm gió rồi đưa nó quay về nhạc xưa của những năm 1910, 1920. Một số ca khúc cover nổi bật thời kỳ đầu như We Can’t Stop (Miley Cyrus), Call Me Maybe (Carl Rae Jepsen), Rude (Magic!), All About That Bass (Meghan Trainor), v.v...

Những kẻ yêu âm nhạc đến điên cuồng và luôn muốn làm nhạc nghiêm túc sẽ chứng minh họ không phải là một hiện tượng YouTube. Postmodern Jukebox vẫn tiếp tục cover những bản hit từ các ca sĩ nổi tiếng, song song đó, họ cũng mạnh dạn làm mới những ca khúc cũ của thập niên 1980, 1990. Dòng nhạc của Postmodern Jukebox cũng không còn bó hẹp trong jazz và ragtime thời khai sinh nữa, nó đã mở rộng ra đến swing, soul, blue, doo-wop, trải dài từ thập niên 1920 đến 1970.

Chuyến lưu diễn Châu Âu của Postmodern Jukebox

Mỗi một lần mở khóa sáng tạo là thêm một lần Postmodern Jukebox đẩy âm nhạc của họ đi xa hơn thế. Bản pop ballad ngọt ngào Careless Whisper của George Michael, khi được Postmodern Jukebox phối theo dòng nhạc jazz năm 1930 mang đầy tính ngẫu hứng và vui nhộn. Hay như Creep hoang mang và chơi vơi của Radio Head bỗng chốc hóa thành những lời ca đau đớn cứ vướng mắc ở trong lòng. Và cả Mad Word của Tears For Fears đã không còn hơi hướm chạy trốn gấp rút nữa, thay vào đó là sự dửng dưng và buông xuôi trước thế giới điên rồ này.

Postmodern Jukebox không chỉ chú trọng đến âm nhạc mà còn trau chuốt cho phần biểu diễn. Dễ nhận thấy bối cảnh MV đều được thực hiện trong một căn phòng nhỏ, các nhạc công mặc suit lịch thiệp, và các nữ ca sĩ thường mặc váy ôm bó sát quyến rũ, thanh lịch. Dù chỉ ngồi xem trước màn hình máy tính, người nghe vẫn có thể cảm nhận dường như họ đang du hành thời gian quay về đầu thế kỷ 20 và thưởng thức âm nhạc trong một quán nhạc jazz ở ngã tư đại lộ New York.

Gần 10 năm hoạt động, Postmodern Jukebox rốt cuộc đã có một chỗ đứng nhất định trên bản đồ âm nhạc. Từ những MV đạt hàng triệu lượt xem trên YouTube cho đến những chuyến lưu diễn xuyên nước Mỹ, vươn đến Canada và Châu Âu. Từ những màn biểu diễn trong phòng khách chật hẹp của Scott Bradlee, cho đến những MV như thể trích đoạn được cắt ra từ những bộ phim kinh điển của Hollywood kỷ nguyên vàng.

Âm nhạc của Postmodern Jukebox mang sắc thái hoài niệm và cổ điển. Lời khen này vẫn chưa đủ. Bởi vì chúng ta, những người nghe nhạc trẻ tuổi, đâu có sống trong thời đại của jazz thập niên 1920. Và dường như jazz, hay swing, hay ragtime, vẫn là dòng nhạc xa lạ kén người nghe. Vì lẽ đó, khi một ai đấy khen Postmodern Jukebox thì điều đó chỉ đơn giản là nhạc của Postmodern Jukebox hay thật, đáng nghe thật, đến mức chúng ta có thể quên bẵng đi bản gốc EDM xập xình chỉ để “chill” cùng một thứ âm nhạc hóa ra cũng đâu có khó nghe lắm!

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.