• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Cantopop – Một thời vàng son và những ca khúc ‘nhạc Hoa lời Việt’ bất hủ thập niên 90

Âm nhạc

Nhắc đến Hồng Kông thời kỳ hoàng kim là nhắc đến những thước phim lãng mạn bậc nhất của Vương Gia Vệ, những tuyệt tác về xã hội đen, hình sự như Bản Sắc Anh Hùng của Ngô Vũ Sâm, Vô Gian Đạo của Lưu Vĩ Cường.

Hồng Kông không chỉ có thời kỳ điện ảnh rực rỡ, đây từng là vùng đất của nền âm nhạc cực thịnh, làm mưa làm gió ở nhiều quốc gia trên thế giới và cho ra mắt “idol của các idol” như Trương Quốc Vinh, Đàm Vịnh Lân, Mai Diễm Phương, “Tứ đại Thiên Vương” gồm Trương Học Hữu, Lưu Đức Hoa, Quách Phú Thành, Lê Minh.

Những chiếc đĩa Cantopop thời ấy là gia tài của nhiều người

Nhạc đại chúng Hồng Kông, hay nhạc tiếng Quảng Đông, còn được gọi là Cantopop. Với sự bùng nổ của dòng phim TVB (phim truyền hình Hồng Kông), Cantopop như "hổ mọc thêm cánh", thu hút một lượng lớn người hâm mộ từ các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nói không quá khi Cantopop là bệ phóng của một loạt sao Việt gắn với trào lưu nhạc Hoa lời Việt rất thịnh hành những năm 1990.

Cho dù nhiều năm đã trôi qua, những ca khúc nhạc Hoa lời Việt gắn với tên tuổi của Đan Trường, Lam Trường, Ưng Hoàng Phúc, Cẩm Ly, Lệ Quyên... vẫn còn được công chúng nhớ đến và là bài tủ của nhiều người mỗi lần tụ tập karaoke. Dưới đây là 4 ca sĩ Hồng Kông tài năng cũng như những ca khúc Cantopop phổ lời Việt rất được yêu thích của họ qua nhiều thế hệ.

Đàm Vịnh Lân – “Kỳ phùng địch thủ” của Trương Quốc Vinh

Đàm Vịnh Lân là một tượng đài của Cantopop trong suốt ba thập niên 1970, 1980 và 1990. Đàm Vịnh Lân sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã thành lập ban nhạc The Wynners chuyên trình diễn nhiều ca khúc tiếng Anh. Sau đó, Đàm Vịnh Lân giành giải nhất trong một cuộc thi âm nhạc và chính thức bước vào giới giải trí, liên tục xuất hiện trong các chương trình truyền hình của đài TVB.

Năm 1978, The Wynners tan rã, Đàm Vịnh Lân bắt đầu sự nghiệp solo và gặt hái nhiều thành công. Hàng triệu đĩa nhạc được bán ra trên toàn thế giới, hàng trăm concert và tour âm nhạc, những album đình đám, những cơn mưa giải thưởng, con đường âm nhạc trải đầy hoa hồng của Đàm Vịnh Lân quả là mơ ước của bao người ôm mộng cầm mic.

Đàm Vịnh Lân thời trẻ

Muốn biết một người tài giỏi và nổi tiếng đến đâu, hãy nhìn vào đối thủ của anh ta. Kỳ phùng địch thủ của Đàm Vịnh Lân năm đó là Trương Quốc Vinh – “người đi tiên phong của làng nhạc Cantopop”.

Những trận khẩu chiến tung hô, bảo vệ thần tượng thì thời nào cũng có, fangirl và fanboy thời nào cũng đều xuất hiện. Huống hồ Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân đều là những con người xuất chúng trong thời đại của họ nên không thể tránh khỏi cảnh người hâm mộ của hai nghệ sĩ thường xuyên “gây gổ” và ra sức khẳng định thần tượng của mình mới là No.1. Nhìn cảnh tượng như vậy, cộng thêm những bài châm lửa của giới truyền thông, ai cũng đều nghĩ mối quan hệ giữa Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân chính là một núi không thể có hai hổ.

Song, hai ông vua Cantopop đều khẳng định giữa họ chẳng có hiềm khích hay ghét bỏ nào hết. Họ là những người bạn cạnh tranh một cách văn minh thông qua các sản phẩm âm nhạc chất lượng và cùng biểu diễn vui vẻ với nhau khi tham dự chung sự kiện. Năm 1999, Trương Quốc Vinh thậm chí còn kết hợp với 17 ca sĩ khác để thực hiện album Tri Ân Đàm Vịnh Lân.

Đàm Vịnh Lân hát bài Chia Tay Trong Nước Mắt

Tại Việt Nam, Chia Tay Trong Nước Mắt của Đàm Vịnh Lân được biết đến nhiều nhất. Ca khúc này đã được Đan Trường thu âm lại với cái tên Kiếp Ve Sầu và trở thành bản hit đắt giá trong sự nghiệp của “anh Bo”.

Trương Học Hữu - Ca Thần của làng nhạc Cantopop

Trương Học Hữu bén duyên với ca hát sau khi vượt qua 10.000 thí sinh để giành chiến thắng trong một cuộc thi âm nhạc năm 1984. Song tên tuổi của Trương Học Hữu lúc này vẫn chỉ là một nốt trầm bởi lẽ đây là quãng thời gian bùng nổ của Trương Quốc Vinh, Đàm Vịnh Lân và Mai Diễm Phương.

Để duy trì tên tuổi trong giới giải trí, Trương Học Hữu đã tham gia đóng phim và nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Một số bộ phim đáng nhớ của "Thiên Vương" Trương Học Hữu như Vượng Giác Ca Môn, A Phi Chính Truyện, Hào Môn Dạ Yến, v.v...

Ca Thần Trương Học Hữu

Sự nghiệp ca hát của Trương Học Hữu bắt đầu khởi sắc từ năm 1991. Năm 1994, Giải thưởng âm nhạc Billboard ghi nhận Trương Học Hữu là ca sĩ châu Á được yêu thích nhất. Năm 1996, anh được tạp chí TIME bình chọn là một trong 25 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất Hồng Kông thời đại mới.

Thoạt nhìn Trương Học Hữu trông khá bình thường, thậm chí có phần... hài hước. Nhưng khi đứng trên sân khấu, anh liền biến thành Ca Thần dùng giọng hát trữ tình da diết chinh phục hàng triệu trái tim khán giả. Những khúc tình ca của Trương Học Hữu thường gợi hình ảnh người đàn ông si tình, sẵn sàng trao trọn tình cảm cho người con gái mình yêu và nhận về những nỗi đau.

MV Anh Đợi Em Đến Khi Hoa Tàn

Một số ca khúc của Trương Học Hữu đã được phổ lời Việt như Anh Đợi Em Đến Khi Hoa Tàn, Một Ngàn Lý Do Đau Lòng (tựa Việt là Tình Đầu Chưa Nguôi), Sau Khi Chia Tay (ca khúc Giấc Mơ Có Thật của Lệ Quyên), Chiếc Lá Mùa Đông, Chỉ Muốn Theo Em Suốt Đời (tựa Việt là Yêu Em Trọn Đời), Tình Cũ Không Phai (lời Việt là Một Thuở Yêu Người), v.v... Trong đó có ca khúc Nụ Hôn Biệt Ly của Trương Học Hữu thậm chí còn được nhóm Michael Learns To Rock thu âm lại với tên Take Me To Your Heart.

Lưu Đức Hoa - Ảnh Đế hát hay của xứ Cảng Thơm

Lưu Đức Hoa được mệnh danh là Ảnh Đế của Hồng Kông. Danh xưng này quả thực xứng đáng với “Thiên Vương” bởi lẽ anh không chỉ thành công với phim truyền hình TVB mà còn sở hữu nhiều bộ phim điện ảnh cực kỳ chất lượng. Gia tài của Lưu Đức Hoa có thể kể đến Vượng Giác Ca Môn, Thần Bài, Tân Bến Thượng Hải, Vô Gian Đạo, Dì Đào, v.v...

Ảnh Đế Lưu Đức Hoa

Lưu Đức Hoa không chỉ đóng phim giỏi mà còn hát hay. Anh thường là người thể hiện các ca khúc trong bộ phim của mình và sở hữu sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ không kém các nghệ sĩ cùng thế hệ.

Lưu Đức Hoa bắt đầu ca hát từ năm 1985, nhưng cũng như Trương Học Hữu, giọng hát của anh chưa được chú ý vào thời gian này. Chỉ đến khi quay lại sân chơi âm nhạc vào năm 1990, Lưu Đức Hoa mới thực sự gây ấn tượng và có những bước tiến rất xa. Anh là một trong số những ca sĩ Cantopop thành công nhất thập niên 1990 tại Hồng Kông.

Lưu Đức Hoa trình diễn Âm Thầm Mê Mẩn trong concert

Lưu Đức Hoa sở hữu giọng hát trầm ấm, vững chắc, toát ra từ chính khí chất nam tính của bản thân. Một số ca khúc của Lưu Đức Hoa đã được phổ lời Việt như Nào Ai Biết, Âm Thầm Mê Mẩn (ca khúc Những Lời Dối Gian của Lam Trường), nhạc phim Vô Gian Đạo (ca khúc Đàn Ông Không Được Quên... Hết Tình Còn Nghĩa của Ưng Hoàng Phúc), Những Tháng Ngày Bên Nhau (tựa Việt là Tình Nhạt Phai), Giả Tạo (tựa Việt là Tình Băng Giá), v.v...

Vương Kiệt – Ánh hào quang chỉ còn trong dĩ vãng

Vương Kiệt từng có một tuổi thơ thiếu vắng tình thương gia đình và những năm tháng tuổi trẻ cực khổ. Anh từng làm rất nhiều công việc khác nhau như tài xế taxi, chuyển phát, bồi bàn, đầu bếp, bartender, dạy trượt băng, Tae Kwon Do. Vương Kiệt cũng dành ba năm thực hiện nghĩa vụ trong quân đội Đài Loan.

Bước đệm để Vương Kiệt đặt chân vào giới giải trí là sáng tác ca khúc cho một số ca sĩ. Tháng 12 năm 1987, Vương Kiệt chính thức phát hành album đầu tay của mình mang tên A Game A Dream. Album nhanh chóng bán được hơn 500.000 bản, mang lại danh tiếng cho Vương Kiệt khi ấy mới 25 tuổi.

Bìa đĩa của Vương Kiệt

Vương Kiệt gây ấn tượng với gương mặt điển trai, đôi mắt buồn rười rượi cùng giọng hát chất chứa bao nỗi niềm tâm sự. Những ca khúc của chàng trai trẻ luôn mang sắc thái buồn thảm, bi ai, não lòng được nhiều người đón nhận và yêu thích. Chắc hẳn ai cũng từng có một thời si mê hình ảnh Vương Kiệt mặc áo khoác da, vừa chơi guitar vừa thể hiện ca khúc Ai Hiểu Lòng Lãng Tử?.

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 là khoảng thời gian đỉnh cao của Vương Kiệt. Rất nhiều bài hát của anh trở thành ca khúc chủ đề cho những bộ phim truyền hình của đài TVB. Sức ảnh hưởng của anh lan rộng sang cả các nước châu Á như Singapore, Malaysia và Trung Quốc.

Tuy nhiên, danh tiếng của Vương Kiệt bỗng dưng chững lại và lâm vào ngõ cụt. Vương Kiệt cho biết nguyên nhân khiến anh lâm vào tình cảnh này là do bị hạ độc thủy ngân vào rượu, dẫn đến thanh quản và yết hầu hư hỏng, ảnh hưởng đến chất giọng. Vương Kiệt cũng chia sẻ thêm anh biết ai là thủ phạm nhưng anh không muốn phanh phui sự việc. Năm 2017, sau một thời gian dài cống hiến cho âm nhạc và giọng hát bị tổn thương nghiêm trọng, Vương Kiệt thông báo sẽ giải nghệ.

Vương Kiệt trình diễn Thương Tâm trong concert

Ở Việt Nam, một số ca khúc của Vương Kiệt được phổ Việt như Ai Hiểu Lòng Lãng Tử (ca khúc Vì Sao Trong Lòng Tôi của Ưng Hoàng Phúc), Phong Tỏa Anh Một Kiếp (ca khúc Tâm Hồn Xao Động của Đan Trường), Quên Anh Quên Em (ca khúc Tìm Đâu Dấu Yêu Xưa của Đan Trường), Thương Tâm (tựa Việt là Liều Thuốc Cho Trái Tim), Tình Nguyện Mất Tự Do (tựa Việt là Vầng Trăng Đêm Trôi), v.v...

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.