• Về đầu trang
Vàng Anh
Vàng Anh

7 chi tiết phim ảnh do đạo diễn hơi 'bay bay' khiến người xem lầm tưởng về không gian ngoài vũ trụ

Phim ảnh

Trong vòng 50 năm qua, khoa học đã trở nên vô cùng tiến bộ khi khám phá ra được Hố Đen, các hành tinh bên ngoài Thái Dương hệ hay Dải Ngân hà. Các bộ phim lấy đề tài không gian cũng vì thế mà xuất hiện ngày một nhiều hơn. Song, điện ảnh vẫn mang đến những kiến thức vô cùng sai lầm về vũ trụ và sự sống ngoài hành tinh.

1. Những màn cháy nổ hoành tráng trong Star Wars

Còn gì ấn tượng hơn hình ảnh những chiếc TIE và X-Wing bắn nhau tung tóe hay các chiến hạm Star Destroyer phát nổ dữ dội trong cuộc chiến Ngân hà. Trên thực tế thì không hề có chuyện đó đâu. Cuộc chiến ở một "Ngân hà xa xôi" nào đó sẽ chẳng có nét gì giống với loạt phim Star Wars cả.

Đầu tiên là vũ trụ không hề có khí oxy nên sẽ chẳng có tia lửa nào cả. Hiển nhiên là thiếu vắng không khí cũng dẫn đến việc âm thanh không lan truyền được. Các nhà làm phim Star Wars hẳn chỉ tập trung vào mức độ hoành tráng thay vì chân thực. Bởi lẽ ngoài đời, các trận chiến không gian chỉ là hình ảnh từng con tàu từ từ vỡ nát trong im lặng mà thôi.

2. Trọng lực không phải chỉ cần nhấn nút là xong - Passengers (2016)

Ngoài Passengers, nhiều bộ phim Hollywood khác cũng phạm phải lỗi sai nghiêm trọng này. Trong phim, lực hấp dẫn trên Avalon có được nhờ liên tục quay với tốc độ cao trong không gian. Khi con tàu ngừng quay đột ngột, trọng lực ngay lập tức trở về số 0. Tuy nhiên, tốc độ cao như vậy cộng với việc không hề có không khí và ma sát sẽ khiến con tàu khó lòng dừng ngay lập tức. Thực tế cần một lực cản cực lớn mới có thể khiến Avalon ngừng quay. Do đó mà trọng lực vẫn sẽ tồn tại trong một thời gian dài sau đó.

Khi đó, Jim (Chris Pratt) chỉ cần nhấn nút là trọng lực lại quay trở lại. Đây tiếp tục là một sai lầm khủng khiếp khi phải mất rất nhiều thời gian để con tàu lớn như Avalon quay đủ nhanh và tạo lực hấp dẫn cần thiết. Nếu đúng như trong Passengers, nhân vật của Jennifer Lawrence đã chết đuối từ lâu. Ngoài chi tiết trên, phim đã làm đúng hình ảnh nước trong hồ đột ngột biến thành một quả cầu ngay giữa không trung nếu không còn bất kỳ trọng lực gì.

3. Gió trên Sao Hỏa chẳng to như trong The Martian (2015)

Trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Andy Weir là The Martian (2015), Mark Watney (Matt Damon) và phi hành đoàn mắc kẹt trong một cơn bão bụi ở Sao Hỏa. Chắc chắn, đây là một cách khá ấn tượng để tách Watney khỏi nhóm và để anh ta một mình trên hành tinh đỏ, nhưng thực tế có đúng không? KHÔNG.

Sao Hỏa đúng là có những cơn bão bụi. Tuy nhiên, bầu khí quyển của hành tinh này mỏng đến mức khó tin (khoảng 1% mật độ của Trái Đất). Vì vậy, ngay cả khi gió đang thổi với tốc độ "bàn thờ", bạn có thể không cảm thấy gì nhiều khi đi bộ trên bề mặt hành tinh. Điều này có nghĩa là gần như không có cách nào gió có thể phá vỡ một đĩa vệ tinh và đánh gục diễn viên hạng A của Hollywood giống như trong phim.

4. Những chiếc xe tự hành trong Ad Astra (2019)

Ad Astra có lẽ một trong những bộ phim không gian ấn tượng nhất vài năm trở lại đây. Tác phẩm đã miêu tả khá thực tế việc du hành vũ trụ sẽ ra sao ở cuối thế kỷ 21 khi các chuyến đi lên Mặt Trăng đã trở nên phổ biến, hay có cả một cơ sở cho con người trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc xe tự hành thì không được chuẩn xác cho lắm.

Lý do là vì những phương tiện này vốn được thiết kế một cách gấp gáp để các phi hành gia có thể khám phá Mặt Trăng. Chúng chắc chắn sẽ bị loại bỏ trong bối cảnh công nghệ tiên tiến như trong Ad Astra. Nói nôm na là tác phẩm hệt như Fast and Furious nhưng dùng những con xe từ năm 1910 vậy.

5. Hành động của các phi hành gia trong Gravity (2013)

Trong cảnh mở màn của Gravity, Trung úy Matt Kowalski (George Clooney) và Tiến sĩ Ryan Stone (Sandra Bullock) bị mắc kẹt giữa một cơn mưa mảnh vụn không gian ở tốc độ cao khi cố gắng sửa Kính viễn vọng Hubble. Hầu hết khán giả sẽ tỏ ra kinh ngạc trước những hiệu ứng hình ảnh ngoạn mục từ đạo diễn Alfonso Cuarón. Nhưng khi nhìn kỹ lại thì hành động của bộ đôi nhân vật chính hoàn toàn phi thực tế.

Đầu tiên, họ liên tục la hét xin sự trợ giúp của Houston. Tuy nhiên, Houston chắc chắn chả giúp gì được cho cả hai trong tình huống quái đản cách mặt đất hàng chục nghìn km này. Tiếp theo, Kowalski liên tục gọi bạn đồng nghiệp là Tiến sĩ Stone và đặt các câu hỏi đời tư cho thấy cả hai chỉ vừa mới quen biết. Trên thực tế, họ đã phải có vài tháng cùng nhau luyện tập cho nhiệm vụ khó khăn này.

6. Chẳng ai bị đóng băng nhanh như thế ngoài không gian cả

Hình ảnh nhân vật yêu thích nhanh chóng đóng băng ngoài không gian chẳng phải cảm động lắm sao? Do đó mà cái chết của Woody Blake (Tim Robbins) trong Mission to Mars (2000) và Yondu (Michael Rooker) trong Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017) đã lấy đi nước mắt của nhiều fan. Trên thực tế, nhiệt lượng sẽ không thoát ra khỏi cơ thể nhanh nên sẽ mất rất nhiều thời gian để con người đóng băng.

Ngoài ra, chúng ta cũng chẳng nổ tung như nhiều bộ phim khác dù không khí trong phổi sẽ giãn ra và có thể gây rách một số nơi. Vậy nếu ra ngoài không gian mà không có đồ bảo hộ sẽ thế nào? Tin vui là bạn sẽ chỉ chết ngạt trong khoảng 90 giây mà thôi. Còn việc đóng băng hay rách da thịt thì mãi sau đó lận. Nên không có gì phải lo lắng cả.

7. Mọi thứ trong Armageddon (1998)

Armageddon nên được đưa vào giảng dạy về những lỗi lầm tuyệt đối không nên mắc phải nếu làm phim về không gian. Câu chuyện đào tạo một nhóm thợ khoan để bay lên vũ trụ phá hủy viên thiên thạch đang lao vào Trái Đất nghe sai từ mọi khía cạnh. Trước hết, phi hành đoàn của hai tàu Freedom và Independence đều có thể nói chuyện với kiểm soát viên như thông thường trong khi lẽ ra phải có độ trễ khoảng vài giây. Ngoài ra, các động cơ ở phía sau tàu liên tục chạy, điều này là bất khả thi nếu không có nguồn cung cấp nhiên liệu lớn.

Về phần viên thiên thạch, nó lẽ ra phải được phát hiện từ nhiều tháng trước với kích thước to như thế chứ không phải chỉ 18 ngày. Ngay cả Michael Bay cũng phải thừa nhận rằng phim chả có tính thực tế gì mà chỉ đánh vào kỹ xảo thôi. Ngoài ra, bạn đừng hỏi những câu đại loại như "vì sao không dạy các phi hành gia cách khoan thay vì dạy thợ khoan cách du hành vũ trụ" như Ben Affleck nhé. Nếu không bạn sẽ được "anh Bảy" tặng cho câu: "Ngậm mồm vào!"

Theo: Whatculture
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.