• Về đầu trang
Vàng Anh
Vàng Anh

8 bộ phim 'thách bạn ngủ ngon' tới từ vị trí Nhật Bản cho các tín đồ kinh dị

Phim ảnh

Phim kinh dị Nhật không chỉ nổi tiếng về độ máu me, hù dọa khán giả mà còn thể hiện sự sáng tạo vô biên của các đạo diễn. Nhiều tác phẩm xuất sắc của "xứ sở manga" đã được Hollywood làm lại và gặt hái nhiều thành công. Song, mỗi năm họ vẫn cho ra mắt những bộ phim mới vô cùng ấn tượng khác.

1. As The Gods Will (Kami-sama no Iu Tōri, 2014)

As The Gods Will được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên vô cùng ăn khách của Nhật Bản. Phim bắt đầu vào một ngày bình thường như mọi ngày ở lớp học. Shun (Sota Fukushi) và các bạn học chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi đầu của thầy giáo nổ tung rồi từ đó chui ra một con búp bê Kurama. Họ buộc phải tham gia vào một trò chơi sinh tử mà mỗi bước đi đều phải trả giá bằng mạng sống.

Tuy nhiên, không chỉ có lớp học của Shun mà toàn thể các ngôi trường ở Nhật đều gặp tình trạng tương tự do một kẻ tự xưng là Chúa trời gây nên. Phim không chỉ tàn bạo, đẫm máu và kịch tính mà còn vô cùng giải trí khi biến đổi những trò chơi dân gian hài hước thành cái bẫy ghê rợn. As The Gods Will mang về 1,5 triệu USD ở Nhật ngay tuần đầu ra mắt nhưng mãi vẫn chưa có phần tiếp theo.

2. Battle Royale (Batoru Rowaiaru, 2000)

Từ bộ tiểu thuyết của Koushun Takami ra mắt năm 1999, Battle Royale được chuyển thể thành phim và sau đó là manga vào năm 2003. Tác phẩm xoay quanh một xã hội Nhật Bản rối ren - nơi mỗi năm một lớp học bất kì bị chọn để đưa lên hoang đảo. Tại đây, các học sinh buộc phải tìm cách sinh tồn giữa thiên nhiên và giết chóc lẫn nhau vì chỉ có duy nhất một người được phép thoát khỏi đảo.

Bạo lực, máu me và đau thương là những gì dùng để mô tả Battle Royale khi những người bạn thân buộc phải nghi kị và trở mặt với nhau. Tác phẩm đã thành công tạo ra một thể loại mới như bộ tiểu thuyết The Hunger Games, tựa game đình đám PUBG, Fortnite hay Call of Duty: Warzone,...

3. Audition (Ōdishon, 1999)

Không phải tựa game nhảy nhót vui vẻ gắn với thế hệ 8x 9x, Audition là một bộ phim kinh dị thuộc hàng ghê rợn nhất của điện ảnh Nhật Bản và có nhiều ảnh hưởng đến hàng loạt đạo diễn và các tác phẩm khác sau này. Nửa đầu phim không hề có bất cứ hình ảnh đáng sợ nào nhưng Takashi Miike đã khéo léo cài cắm nhiều chi tiết ẩn để đoạn kết phim là một cơn ác mộng thật sự.

Màn trả thù gây sốc của cô gái tưởng chừng dịu dàng, đáng yêu hội đủ sự bạo lực, tàn nhẫn và nỗi sợ hãi kinh hoàng đến ngộp thở. Audition chính là một thử thách thật sự cho cả những tín đồ kinh dị nặng đô nhất. Nội dung phim xoay quanh một người đàn ông trung niên góa vợ nên muốn tìm bạn gái. Ông nhờ người bạn tổ chức một buổi tuyển chọn diễn viên giả nhằm tìm những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Trong đó, một cựu diễn viên múa ballet đã khiến trái tim ông xao xuyến...

4. Pulse (Kairo, 2001)

Là một quốc gia mang nhiều tư tưởng truyền thống, người Nhật đa phần rất sợ những thứ liên quan đến công nghệ hiện đại. Pulse là một trong số này khi xoay quanh những bóng ma bí ẩn xâm chiếm thế giới con người thông qua mạng internet. Với độ phủ sóng dày đặc đến từng ngóc ngách thì những linh hồn này gần như có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ mọi thiết bị di động.

Phim không chỉ rùng rợn và ám ảnh với nhiều yếu tố jump-scare và âm thanh sống động mà còn khiến chúng ta nhận ra rằng bản thân đã quá phụ thuộc vào công nghệ. Để rồi khi thảm họa xảy ra, con người không còn cách nào để sống sót và chỉ còn cách chìm vào bóng đêm. Tiếc thay, phiên bản làm lại cùng tên của Mỹ vào năm 2006 lại không đủ sức nặng như nguyên tác.

5. Ring (Ringu, 1998)

The Ring (2002) là một trong những phim kinh dị hiếm hoi được Hollywood làm lại có chất lượng không thua kém gì bản gốc. Tuy nhiên, hai loạt phim về sau dần đi theo những hướng khác nhau. Bản gốc Ringu được chuyển thể từ tiểu thuyết Ring (1991) của Koji Suzuki. Tác phẩm cũng thể hiện nỗi sợ công nghệ của người Nhật mà cụ thể ở đây là TV và những chiếc băng V/H/S thịnh hành lúc bấy giờ.

Ý tưởng về một cuốn phim bị nguyền rủa, bóng ma chui ra khỏi chiếc TV tự bật đã khiến một bộ phận khán giả không dám dùng thiết bị này trong một thời gian sau đó. Ringu cũng là tác phẩm tiêu biểu cho dòng phim kinh dị Nhật Bản với hình ảnh ma nữ trắng nhợt nhạt, cơ thể méo mó và phát ra âm thanh ghê rợn từ từ dồn con mồi vào góc chết. Nỗi kinh hoàng kéo dài đến mức đứng tim là cảm xúc chủ đạo của người xem nhất.

6. One Cut of the Dead (Kamera o Tomeru na!, 2017)

One Cut Of the Dead là bộ phim kinh dị kinh phí thấp với chỉ 3 triệu Yên ~ 25.000 USD nhưng lại thu về đến hơn 3 tỷ Yên ở Nhật và 31,2 triệu USD trên toàn thế giới. Nội dung tác phẩm cũng khá đơn giản khi xoay quanh một đoàn phim đang thực hiện một series về xác sống thì đụng trúng ngay đại dịch zombie thật.

Song, điểm thú vị của bộ phim nằm ở tiêu đề, chính là việc mọi tình tiết đều được thể hiện qua màn hình máy quay phim của nhân vật và chỉ trong một cú quay dài từ đầu đến cuối. Ngoài ra, kịch bản của One Cut of the Dead được xây dựng vô cùng thông minh khi vừa kết hợp được sự máu me và kịch tính của thể loại xác sống nhưng cũng rất hài hước, trào phúng.

7. Ju-On: The Grudge (2002)

Nhắc đến Ringu mà không đề cập tới Ju-On quả là một sai lầm. Trên thực tế, Ju-On: The Grudge là phần thứ ba của thương hiệu do Takashi Shimizu tạo ra. Lời nguyền đáng sợ bắt đầu từ hai tập phim ngắn Katasumi4444444444 (1998) rồi đến Ju-On: The CurseJu-On: The Curse 2 cùng năm 2000. Phim xoay quanh Kayako và con trai Toshio bị chồng Takeo giết hại tàn nhẫn. Hồn ma của họ chứa đầy thù hận và giết chết bất kì ai dám bước chân vào ngôi nhà.

Loạt phim Ju-On có phong cách hù dọa hệt như Ringu với những trường đoạn kinh dị kéo dài, tạo hình ác ma ghê rợn và âm thanh dội thẳng vào tim. Tuy nhiên, thương hiệu này tỏ ra vượt trội hơn ở phần ý tưởng. Nếu như lời nguyền của Sadako có thể giải được và buộc phải tiến hóa khi con người dần bỏ qua băng VHS thì Kayako vẫn lây lan như một loại virus. Ai trúng lời nguyền thì cầm chắc cái chết kinh hoàng cho mình và cả những người xung quanh xấu số.

8. Suicide Club (Jisatsu Sākuru, 2001)

Ngay những phút đầu đầu, Suicide Club đã khiến người xem rợn tóc gáy bởi màn tự sát tập thể của 54 nữ sinh cùng nhau nắm tay nhảy xuống đầu xe lửa. Mọi thứ chưa dừng lại ở đây, làn sóng tự tử này diễn ra trên khắp Nhật Bản và dường như có liên hệ với một giáo phái bí ẩn. Từ đây, nhiều sự kiện bất ngờ và khó đoán dần xuất hiện.

Song, sự ghê rợn của tác phẩm do Sion Sono cầm trịch còn đến từ những hình ảnh máu me chân thật đến ghê tởm của những nạn nhân tự sát hay hàng loạt câu hỏi không lời đáp. Những sự thật kinh hoàng, những mặt trái đen tối của xã hội để lại rất nhiều ám ảnh cho khán giả.

Theo: Whatculture
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.