• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Joker 2019': Đào sâu vào những chi tiết nền tảng giúp khán giả hiểu phim hơn

Phim ảnh

Nếu bạn do dự chưa quyết định xem Joker của đạo diễn Todd Phillips hoặc đã xem rồi nhưng cảm thấy rất "khó nuốt" thì có thể là do bạn chưa đọc qua một số chi tiết cốt yếu làm nền tảng để xây dựng nên bộ phim. Bài viết này sẽ liệt kê một cách dễ nắm bắt nhất những chi tiết quan trọng, giúp người xem phổ thông có thể đạt được một trải nghiệm tốt khi xem phim.

Hãy đặt lên khuôn mặt một nụ cười và chuẩn bị sống trong thời khắc đen tối nhất nước Mỹ cùng gã hề của Joaquin Phoenix.

Những nguyên liệu đắt giá nhất được đạo diễn Todd Phillips sử dụng trong Joker bao gồm:

1. Bối cảnh đại suy thoái 1970s - 1980s: Hậu quả dai dẳng của khủng hoảng dầu mỏ 1973, sự ảm đạm và chia rẽ sau chiến tranh Việt Nam 1975 và đặc biệt là đại suy thoái đầu thập niên 80 do khủng hoảng năng lượng bởi ảnh hưởng của chiến tranh Iran - Iraq.

2. Phong cách phim của đạo diễn Martin Scorsese (Todd Phillips coi Scorsese như một người thầy), cụ thể là từ phim King of ComedyTaxi Driver (2 phim đều có mặt diễn viên gạo cội Robert De Niro - vai Franklin Murray).

3. Thuyết One Bad Day trong tác phẩm truyện/hoạt hình The Killing Joke - lý giải cách mà Joker biến thành kẻ xấu.

4. Một số chi tiết tri ân cho cách xây dựng bối cảnh thành phố Gotham của loạt game Batman Arkham.

5. Bài hát "Send In the Clowns". Tựa phim hài Modern Times của danh hài Charlie Chaplin.

Vì sao lại là bối cảnh thập niên 70s - 80s?

Năm 1973, xảy ra "khủng hoảng dầu lửa", cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài này là hậu quả của việc giá dầu tăng gấp bốn lần, trong khi việc chính phủ bỏ ra hàng nghìn tỷ USD vào chiến tranh Việt Nam để rồi thất bại ê chề. Cuối cùng dẫn đến tình trạng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Sau 1975, trong khi hậu quả chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kịp khắc phục, nước Mỹ lại bị cuốn vào một tai ương mới khi Iran và Iraq (2 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới) đánh nhau tơi bời, giá dầu lại càng không ổn định. Sau chiến tranh, chính phủ Iran mới lên nắm quyền, họ cho rằng Mỹ đã cố ý can thiệp và gây rối nội bộ nên đã hạn chế xuất khẩu dầu, bán với giá đắt hơn cho Mỹ.

Người biểu tình chống chính quyền những năm 70s.

Bối cảnh Joker 2019 được tái hiện ở thời điểm 1980 - 1982, là giai đoạn đen tối nhất của nước Mỹ trong vòng mấy chục năm qua. Lúc này, người Mỹ thất nghiệp, các chính sách phúc lợi xã hội bị cắt bỏ, họ biểu tình ở khắp nơi. Thậm chí công nhân quét rác đình công, rác thải không ai quét dọn chất đống trên đường, chuột bọ phát triển phá hại tràn lan (chi tiết này sẽ được nhắc tới bởi lời dẫn ở đầu phim Joker).

Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp thua lỗ phải bán tống bán tháo, những dịch vụ quảng cáo lại được ưa chuộng để giúp bán hàng thuận lợi (đó là lý do mà công ty cung cấp dịch vụ chú hề hoạt náo nơi Arthur Fleck làm việc khá đắt show). Thêm nữa, tỷ lệ tội phạm ở các thành phố lớn ngày càng tăng, mọi người đều căng thẳng, một người văn minh cũng dễ dàng trở thành những kẻ khốn nạn tàn nhẫn. Mâu thuẫn giàu nghèo bị đẩy lên cực độ, kẻ giàu sống hời hợt, người lao động thì chết rục trong xó nhà.

Người thất nghiệp biểu tình yêu cầu công việc những năm 80s.

Nếu nhân vật chính Arthur Fleck của chúng ta sống trong thời Obama làm tổng thống thì anh ta ít nhất sẽ có chế độ bảo hiểm y tế không tồi, còn ở nhiệm kỳ của Trump, khả năng cao Arthur sẽ có nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn. Nếu điều đó xảy ra, nếu không phải là bối cảnh 1970 - 1980 thì có lẽ đã không xuất hiện "hoàng tử tội phạm" Joker. Thành thực mà nói, nếu không đặt nhân vật vào tình huống cực đoan như vậy thì sự chuyển hóa của Arthur Fleck sẽ trở nên kém thuyết phục hơn.

Khi chia sẻ với trang phim Screenrant, đạo diễn Todd Phillips có nói:

Bằng một cách kỳ lạ, tựa phim này như là nhắc nhớ đến giai đoạn lịch sử đó (1970 - 1980).

Di sản của Martin Scorsese

Lost Bird sẽ giải thích một ít về 2 phim Taxi Driver và King of Comedy trong trường hợp bạn đọc chưa xem 2 phim này. Todd Phillips kế thừa di sản từ người thầy Martin Scorsese, sử dụng những gì có sẵn trong 2 tựa phim tiêu biểu kể trên, kết hợp nó một cách hài hòa để tạo nên bộ khung xương cho Joker của Joaquin Phoenix.

King of Comedy - Tượng trưng cho khát khao được người khác chú ý đến

The King of Comedy - bộ cánh hài kịch sĩ màu đỏ này các bạn thấy quen chứ?

Tương tự như nhân vật chính trong King of Comedy, Arthur Fleck mơ ước trở thành một hài kịch sĩ có nhiều khán giả ái mộ, anh chỉ mong ước mang tiếng cười đến cho mọi người để xoa dịu những nỗi đau trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ngay lúc Arthur tưởng chừng như anh đã được đón nhận, Franklin Murray đã mang anh ra làm trò cười vớ vẩn. Arthur từng hâm mộ Franklin Murray nhưng sau đó cảm thấy bị phản bội.

Taxi Driver - Sự tương đồng trong suy nghĩ và góc nhìn tiêu cực

Taxi Driver

Nhân vật chính trong Taxi Driver (Travis Bickle - do Robert De Niro đóng) có câu thoại quan trọng: "I got some bad ideas in my head." (tôi có vài ý nghĩ xấu trong đầu), trong khi đó câu tương tự của Arthur Fleck là: "All i have are negative thoughts." (tất cả những gì tôi có là suy nghĩ tiêu cực).

Cả hai nhân vật Travis Bickle và Arthur Fleck đều có vấn đề về tâm lý, Travis mắc hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), còn Arthur có chứng cười mãi không thôi mỗi khi bị kích động, cho dù lý trí anh hoàn toàn nhận ra là không nên cười.

Hãy chú ý tư thế chỉ tay vào đầu của Robert De Niro trong poster trên, nó sẽ được tái hiện không chỉ một lần trong Joker của Todd Phillips.

Về sau, mặc dù tình huống có chút khác biệt nhưng cả Travis lẫn Arthur đều thông qua việc giết người mà giải quyết được vấn đề của mình. Lưu ý, chi tiết dùng tay giả làm súng rồi đưa lên đầu tự sát được tái hiện trong Joker hoàn toàn là một chi tiết tri ân đến Taxi Driver.

Thuyết One Bad Day

Bạn đã xem phim hoạt hình The Killing Joke chưa?

Thuyết "one bad day" về cách mà Joker sa ngã từng được nhắc đến trong hoạt hình The Killing Joke của Brian Bolland tạo cảm hứng không ít cho Joker 2019. Theo đó, Joker đã nói cho Batman minh bạch một chuyện:

Tất cả những gì xảy ra chỉ đơn giản là một ngày tồi tệ mà thôi, nó có thể biến người đàn ông hiền hòa nhất trở nên điên loạn. Thế giới mà tao biết nó đã đến mức như thế đó. Chỉ cần một ngày tồi tệ thôi.

Câu thoại có chứa cụm "một ngày tồi tệ" sẽ xuất hiện trong Joker 2019.

Những cảnh quen thuộc đối fan của dòng game Batman

Màu sắc, cách bày trí bối cảnh của Joker có sự tương đồng với những gì người chơi đã trải nghiệm trong loạt game Batman Arkham (cũng của Warner Bros. phát hành). Trái ngược với khung cảnh nhiều ánh sáng, rõ ràng và tương phản trong trilogy The Dark Knight của Nolan, Joker của Todd Phillips tái hiện thành công khung cảnh Gotham gần như chuẩn mực so với loạt game.

Screenshot game Batman Arkham Knight.

Những làn khói mờ ảo, những chiếc taxi kiểu cũ màu vàng, ánh đèn neon leo lét, những bức tường, nhà ga, tàu điện đầy những hình vẽ graffiti nguệch ngoạc. Bọn tội phạm tràn lan khắp các góc tối của thành phố, rồi chúng đốt pháo sáng, bom xăng, cầm gậy bóng chày, đập phá, cướp bóc trên mọi nẻo đường. Tất cả đều được tái hiện chân thật vào đoạn cuối của Joker 2019.

Những kẻ nổi loạn xâm chiếm đường phố.

Send In the Clowns

Send In The Clowns là bài hát nổi tiếng được viết bởi Steven Sondheim vào năm 1973 (cũng là năm đầu khủng hoảng dầu mỏ đã nhắc đến ở trên). Bài hát vốn được trình bày tại vở ca nhạc kịch A Little Night Music với vai nữ chính là nghệ sĩ Desiree Armfeldt - một người dành cả cuộc đời của mình để diễn và biến nhân vật của mình trở nên sống động.

Theo đuổi sự nghiệp, Desiree Armfeldt cảm thấy cô đơn, cô muốn kết hôn với Frederik - người đàn ông đã yêu cô trong nhiều năm. Vấn đề là Frederik đã có gia đình, bất kể có yêu Desiree thì anh cũng không bỏ vợ để đi theo tình nhân được. Như vậy, cuối cùng dù có đạt được sự nghiệp chói lọi thì hạnh phúc vẫn không thể với tới được.

A Little Night Music

Chúng ta có thể liên hệ đến Arthur Fleck, một con người nhân hậu và cống hiến cho sự nghiệp hài kịch sĩ, thế nhưng anh bàng hoàng khi biết đó chỉ là trò đùa trong mắt người khác. Vào gần cuối phim, Arthur có cơ hội được đứng trên sân khấu lớn, lên sóng truyền hình trong chương trình được yêu thích của Franklin Murray. Điều này từng là mơ ước của anh nhưng Arthur nhận ra bản chất dối trá của tất cả mọi thứ, anh quyết định lật ngửa ván bài với "kẻ chưa từng rời khỏi phòng thu" Franklin Murray - kẻ chính là một gã hề giả dối.

Send In The Clowns

Như vậy, Send In The Clowns không phải là một bài hát về lũ hề, nó vốn nói về sự thất vọng, buồn thảm và cuối cùng là giận dữ. Tác giả bài hát, nhạc sĩ Steven Sondheim cũng từng xác nhận rằng, "clowns" trong bài hát không liên quan gì đến gã hề, nó có nghĩa ám chỉ là "fools" - những kẻ ngốc.

Modern Times - Charlie Chaplin

Xuất phẩm hài nổi tiếng của "Vua hề Sác-lô" được ra mắt năm 1936, là bộ phim châm biếm sự phân cấp giàu nghèo được bộc lộ rõ rệt trong đại suy thoái 1930 (nước Mỹ gắn liền với những cuộc đại suy thoái, có thể với người Việt Nam chúng ta sẽ không hiểu được cảm giác của họ nhưng người Mỹ luôn nhạy cảm mỗi khi nhắc đến suy thoái kinh tế).

Banner quảng cáo phim Modern Times trước nhà hát lớn của thành phố Gotham.

Trong bối cảnh đó, những chính trị gia, tài phiệt giàu có tuy luôn tuyên truyền rằng sẽ mang đến cuộc sống ấm no cho người dân nhưng lại chỉ biết lo cho đời sống của riêng mình (như Thomas Wayne trong phim, gã là một kẻ lừa dối, luôn nói lời hay ý đẹp trên TV nhưng không hề làm một điều gì thiết thực cho người dân Gotham). Có thể thấy cảnh tương phản khi người dân đói rách biểu tình bên ngoài, còn Thomas Wayne và gia đình thì vui vẻ xem phim trong nhà hát, không hề quan tâm đến số phận của những kẻ đang gào khóc bên ngoài.

Charlie Chaplin đã truyền cảm hứng cho Joker của Joaquin Phoenix.

Một điều thú vị nữa là Charlie Chaplin cũng có xuất thân nghèo khó như Arthur Fleck, ông cũng có vấn đề về tâm lý, bị nghi vấn là mắc bệnh tâm thần.

Lời Kết

Bài viết này không phải là bài đánh giá, chỉ đơn giản là một số phân tích, gợi ý và hướng dẫn để người xem phổ thông có thể tiếp cận Joker của Joaquin Phoenix dễ dàng hơn một chút. Thực sự thì đạo diễn Todd Phillips hoàn toàn không tạo ra chất liệu gì mới mà chỉ tái sử dụng nhiều thứ đã có sẵn để phối hợp một cách tài tình, biến tất cả thành một sân khấu để Joaquin Phoenix trổ tài diễn xuất quỷ khốc thần sầu!

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.