• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Lý do kỳ lạ khiến các bộ phim gia đình bị cấm chiếu

Phim ảnh

Phim của anh em Marx (Đức)

Anh em Marx là một nhóm diễn viên hài nổi tiếng trong nửa đầu thế kỷ 20. Từ năm 1905 đến 1949, họ đã thực hiện mười ba bộ phim và một vài trong số đó còn được coi là những tác phẩm hài hước nhất mọi thời đại. Nhưng nếu bạn sống ở Đức trong khoảng từ năm 1933 đến 1945, bạn sẽ không thể xem bất cứ phim nào của họ. Lý do là vì diễn viên trong nhóm là người Do Thái. Tuy nhiên, Đức không phải là quốc gia duy nhất cấm các bộ phim của họ. Ý đã cấm bộ phim Duck Soup của nhóm vì Thủ tướng Benito Mussolini coi nó là một sự xúc phạm với ông, và Ireland thì cấm bộ phim Monkey Business vì cho rằng nó quảng bá cho chủ nghĩa vô chính phủ.

Beauty and the Beast (Kuwait và Malaysia)

Trước khi phiên bản live-action của Beauty và the Beast được ra mắt, đạo diễn Bill Condon đã hé lộ rằng sẽ có một nhân vật thuộc cộng đồng LGBT trong phim. Ngay sau đó, hai quốc gia có đa phần dân theo đạo Hồi là Kuwait và Malaysia đã cấm bộ phim vì nội dung đồng tính luyến ái, cho dù cảnh duy nhất có đề cập đến chuyện này là đoạn phim có hai người đàn ông nhảy múa dài 3 giây. Tuy nhiên, sau này, Malaysia đã bật đèn xanh cho phiên bản chưa cắt của bộ phim và phát hành nó với rating PG13. Nói về chuyện này, Bộ Nội vụ Malaysia cho biết rằng yếu tố đồng tính trong phim không đáng kể và không gây ảnh hưởng đến thông điệp tích cực của nó.

The Barnyard Battle (Đức)

Năm 1929, Đức đã kiểm duyệt bộ phim ngắn The Barnyard Battle đến từ Disney. Nguyên nhân là trong phân cảnh đội quân mèo chiến đấu với một đội quân chuột, những chú mèo đội một chiếc mũ giống mũ bảo hiểm của quân đội Đức có tên là Pickelhaube. Bên cạnh tập này, tập The Mad Doctor của Disney cũng bị Đức và Vương Quốc Anh cấm vì các yếu tố kinh dị của nó.

Little Women (Manila)

Vào năm 1998, nữ diễn viên Claire Danes đã mô tả thành phố Manila là "bốc mùi gián và chuột thì chạy khắp phố" cùng vô số lời chê bai khác nhau cho nơi này. Chính vì lý do trên, chính phủ Philippines đã tuyên bố cô là "nhân vật không được hoan nghênh" ở đây và cấm tất cả các phim mà cô từng tham gia, trong đó có tác phẩm kinh điển Little Women. Mặc dù Danes đã gửi lời xin lỗi nhưng những bộ phim của cô vẫn không được trình chiếu tại đây.

Barney’s Great Adventure  (Malaysia)

Năm 1994, Malaysia đã cấm tác phẩm trên vì cho rằng "nó không phù hợp với trẻ em". Đúng là bộ phim thiếu nhi này đã thường bị chỉ trích vì sự một chiều, có phần nông cạn khi khắc họa một thế giới mà ai cũng tốt đẹp, nhưng lý do "không phù hợp" vẫn là không thỏa đáng để cấm bộ phim này.

Wonder Woman (Liên đoàn Ả Rập)

Lebanon từng cấm trình chiếu bộ phim này vì nữ diễn viên chính của phim, Gal Gadot đã phục vụ hai năm trong Lực lượng Quốc phòng Israel và đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel trên mạng xã hội. Do từng có xung đột với Israel, Lebanon cấm mua bán những sản phẩm của Israel (mặc dù trước đây Lebanon đã cho phát hành Batman V. Superman: Dawn of Justice, một tác phẩm cũng có có sự tham gia của Gadot). Rania Masri, một thành viên của Chiến dịch tẩy chay những người ủng hộ Israel-Lebanon nói rằng việc ra mắt Wonder Woman ở Lebanon thể hiện mong muốn bình thường hóa quan hệ với kẻ thù của đất nước. Tunisia và Qatar cũng đã cấm bộ phim này vì lý do tương tự.

Shrek 2 (Israel)

Trong khi Lebanon cấm phát hành Wonder Woman do nữ chính thì Israel đã cấm một bộ phim hoạt hình vì lý do hoàn toàn khác. Được biết, phần hai của loạt phim ăn khác Shrek đã bị Israel cấm vì có một trò đùa về ca sĩ nổi tiếng người Israel David Daor. Trong bản lồng tiếng Do Thái, một nhân vật đã nói "Hãy làm trò David Daor trên người hắn", nhằm chế giễu giọng hát cao hiếm có của ông. Nói về trò đùa này trên báo Israel, ca sĩ cho biết: "Bộ phim khắc họa tôi như một hoạn quan, một kẻ không có tinh hoàn và biến tôi thành một trò cười." Sau đó, một tòa án quận Tel Aviv đã loại bỏ bộ phim khỏi một số rạp chiếu phim trước khi các nhà phân phối của bản lồng tiếng Do Thái quyết định đổi dòng chữ này thành "Hãy lấy một thanh kiếm và thiến hắn".

Christopher Robin (Trung Quốc)

Khác với những bộ phim trên bị cấm vì lý do chính trị hay tôn giáo, bộ phim gia đình này lại cấm vì meme trên Internet. Sau khi một loạt các meme so sánh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với nhân vật Winnie-the-Pooh được lan truyền trên mạng xã hội. Do đó, Trung Quốc đã chặn tất cả các tác phẩm có liên quan đến chú gấu này ở đây. Điều này đồng nghĩa với việc Christopher Robin, một bộ phim được chuyển thể từ truyện Winnie-the-Pooh cũng bị cấm phát hành tại Trung Quốc.

Theo: Listverse
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.