• Về đầu trang
Roger
Roger

'Marvel đang hủy hoại dòng phim siêu anh hùng'?

Phim ảnh

Từng là một thể loại bị dè bỉu, dòng phim siêu anh hùng giờ trở thành cái tên không thể thiếu trong mỗi tối ra rạp. Nhắc đến sự phát triển chóng mặt của thể loại này, đặc biệt không thể không nhắc đến cái tên Marvel Studio. Trong 11 năm, 23 bộ phim, Vũ trụ điện ảnh Marvel đã thu về 22.5 tỉ USD trên toàn cầu, thành bệ phóng tên tuổi cho nhiều ngôi sao và góp phần định dạng lại ngành công nghiệp điện ảnh.

Nhưng mỉa mai thay, thành công của Marvel lại đang khiến xưởng phim này tâm điểm chỉ trích của nhiều cái tên gạo cội trong lĩnh vực điện ảnh. Bắt đầu từ việc đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese chê các phim Marvel không phải phim điện ảnh. Hay như đạo diễn Godfather Francis Ford Coppola thậm chí còn gay gắt hơn, gọi chúng là những phim "đáng khinh rẻ".

Hiện tại, Marvel còn đang tự biến mình thành trò cười khi đề cử Robert Downey Jr. cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho màn thể hiện trong Avengers: Endgame. Vậy, điều gì đang khiến Marvel bị chê bai nhiều như vậy? Và liệu sự thống trị của xưởng phim về doanh thu có phải điều xấu cho thể loại siêu anh hùng nói riêng và điện ảnh nói chung không?

1.Marvel quá "quyền lực"

Đây chính là vấn đề cốt lõi của xưởng phim này, khi nắm trong tay quá nhiều quyền lực. Từ sau vụ sáp nhập thế kỷ của Fox với Disney, Nhà Chuột đã sở hữu toàn bộ các phim của Fox và các kênh truyền hình của đài này. Từ thế kiềng ba chân giữa Disney - Fox - Warner Bros, giờ chỉ còn là cuộc chơi của hai bên. Các thương hiệu như Deadpool, X-Men hiện cũng được quy về một mối, phục vụ cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của vũ trụ điện ảnh này.

2. Các phim Marvel đang ngày càng "một màu"

Hậu quả dễ thấy nhất từ thương vụ sáp nhập đình đám trên, đó là khán giả yêu thích truyện tranh Marvel không còn lựa chọn nào khác ngoài những phim siêu anh hùng "mì ăn liền" kiểu Marvel. Dưới chỉ đạo của Kevin Feige, các phim của xưởng này được sản xuất theo một công thức có sẵn, vừa đủ để kiếm lời và đồng thời giới thiệu được thêm nhân vật mới. Điều này sẽ giúp xưởng phim tránh lỗ, nhưng cũng có nghĩa, họ sẽ không bao giờ có đủ mạo hiểm để làm các bộ phim đột phá hơn.

Logan - tưởng không thành công mà thực chất lại không tưởng

Ví dụ như trường hợp của Logan, một phim độc lập nhãn R về Wolverine đã thành công rực rỡ, bất chấp cả cảnh báo độ tuổi hay việc không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nhìn sang đối thủ trực tiếp là Warner Bros., người ta không khỏi chạnh lòng khi thấy bộ phim hạng R khác là Joker đang băng băng cán mốc doanh thu 1 tỉ USD.

Mỉa mai ở chỗ, trong khi màn ảnh lớn của Marvel là dành cho nhóm khán giả đại chúng, những người cầm trịch của các phim truyền hình Marvel lại đang muốn nhắm đến "thị trường ngách", chinh phục đối tượng khán giả có gu thường thức đặc biệt hơn.

Luke Cage, Daredevil và Iron Fist được cho là trụ cột trong mảng truyền hình của Marvel

Theo chia sẻ của Phó chủ tịch Marvel Entertainment, Karim Zreik, "Mỗi một bộ phim sẽ dành cho một đối tượng nhân chủng khác nhau. Các show đều độc lập, riêng biệt. Phụ nữ sẽ thích Jessica Jones, trong khi gu của phái mạnh là Daredevil, còn người trẻ là Iron Fist bởi độ tuổi của nhân vật chính." Sự tự do sáng tạo này có được là vì các phim truyền hình đều sử dụng tư liệu từ các siêu anh hùng ít nổi tiếng hơn, tránh đụng chạm đến diễn biến có sẵn trong vũ trụ điện ảnh gốc.

3. Các đối thủ khác đang tăng tốc

Thật may mắn, không phải mọi thương hiệu siêu anh hùng đều đang gặp vấn đề. Gặp những khó khăn ban đầu nhưng giờ DCEU đang dần lấy lại đà nhờ doanh thu ngoạn mục của Aquaman và cái tên gây chú ý nhất trong thời gian gần đây - Joker. Từng bị hoài nghi trước khi công chiếu, nhưng câu chuyện riêng về hoàng tử tội phạm Gotham được tán thưởng bởi các giới phê bình và khán giả đại chúng. Nhiều đồn đoán còn cho rằng, Warner Bros sẽ sớm bật đèn xanh cho nhiều dự án về các siêu anh hùng, hay thậm chí là siêu phản diện như trên.

DCEU sở hữu nhiều kẻ phản diện xuất sắc và sẽ rất tuyệt vời nếu có những bộ phim riêng cho các nhân vật này

Một đối thủ khác là Sony giờ cũng đang dần gặt hái trái ngọt khi tự tìm ra con đường riêng cho mình mà không phải dựa dẫm vào mỗi thương hiệu Spider Man. Ví dụ trong trường hợp của Venom, thu được 850 triệu USD toàn cầu trong lời dè bỉu của các nhà phê bình hay như chiến thắng ở hạng mục Phim Hoạt hình xuất sắc nhất dành cho Spider-Man: Into The Spider-Verse.

Bloodshot là nước cờ bất ngờ của Sony trong cuộc chiến giành thị phần dòng phim siêu anh hùng

Sắp tới, xưởng phim này sẽ cho ra mắt Bloodshot, chuyển thể từ tác phẩm của xưởng truyện tranh ít nổi tiếng hơn là Valiant Comics. Thật khó để nói nó sẽ được yêu thích thế nào trên thị trường, nhưng ít nhất, các khán giả đang bội thực Marvel và DC sẽ có thêm lựa chọn mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, Marvel vẫn là cái tên lớn nhất trong lĩnh vực này. Thế nhưng, như mọi đế chế vĩ đại khác trong lịch sử, ngày tàn sẽ là không tránh khỏi nếu họ vẫn tiếp tục ngủ quên trên chiến thắng của mình. Điều mà Marvel cần làm lúc này, đó là cần sớm khắc phục điểm yếu của mình và học hỏi thêm từ đối thủ, nhằm duy trì ánh hào quang đã mất bao năm xây dựng của họ.

Theo: ScreenRant
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.