• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Những bộ phim đề tài đồng tính nam đầu tiên ở các quốc gia trên thế giới

Phim ảnh

Vậy đâu là bộ phim đồng tính đầu tiên của Trung Quốc? Có phải là Bá Vương Biệt Cơ? Diễn viên nào đã dũng cảm đứng lên nói về vấn đề này đầu tiên? Bộ phim đồng tính nam đầu tiên có phải bắt nguồn từ Hollywood?

Để trả lời cho những câu hỏi trên, bài viết này sẽ tổng hợp lại các bộ phim đề tài đồng tính nam đầu tiên của nhiều nước trên thế giới, có ý nghĩa biểu tượng và giá trị nhân văn sâu sắc. Như là bức tranh toàn cảnh về khởi nguyên của dòng phim này.

Lưu ý: Bài viết đã loại bỏ những bộ phim cũ không có tính xác thực, chỉ đưa ra những bộ phim có sức ảnh hưởng lớn nhất, có giá trị nghệ thuật hoặc giá trị lịch sử, ý nghĩa biểu trưng quan trọng.

Ấn Độ: Shubh Mangal Zyada Saavdhan (2020)

Mãi đến năm 2018, toà án tối cao của Ấn Độ mới loại bỏ điều luật Đồng tính là phạm tội ra khỏi pháp luật nước này, việc thay đổi cũng là nhân tố quyết định để bộ phim trên được duyệt ra rạp và công chiếu trên khắp đất nước Ấn Độ.

Phim xoay quanh Aman Tripathi – một chàng trai xuất thân từ gia đình Ấn Độ truyền thống, bảo thủ và người yêu của anh - Kartik Singh – một chàng trai lãng mạn, phóng khoáng. Câu chuyện bắt đầu khi cả hai quyết định về tham dự đám cưới của người chị họ, Kartik hy vọng Aman sẽ nói cho gia đình mình mọi chuyện, nhưng Aman do dự muốn tìm một cơ hội tốt hơn. Khi còn do dự chưa quyết thì trên chuyến tàu đi đón dâu, cả hai đã bị cha của Aman phát hiện, quá bất ngờ ông suýt lên cơn đột quỵ. Sau khi phát hiện, cha Aman luôn tìm cách chia rẽ cặp đôi và nghĩ đủ cách để giới thiệu vợ cho Aman...

Thật ra trước Shubh Mangal Zyada Saavdhan, Ấn Độ cũng có không ít những bộ phim lấy đề tài đồng tính, nhưng bộ phim này đặc biệt ở chỗ nó là tác phẩm "bom tấn" đầu tiên xuất hiện trước tầm mắt khán giả, mở ra cánh cửa mới cho việc phổ cập văn hoá đồng tính ở đất nước này.

Năm ngoái Bollywood cũng cho ra mắt bộ phim về đồng tính nữ Ek Ladki Ko Dekha Toh Aisa Laga, đạt được tiếng vang khá tốt trong nước, nhưng nếu đánh giá khách quan thì cả hai bộ phim kể trên vẫn còn mang nhiều yếu tố hư cấu, khá "hường huệ" về đời sống của các cặp đôi đồng tính.

Trung Quốc: Đông Cung Tây Cung (East Palace, West Palace) (1996)

Bộ phim đồng tính đầu tiên được “công chiếu” chính thức ở Trung Quốc thật ra là Looking for Rohmer (2018), còn Bá Vương Biệt Cơ nổi tiếng khắp thế giới là một xuất phẩm đến từ nền điện ảnh Hongkong, nên dù được công chiếu vào năm 1993 nhưng không thể xem là bộ phim điện ảnh đồng tính đầu tiên ở Trung Quốc.

Danh hiệu này phải thuộc về Đông Cung Tây Cung (1996) của đạo diễn Trương Nguyên, do biên kịch Vương Tiểu Ba chấp bút, ra đời trong thời kì phim độc lập ở Trung Quốc đang phát triển, các đạo diễn vì theo đuổi tự do nghệ thuật mà lựa chọn thoát khỏi hệ thống sản xuất phim quốc doanh, tự dụ trù tài chính, bỏ qua lợi nhuận, chỉ quan tâm tới chất lượng và việc đề cao tính nghệ thuật của phim. Chính vì thế bộ phim mang âm hưởng thời đại sâu sắc và đã trở thành tác phẩm kinh điển trong dòng phim đồng tính ở Trung Quốc.

Nội dung xoay quanh chuyện tình cảm của viên cảnh sát Tiểu Sử (Hồ Quân) luôn tỏ ra kì thị đồng tính và chàng trai trẻ A Lan (Tư Hãn) từ lâu đã chấp nhận và sống với thân phận người đồng tính của mình.

Nhân vật Tiểu Sử đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Quân, nhờ những trải nghiệm từ nhân vật này, anh hiểu rõ hơn về cộng đồng người đồng tính, tạo tiền đề để sau này anh nhận một bộ phim đồng tính cũng nổi tiếng không kém khác – Lam Vũ.

HongKong: Mặt Nạ (Sex for Sale) (1974)

Năm 1974, công ty điện ảnh Thiệu Thị đã quay bộ phim có tố đồng tính đầu tiên ở HongKong.

Trong phim nam diễn viên Tần Hán thủ vai Lin - một chàng trai trẻ từ quê lên HongKong với mong muốn tìm kiếm chỗ đứng cho mình, anh vô tình phỏng vấn vào làm phục vụ trong một quán bar, nơi các quý bà có thể giải tỏa mong muốn thầm kín. Cô đơn và lạc lõng với mọi thứ, Lin quyết định chuyển đến sống cùng bạn thân – một người đàn ông đang gặp vài vấn đề về tình dục...

Tần Hán cũng là diễn viên Hoa ngữ đầu tiên nói cụm từ đồng tính luyến ái trên màn ảnh rộng HongKong, tiếc rằng trong bộ phim này cụm từ đó dùng để nhục mạ chửi bới người khác.

Đáng nhắc đến là vào năm 1972 Thiệu Thị từng cho ra mắt bộ phim Yêu Nô, cũng là bộ phim Hoa ngữ đầu tiên có yếu tố đồng tính nữ. Giống như Mặt Nạ, Yêu Nô cũng được liệt vào hàng phim cấp ba. Vào thời điểm này, điện ảnh HongKong thường xuyên dùng những yếu tố như: đồng tính, tình dục, trò cười rẻ tiền để thu hút khán giả. Chính vì sự thoải mái đó nên phim về các đề tài nhạy cảm ở HongKong hay Đài Loan phát triển từ khá sớm.

Đài Loan: Nghiệt Tử (Outcasts) (1986)

Bộ phim đề tài đồng tính nam đầu tiên ở Đài Loan được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng - Nghiệt Tử của tác giả Bạch Tiên Dũng, bộ phim công chiếu ở Đài Loan vào năm 1986.

Bộ phim mang tới cái nhìn mới mẻ về thế giới đồng tính ở Đài Loan, nhân vật chính là hai cậu bé đồng tính bị xa lánh ngay tại chính quê nhà của mình, họ chơ vơ lạc lõng giữa thành phố lớn, không biết tương lai và mục đích sống của mình là gì, cuối cùng họ được một nhiếp ảnh gia tốt bụng cho ở nhờ,...

Nội dung phim tuy không đạt được chất lượng tương đương với nguyên tác, nhưng nó vẫn có ý nghĩa nhất định. Năm 2003, nguyên tác Nghiệt Tử lại được cải biên thành phim truyền hình dài 20 tập. Phạm Thực Vĩ, Trương Hiếu Toàn, Dương Hựu Ninh đảm nhiệm nhân vật chính, diễn xuất khiến không ít người xem xúc động.

Sau Nghiệt Tử, Đài Loan cũng sản xuất rất nhiều bộ phim đồng tính tiêu biểu khác, ngoại trừ Hỉ Yến của Lý An, còn có Tình Yêu Vạn Tuế của Thái Minh Lượng. Cùng với việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính, tin rằng trong tương lai, Đài Loan sẽ có thêm nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa.

Hàn Quốc: Road Movie (2002)

Road Movie (2002) là bộ phim đồng tính hiện thực đầu tiên của Hàn Quốc, vì xuất hiện cảnh quan hệ đồng tính vượt mức cho phép nên đã nhận về nhiều bình luận trái chiều, dẫn đến doanh thu phòng vé không cao. Nhưng chính vì bộ phim đã đưa mối quan hệ đồng tính lên màn ảnh rộng một cách thẳng thắn nên cũng có một vị trí nhất định trong làng điện ảnh Hàn Quốc.

Thật ra vào năm 2001 Hàn Quốc đã có phim Bungee Jumping of their Own về đề tài đồng tính nam, nhưng chỉ tập trung thể hiện tình yêu và dục vọng chứ không lột tả sự chân thật về cuộc sống của người đồng tính.

Nhìn chung phim ảnh đề tài đồng tính ở Hàn vẫn luôn rất khả quan, bộ phim The King and the Clown năm 2005 đã trở thành quán quân phòng vé năm đó, là hiện tượng của màn ảnh Hàn. Đến năm 2006 bộ phim No Regret cũng nhận được phản hồi khá ổn từ khán giả.

Nhật Bản: Bara no soretsu (Funeral Parade of Roses) (1969)

Năm 1968, đạo diễn Toshio Matsumoto quay bộ phim đầu tay - Bara no soretsu. Ngay sau khi công chiếu, bộ phim đã nhận được vô vàn lời khen có cánh và là một trong những kiệt tác của làn sóng phim thế hệ mới ở Nhật.

Nhân vật chính trong phim Eddie – là một chàng trai thích mặc đồ nữ và thường xuyên ra vào các quán bar đồng tính. Trong một lần vô tình, Eddie đã quan hệ với chính cha ruột của mình. Khi biết được điều này, trong cơn sốc anh đã dùng dao tự đâm mù hai mắt.

Sự ra đời của bộ phim không chỉ đánh tan khái niệm xưa cũ về giới hạn giới tính, mà còn như khiêu khích trực diện các quan niệm luân lý tồn tại bấy lâu trong xã hội.

Ngoài ra tất cả diễn viên tham gia trong phim đều là người đồng tính, nên Bara no soretsu được tôn sùng là tác phẩm mở đầu cho thể loại phim đồng tính ở Nhật.

Thái Lan: Bangkok Love Story (2007)

Là đất nước đầu tiên hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính ở Châu Á, Thái Lan chưa bao giờ thiếu những bộ phim đồng tính chất lượng cao, nhưng bộ phim đồng tính đầu tiên được công chiếu rộng rãi trên màn ảnh rộng thì phải kể đến Bangkok Love Story.

Phim là câu chuyện về sát thủ và cảnh sát, chuột và mèo, hai người đàn ông với cuộc sống hoàn toàn trái ngược nhau, vì một vụ án giết người mà gặp gỡ va chạm, sau đó tìm được sự cân bằng trong tình yêu.

Một bộ phim đồng tính khác của Thái Lan cũng nổi bật không kém là Tropical Malady của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. Thân là một người đồng tính công khai, đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đã đưa đề tài đồng tính lên một tầm mới, có mối tương quan với chủ nghĩa triết học huyền bí.

Malaysia: Anu Dalam Botol (In Bottle) (2011)

Malaysia, đất nước với đại đa số người dân theo đạo Hồi gần như không có lòng bao dung với cộng đồng LGBTQ, vả lại hành vi đồng tính ở đất nước này là phạm pháp. Năm 2019, từng có 5 người quan hệ đồng tính bị phạt.

Trong bầu không khí đầy kì thị ấy, bộ phim hiếm hoi về đề tài đồng tính In Bottle lại càng đáng quý trọng hơn.

Nội dung bộ phim xoay quanh tình yêu và bi kịch của hai người đàn ông, khi một trong hai quyết định làm phẫu thuật chuyển giới và người còn lại không thể chấp nhận sự thật đó.

Châm chọc là từ đầu đến cuối bộ phim không hề có bất kì cảnh thân mật nào giữa các nhân vật chính, vì đạo diễn đã phải loại bỏ hầu hết những cảnh “vi phạm đạo đức”, thậm chí còn phải sửa lại kết cục để hai nhân vật không có kết thúc tốt đẹp – như lời cảnh báo của đất nước này rằng quan hệ đồng tính là sai lầm, nó sẽ không thể mang tới bình yên và hạnh phúc cho bất cứ ai.

Việt Nam: Hot Boy Nổi Loạn Và Câu Chuyện Về Thằng Cười, Cô Gái Điếm Và Con Vịt (Lost in Paradise) (2011)

Đây là bộ phim đồng tính chính diện đầu tiên được ra mắt trên màn ảnh rộng Việt Nam, nó phản ánh những vấn đề chân thật tồn tại trong cộng đồng người đồng tính.

Bộ phim là hai câu chuyện riêng biệt, ở đây chỉ đề cập tới câu chuyện đầu tiên về mối tình tay ba giữa Khôi, Đông và Lam, về tình yêu, dục vọng và khát vọng của những con người lầm đường lỡ bước đang mòn mỏi tìm kiếm tương lai trong vô vọng...

Điểm nhấn quan trọng nằm ở việc bộ phim không chỉ xoay quanh chuyện tình yêu và mối quan hệ giữa những người đồng tính mà còn về sự nỗ lực phấn đấu đổi đời của họ. Bởi thân là người đồng tính, muốn duy trì mối quan hệ ổn định trong xã hội không hề đơn giản chút nào.

Israel: Yossi VeJagger (Yossi & Jagger) (2002)

Một bộ phim được cải biên từ câu chuyện có thật, kể về những người lính ở biên giới Israel-Lebanon, những con người đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa chiến tranh và yên bình.

Đội trưởng Yossi và sĩ quan chỉ huy Lior – hay còn được biết đến với cái tên Jagger vì vẻ ngoài điển trai như ngôi sao nhạc rock Mick Jagger, đang duy trì một mối quan hệ đồng tính thầm kín và bí mật,...

Bộ phim chỉ dài một tiếng đồng hồ, kết cục lại cực kì bi thương. Bù lại với kịch bản cải biên xuất sắc và dàn diễn viên có diễn xuất xuất thần, bộ phim đã trở thành quán quân phòng vé ở Israel năm 2002 và giành được nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim trên thế giới.

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.