• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

x: Những bộ phim gây tranh cãi rầm rộ ngay từ trước khi ra mắt

Phim ảnh

The Hunt (2019)

Tác phẩm kinh dị - châm biếm lấy đề tài săn bắn người của Universal là một bộ phim rất đen đủi. Ban đầu, phim định ngày ra mắt vào 27 tháng Chín năm 2019 nhưng đã bị lùi lại do những vụ xả súng bạo lực ngoài đời thực. Bên cạnh đó, phim cũng gây ra nhiều tranh cãi trong cả giới mộ điệu lẫn công chúng. Với một số người, họ coi đây là bộ phim tuyên truyền, nhưng một số lại coi đây là một hình thức đe dọa công chúng của bên cánh hữu. Bất luận ý nghĩa thực sự là gì, nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của bộ phim, khiến tác phẩm chỉ đạt 6,5/10 trên iMDB và thu về 9,7 triệu USD so với kinh phí 14 triệu USD.

Joker (2019)

Lấy bối cảnh thành phố Gotham, Joker kể về cuộc đời bi kịch của gã hề Arthur Fleck. Trong suốt bộ phim, khán giả sẽ thấy Arthur dần bị đẩy vào đường cùng khi bị mất trợ cấp xã hội, mất việc, bị đánh đập trên đường và phát hiện ra sự thật về quá khứ của mình. Đỉnh điểm lên cao khi anh dùng súng bắn chết danh hài Murray Franklin, mở màn cho một cuộc bạo loạn ở Gotham.

Sau khi ra mắt, phim đã gây ra vô số tranh cãi. Nhiều người cho rằng bộ phim cổ xúy cho các hành vi bạo loạn và xả súng. Một số khác thì nói rằng nó mang tính "tuyên truyền một cách vô trách nhiệm" và cổ vũ cho các sự kiện bạo lực khác trong lịch sử. Có những người đi xa hơn, nói rằng bộ phim xoay quanh "những kẻ thất bại" và không xứng đáng với những lời khen mà nó nhận được. Mặc cho điều tiếng, phim vẫn nhận được vô số giải thưởng và là một trong những phim nhãn R có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Ghostbusters (2016)

Làm lại một bộ phim kinh điển không phải điều dễ dàng. Thông thường, nhà sản xuất sẽ có hai lựa chọn, một là làm lại giống y chang bộ phim cũ hoặc hai là thay đổi một số tình tiết của phim gốc, miễn là vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm. Lựa chọn thứ nhất là một bước đi an toàn, dù nó có thể gây nhàm chán nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Còn lựa chọn thứ hai thì mạo hiểm hơn nhiều khi vừa không được làm mếch lòng fan gốc, vừa phải mang lại điều gì đó mới mẻ cho bộ phim.

Ghostbuster (2016) đi theo con đường thứ hai và không may thay, nó đã thất bại thảm hại. Dù vẫn giữ được không khí vui nhộn của bản kinh điển 1984, nhưng vì dàn nhân vật chính đã được đổi giới tính thành các bà cô trung niên thay vì những chàng trai nên bộ phim nhận về rất nhiều chỉ trích, khiến Ghostbusters "đại bại" ở phòng vé.

The Interview (2014)

Vào năm 2014, Sony Pictures cho ra mắt bộ phim The Interview, trong đó kể về hai phóng viên được cử đến Bắc Triều Tiên để phỏng vấn Kim Jong Un, sau đó hai người này được chính phủ Mỹ ra lệnh ám sát nhà lãnh đạo này.

Trước khi ra mắt, bộ phim đã bị chính quyền Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ có những hành động không thương tiếc đối với Hoa Kỳ nếu nhà phân phối phim vẫn phát hành. Sau đó, bộ phim đã bị lùi lịch chiếu để sửa lại, giúp nó dễ chấp nhận hơn tại Bắc Triều Tiên. Chưa hết, hệ thống máy tính của công ty mẹ Sony Pictures Entertainment còn bị hack bởi "Guardians of Peace", một nhóm FBI bị nghi có quan hệ với Bắc Triều Tiên. Nhóm này đe dọa sẽ dùng những biện pháp khủng bố tấn công các rạp hát nào chiếu phim The Interview. Kết quả là nhiều chuỗi rạp phim lớn đã quyết định không phát hành bộ phim và Sony buộc phải phát hành qua các dịch vụ xem phim trực tuyến.

The Passion Of The Christ (2004)

Các bộ phim về tôn giáo không còn là điều gì xa lạ, nhưng The Passion of the Christ là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất. Tác phẩm của tài tử Jim Caviezel chủ yếu xoay quanh những giờ phút cuối cùng của Chúa Jesus. Trước khi ra rạp, bộ phim đã gặp phải rất nhiều rắc rối khác nhau.

Thứ nhất, nhiều cảnh tra tấn chúa Jesus khiến bộ phim bị coi là "báng bổ" với những người theo đạo. Một số người còn cho rằng đoàn phim đang dựa hơi tôn giáo để kiếm tiền. Thứ hai, diễn viên và nhân viên trong đoàn phim đã gặp phải vô số tai nạn trong quá trình quay phim. Nam chính là Caviezel còn bị trật khớp một bên vai, viêm phổi, nhiễm trùng phổi, đau nửa đầu. Thứ ba, đạo diễn phim là Mel Gibson dính phải nhiều cáo buộc về kỳ thị người Do Thái và bị một lượng lớn khán giả tẩy chay. Dù vậy, The Passion Of The Christ vẫn thành công rực rỡ và thu về tổng cộng hơn 600 triệu USD.

Borat (2006)

Khi ra mắt vào năm 2006, tác phẩm của tài tử Sacha Baron-Cohen đã nhận được lời khen ngợi từ khán giả nhiều nước trên thế giới, trừ Kazakhstan. Trong phim, nhân vật chính Borat đến từ Kazakhstan. Nhưng quốc gia này cho rằng trông Borat không giống với người dân nước họ và cảm thấy đất nước bị mô tả sai vì phim được quay ở Romania. Vì lý do đó, tác phẩm này bị cấm chiếu. Nhưng về sau, Bộ Du lịch Kazakhstan cũng phải thừa nhận phim đã giúp tăng lượng khách du lịch đến nước này nên lệnh cấm được dỡ bỏ.

Brokeback Mountain (2005)

Brokeback Mountain luôn được coi như một trong những bộ phim đồng tính tiêu biểu nhất mọi thời đại. Nhưng vào thời điểm phát hành, nó đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Tác phẩm nói về mối tình kéo dài 20 năm giữa hai chàng cao bồi đã gây ra làn sóng phản đối mạnh đến mức nhiều rạp từ chối chiếu bộ phim này. Nó cũng bị cấm ở hầu hết các nước Trung Đông.

JoJo Rabbit (2019)

Trước khi được công chiếu, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tác phẩm của đạo diễn Taika Waititi. Nhiều nhà phê bình còn nói rằng họ ghét tác phẩm từ lúc mới nhìn thấy trailer, cho rằng đây chỉ là một bộ phim tẩy trắng cho Đức Quốc Xã khi bỏ qua những hành động xấu xa của họ. Họ cũng phản đối việc dùng tông giọng hài hước, dí dỏm để nói về Thế chiến II, cho rằng đây là một sự xúc phạm với các nạn nhân.

Một số người khác thì cho rằng bộ phim đang tuyên truyền thông điệp chống lại người Do Thái với hình ảnh Đức Quốc Xã mô tả người Do Thái là những quái vật khổng lồ đáng sợ. Mặt khác, những người theo chủ nghĩa phát xít mới cũng rất tức giận khi thấy Adolf Hitler được mô tả như một kẻ hèn nhát yếu đuối hay những người lính Đức Quốc Xã là kẻ ngu ngốc và mê tín.

Captain Marvel (2019)

Nếu như những tác phẩm trên gây tranh cãi do các vấn đề trong nội dung thì bom tấn của nhà Marvel lại gây bão do nữ chính của bộ phim, diễn viên Brie Larson. Trong một cuộc phỏng vấn, Larson đã khẳng định rằng mặc dù cô không chống đối hay ghét bỏ những người đàn ông da trắng phê bình bộ phim và đặt câu hỏi cho cô trong đợt press-tour (tour họp báo phim), nhưng cô cũng muốn có thêm nhiều nữ phóng viên thuộc các sắc tộc khác nhau. Phát ngôn này đã khiến cho nhiều người phẫn nộ, cho rằng cô đang phân biệt giới tính và chủng tộc, nhưng cũng có một bộ phận cảm thấy cô rất dũng cảm khi dám nói ra những chuyện như vậy.

Theo: Listverse
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.