• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

x: Phỏng vấn Châu Tinh Trì: Nhiều năm về sau, ‘Tuyệt Đỉnh Kung Fu’ vẫn là bộ phim xuất sắc nhất của Vua hài Hồng Kông

Phim ảnh

Sau ba năm thực hiện, cuối cùng bộ phim Tuyệt Đỉnh Kung Fu (Kung Fu Hustle) đã ra mắt tại Hồng Kông nhân dịp Giáng sinh năm 2004.

Bộ phim không chỉ gây cơn sốt phòng vé tại quê nhà mà còn trở thành hiện tượng quốc tế, đồng thời đưa tên tuổi của Châu Tinh Trì vươn đến điện ảnh thế giới. Không chỉ vậy, Tuyệt Đỉnh Kung Fu còn làm sống dậy sự nghiệp của những diễn viên lớn như Lương Tiểu Long, Nguyên Hoa và Nguyên Thu.

Châu Tinh Trì là biểu tượng của điện ảnh Hồng Kông

Tuyệt Đỉnh Kung Fu đặt trong bối cảnh tình trạng bất ổn của xã hội Trung Quốc những năm 1940. Lúc này, các băng đảng xã hội đen đang làm mưa làm gió, đặc biệt là băng đảng Lưỡi Búa.

Châu Tinh Trì không chỉ là đạo diễn, biên kịch mà còn kiêm luôn vai chính trong Tuyệt Đỉnh Kung Fu. Vua phim hài Hồng Kông vào vai Tinh – một kẻ gần như sống dưới đáy xã hội. Sau khi bị Lão Quái đánh trọng thương, Tinh vô tình bị đả thông kinh mạch và lộ diện là một cao thủ võ thuật.

Tuyệt Đỉnh Kung Fu công chiếu lần đầu ở Mỹ tại liên hoan phim Sundance trước khi phát hành ở các rạp vào tháng 4 năm 2005. Dưới đây là bài phỏng vấn Châu Tinh Trì tại Sundance về bộ phim đặc sắc nhất trong sự nghiệp của đạo diễn xứ Cảng.

- Anh lấy cảm hứng từ đâu để thực hiện Tuyệt Đỉnh Kung Fu ?

Thật khó để nói ra một bộ phim hay một cuốn tiểu thuyết cụ thể đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi là fan số một của Lý Tiểu Long và võ thuật. Làm một bộ phim lấy đề tài kung fu luôn là mục tiêu của tôi.

- Anh quyết định casting diễn viên khi nào?

Lương Tiểu Long, người đóng vai Lão Quái Hỏa Vân Tà Thần, là một trong số những ngôi sao kung fu yêu thích của tôi. Anh ấy là một võ sư đích thực và rất có kỹ thuật. Nguyên Hoa là diễn viên mà tôi muốn đóng vai Bao Tô Công - ông chủ xóm Chuồng Heo. Anh ấy là một thành viên của Thất Tiểu Phúc(*) và cũng là đàn anh của Thành Long.

Thực ra lúc bấy giờ có rất nhiều nhóm Thất Tiểu Phúc. Có cả nhóm nam và nhóm nữ. Nguyên Thu là thành viên của nhóm nữ và đảm nhận vai Bao Tô Bà - bà chủ xóm Chuồng Heo. Chị ấy cũng là “chị đại” của Thành Long, Nguyên Hoa và nhiều diễn viên khác nữa.

Lúc đó chị ấy đã lập gia đình, lên chức bà và không còn muốn dính dáng gì đến điện ảnh. Chị ấy chơi mạt chược cả ngày và sống hạnh phúc lắm. Muốn Nguyên Thu đóng phim trở lại thì chị ấy phải giảm 14 kg và thực hiện rất nhiều cảnh đóng thế. Quả là khó khăn.

(*) Thất Tiểu Phúc là nhóm học sinh xuất sắc được đào tạo về võ thuật và biểu diễn của trường Kinh kịch Hồng Kông thập niên 1960.

Băng đảng Lưỡi Búa và xóm Chuồng Heo

- Có phải nhiều diễn viên không muốn làm việc với anh?

Mỗi người một hoàn cảnh. Họ có cuộc sống riêng và nhiều người không làm việc trong ngành điện ảnh. Tôi đã mất thời gian thuyết phục họ rằng tôi muốn làm một bộ phim về kung fu. Tôi thực sự nghiêm túc với tác phẩm của mình.

- Bên cạnh các diễn viên tiếng tăm, anh còn casting cả người không chuyên nữa. Chỉ đạo diễn xuất cho họ có khó khăn không?

Với những diễn viên đã có kinh nghiệm, tôi chỉ dành ít thời gian. Còn với những gương mặt mới, tôi cần nhiều thời gian trao đổi với họ. Chỉ vậy thôi. Nhưng mấu chốt là đừng dạy bảo họ, hãy làm cho họ cảm thấy thoải mái trước máy quay. Khi họ đã quen với chuyện đó, họ sẽ diễn rất mượt.

Nguyên Thu trong vai Bao Tô Bà - bà chủ xóm Chuồng Heo

- Còn việc tự đạo diễn cho chính mình thì sao?

Đó mới thực sự là một trong những việc khó khăn đấy. Thỉnh thoảng tôi bị mất phương hướng và cần có người chỉ dẫn cho mình. Hoặc là khi tôi cứ chú ý đến người khác và tôi cần ai đó nhắc mình tập trung diễn. Tôi thấy ngại khi cứ phải quay đi quay lại cả một cảnh chỉ vì sai sót của mình. Tôi lúc nào cũng phạm lỗi luôn đó.

Còn phần khó nhất là gì? Đó là phải mặc áo trắng tinh suốt cả buổi trong khi tôi phải đấm đá liên tục. Với một “anh già” 42 tuổi như tôi thì việc đó... [cười].

- Kịch bản viết về lược sử võ thuật phải không?

Đúng vậy. Các hình thức khác nhau của kung fu cùng tập trung trong cảnh cuối của phim. Ý tưởng kịch bản bắt đầu từ việc làm thế nào để kết hợp các hình thức võ thuật. Chúng tôi bắt đầu với hình thức võ thuật truyền thống cho đến những cảnh hành động phóng đại. Cố gắng kết hợp nhiều hình thức võ thuật quả là khó khăn.

Tôi muốn làm thứ gì đó khác biệt so với những phim kung fu khác, kết hợp mọi thứ trong một bộ phim chẳng hạn. Nếu mình làm không đúng cách, khán giả có thể thấy hoang mang. Họ sẽ hỏi “Cái gì đây? Phim Túy Quyền, Ma Trận hay là Hoàng Phi Hồng?”. Bạn cần phải làm cho bộ phim trôi chảy, mượt mà và tạo cảm giác thoải mái cho khán giả.

- Anh cũng sử dụng nhiều phong cách làm phim khác nhau nữa, kết hợp cả võ thuật và hiệu ứng hoạt hình?

Đó là cảnh Bao Tô Bà đuổi theo tôi, giống như con gà lôi Road Runner trong loạt phim hoạt hình Looney Tunes vậy. Thực ra ý tưởng này rất ngẫu hứng và nó không có trong kịch bản gốc. Tôi hỏi mọi người là “Đã ai từng xem Road Runner chưa? Nó chạy nhanh lắm, chân nó quay như bánh xe vậy”.

- Anh có lo lắng khán giả Mỹ có thể không hiểu một số câu đùa trong phim không?

Có chứ. Đó là cái mà tôi lúc nào cũng để ý. Tôi muốn đạt đến cái tầm mình có thể làm một bộ phim phù hợp với mọi khán giả ở nhiều nước. Với Tuyệt Đỉnh Kung Fu, tôi cố gắng sử dụng ít tiếng lóng. Nếu tôi có thể truyền tải ý tưởng của mình qua hành động hoặc hình ảnh, khán giả sẽ thấy bộ phim dễ hiểu hơn là nghe chuyện hài hoặc tiếng lóng.

- Một số chủ đề trong Tuyệt Đỉnh Kung Fu cũng phổ biến trong phim hài câm của Mỹ. Có phải anh lấy cảm hứng từ các nhà làm phim như Buster Keaton và Charlie Chaplin không?

Chủ đề "kẻ thua cuộc trở thành anh hùng" cũng là truyền thống của Trung Quốc. Còn nói về Charlie Chaplin, City Lights là một trong số những bộ phim mà tôi được xem của ông ấy.

Châu Tinh Trì và Huỳnh Thánh Y

- Khán giả Mỹ nên tiếp cận bộ phim như thế nào? Phim hài hay là phim võ thuật?

Tôi muốn họ cảm nhận đó là một bộ phim thực sự khác biệt. Dĩ nhiên là tôi cũng nghĩ Tuyệt Đỉnh Kung Fu là một phim hài và nhiều cảnh hành động, nhưng nhìn chung là nó khác hoàn toàn với những phim kung fu khác.

Xem thêm bài: Cantopop – Một thời vàng son và những ca khúc ‘nhạc Hoa lời Việt’ bất hủ thập niên 90

Theo: SCMP

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.