• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Siêu phẩm 'Tenet' đang khiến thiên hạ điên đầu: Mất 20 năm ấp ủ và 10 sự thật kinh ngạc ít ai biết

Phim ảnh

Tenet - tựa phim bí ẩn và khó hiểu của đạo diễn gạo cội Christopher Nolan không chỉ là một phim hành động độc đáo, mà còn kết hợp giữa yếu tố du hành thời gian, khoa học viễn tưởng với màu sắc hành động gián điệp lén lút đậm chất James Bond để mang đến cho khán giả cảm giác hồi hộp, phấn khích không ngừng từ đầu đến cuối.

Bản thân bộ phim đã nổi tiếng là "xoắn não", đòi hỏi khán giả phải nghiên cứu thêm các kiến thức liên quan và xem lại nhiều lần để hiểu đầy đủ các khái niệm mà Nolan cài cắm. 10 sự thật sau đây cho thấy không chỉ có khán giả gặp khó khăn trong việc theo dõi các khía cạnh phức tạp của bộ phim, mà chính dàn diễn viên và ê-kíp sản xuất cũng từng gặp rắc rối không kém trong việc tiếp thu khối kiến thức đồ sộ phía sau Tenet.

1. Tenet được sản xuất với mức độ bảo mật cao nhất

Không nghi ngờ gì nữa, Tenet chính là bộ phim được WarnerMedia sản xuất với sự cảnh giác cao độ, các bản thảo cốt truyện, kịch bản đều được đặt trong phòng kín, với hệ thống an ninh và nhân viên canh giữ 24/24, hầu như chỉ có đạo diễn Nolan và vợ của ông là bà Emma Thomas là người biết được 100% các thông tin về phim.

Sir Michael Caine đảm nhiệm một vai phụ trong Tenet.

Ngoài ra, còn hai người nữa được đọc toàn bộ kịch bản là các diễn viên Robert Pattinson (vai Neil) và John David Washington (vai nhân vật chính), tuy nhiên, họ cũng chỉ được đọc khi ngồi trong một phòng kín ở trụ sở WarnerBros. và không được mang tài liệu về nhà. Thậm chí, nhân vật lớn như Sir Michael Caine cũng chỉ được đọc phần kịch bản của riêng mình mà thôi.

2. Dàn diễn viên đã phải học cách diễn ngược theo nguyên lý nghịch đảo thời gian

Nam diễn viên Kenneth Branagh đã có màn diễn xuất ấn tượng trong Tenet.

Nói một cách dễ hiểu, Tenet đề cập đến khái niệm "nghịch đảo thời gian", nghĩa là một số sự kiện nhất định diễn ra theo chiều ngược lại. Điều này được thấy nhiều trong suốt nửa cuối phim khi một số phân cảnh có các diễn viên nói ngược hoặc di chuyển ngược xen kẽ với những người khác di chuyển xuôi chiều. Trong đa số cảnh quay như vậy, diễn viên thực sự phải luyện tập cách diễn ngược, đi ngược và học cách nói ngược lời thoại của họ. Đặc biệt, Kenneth Branagh (vai phản diện Sator) phải học cách nói ngược lại lời thoại của mình bằng tiếng Nga, đây là một thách thức cực lớn đối với bất kỳ diễn viên chuyên nghiệp nào.

3. Robert Pattinson được Christopher Hitchens truyền cảm hứng

Nhân vật của Robert Pattinson trong Tenet - Neil, là một trong những điểm nổi bật của bộ phim. Màn trình diễn của Pattinson rất đậm chất 007 với Neil xuất hiện trong vai một mật vụ giỏi giang và sành sỏi từ tương lai trở về quá khứ để cứu lấy thế giới. Tuy nhiên, điều thú vị là Pattinson không sử dụng hình ảnh James Bond làm nguồn cảm hứng trực tiếp cho nhân vật của mình. Thay vào đó, anh coi cố phóng viên kiêm nhà văn Christopher Hitchens là động lực chính để định hình phong cách diễn xuất.

Hitchens nổi tiếng là một người Anh ủng hộ các phong trào phản chiến và có đóng góp to lớn trong việc phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ và Anh.

4. 100% các pha hành động trong phim không dùng CGI

Khi công nghệ đồ họa nói chung và CGI nói riêng đã được cải thiện trong vài thập kỷ qua, nhu cầu về các hiệu ứng diễn xuất thực tế (practical effect - tức diễn thật trong cảnh thật, không dùng phông nền) cũng giảm đi vì các hãng phim chọn CGI do phương pháp này rẻ hơn, nhanh hơn trong việc tạo ra các hiệu ứng hình ảnh mong muốn.

Tuy nhiên, đối với Tenet, Nolan quyết định để bộ phim của mình hoàn toàn dựa vào hiệu ứng thực, ông từ chối sử dụng bất kỳ phông xanh nào trong quá trình sản xuất phim. Điều này đáng ngạc nhiên nhưng không mới, vì từ trước tới nay Nolan vẫn ưa thích các hiệu ứng thực tế và chỉ sử dụng công nghệ kỹ thuật số khi thực sự cần thiết và không còn lựa chọn nào khác.

5. Christopher Nolan đã nghĩ về Tenet trong gần 20 năm

Mặc dù Nolan chỉ mới bắt đầu viết kịch bản cho bộ phim này khoảng 6 năm trước, nhưng những ý tưởng cốt lõi của Tenet đã hiện diện trong tâm trí ông hơn 20 năm qua kể từ khi khái niệm palindrome và ô chữ Sator/Rotas khiến Nolan cảm thấy thích thú, vị đạo diễn người Anh đôi khi phải vật lộn với các nội dung phức tạp để đưa ra một cốt truyện hoàn chỉnh sau cùng.

Bất kỳ ai đã xem phim đều hiểu rằng những ý tưởng này phải được thực hiện trong một thời gian dài, bộ phim rõ ràng dựa trên sự cân bằng tinh tế giữa khoa học viễn tưởng, diễn xuất kịch tính và khoa học thực nghiệm. Số lượng nghiên cứu cần thiết để biến mớ lý thuyết rối rắm trong Tenet thành nội dung "có thể hiểu được" phải mất nhiều năm để hoàn thành, chứ chưa nói đến việc có thể hiểu đầy đủ và cô đọng thành một bộ phim bom tấn dành cho khán giả phổ thông.

6. Một chiếc máy bay thật đã bị đâm vào tòa nhà

Một trong những yếu tố đáng nhớ nhất của bộ phim đến từ kế hoạch của Neil - đâm một chiếc máy bay vào kho lưu trữ nghệ thuật Freeport để tạo ra cảnh hỗn loạn che đậy cho màn đột nhập. Bản thân cảnh này trông thật đáng kinh ngạc, như thể một chiếc máy bay thực sự đã đâm vào tòa nhà, lý do tại sao nó trông rất thật là vì nó vốn là... cảnh thật, không có cảnh dựng CGI nào ở đây, kể cả các pha cháy nổ cũng sử dụng chất nổ thật.

Ban đầu, đạo diễn Nolan định sử dụng các tiểu cảnh và dựng tòa nhà giả tại phim trường, nhưng ông sớm nhận ra rằng sẽ ít tốn tiền hơn nếu mua một chiếc máy bay thật (nhưng đã cũ và không còn được sử dụng) để đâm nó vào một tòa nhà cũ thực sự. Đây không phải là lần đầu tiên Nolan phá hủy một chiếc máy bay cho một bộ phim, ông đã từng làm điều này trong phần mở đầu khó quên của The Dark Knight Rises, nơi Bane dàn dựng một pha đào thoát gay cấn giữa không trung.

7. Tựa phim ban đầu là Merry Go Round

Tiêu đề dưới dạng palindrome Tenet gắn kết hoàn hảo với khái niệm nghịch đảo thời gian của bộ phim, nó cũng là ý tưởng đứng sau cánh cửa xoay của kẻ phản diện Sator. Tuy nhiên, Tenet không phải là tựa gốc đầu tiên mà Nolan nghĩ ra, ban đầu ông định đặt là Merry Go Round, nó cũng thể hiện ý nghĩa của bộ phim, tuy nhiên không "tinh tế" và mang tính học thuật như Tenet.

8. Tenet là một trong các phim với kịch bản gốc tiêu tốn chi phí cao nhất trong lịch sử điện ảnh

Không cần phải nói thêm rằng Nolan nằm trong số các đạo diễn nổi tiếng nhất Hollywood hiện nay, thậm chí các hãng phim lớn cũng phải chiều chuộng và nhún nhường ông vài phần. Vì vậy, mặc dù đây là một bộ phim kịch bản gốc (thường rẻ hơn so với các phim bom tấn nhượng quyền thương mại vì không phải trả tiền bàn quyền - ví dụ như phim của DC hay Marvel) nhưng hãng phim vẫn đồng ý cung cấp cho Nolan một khoản kinh phí khổng lồ lên tới 205 triệu USD để làm việc.

Đây là một kinh phí kỷ lục cho một bộ phim có kịch bản gốc, khiến nó trở thành một trong những tựa phim đắt đỏ nhất mọi thời đại. Mặc dù những bom tấn như Avengers: Endgame nhận được ngân sách cao hơn từ nhà đầu tư, nhưng chúng còn phải trả tiền bản quyền của các siêu anh hùng nữa, thế nên chưa chắc chi phí sản xuất thực sự của Endgame đã là cao.

9. Tenet được thực hiện chính xác về mặt khoa học nhất có thể

Về cốt lõi, Tenet vẫn là một bộ phim thuộc thể loại hành động - khoa học viễn tưởng, mặc dù rõ ràng là nó dựa vào trí tưởng tượng nhiều hơn là khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, bất chấp điều này, Nolan vẫn muốn bộ phim của mình ít nhất phải dựa trên một nền tảng khoa học nào đó.

Để đạt được độ chính xác mong muốn hoặc ít nhất là sự hợp lý tương đối dựa trên các nguyên lý vật lý - cơ học, Nolan đã yêu cầu nhà vật lý Kip Stephen Thorne - người đạt giải Nobel Vật Lý đọc qua kịch bản và đưa ra một số trợ giúp trong việc xử lý các khái niệm phức tạp về không - thời gian và vật lý lượng tử. Không cần phải nói, việc có được một thiên tài vật lý làm cố vấn đã giúp Tenet đảm bảo được những giá trị học thuật và chuyên môn cần có. Kip Stephen Thorne cũng là người cố vấn cho Nolan trong quá trình làm phim Interstella.

10. Vai diễn Kat được viết riêng cho Elizabeth Debicki và chỉ dành cho cô mà thôi

Kiều nữ cao 1m9, viên ngọc quý của làng điện ảnh Australia đã được Nolan ban cho "đặc ân" được sở hữu một vai diễn trong kịch bản gốc của ông, đây là điều mà bất kỳ diễn viên nào cũng mong muốn vì nó thực sự nâng tầm của diễn viên đó. Nếu bạn tự hỏi vì sao Debicki thật xuất sắc và vừa vặn với vai Kat thì lý do là nó được tạo ra cho riêng cô.

Với vai Kat, vợ chồng đạo diễn Nolan đã không cần tổ chức casting, họ chọn Elizabeth Debicki ngay từ đầu, lý do là bà Emma Thomas (vợ của Nolan, nhà đồng sản xuất Tenet) đã vừa mắt Debicki khi xem cô đóng phim Widows từ năm 2018. Ngoài Widows, bạn đọc có thể xem lại một số phim ví dụ như Night Manager, Everest 2015 hoặc Đại Gia Gatsby để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của Elizabeth Debicki.

Đọc thêm: Dàn cast xịn xò Tom Holland, Robert Pattinson... góp mặt trong phim 'Rated R' mới nhất của Netflix

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.