• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

The Last Emperor: Những ngày cuối rệu rã một vương triều tàn lụi

Phim ảnh

Trung Quốc đầu thế kỷ 20 nhuốm màu úa tàn với những cuộc binh biến và nổi dậy của người dân, như báo trước sự sụp đổ của triều đại Mãn Thanh thịnh vượng một thời. Từ Hi Thái hậu – người đàn bà quyền lực bậc nhất Tử Cấm Thành – cũng sắp phải lìa đời theo quy luật của tự nhiên. Trong cơn hấp hối, Từ Hi chỉ định Phổ Nghi kế vị ngai vàng, và lập tức đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi này bị tách khỏi mẹ để được đưa vào cung, bắt đầu cho chuỗi ngày làm vua đầy thăng trầm và đắng cay của vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.

the last emperor poster

Nguồn ảnh: Imdb

Hoàng đế Phổ Nghi có lẽ không hề xa lạ với nhiều người, khi mà sử sách đã ghi chép quá rõ ràng đến từng câu chuyện nhỏ về ông hay cả những người từng bước qua cuộc đời vị vua này, như để thỏa mãn tính hiếu kì và tò mò của nhân loại về cuộc sống nơi Tử Cấm Thành đầy bí ẩn. Có một điều mà ai cũng chắc chắn, đó là Phổ Nghi đã tiếp nhận ngôi vị hoàng đế vào sai thời điểm. Ông được nuôi dạy một cách bài bản và truyền thống như hết thảy những vị vua trước đó, nhưng không một ai dám chỉ bảo ông cách sống như một thường dân, một con người bình thường không mang danh phận “thiên tử”. Để rồi khi cả vương triều tưởng như vững chắc tựa những bức tường Tử Cấm Thành sụp đổ chỉ trong tích tắc, Phổ Nghi bước vào thế giới lạ lẫm bên ngoài, một thế giới mà ông đã hằng ao ước được khám phá từ ngày thơ bé. Tiếc thay, bao năm tháng ròng rã được kẻ hầu người hạ bao bọc trong nhung lụa đã khiến bậc đế vương không cho phép mình cam chịu cuộc sống thường dân. Sinh ra để lèo lái một vương triều phong kiến, không một ai chuẩn bị cho ông về sự thay đổi của thế giới bên ngoài.

coronation

Ngày đăng cơ của Phổ Nghi, vị hoàng đế chưa đầy 3 tuổi. Nguồn ảnh: www.oscarchamps.com

“Cái đêm mà họ cưỡi ngựa đến, ta đã biết rồi ngày này sẽ tới” - Ấu Lan, mẹ đẻ của Phổ Nghi đã chua xót nói thế khi con trai bà không còn nhận ra mẹ mình sau hơn 6 năm trời bị chia cắt. Là vua, là bậc “thiên tử” ngự trên ngai vàng, đến cả cha của ông cũng chỉ biết lặng người rồi quỳ phục trước hoàng đế - người mà mới hôm trước vẫn chỉ là đứa trẻ bi bô nói năng chưa tròn chữ, lẽo đẽo bước theo cha mình những bước chân vụng dại. Xung quanh là biết bao thái giám, nô tì, những con người luôn cúi đầu và cung phụng Phổ Nghi như một “ông trời con” đúng nghĩa, ông chưa bao giờ có thể sống và suy nghĩ như một đứa trẻ bình thường.

Người duy nhất đối đãi thật lòng với Phổ Nghi là vị nhũ mẫu theo ông vào cung từ những ngày đầu tiên, người đã luôn yêu thương ông đúng với lời gửi gắm trong vội vã của mẹ ruột Phổ Nghi, rằng “Ta trao cho ngươi con trai ta. Từ giờ, con ta chính là con của ngươi.” Rồi Phổ Nghi cũng bị buộc rời xa vị nhũ mẫu này, chẳng khác nào tước đi người mẹ thứ hai khỏi cuộc đời ông. Hay vốn một bậc đế vương phải thế, phải sống cuộc sống đủ đầy sung sướng trên vạn người để đổi lấy tâm hồn lẻ loi và cô đơn nhất thế gian?

his wet nurse

Phổ Nghi lúc nhỏ bên cạnh nhũ mẫu của mình, không lâu trước khi bà bị buộc phải rời xa ông. Nguồn ảnh: www.supertran.net

Cái ngày Phổ Nghi nhận ra ngoài Tử Cấm Thành còn có một thế giới khác, một cuộc sống lạ lẫm quá đỗi so với chuỗi ngày làm vua của mình trong cung cấm, có lẽ đó cũng là ngày những bức tường thành dần rệu rã bởi những vết nứt đầu tiên, báo hiệu cho ngày suy vong của vương triều Mãn Thanh.

“Hoàng đế đã là một tù nhân trong chính cung điện của mình từ ngày đăng cơ cho đến tận khi thoái vị. Nay ngài đã lớn, có lẽ ngài sẽ tự hỏi tại sao mình lại là người duy nhất ở đất nước này không thể bước ra khỏi cửa nhà. Tôi cho rằng hoàng đế chính là đứa trẻ cô đơn nhất thế gian.”

Cánh cửa Tử Cấm Thành ngăn bước Phổ Nghi nhìn ngắm cuộc sống của những thường dân ngoài kia, và thậm chí ngăn ông đến tang lễ của mẹ mình sau khi bà qua đời vì tự tử. Reginald Johnston – người giáo viên ngoại quốc của Phổ Nghi đã đúng khi bảo rằng cuộc sống ngục tù trong chính ngôi nhà của mình sẽ chấm dứt khi hoàng đế thoái vị. Cái ngày đó chẳng quá xa xôi, và Phổ Nghi bình thản đón nhận – với tâm thế có phần ráo hoảnh bởi sự chờ đợi cho viễn cảnh vương triều sụp đổ ngay từ ngày nghe thấy những phát súng đầu tiên ngoài kinh thành. Khoảng thời gian được dạy dỗ và giáo huấn bởi Reginald Johnston có thể coi như những ngày tháng khá tươi đẹp trong cuộc đời của Phổ Nghi, khi mà ông xem Johnston như hình mẫu một người cha mà mình chưa bao giờ thật sự có được.

peter otoole

Nam diễn viên gạo cội Peter O’Toole trong vai Reginald Johnston – giáo viên của Phổ Nghi. Ngoài đời, quyển “Twilight in the Forbidden City” của Johnston đã được đạo diễn Bernardo Bertolucci tham khảo để dựng nên bộ phim The Last Emperor. Trong thời gian quay phim, Peter O'Toole đã đạp xe đến phim trường - chính là Tử Cấm Thành - giống như cách Reginald Johnston đã đến dạy học cho Phổ Nghi ngày trước. Nguồn ảnh: Pinterest

The Last Emperor khắc họa một Phổ Nghi đáng thương hơn là đáng trách, với việc giảm nhẹ đi những nét tính cách kì quái và hành động có phần độc ác của ông, thay vào đó là những chi tiết đi sâu vào cái cách mà những người thân yêu bên cạnh bị ép buộc, hoặc cố tình rời xa ông. Từ cha mẹ ruột, nhũ mẫu, vị giáo viên ngoại quốc, cho đến hai người vợ là Uyển Dung và Văn Tú. Phổ Nghi như thể một con người luôn được vây quanh bởi đám đông sẵn sàng cúi mình hầu hạ khi có trong tay địa vị hão huyền, đồng thời cũng là kẻ cô độc nhất trần đời khi không còn một ai bên cạnh.

wanrong

Phổ Nghi năm 15 tuổi bên người vợ mới cưới – Uyển Dung. Nguồn ảnh: emanuellevy.com

john lone

Phổ Nghi (John Lone) trong trang phục hoàng đế, với bím tóc đuôi sam truyền thống đã bị chính tay ông cắt đi

young puyi

Phổ Nghi ở tuổi thanh niên, ngay trước khi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành. Nguồn ảnh: nightflight.com

old puyi

Phổ Nghi ở tuổi 53, được trả tự do sau hơn 10 năm bị giam giữ như một tù nhân chính trị. Nguồn ảnh: moviemezzanine.com

Trên nền nhạc bi hùng mà thê lương, não nề của nhà soạn nhạc Ryuichi Sakamoto (cũng là người thủ vai sĩ quan Amakasu trong phim), nam diễn viên John Lone (phiên âm tiếng Việt là Tôn Long) đã thể hiện xuất sắc nhân vật Phổ Nghi trưởng thành ở độ tuổi thanh niên cho đến những năm tháng cuối đời. Khán giả khó lòng mà không rơi nước mắt trước một Phổ Nghi già nua, dáng vẻ nhún nhường do những năm tháng bị “cải tạo” như kẻ tội đồ, phải trả tiền để được bước vào cung điện của mình thuở xưa, ngắm nhìn ngai vàng mà mình bị đặt vào từ thuở chưa nói tròn chữ. Có lẽ hình ảnh chú dế trong chiếc hộp kín suốt từng ấy năm trời chính là ẩn dụ về Phổ Nghi, người đã sống mãi trong chiếc lồng son qua gần trọn đời người. Và khi chú dế đó được thả khỏi nơi giam cầm cũng là ngày mà chủ nhân nó có được tự do – ngày mà ông lìa đời.

Bản nhạc chủ đề của The Last Emperor được soạn và biểu diễn bởi Ryuichi Sakamoto năm 1988

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.