• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Vì sao ‘Ngọa Hổ Tàng Long’ vẫn là bộ phim võ thuật xuất sắc nhất sau 20 năm ra mắt?

Phim ảnh

Năm 2000, Ngọa Hổ Tàng Long của đạo diễn Lý An ra mắt và đại diện Đài Loan tranh cử hạng mục Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 73. Vượt quá sự mong đợi, Ngọa Hổ Tàng Long nhận được mười đề cử và thu về bốn tượng vàng gồm Phim nước ngoài hay nhất, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất và Quay phim xuất sắc nhất.

Ở các lễ trao giải khác, Ngọa Hổ Tàng Long cũng bội thu giải thưởng không kém. Đây quả thực là một thành tích đáng nể của một bộ phim châu Á trong dòng chảy lịch sử điện ảnh.

Ngọa Hổ Tàng Long được chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp cùng tên của nhà văn Vương Độ Lư, xoay quanh bốn nhân vật gồm Lý Mộ Bạch (Châu Nhuận Phát), Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh), Ngọc Kiều Long (Chương Tử Di) và La Tiểu Hổ (Trương Chấn).

Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên có tình cảm với nhau. Vì Du Tú Liên từng đính hôn với người bạn thân quá cố của Lý Mộ Bạch nên cả hai đành đè nén tình cảm, không công khai trước bàn dân thiên hạ. Sau khi rửa tay gác kiếm, Lý Mộ Bạch quyết định trao thanh kiếm Lục Mệnh cho Tề lão gia nhưng nó đã bị một tên trộm đánh cắp.

Trong quá trình tìm lại thanh kiếm, Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên làm quen với Ngọc Kiều Long – vị tiểu thư xuất thân con nhà quyền quý sắp sửa bước chân vào một cuộc hôn nhân sắp đặt. Thông qua Ngọc Kiều Long, Lý Mộ Bạch tìm được kẻ đã hại chết sư phụ của mình là Bích Nhãn Hồ Ly, đồng thời biết được chuyện tình bị chia cắt giữa Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ.

Một số hình ảnh trong phim

Ngọa Hổ Tàng Long là một sự kết hợp thú vị của phương Đông và phương Tây, của những nhà làm phim và các diễn viên đến từ những nền văn hóa khác nhau. Họ đã phối hợp để tạo ra một bộ phim võ thuật độc nhất vô nhị.

Ban đầu, kịch bản do nhà sản xuất và biên kịch James Schamus đảm nhiệm. Sau đó biên kịch người Đài Loan Vương Huệ Linh đã viết lại gần như toàn bộ để làm nổi bật chủ đề và nghệ thuật của dòng phim võ thuật cũng như tiểu thuyết võ hiệp.

Đó là sự trả thù dành cho kẻ đã hạ sát cao thủ võ thuật (Lý Mộ Bạch giết Bích Nhãn Hồ Ly để báo thù cho sư phụ), mong muốn sở hữu thanh kiếm siêu việt (Ngọc Kiều Long ăn trộm Lục Mệnh), khao khát học được bí kíp võ thuật (Bích Nhãn Hồ Ly ăn trộm sách võ thuật của phái Võ Đang), và một chủ đề quan trọng không kém đó là sự cần thiết của việc huấn luyện thích hợp để đưa võ thuật thành thứ có ích thay vì gây bất ổn cho xã hội (Lý Mộ Bạch muốn thu nhận Ngọc Kiều Long bất chấp cô nàng từng là đồ đệ của Bích Nhãn Hồ Ly).

Châu Nhuận Phát và Dương Tử Quỳnh

Vương Độ Lư thường đan cài chuyện tình cảm lãng mạn vào tác phẩm của mình trong quá trình sáng tác những năm 1930 và 1940, song đó chỉ là trong văn học, còn những cảm xúc sâu lắng và rung động ấy gần như không xuất hiện trong các bộ phim võ thuật. Ngọa Hổ Tàng Long của Lý An đã phá bỏ cái cũ để kể lại hai câu chuyện tình trên màn ảnh. Đó là mối tình trẻ tuổi đầy khao khát giữa Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ, cùng với mối tình lặng yên giữa Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên.

Ngọa Hổ Tàng Long còn tập trung vào yếu tố nữ quyền. Trong các bộ phim võ thuật cũ, các nhân vật nữ hiệp tài giỏi không bao giờ được phát triển. Thậm chí trong đa số phim võ thuật, phụ nữ vẫn bị xếp sau đàn ông theo thứ bậc của Nho giáo, mặc dù họ cũng song hành với đàn ông trong mọi trận chiến và sở hữu tính tự lập ở một mức độ nào đó.

Ngoài ra, Ngọa Hổ Tàng Long còn xoay quanh sự trưởng thành của Ngọc Kiều Long – một nữ hiệp trẻ tuổi có tính cách nổi loạn và ngông cuồng. Đây cũng là nhân vật mà các nhà làm phim võ thuật trước đây ghét cay ghét đắng, dù nó cũng từng xuất hiện trong một số phim những năm 1970, tiêu biểu nhất là các vai diễn của Mao Anh (hay còn gọi là Angela Mao, được xem như “Lý Tiểu Long nữ” của dòng phim võ thuật).

Chương Tử Di

Lý An đọc tiểu thuyết võ hiệp từ khi còn là một cậu bé. Đây cũng là cảm hứng để ông thực hiện Ngọa Hổ Tàng Long. Lý An chia sẻ thêm:

“Thứ hấp dẫn tuyệt vời nhất trong thế giới kung fu nằm ở sự trừu tượng. Đó là thế giới thuộc về nhận thức, dựa trên một Trung Hoa giả tưởng. Nó không có thật và do đó nó cũng thoát khỏi các ràng buộc.

Ở thế giới này, tôi có thể bày tỏ một cách cảm tính. Những cảnh hành động giống như những màn khiêu vũ được biên đạo. Không hề có giới hạn. Đó là một cách làm phim tự do và không bị kiềm chế”.

Ngọa Hổ Tàng Long sở hữu nhiều cảnh chiến đấu đẹp mắt, ví dụ như màn rượt đuổi trên mái nhà, Ngọc Kiều Long đánh bại nhóm côn đồ trong tửu quán, trận đấu trong rừng tre giữa Ngọc Kiều Long và Lý Mộ Bạch.

Ngoài ra còn phải kể đến trận đọ sức giữa Ngọc Kiều Long và Du Tú Liên ở võ đường. Mặc dù là một diễn viên giàu kinh nghiệm, Dương Tử Quỳnh chưa hề được đào tạo về võ thuật. Cô đã rất cố gắng tập sử dụng nhiều binh khí để thực hiện cảnh đoạt lại cây kiếm trong tay Chương Tử Di.

Người chỉ đạo các cảnh võ thuật trong Ngọa Hổ Tàng Long là Viên Hòa Bình – người có tầm ảnh hưởng trong dòng phim võ thuật và hành động Hồng Kông. Lý An cho hay:

“Viên Hòa Bình là bậc thầy làm cho khán giả cảm thấy rùng mình. Anh ấy biết mọi thứ về phim hành động, kung fu và cũng là một người có văn hóa. Viên Hòa Bình dành nhiều sự tôn trọng cho phong cách võ thuật cổ điển, nét truyền thống của Kinh kịch, cũng như những cảnh hành động và nhào lộn đầy ấn tượng.

Chỉ cần có Viên Hòa Bình chỉ đạo, phim võ thuật sẽ trở thành nghệ thuật biểu diễn”.

Cảnh chiến đấu của Dương Tử Quỳnh và Chương Tử Di

Trong Ngọa Hổ Tàng Long, Lý Mộ Bạch xuất thân từ phái Võ Đang. Võ Đang là môn phái võ thuật Trung Hoa thuộc núi Võ Đang nằm ở phía Nam tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong các "phim chưởng", đôi khi khán giả sẽ thấy Võ Đang là đối thủ của môn phái Thiếu Lâm Tự.

Võ Đang bắt nguồn từ Đạo giáo, còn Thiếu Lâm Tự có gốc Phật giáo. Mặc dù các nhà sư của Thiếu Lâm Tự giỏi dùng kiếm nhưng đó không phải là thế mạnh của họ. Ngược lại, các võ sư Võ Đang tinh thông kiếm thuật hơn và phát triển thành kiếm pháp “Thanh kiếm Võ Đang” khi sử dụng kiếm thẳng để chiến đấu. Đây là sự khác biệt cực lớn giữa hai môn phái và nó cũng giải thích vì sao Võ Đang là lựa chọn hợp lý trong một bộ phim kiếm hiệp như Ngọa Hổ Tàng Long.

Bên cạnh đó, Võ Đang còn dựa trên bí truyền và huyền học hơn là tính thực tiễn của Phật giáo Thiếu Lâm Tự. Nhưng ý tưởng này không được khai thác trong Ngọa Hổ Tàng Long. Mặc dù bộ phim đặt trong bối cảnh phương Đông, Ngọa Hổ Tàng Long vẫn có cách kể chuyện hơi hướm phương Tây khi mô tả sự khám phá các mối quan hệ và phát triển cá nhân hơn là chỉ nói đến những triết lý của giới giang hồ.

Trương Chấn và Chương Tử Di

Biên kịch James Schamus cho biết điều này có chủ đích vì Ngọa Hổ Tàng Long hướng đến khán giả Mỹ và quốc tế. Dẫu vậy, sự nỗ lực và khéo léo của các nhà làm phim đều hướng đến một mục đích duy nhất là nâng tầm cho dòng phim võ thuật. Và rõ ràng là 20 năm đã trôi qua, Ngọa Hổ Tàng Long vẫn là phim võ thuật đẹp mắt và xuất sắc nhất.

Đọc thêm bài: ‘Seediq Bale’ - bom tấn sử thi dài hơn 4 tiếng về thổ dân Đài Loan gây tranh cãi nhưng vẫn cháy phòng vé

Theo: SCMP
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.