• Về đầu trang
Cường Nguyễn
Cường Nguyễn

Walk With Me: Đặt lý trí xuống để bước vào...

Phim ảnh

Theo thói quen, mỗi người khi bước chân vào rạp chiếu phim đều có sự cân nhắc và mong cầu tìm thấy một điều gì đó từ bộ phim mình sắp sửa xem. Đó có thể là niềm vui, sự giải trí, những biến đổi liên tục của cảm xúc với nhiều cũng bậc khác nhau tùy theo từng phân đoạn hay thể loại phim. Và cuối cùng, sau khi bước ra khỏi rạp chiếu, điều người ta mong muốn luôn là tìm thấy ý nghĩa hay phân tích, bình phẩm về bộ phim mà mình vừa xem xong.

Nhưng với Walk With Me (tựa Việt: Bước Chân An Lạc), chúng ta dường như không thể làm được điều đó.

Là một phác họa về chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai, có thể nói rằng bộ phim này cũng đồng thời là một điều kỳ lạ mà hai đạo diễn Max Pugh và Marc James Francis mang đến cho khán giả. Xuyên suốt bộ phim, dường như người ta không thể nào biết được rồi mình sẽ xem cái gì ở những phút tiếp theo. Không có một kịch bản rõ ràng, không có một câu chuyện cụ thể hay những tình tiết cụ thể. Những thước phim làm ta liên tưởng đến những nét chấm phá của bức tranh thủy mặc phương Đông: tưởng chừng rất mơ hồ nhưng khi hòa nhập lại trong một tổng thể lại là một bức tranh đầy ý nhị và tinh tế.

Ở trong Walk With Me, hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bậc thầy về chánh niệm, một "Dalai Lama khác" đã gieo ảnh hưởng của mình trong lòng xã hội Tây phương một cách mạnh mẽ và sâu sắc hiện lên một cách thật bình dị. Dáng dấp của bậc thầy già đặt từng bước chân thiền hành đầy cẩn trọng và an nhiên giữa những rừng cây đang mùa thay lá, hay nụ cười hiền hòa bên cạnh các đệ tử của ông tỏa ra một sức hút đặc biệt lạ kỳ.

Họ, Tăng đoàn Làng Mai gồm những nhà tu hành với nhiều màu da, độ tuổi và mang nhiều quốc tịch khác nhau, những con người lựa chọn một cách sống khác, mang những tâm tư và cái nhìn khác về cuộc đời: đầy an vui và thảnh thơi.

Họ mang cái an vui đó, thảnh thơi đó đến cùng với những người xung quanh, chỉ cho họ thấy rằng hạnh phúc thực ra không phải là những thứ xa vời hay cao siêu. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, chỉ cần đặt hết tâm ý vào đó, vào mỗi phút giây hiện tại mà ta đang sống, là đã có hạnh phúc rồi.

Walk With Me không hề là một bộ phim dễ xem. Khi so sánh với những bộ phim khác trong cùng thể loại phim tài liệu vốn khúc chiết và chặt chẽ đến mức khô khan, Walk With Me là một sự khác biệt hoàn toàn. Một bộ phim trôi qua chậm, rất chậm, chậm đến mức có thể làm cho những người vốn quen với sự bận rộn và quay cuồng của nhịp sống công nghiệp trở nên sốt ruột.

Chính vì vậy, một khi bước chân vào xem phim, điều người ta cần làm là đặt lại tất cả mọi suy nghĩ, bận rộn cũng như kiếm tìm ở bên ngoài cửa rạp chiếu cũng như đừng cố gắng phân tích bất cứ điều gì trong phim.

Bởi vì dường như không có một sự dụng công hay sắp đặt nào của những người làm phim ở trong đó cả. Không kịch tính, không tình tiết, không mở nút thắt nút,... Tất cả cứ êm đềm trôi đi như một dòng sông mùa xuân dịu mát, và việc người ta cần làm là thả trôi mình cùng nó, tận hưởng nó, để cho sự thể hiện “không phải thực sự là một cấu trúc nhưng cũng là một cấu trúc” làm dịu lại tâm hồn vốn chịu nhiều thương tích, lo lắng hay rối ren từ cuộc sống thường nhật bủa vây.

Trong gần 2 tiếng đồng hồ của Walk With Me, cố gắng hiểu một điều gì đó là việc không cần thiết bởi càng cố gắng hiểu, người xem sẽ càng... không hiểu được điều gì cả. Nó tựa hồ như cách mà những con người trong phim thực hiện cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình: càng cố gắng kiếm tìm, rong ruổi theo những mong muốn và khao khát đạt được những mục đích mà mình vẽ nên, người ta càng xa rời với hạnh phúc. Chỉ khi dừng lại, nhìn kỹ, sống và tận hưởng với phút giây, tiếp xúc sâu sắc mỗi hiện hữu xung quanh mình, người ta mới có thể biết được đâu mới là hạnh phúc và bình an chân thật.

Đó chính là chánh niệm. Đó chính là bình an. Đó là những gì mà Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng đoàn của ông muốn gửi gắm đến mỗi người trong chúng ta.

Nếu lựa chọn bước vào rạp xem Walk With Me, hãy lựa chọn xem bằng một cách khác như cách mà Thiền sư Nhất Hạnh từng gợi ý cho chúng ta trong cuốn sách Nẻo về của ý:

“Hãy tưởng tượng một con đường lên núi quanh theo hình trôn ốc, và người leo núi đi rất thảnh thơi, không có cảm tưởng mình đang leo núi, quên rằng mình đang leo núi. Đường có hoa thơm cỏ lạ...”

Chỉ vậy thôi là đủ!

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.