• Về đầu trang
Một ngày đẹp trời
Một ngày đẹp trời

Chuyện chưa kể đằng sau thảm họa chìm phà Sewol năm 2014 và nỗ lực phơi bày sự thật của đạo diễn phim 'In The Absence'

Thế Giới

Vào ngày 16 tháng 4 năm 2014, một chiếc phà chở khách với 476 người bao gồm 325 học sinh đã chìm gần khu vực đảo Jeju. Tổng cộng có hơn 300 người thiệt mạng. Trước sự cố kinh hoàng này, người dân trên khắp hàn Quốc, bao gồm cả gia đình của những người xấu số đã đấu tranh đòi sự minh bạch và buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Nhiều năm sau đó, những gia đình này và những người ủng hộ họ vẫn tiếp tục đấu tranh đi tìm câu trả lời cho những gì đã xảy ra vào buổi sáng định mệnh năm 2014. Và toàn bộ câu trả lời đã được thể hiện lại một cách trần trụi qua bộ phim tài liệu vừa được đề cử giải Oscar, In The Absence.

Công tác cứu hộ tệ hại, chính phủ vô trách nhiệm, thờ ơ trước nỗi đau của người dân

Vào lúc 8:49 sáng ngày 16 tháng 4, năm 2014, phà Sewol bắt đầu chìm lệch về một bênh. Ngay sau đó, hành khách trên tàu liền gọi cho 119 và báo cáo tình hình để được cứu hộ. Thay vì hướng dẫn cho hành khách phải làm gì hay di chuyển đến đâu thì thuyền trưởng lại phát loa thông báo yêu cầu hành khách, bao gồm cả những bạn học sinh giữ nguyên vị trí và chờ đợi: “Vui lòng không di chuyển. Ở yên tại vị trí. Giữ chặt bắt cứ cây cột nào có thể". Đến 9 giờ 10 phút, dịch vụ vận tải hàng hải JINDO đã gọi cho phà Sewol và nhân viên trên tàu đã trả lời rằng: "Chúng tôi đang rất hoang mang. Chúng tôi không biết liệu mình có nên ra lệnh cho mọi người nhảy xuống nước hay không. Tôi đã nói với thủy thủ đoàn mặc áo phao cứu sinh và chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng. Thủy thủ đoàn thì đang đứng ở xà lang boong tàu nhưng không thể di chuyển được".

Hơn 10 phút sau, lực lượng tuần duyên đã gọi cho văn phòng xử lí khủng hoảng để báo cáo và nhận chỉ thị. Nhưng quản lý phòng chỉ hỏi một cách qua loa và xin video ghi lại trực tiếp từ hiện trường. Qua điện thoại với phà Sewol, dịch vụ vận tải hàng hải JINDO thì khẳng định chính thuyền trưởng phải tự đưa ra quyết định rằng có kêu gọi hành khách tự thoát thân hay không dựa trên tình hình hiện tại. Sau đó là hàng loạt những cuộc gọi giữa lực lượng tuần duyên và bộ hàng hải, phòng an ninh hàng hải nhưng nội dung trao đổi chỉ là về tình hình hiện tại của phà và video trực tiếp từ hiện trường mà không đưa ra bất kỳ giải pháp nào.

Tàu tuần tra 123 là tàu duy nhất được điều đến để giải cứu hành khách nhưng lúc này không một ai ở phà Sewol chạy lên boong hay nhảy xuống nước dù phà đã nghiêng hẳn về một phía. Từ một video ghi lại diễn biến trong phà, một người nào đó đã yêu cầu các em học sinh không được rời vị trí và tiếp tục chờ đợi, dù rằng chính thuyền trưởng đã tự rời phà sang tàu tuần tra 123 vào lúc 9:47 phút sáng. Khi thuyền trưởng trốn thoát, hơn một nửa số hành khách vẫn còn mắc kẹt trên phà.

Thay vì tăng cường các hoạt động cứu trợ thì cơ quan chính phủ chỉ liên tục yêu cầu gửi camera vào trong để báo cáo nội bộ. "Tôi nghe tiếng máy bay trực thăng nên nhìn ra ngoài. Nó có 1 cái camera, nhưng cả máy bay này lẫn tàu tuần tra 123 đều không kêu gọi sơ tán. Và chẳng có một người cứu hộ nào giúp chúng tôi cả. Họ cũng không đưa ra chỉ dẫn nào về những gì chúng tôi phải làm hay bất kỳ điều gì khác" - Anh Kim Sung Mook, một trong những hành khách may mắn sống sót kể lại.

Gần 2 tiếng sau khi phà Sewol bắt đầu chìm, những bên có liên quan và chịu trách nhiệm cứu hộ hầu như chỉ thực hiện hàng loạt cuộc gọi vô nghĩa mà không đưa ra bất kỳ chỉ thị nào. Rồi sau đó, phà Sewol càng lúc càng đổ nhào về một bên, cuốn trôi mọi hy vọng sống của hành khách trước sự lúng túng của tàu tuần tra 123.

Tổng thống đương nhiệm Park Geun Hye, người lẽ ra phải có mặt ngay từ đầu, đã xuất hiện vào cuối ngày. Bà gần như không hề nắm rõ tình hình về sự cố đáng buồn của phà Sewol và đưa ra mệnh lệnh "tuyệt đối không để ai phải thiệt mạng" quá muộn màng. Đúng 2 tiếng kể từ thời điểm phà bị chìm, lực lượng an ninh không quân (LLANKQ) và lực lượng tuần duyên (LLTD) mới chính thức bàn bạc phương án giải cứu hành khách trên tàu, một cách vô trách nhiệm:

LLANKQ: Lực lượng An ninh không quân chúng tôi không thể đáp trên chiếc phà sao?

LLTD: Chỉ còn mũi con tàu còn nằm trên mặt nước biển, và tôi không nghĩ là chúng ta có thể đáp được.

LLANKQ: Vậy, hầu hết các hành khách đều đã ra ngoài rồi?

LLTD: Vâng, đúng vậy.

LLANKQ: Vậy, không có ai bị bỏ lại bên trong chiếc phà phải không?

LLTD: Vâng, mọi người đã thoát khỏi chiếc tàu khi nó bắt đầu lật nghiêng. Chúng tôi không tìm kiếm những cabins nhưng có vẻ như hầu hết hành khách đã thoát ra ngoài.

Đến buổi chiều cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thống kê số người thoát chết và số người còn mắc kẹt trên phà. Dù cho cấu trúc phà Sewol không thể có được lỗ hổng khí để có thể kéo dài sự sống của những ai bị kẹt lại nhưng lúc này mọi hoạt động giải cứu đều đã tạm dừng khi chiếc phà gần như đã chìm sâu dưới nước.

Ngày hôm sau, một nhóm thợ lặn dân sự đã đến hiện trường để hỗ trợ hoạt động giải cứu 291 người vẫn còn kẹt trong phà của lực lượng tuần duyên. Anh Jeon Gwang Geun, một thợ lặn dân sự, kể lại rằng những người ở đó quyết định bơm khí vào phần tàu đã chìm để tạo lỗ hổng khí. Nhưng thay vì phải xác định chỗ nào trên tàu có lỗ hỗng khí để bơm vào thì trái lại, thợ lặn của lực lượng tuần duyên chỉ bơm đâu đó dưới mặt nước một cách vô trách nhiệm và khiến phà Sewol càng chìm nhanh hơn. Kể cả thiết bị lặn cho đội cứu hộ cũng không đảm bảo an toàn.

Không có bất kỳ động thái hỗ trợ tìm kiếm thi thể nạn nhân hay trục vớt phà Sewol, đổ dồn mọi trách nhiệm lên thợ lặn dân sự

Trong hơn 3 tháng sau đó, thợ lặn dân sự đã tích cực tìm lại những thi thể của nạn nhân cũng như tư trang của họ. Họ đã tìm được khoảng 25 đến 30 thi thể trong khoảng từ ngày 17/4 đến ngày 10/7.

Điều đáng nói là trong suốt quá trình tìm kiếm nạn nhân, không một thợ lặn quân sự nào đủ kỹ năng để kéo thi thể lên từ độ sâu 40m nên thợ lặn dân sự phải tự đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Anh Jeon Gwang Geun, một thợ lặn cho hay: "Với tầm nhìn kém, bạn không thể nào biết bạn đang ở đâu cả. Cấu trúc của chiếc phà cũng khá phức tạp, và chúng tôi cần phải bố trí dây dẫn. Đồ đạc đều bỉ đổ xuống nên chúng tôi phải đi qua mê cung. Có nhiều thứ cho thấy sự nỗ lực sống sót của họ. Tôi tìm thấy được vài người trong phòng ngủ đôi. Những bạn học sinh tụ họp trong một căn phòng nhỏ để cùng nhau sống sót".

Trong khi đó, thợ lặn Kim Gwan Hong chia sẻ rằng: "Chúng tôi đã phải dò dẫm xung quanh và tưởng tượng ra mọi thứ dưới làn nước tối đen. Những gì mà tôi tưởng tượng ra…Chúng cứ hiện lên trong đầu tôi. Vốn dĩ tôi chỉ lặn một lần mỗi ngày nhưng giờ phải lặn 4 lần, hoặc thậm chí là 5 lần một ngày. Những người thợ lặn khác bảo tôi là lẽ ra tôi không nên làm việc quá sức như vậy. Nhưng tôi có thể làm gì bây giờ, khi mà không có đủ thợ lặn? Vấn đề quan trọng là nếu họ cứu được những đứa trẻ mà rõ ràng họ có thể cứu được, thì chúng tôi đã không cần phải làm việc này rồi. Nhưng họ không làm thế. Họ cứ liên tục báo cáo lại tình hình thôi".

Vào ngày 10/7/2014, chính phủ đột nhiên ra lệnh cho những thợ lặn dân sự ngừng các hoạt động tìm kiếm lại và rời khỏi khu vực này. Trong hơn 1 năm sau đó, gia đình của các nạn nhân và thợ lặn dân sự đã cùng hợp tác và yêu cầu chính phủ điều tra lại những sai sót trong quá trình cứu hộ. Những phát hiện mới tiết lộ rằng cấu trúc của phà khiến nó gần như không thể nào chứa được những lỗ hổng khí bên trong để những hành khách kẹt lại có thể sống sót. Chính phủ rõ ràng đã biết được việc này ngay từ đầu nhưng vẫn không đẩy nhanh tiến độ cứu hộ mà chỉ đâm đầu vào những báo cáo rồi đùn đẩy toàn bộ khó khăn cho những thợ lặn dân sự và che đậy báo giới.

Những vết thương tâm lý không bao giờ lành, nỗi đau ở lại dằn vặt người còn sống

Sau 5 tháng ròng rã biểu tình đòi buộc tội tổng thống Park Geun Hye, một cuộc điều tra đã phát hiện ra những tội lỗi của bà như tham nhũng, lập ra "danh sách đen", và lạm dụng quyền lực. Hai tuần sau khi Tổng Thống Park bị đuổi khỏi văn phòng Tổng Thống, công tác cứu hộ phà Sewol lại bắt đầu, sau 3 năm từ ngày định mệnh tháng 4 năm 2014.

Tuy rằng cuối cùng người ta cũng nhìn thấy chiếc phà Sewol được kéo lên từ đáy biển nhưng lại không tìm được dấu vết của toàn bộ người tử nạn. Và dù cho có tìm được thì những mất mát mà gia đình nạn nhân phải chịu là thứ vĩnh viễn không thể nào thay đổi. Dù rất nhiều người sẽ quên đi như thể thảm họa này chưa từng tồn tại nhưng nỗi đau mất mát cùng sự bất lực vẫn ở lại ám ảnh những người còn sống, gia đình nạn nhân, và cả những thợ lặn dân sự không ngừng nỗ lực cứu sống các em học sinh năm nào.

Một thợ lặn dân sự, đồng nghiệp của Jeon Gwang Geun, anh Kim Gwan Hong đã tự tử sau 2 năm kể từ ngày xảy ra thảm họa phà Sewol vì nỗi ám ảnh không thể cứu được các em học sinh. "Khi chúng tôi rời khỏi hiện trường, có những chú chim nhỏ bay lượn giữa gió và cơn mưa. Những cánh chim bé nhỏ đó đang chao nghiêng trong giông bão. Chúng rất bé nhỏ và xinh đẹp. Và tiếng hót của chúng cũng rất cảm động. Nhưng nó cũng giống như tiếng khóc than của những em học sinh với tôi rằng đừng bỏ các em lại phía sau".

Nỗ lực của đạo diễn và nhà sản xuất khi phơi bày sự thật ra ánh sáng qua phim tài liệu In The Absence

Có thể nói, In The Absence là một trong những bộ phim tài liệu hay nhất thập kỷ ở Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung khi phơi bày những góc khuất đằng sau thảm họa chìm phà Sewol mà nhiều người chưa hề biết đến. Và dĩ nhiên đằng sau nó là nỗ lực không ngừng của cả ekip, đặc biệt là đạo diễn Yi Seung Jun và nhà sản xuất Gary Kam Byung Seok. Ban đầu, vốn dĩ cả Yi Seung Jun không có ý định làm phim tài liệu về phà Sewol. Bởi theo như chính anh nói: "Tôi không nghĩ rằng tôi có thể nhấn máy quay trước mất mát và nỗi buồn quá lớn của gia đình các nạn nhân xấu số. Khi tôi nhìn thấy bất kỳ đứa trẻ nào đang mặc đồng phục trường trên xe buýt, tôi lại bật khóc trong vô thức".

Trái: Yi Seung Jun, phải: Gary Kam Byung Seok

Mãi đến cuối năm 2016, khi Field Of Vision ngỏ ý mời Yi Seung Jun làm một dự án liên quan đến cuộc biểu tình lớn nhất Hàn Quốc, anh mới bắt đầu nghiêm túc thảo luận với Byung Seok. Byung Seok cho rằng bản thân cuộc biểu tình ánh nến là một đề tài rất hay nhưng với thời lượng của một bộ phim tài liệu ngắn thì không thể nào truyền tải hết được. Trong khi thảm họa Sewol có thể là một đề tài có sức nặng vì nó là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân Hàn Quốc tham gia biểu tình. Sau nhiều lần bàn bạc, cả 2 đã đề xuất câu chuyện về thảm họa phà Sewol, về cách mà thảm họa này gắn liền với cuộc biểu tình cho Field Of Vision.

Để có thể làm được một bộ phim tài liệu về thảm họa phà Sewol một cách chân thực nhất, cả hai đã phải đối mặt với nhiều vấn đề từ giai đoạn tiền sản xuất như làm sao có được video, hình ảnh trong quá trình cứu hộ, sự đồng ý từ gia đình nạn nhân. Yi Seung Jun kể lại rằng một vài đạo diễn đồng nghiệp của anh đã từng quay lại hiện trường khi phà chìm, và công bố toàn bộ trong nhóm quay phim tài liệu 416. Ngay khi bắt tay vào dự án, Yi Seung Jun đã liên hệ với nhóm đạo diễn trên và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ họ. Ngoài ra, anh cũng tìm thêm những đoạn video và tin nhắn trong điện thoại nạn nhân từ truyền thông cũng như hiệp hội gia đình các nạn nhân.

Tuy nhiên, nan giải nhất vẫn là làm sao có được những đoạn video ghi lại cảnh cứu hộ của tàu tuần tra, lực lượng tuần duyên và đoạn ghi âm giữa các cơ quan chính phủ. Thực tế những đoạn video hay ghi âm này chỉ được cung cấp cho các đài truyền hình để phát sóng một phần ở mục tin tức. Là những nhà làm phim độc lập, rất khó để có được chúng. Anh từng liên hệ với các đài truyền hình và đều bị từ chối. Trong lúc bế tắc nhất thì may mắn thay, thông qua hiệp hội gia đình các nạn nhân mà phía đoàn phim đã liên hệ được với một nghị sĩ. Ông là một luật sư nhân quyền rất có tiếng và là người cất lên tiếng nói cho hiệp hội gia đình nạn nhân trong một thời gian dài. Nhờ ông mà đoàn phim đã có được những đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa các nhà chức trách.

Trên thực tế, In The Absence vấp phải nhiều tranh cãi ngay từ khi bắt tay vào dự án. Người ta cho rằng Yi Seung Jun chỉ là đang cố chọc ngoáy vào vết thương lòng của người khác, và kiếm chút hư danh từ một thảm họa không ai muốn nhắc lại. Nhưng chính sự ủng hộ từ gia đình các nạn nhân đã truyền thêm cho vị đạo diễn trẻ này sức mạnh để nói ra sự thật. Khi được hỏi điều gì mà vị đạo diễn này hy vọng những khán giả của mình sẽ có được, học được hay cảm nhận được khi xem bộ phim tài liệu này, Yi Seung Jun đã trả lời rằng:

"Tôi nghĩ rằng nếu vẫn còn nỗi đau ăn sâu vào chúng ta từ đó thì chúng ta cần phải quay ngược thời gian trở về thời điểm mà nỗi đau bắt đầu. Chúng ta cần nhìn thẳng vào nó và tìm ra xem điều gì đã gây ra nỗi đau đó, và nó bắt đầu từ đâu. Đó là lý do tại sao tôi quyết định làm bộ phim này. Loài người chúng ta rất dễ bị mục rửa trước thời gian. Khi thời gian trôi qua, chúng ta quên đi nhiều thứ. Thời gian khiến chúng ta trở nên vô tri vô giác. Nó tựa như một lỗ đen nuốt chửng cảm xúc của chúng ta vậy. Chẳng phải việc bạn dần mất đi cảm xúc và sự minh mẫn đáng sợ lắm sao? Tôi muốn mọi người nhớ lại cái ngày đó, nhớ những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó, mọi thứ đã tiếp diễn như thế nào và chúng ta đã kể cho nhau nghe những gì. Tôi cũng mong người ta sẽ không quên đi rằng nếu một hệ thống vận hành không đúng cách thì đến cuối cùng nó sẽ tạo ra một nỗi đau kinh hoàng. Và nỗi đau đó có thể sẽ chẳng bao giờ lành. Xin hãy thức tỉnh và dõi theo những người phải chịu trách nhiệm".

Còn đối với nhà sản xuất Gary Kam Byung Seok thì: "Bất kỳ một công dân bình thường đơn thuần nào cũng có thể trở thành nạn nhân của một thảm kịch. Đó là những gì mà gia đình các nạn nhân muốn nói với thế giới. Đó là lý do tại sao mỗi công nhân (nên) muốn thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn và những quy định cho bất kỳ một xã hội nào. Đó là những gì họ mong muốn. Họ muốn chuyển bi kịch thành nền tảng cho mỗi một xã hội".

Có người đã từng nói rằng "Sự lãng quên là thứ giết chết một quốc gia". Người ta có thể phớt lờ hoặc xem nhẹ nỗi đau của người khác vì họ chưa từng nếm trải nỗi đau đó. Nhưng một xã hội mà con người chịu thỏa hiệp với cái sai, chọn cách quên đi hiện thực đau thương đã từng diễn ra, là một xã hội dần đi đến cái chết. Chính vì không muốn bi kịch tương tự nào xảy ra nữa, không muốn nhìn xã hội dần trở nên mục ruỗng mà vị đạo diễn trẻ Yi Seung Jun quyết định thực hiện bộ phim này.

Bản thân sự thật không tự lên tiếng được, chỉ có những người nhiệt thành như Yi Seung Jun và Gary Gam Byung Seok mới có thể làm điều đó. Và cuối cùng, mọi nỗ lực đã được đền đáp, In The Absence trở thành một trong những phim tài liệu hay nhất thời đại với sự thật mà thế giới nói chung và người Hàn Quốc nói riêng, vĩnh viễn không thể phớt lờ.

Theo: Tổng hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.