• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Facebook dọa cấm dân Úc sử dụng nút 'share'

Thế Giới

Cuối tháng 7 vừa rồi, chính phủ Úc đã công bố một văn bản dự thảo luật nhằm ràng buộc Google và Facebook phải tuân thủ "luật chơi" trên sân nhà của họ, mạng xã hội lớn nhất thế giới có nguy cơ phải trả tiền cho các hãng tin địa phương nếu muốn đăng lại tin tức trên các nền tảng công nghệ này, bao gồm cả Instagram (hiện thuộc sở hữu của Facebook).

Động thái này khiến lãnh đạo Facebook "nổi giận" và họ đáp trả rằng lời đe dọa Facebook có thể cấm dân Úc sử dụng nút "chia sẻ" trong trường hợp dự thảo có hiệu lực. Mặc dù vậy, Facebook cũng cho biết việc chia sẻ tin tức bị ràng buộc nhưng thao tác chia sẻ nội dung cá nhân giữa người thân và bạn bè vẫn diễn ra bình thường. Đồng thời các tài khoản Facebook nằm ngoài lãnh thổ nước Úc sẽ không bị giới hạn chức năng trong trường hợp tình huống xấu nhất diễn ra.

Một trụ sở của Facebook tại Úc.

Ông Will Easton - CEO Facebook tại khu vực Australia và New Zealand cho biết:

Nếu dự luật được nước Úc thông qua, chúng tôi buộc phải chặn quyền chia sẻ tin tức của người dân Úc. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác vì là cách duy nhất để chống lại dự luật phi lý của chính phủ, nó sẽ gây bất lợi cho tương lai của ngành báo chí và truyền thông đại chúng tại Úc.

Không chỉ buộc Facebook trả phí khi chia sẻ lại tin, dự thảo của Úc còn đưa ra nhiều quy định liên quan đến quyền truy cập dữ liệu của người dùng, tính minh bạch trong thuật toán, nguồn tin và phân loại nội dung trong kết quả tìm kiếm.

Bộ trưởng Ngân khố Úc - ông Josh Frydenberg cho biết dự thảo luật kể trên sẽ nhắm tới mọi nền tảng mạng xã hội có sử dụng nội dung tin tức từ các hãng tin ở Úc nhưng trong thời gian đầu sẽ chỉ tập trung vào Facebook và Google - hai đế chế đang thao túng ngành quảng cáo kỹ thuật số và truyền thông đa phương tiện trên thế giới.

Động thái của chính phủ Úc khi siết chặt gọng kềm đối vơi túi tiền của Facebook và Google trên thực tế lại được nhiều quốc gia tán thành, bởi vì hiện tại, hai gã khổng lồ này vẫn đang thu lợi hàng tỷ USD doanh thu quảng cáo tại nhiều nước mà không phải trả một khoản phí hay đóng thuế gì.

Mặc dù dự luật của Úc được ủng hộ, thế nhưng các chuyên gia cho rằng nó không tạo ra khác biệt lớn hay có thể khiến các quốc gia khác phải làm theo, bởi trong vụ này đơn giản là Facebook và Google chỉ cần tẩy chay thị trường Úc, lúc này phía chịu thiệt nhiều hơn sẽ là Úc và các doanh nghiệp của nước này.

Để có thể buộc Facebook chơi theo luật chơi của mình, các quốc gia buộc phải cùng lúc gây áp lực với Facebook, tuy nhiên điều này rất khó xảy ra. Dù sao đi nữa, dự thảo của Úc có thể xem là một tiền lệ minh chứng cho thái độ quyết liệt chống lại sự bành trướng và độc quyền của Facebook hoặc Google.

Đọc thêm: Facebook thiệt hại 60 tỷ USD chỉ trong 2 ngày vì bị đối tác quảng cáo tẩy chay

Theo: TechRadar
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.