• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Hôm nay 6 tháng 8, Nhật Bản tưởng niệm 75 năm ngày bom hạt nhân hủy diệt Hiroshima

Thế Giới

Thứ Năm (ngày 6 tháng 8 năm 2020) đánh dấu cột mốc 75 năm kể từ vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, đây là một ngày tưởng niệm kỳ lạ đối với người Nhật: họ không bao giờ quên, nhưng cũng không muốn nhắc đến nó để khỏi phải đối mặt với quá khứ đen tối.

Vì dịch Covid-19 bùng phát, sự kiện không thể tập trung quá đông người. Những người sống sót, người thân và một số ít quan chức bao gồm thủ tướng Shinzo Abe, tổng cộng khoảng 1000 người sẽ tham dự sự kiện chính trong năm nay tại Hiroshima để cầu nguyện cho các nạn nhân và kêu gọi hòa bình thế giới, buổi lễ sẽ được livestream trên mạng xã hội.

Thủ tướng Shinzo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh.

Đánh giá lịch sử đối với hai vụ đánh bom hạt nhân xuống Nhật Bản vẫn còn để lại một số tranh cãi. Hoa Kỳ chưa bao giờ xin lỗi về hành động đánh bom của họ - điều mà nhiều người ở Mỹ coi là cần thiết để kết thúc chiến tranh. Nhật Bản tuyên bố đầu hàng chỉ vài ngày sau đó vào 15 tháng 8 năm 1945, một số nhà sử học cho rằng vụ đánh bom tuy giết chết nhiều người, nhưng nó đã cứu mạng nhiều người hơn bằng cách tránh một cuộc xung đột trên đất liền có thể gây ra hậu quả to lớn.

Thế nhưng ở Nhật Bản, hành vi bỏ bom hạt nhân vẫn được coi là tội ác chiến tranh vì chúng nhắm vào dân thường một cách bừa bãi và gây ra sự hủy diệt chưa từng thấy. Năm 2016, Barack Obama đã trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima, mặc dù ông không đưa ra lời xin lỗi nào ngoài việc bày tỏ tình cảm với những người sống sót và kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Hiroshima và Nagasaki cũng là điểm dừng chân quan trọng trong chuyến đi đầu tiên của Giáo hoàng Francis tới Nhật Bản năm ngoái, nơi ông tố cáo "nỗi kinh hoàng không thể kể xiết" của các vụ tấn công hạt nhân.

Người thân của các nạn nhân trong vụ đánh bom Hiroshima tập trung ở đài tưởng niệm để cầu an cho linh hồn người đã khuất.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom mang mã hiệu Little Boy chứa 64kg Uranium-235 phát nổ ở độ cao hơn 500 mét trên bầu trời Hiroshima, sức công phá tương đương 16.000 tấn TNT ngay lập tức giết chết 70.000 người, làm hơn 70.000 người khác bị thương.

3 ngày sau đó, quả bom thứ hai mang mã hiệu Fat Man chứa 6.4kg Plutonium phát nổ ở độ cao 550 trên bầu trời Nagasaki, sức nổ tương đương 21.000 tấn TNT giết chết 40.000 người, 25.000 người bị thương. Số nạn nhân thực sự của 2 vụ ném bom này không bao giờ có thể tính toán chính xác được.

Sau nhiều năm, hậu quả từ lây nhiễm chất phóng xạ đã làm hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng, để lại đau thương lâu dài cho nước Nhật.

So sánh vụ nổ và đám mây hình nấm từ Little Boy (trái) ở Hiroshima và Fat Man ở Nagasaki.

Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của Anh và Canada, đã thiết kế và chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên trong dự án mang tên gọi "Manhattan" trước khi cho ra thành phẩm cuối cùng là Little Boy và Fat Man. Dự án được khởi xướng bởi những nhà khoa học lỗi lạc (bao gồm cả thiên tài Albert Einstein - người đề xuất công thức E = mc2 làm cơ sở cho phản ứng nổ của bom nguyên tử).

Mục tiêu ban đầu của dự án là đề phòng quân đội Đức cũng có nghiên cứu tương tự, tuy nhiên, về sau thông tin giải mật cho thấy mặc dù Đức Quốc Xã sở hữu các nghiên cứu hạt nhân nhưng nó khá sơ sài và bị Mỹ bỏ xa. Theo thống kê, nghiên cứu bom hạt nhân của Hoa Kỳ đã tiêu tốn 2 tỷ USD và yêu cầu sự góp sức của hơn 130.000 cá nhân trong nhiều năm - đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất của nhân loại.

Tàn tích của một tòa nhà còn sót lại sau thảm họa ở Hiroshima - nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Trong buổi lễ sáng nay, thị trưởng thành phố Hiroshima và một đại diện của các gia quyến đưa ra những lời phát biểu trước một tấm bia ghi tên của các nạn nhân. Các tình nguyện viên sau đó livestream một chuyến tham quan đến di tích các tòa nhà bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom và chia sẻ lời chứng thực của hai người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử như một phần trong nỗ lực đánh dấu ngày tưởng niệm.

Bối cảnh đại dịch bùng phát trên toàn cầu mang một nỗi sợ hãi lớn, tuy nhiên nó "không quá đáng sợ mà lại có phần quen thuộc đối với một số người sống sót từ thảm họa bom hạt nhân", bao gồm cả Keiko Ogura, 83 tuổi, cụ bà sống sót qua vụ đánh bom ở Hiroshima. Với sự bùng phát của virus, bà Keiko nói: "Tôi nhớ lại nỗi sợ hãi mà tôi cảm thấy ngay sau vụ đánh bom. Không ai có thể thoát được."

Đọc thêm: Những điều bạn chưa biết về 2 vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki

Theo: Channelnewsasia
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.