• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Nhân loại đang tiến gần đến 'tương lai của những đứa trẻ biến đổi gen' nguy cơ phân biệt đối xử và bất bình đẳng

Thế Giới

Đã gần 2 năm kể từ khi những đứa trẻ bị chỉnh sửa gen ra đời ở Trung Quốc gây ra scandal chấn động giới khoa học thế giới. Vào tháng 11 năm 2018, tại một “hội nghị thượng đỉnh” về chỉnh sửa gen do các hiệp hội khoa học từ Hoa Kỳ, Anh và Hong Kong tổ chức, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tên Hạ Kiến Khuê đã thông báo rằng ông đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới.

Hạ Kiến Khuê mong rằng ông sẽ được tán thưởng vì một bước tiến mang tính đột phá trong khoa học. Thế nhưng, thay vào đó, ông ta gần như bị các đồng nghiệp trên toàn cầu lên án. Các nhân vật chủ chốt trong giới khoa học gia thuộc Học viện Quốc gia Hoa Kỳ và Hiệp hội Hoàng gia Anh đã tham gia chỉ trích Hạ Kiến Khuê nhưng không bác bỏ việc chỉnh sửa bộ gen di truyền.

Hạ Kiến Khuê tại Hội nghị thế giới về chỉnh sửa gen lần thứ 2.

Họ phản đối thời điểm thực hiện thí nghiệm của nhà nghiên cứu Trung Quốc, rằng còn quá sớm để tiến hành một dự án đầy rủi ro như vậy. Thí nghiệm chỉnh sửa gen người bằng phương thức CRISPR đã không được thực hiện như khoa học chân chính mong muốn. Trên thực tế, phương pháp chỉnh sửa gen có thể chính là tương lai của loài người, thậm chí một báo cáo năm 2017 của Viện hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ đã truyền cảm hứng cho Hạ Kiến Khuê thực hiện các thí nghiệm của mình.

Hiện tại, Hạ Kiến Khuê đang chịu án 3 năm tù giam, trong khi số phận của 2 đứa trẻ được chỉnh sửa gen là Lulu và Nana hiện không rõ. Sau sự cố "thảm họa nhân đạo" này, giới khoa học tuyên bố đã đến lúc “xác định một con đường nghiêm ngặt, có trách nhiệm” hướng tới việc sử dụng lâm sàng các phương pháp chỉnh sửa bộ gen di truyền. Họ thành lập Ủy ban quốc tế về sử dụng lâm sàng chỉnh sửa bộ gen gốc của người được lựa chọn cẩn thận với nhiệm vụ vạch ra các chi tiết khoa học về cách thức có thể giúp công nghệ thiết kế chỉnh sửa gen trẻ sơ sinh trở nên an toàn hơn.

Chuyện này này lẽ ra đã nên được làm ngay từ đầu. Giới khoa học nhận ra rằng không một nhà khoa học đơn lẻ nào có thể đưa ra quyết định chỉnh sửa gen một mình, rằng chúng ta phải có các cuộc thảo luận công khai rộng rãi và bao trùm nhằm xây dựng sự đồng thuận xã hội đối với vấn đề. Các chính sách ở khoảng 70 quốc gia trên thế giới cấm chỉnh sửa bộ gen di truyền và bất kỳ ai tự ý làm đều có thể bị ghép tội hình sự. Việc đơn phương chỉnh sửa gen trẻ em là "cái tát" vào mặt nhiều nhà khoa học, các giám đốc điều hành các công ty công nghệ sinh học, những người ủng hộ nhân quyền và công bằng xã hội, cũng như những người khác ủng hộ lệnh cấm thay đổi thông tin di truyền của con người.

Báo cáo dài 225 trang của ủy ban, được phát hành vào ngày 3 tháng 9, có một số luận điểm mạnh mẽ. Nó thận trọng hơn so với các báo cáo trước đó, khuyến cáo rằng ban đầu chỉ nên cho phép chỉnh sửa bộ gen di truyền trong những trường hợp cực kỳ hiếm, khi phương pháp sàng lọc phôi để loại trừ các biến dị nguy hiểm không thể thực hiện. Nó vẽ ra một bức tranh sống động về những trở ngại kỹ thuật mà các nhà khoa học mong muốn theo đuổi việc chỉnh sửa bộ gen di truyền phải đối mặt: "Thiếu hụt trong các công cụ chỉnh sửa, trong các công nghệ cần thiết để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả, ngay cả thuộc phạm trù hiểu biết của chúng ta về di truyền học tiềm ẩn ở hầu hết các bệnh di truyền."

Ủy ban tuyên bố họ không tán thành việc chỉnh sửa bộ gen di truyền, mà chỉ đơn thuần là xây dựng các hướng dẫn trong trường hợp một quốc gia muốn sử dụng chúng. Kèm theo đó, việc chỉnh sửa bộ gen di truyền không thể tách rời khỏi hậu quả của nó, một quyết định chỉnh sửa gen phải được đưa ra chỉ khi thỏa mãn các giá trị xã hội, chứ không phải vì động lực của khoa học. Đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc hợp pháp hóa chỉnh sửa gen sẽ dẫn đến sự thương mại hóa khó lường. Ví dụ, việc Vương quốc Anh chấp thuận cái gọi là “hiến tặng ty thể” cho một số ít phụ nữ mắc một số bệnh về DNA đã tạo điều kiện cho các phòng khám sản khoa ở Ukraine, Tây Ban Nha và Hy Lạp thu nhận và nghiên cứu ty thể mà không hề có bằng chứng về hiệu quả cũng như tác dụng phụ đối với bệnh vô sinh do tuổi tác nói chung.

CRISPR-Cas9: Phương pháp có thể giúp các nhà khoa học chỉnh sửa bộ gen của đứa trẻ sắp sinh, việc chỉnh sửa có thể thực hiện với độ khó không cao, nhiều đơn vị nghiên cứu di truyền trên thế giới có khả năng làm việc này. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta hoàn toàn không lường được hậu quả của hành vi "can thiệp vào tạo hóa".

Đặc biệt là khi các dịch vụ sinh sản có chỉnh sửa gen được cung cấp trên cơ sở vì lợi nhuận, khó có thể tồn tại bất kỳ ranh giới nào ngăn chúng đi quá xa. Chúng ta có thể sớm thấy các phòng khám sản khoa tiếp thị các phôi thai được "nâng cấp" về mặt di truyền, hấp dẫn các bậc cha mẹ tương lai bằng quảng cáo về việc "mang lại cho con họ một khởi đầu tốt nhất trong đời" thông qua chỉnh sửa thông tin di truyền. Từ đó, một hệ thống dựa trên thuyết ưu sinh có thể xuất hiện, làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng và xung đột đã tồn tại. Lúc này, những người giàu có nhất chính là đối tượng được tiếp cận các phương pháp chỉnh sửa DNA để trở nên "thượng đẳng" hơn và loài người có lẽ sẽ sớm lụi tàn trong màn đêm do chính mình tạo nên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những vấn đề khác gây tranh cãi về công nghệ sinh học. Thế nhưng giới khoa học đã có những bước đi sâu sắc, một nỗ lực cố gắng để quyết định cho tương lai sắp tới về việc có nên thiết kế các gen và chỉnh sửa đặc điểm được truyền lại cho con cái hoặc thế hệ tương lai hay không. Đó là một nỗ lực để tập trung thảo luận vào bản chất của “khoa học”, đồng thời giảm thiểu những thực tế xã hội phức tạp mà quá trình phát triển công nghệ đã vô tình tạo ra.

Đọc thêm: Nhà khoa học Trung Quốc từng cố ý chỉnh sửa gen người lãnh án tù 3 năm

Theo: Center for Genetics and Society, International Commission on the Clinical Use of Human Germline Genome Editing

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.