• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Ông chủ Facebook thổ lộ: 'Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm nhất, nhưng cũng là khách hàng tiềm năng nhất'

Thế Giới

Nếu bạn là một người yêu công nghệ và quan tâm đến sự vận hành của thế giới kỹ thuật số, thì chắc hẳn từng nghe qua việc 4 đại gia công nghệ của Mỹ là Amazon, Facebook, Apple và Alphabet (công ty chủ quản của Google và YouTube) phải dự phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Đại diện của 4 tên tuổi lớn là các CEO bao gồm Jeff Bezos từ Amazon, Mark Zuckerberg từ Facebook, Tim Cook của Apple và Sunda Pichai của Alphabet. Lý do những nhân vật này phải dự phiên điều trần liên quan đến việc chống độc quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi Jeff Bezos bị chất vấn về việc Amazon thu thập thông tin của đối tác nhà bán hàng để làm lợi cho mình, Tim Cook phải giải trình về việc Apple đối xử không công bằng với các ứng dụng trên nền tảng hệ điều hành của nhà Táo.

Về phần Google, cỗ máy tìm kiếm này bị cáo buộc thu thập quá nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng để tối ưu hóa việc chạy quảng cáo, thế nhưng Sunda Pichai vẫn cho rằng việc Google đang làm đã giúp giảm giá thành và tăng hiệu suất quảng cáo.

Thế nhưng điểm nóng của phiên điều trần vẫn tập trung vào Facebook - nền tảng mạng xã hội lớn nhất hiện nay, khi mà Mark Zuckerberg phải trả lời về việc thâu tóm Instagram, được xem như một hành vi "cá lớn nuốt cá bé".

Bên cạnh đó, vai trò của Facebook đối với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và an ninh quốc gia cũng là chủ đề chính, đây cũng là cơ sở để Mark Zuckerberg tố cáo đại gia truyền thông kiêm đối thủ TikTok. Giám đốc điều hành TikTok Kevin Mayer đã cáo buộc Facebook tấn công TikTok trong khi cải trang thành chủ nghĩa yêu nước nhằm "chấm dứt sự hiện diện của chúng tôi" tại Hoa Kỳ - theo như cách mà CEO của nền tảng chia sẻ video âm nhạc cho biết.

Tuy nhiên, bất kể tỏ ra cứng rắn khi "va chạm" với đối thủ là doanh nghiệp Trung Quốc, phía sau hậu trường, Facebook vẫn tìm cách xoay sở để nhắm đến thị trường tỷ dân. Mặc dù các ứng dụng và trang web của Facebook đã bị cấm ở Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, Gizmodo đã tìm thấy bằng chứng rằng công ty này đã dành hai năm qua để lặng lẽ chế tạo các nền tảng quảng cáo nhằm cung cấp cho nhiều công ty Trung Quốc. Sau sự cố với Cambridge Analytica, rất nhiều thứ đã được phơi bày về sự mờ ám của Facebook. Mark Zuckerberg dường như đang đặt lợi nhuận trước lòng yêu nước và quyền riêng tư của người dùng khiến lãnh đạo Hoa Kỳ phải đặt câu hỏi, và trên hết, họ thèm thuồng thị trường Trung Quốc đại lục.

Mark Zuckerberg thu hút sự chú ý trong phiên điều trần.

Thậm chí, Facebook cũng không nhất thiết phải giữ im lặng về việc cố gắng lén lút vượt qua lệnh cấm ở Trung Quốc đại lục. Năm 2017, họ đã đưa một ứng dụng chia sẻ ảnh vào nước này với tên gọi là Colourful Balloons. Sau đó, họ đã cố gắng mở một dự án khởi nghiệp ở Hàng Châu - trung tâm công nghệ và nhà của "gã khổng lồ" Alibaba.

Chính quyền Trung Quốc lập tức đóng cửa dự án khởi nghiệp đó. Năm ngoái, một nguồn tin từ lãnh đạo cao tầng của Facebook cho biết không có cách nào để có thể "đột nhập" vào Trung Quốc trong tương lai gần. Thế nên vào năm 2020, Facebook xác nhận họ đang thiết lập cơ sở ở Singapore để thực hành nhiều hơn với các nhà quảng cáo địa phương. Bên cạnh đó, văn phòng Facebook mới được mở rộng (và được chính phủ phê duyệt) tại Hong Kong đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự, từ đó quảng cáo các dịch vụ của Facebook cho mọi người trên khắp Trung Quốc.

Có thể thấy, bất kể không thể "đường đường chính chính" tiến vào Trung Quốc, Facebook cũng tìm những con đường khác để làm bàn đạp tiếp cận thị trường tỷ dân. Facebook kiếm được gần 99% doanh thu từ quảng cáo trên mạng xã hội và nếu như Hoa Kỳ là thị trường hàng đầu trong không gian chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai. Vào cuối năm 2020, các nhà phân tích dự kiến ​​doanh nghiệp ở Hoa Kỳ sẽ chi hơn 134 tỷ USD cho quảng cáo kỹ thuật số, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chi hơn 39 tỷ USD.

Chênh lệch có vẻ khá xa, tuy nhiên 39 tỷ USD vẫn là 39 tỷ USD và Facebook không có lý do gì để từ bỏ món lợi trước mắt, kể cả vì lòng yêu nước đi chăng nữa. Như tờ New York Times đã chỉ ra khi thảo luận về tham vọng của công ty này trong khu vực vào năm ngoái, các ông lớn của Trung Quốc, ví dụ như "người khổng lồ" trong ngành game - Tencent, vốn muốn tiếp cận người dùng Hoa Kỳ nên đã nhờ đến Facebook để thực hiện mục đích. Kết quả là, Facebook đã lọt vào top 10 công ty truyền thông lớn nhất Trung Quốc, bất kể nền tảng mạng xã hội này vẫn bị cấm ở đại lục và CEO của Facebook (bề ngoài) vẫn nằm trong số các nhà phê bình lớn nhất hay chỉ trích đường lối, chính sách của Trung Quốc cũng như doanh nghiệp đối thủ từ nước này.

(Ảnh: AP)

Như vậy, mọi thứ có vẻ như một trò đùa, Trung Quốc cấm Facebook xuất hiện tại nước này và Mark Zuckerberg thì luôn miệng công kích và chèn ép đối thủ như TikTok, thế nhưng Facebook lại là "trung gian" đưa nhiều ứng dụng của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng như các nước khác, bao gồm Việt Nam. Ví dụ như Clash of Clans của Supercell (Tencent sở hữu 84% cổ phần), PUBG MobileArena of Valor cũng do Tencent sở hữu, Rise of Kingdoms - game chiến thuật của Lilith Games (một studio Trung Quốc).

Những tựa game nhiều người chơi nhất, được quảng bá rầm rộ trên Facebook hầu như đều là của Trung Quốc sở hữu hoặc phát triển. Rõ ràng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang là bạn hàng lớn hàng đầu của Facebook. Đây cũng là lý do bất kể CEO Mark Zuckerberg có nói gì về chuyện đạo nghĩa và lòng yêu nước, anh ta cũng không thuyết phục được các chính trị gia Hoa Kỳ.

Game Trung Quốc được quảng bá rộng rãi bởi Facebook.

Như Mark Zuckerberg đã nói với các thành viên của Quốc hội trong phiên điều trần chống độc quyền:

Trung Quốc đang xây dựng phiên bản internet của riêng mình, tập trung vào các ý tưởng rất khác nhau và họ đang xuất khẩu tầm nhìn đó sang các nước khác nữa. Khi Quốc hội và các bên liên quan xem xét luật chống độc quyền hỗ trợ cạnh tranh ở Hoa Kỳ như thế nào, tôi tin rằng điều quan trọng là duy trì các giá trị cốt lõi của sự cởi mở và công bằng, vốn đã biến nền kinh tế kỹ thuật số của Mỹ trở thành một lực lượng để trao quyền và cơ hội, ở ngay tại đây và trên toàn thế giới.

Nhưng có thể còn một giá trị cốt lõi khác của người Mỹ mà Zuckerberg đã không đề cập đến trong việc điều hướng cho hoạt động của Facebook: Kiếm tiền cùng Trung Quốc.

Theo: Tham khảo Gizmodo, Buzzfeednews
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.