• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

5 mật mã 'hack não' nhất lịch sử nhân loại: Sự thật hay chiêu trò?

Khám phá

Trong chiều dài lịch sử phát triển của con người, có hàng tá danh sách mật mã ẩn chứa những ký tự khó hiểu, không thể lý giải. Rất nhiều giả thuyết xoay quanh các bảng mã, ký tự bí ẩn, trong đó nhiều người tin giả thuyết các mật mã chưa được giải chỉ là chiêu trò để thu hút sự chú ý của dư luận.

Dưới đây là các trường hợp như vậy.

Ghi chú của Ricky McCormick

Vào ngày 30/6/1999, thi thể của Ricky McCormick, một người đàn ông 41 tuổi mắc bệnh tim và phổi được phát hiện tại cánh đồng ngô, thuộc hạt St. Charles, bang Missouri, nước Mỹ. Có rất nhiều điều kỳ lạ xuất hiện quanh cái chết của Ricky McCormick như: xác của nạn nhân thối rữa khá nhanh, không xác định được nguyên nhân tử vong, không tìm thấy dấu vết của hung thủ và đặc biệt là mảnh giấy ghi chú được giấu trong túi quần của Ricky.

Tờ giấy ghi chú có khoảng 30 dòng ký tự bao gồm số, chữ cái và dấu ngoặc đơn được sắp xếp một cách ngẫu nhiên. Năm 2011, Cục điều tra liên bang Mỹ đã phải đăng tải bức ghi chú để nhờ công chúng giải mã nhưng vẫn không thu được kết quả. Bộ phận giải mã và chống gian lận (CRRU) của FBI và Hiệp hội Mật mã Hoa Kỳ đã “bó tay” với những gì được viết trên tờ giấy của Ricky McCormick.

Bức ghi chú của Ricky McCormick

Có rất nhiều dẫn chứng được đưa ra về bức ghi chú, rằng đó là thông điệp của hung thủ hoặc là lời nhắn của chính nạn nhân. Tuy nhiên sau bao năm giải mã, nhiều người tin rằng đó chỉ là một mảnh giấy không truyền tải bất cứ thông tin gì và có nội dung vô nghĩa với nét chữ nguệch ngoạc được tạo nên bởi Ricky McCormick, một người được cho là thiểu năng với trình độ đọc và viết như học sinh tiểu học.

Mật mã Beale

Mật mã Beale gồm ba đoạn văn bản bí ẩn miêu tả về vị trí chôn cất kho báu của Thomas Jefferson Beale tìm được vào năm 1818 trong khi khai thác vàng ở Colorado, Hoa Kỳ.

Câu chuyện về mật mã Beale xuất hiện trên các tờ báo địa phương năm 1885 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Người công bố kho báu là James B. Ward, một người bạn của Beale. Trong ba đoạn mật mã thì chỉ có đoạn thứ hai đã được giải mã và chìa khóa giải chính là bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Nội dung được giải mã chỉ rõ địa điểm chôn kho báu là ở Bedford County, Virginia nhưng vị trí cụ thể chính xác ở đâu thì lại nằm ở hai bản mã chưa được giải. Cho đến tận ngày nay, những kẻ săn kho báu luôn tìm cách giải nội dung của hai bản mã còn lại nhưng cũng "lực bất tòng tâm".

Dãy ký tự có trong mật mã Beale

Về phía các chuyên gia, họ cho rằng thực chất không hề tồn tại kho báu của Beale ở Virginia và câu chuyện mật mã Beale chỉ là một vụ dàn dựng lừa đảo được sắp đặt hoàn hảo.

Năm 1982, nhà ngôn ngữ học hình sự Joe Nickell cho rằng Thomas Jefferson Beale và James B. Ward thực ra là một. Những tờ báo đăng câu chuyện về kho báu này được bán với giá khoảng 13 USD tính tại thời điểm hiện tại, thế nên James B. Ward đã thêu dệt kịch bản để kiếm tiền. Bên cạnh đó, không có bất cứ ghi chép hay tài liệu gì miêu tả về tung tích của Thomas Jefferson Beale tại khu vực Virginia. Vì vậy với nhiều người, toàn bộ câu chuyện về mật mã Beale chỉ là một trò đùa của truyền thông. 

Vụ án Tamam Shud 

Tháng 12/1948, xác của một người đàn ông la mặt được tìm thấy trên bãi biển Somerton, thành phố Adelaide ở Australia. Xác chết không thể nhận dạng và tìm thấy bất cứ thông tin gì để xác định danh tính. Vụ án được đặt tên theo tiếng Ba Tư là Tamam Shud, có nghĩa là "kết thúc", cụm từ này cũng được tìm thấy trên mẩu giấy của nạn nhân mà cảnh sát đã phát hiện sau vài tháng điều tra.

Mẩu giấy mà nạn nhân để lại.

Mảnh giấy được giấu trong túi quần nạn nhân và được xé ra từ trang cuối cùng bản sao tập thơ The Rubaiyat của tác giả Omar Khayyam, thuộc thế kỷ 12. Cảnh sát tiến hành truy tìm cuốn sách bị xé và thu được kết quả ở bìa sau của sách có các vết lõm cùng chữ viết tay nguệch ngoạc của người đàn ông đã chết. Các chuyên gia giải mã cho rằng nó mang một thông điệp bí ẩn nhưng thông điệp đó là gì thì vẫn chưa ai giải được.

Tập thơ cổ The Rubaiyat

Còn với một số người thì mật mã trong cuốn sách của nạn nhân chỉ là đoạn văn được viết nguệch ngoạc vô nghĩa và giới truyền thông, báo chí cùng cơ quan điều tra đã thổi phồng sự việc để tạo màu sắc kỳ bí cho vụ án Tamam Shud. Đến ngày này, cái chết của người đàn ông lạ mặt tại bãi biển Somerton vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất ở Australia. 

Dòng chữ khắc ở Shugborough

Tại hội trường Shugborough ở Staffordshire, nước Anh có một Đài tưởng niệm Người chăn cừu (Shepherd's Monument) được xây từ thế kỷ 18. Trên bức tượng điêu khắc có chứa chuỗi chữ cái kỳ lạ: DOUOSVAVVM.

Không ai biết dãy chữ cái mật mã này mang ý nghĩa gì, một số chuyên gia khảo cổ học cho rằng dòng chữ khắc mang thông điệp về nơi cất giữ Chén Thánh mà các hiệp sĩ dòng tu Đền Thánh để lại cho hậu thế. Một số khác thì tuyên bố dòng chữ không mang ý nghĩa quá đặc biệt, như chuyên gia A.J. Morton đã đưa ra giả thuyết rằng các chữ cái chỉ đơn giản là được người dân Shugborough thời xưa khắc thêm vào nhằm tạo dấu ấn cho bức tượng. 

Dòng chữ được khắc trên bức tượng ở Shugborough

Sự thật về dòng chữ khắc ở Shugborough là gì? Đó vẫn là câu hỏi ám ảnh nhân loại hơn 200 năm qua và khiến những thiên tài như Charles Dickens hay Charles Darwin cũng phải ngả mũ “chào thua”, thất bại trong việc giải mã.

Mật mã trên thanh kiếm

Năm 1825 tại con sông Witham thành phố Lincoln, nước Anh, người ta phát hiện ra một thanh kiếm chứa đoạn mật mã bí ẩn. Sau đó thanh kiếm đã được trưng bày tại Thư viện Anh và thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng.

Theo tài liệu nghiên cứu, thanh kiếm được chế tạo từ thế kỷ 13, lưỡi kiếm làm từ thép được mài giũa sắc nhọn và đặc biệt phần trung tâm lưỡi kiếm có chứa 18 chữ cái: NDXOXCHWDRGHDXORVI

Dòng chữ bí ẩn này được cho là có liên quan đến lịch sử Giáo hội Anh quốc, mang tên một vị Thánh hoặc chứa nội dung về nhiệm vụ thiêng liêng của hiệp sĩ phụng sự, chiến đấu vì Chúa. Tuy nhiên đó cũng chỉ là phỏng đoán và không ai biết đoạn mật mã trên thanh kiếm muốn truyền tải thông điệp gì, điều này vẫn là mãi là bí ẩn chưa có lời giải.

Đoạn mật mã khắc trên thanh kiếm

Vì vậy mà nhiều chuyên gia đã bỏ cuộc và cho rằng dòng chữ lạ xuất hiện trên thanh kiếm có thể là do thợ rèn khắc một loạt chữ cái ngẫu nhiên để tạo ra thứ vũ khí đặc biệt, làm điểm nhấn để thu hút người mua.

Đọc thêm: Những án mạng bi thương mà hung thủ thực sự lại là mạng xã hội

Theo: Ranker, Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.