• Về đầu trang
Lost Bird
Lost Bird

Ác mộng và những điều bạn có thể chưa biết về giấc ngủ

Khám phá

Bạn có biết rằng con người dành tới 1/3 thời gian trong cuộc đời chỉ để ngủ? Những giấc mơ và ý nghĩa của chúng luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của con người. Tuy nhiên, thủa xa xưa, do khoa học kém phát triển nên những bí ẩn xung quanh chúng thường không được giải đáp. Nhưng ngày nay, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người ta đã có thể nghiên cứu hoạt động của não ngay cả trong lúc ngủ. Do đó, “tấm màn bí ẩn” về chủ đề này dần được vén lên, hé mở nhiều điều thú vị.

Tại sao chúng ta thường có những giấc mơ kỳ lạ?

Có lẽ ai trong mỗi chúng ta cũng đều từng có những giấc mơ kỳ lạ. Và mỗi người đều có những giấc mơ khác nhau, không ai giống ai bao giờ. Điều này có thể lý giải là bởi mỗi người đều có những trải nghiệm cũng như cảm xúc hay hoạt động khác nhau. Khi bạn ngủ thiếp đi, bộ não vẫn tiếp tục làm việc, phân phối những khoảnh khắc đã xảy ra trong ngày vào trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt hơn, nó còn có thể so sánh các sự kiện đã xảy ra gần đây với những sự kiện đã xảy ra từ lâu. Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy những kí ức từ thời ấu thơ của mình.

Tất cả những điều này đều xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (giấc ngủ REM) và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Trong giai đoạn này, tất cả các phần của bộ não đều hoạt động ngoại trừ phần chịu trách nhiệm về logic. Nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm về việc sắp xếp ý thức và sự chú ý như serotonin hay norepinephrine cũng bị suy giảm. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thường mất đi sự tỉnh táo khi mơ ngủ và chỉ nhớ mọi thứ sau khi thức dậy.

Tại sao chúng ta lại nằm mơ thấy ác mộng?

Ác mộng là điều không ai mong muốn trong lúc ngủ. Vậy nhưng tại sao chúng ta vẫn luôn thấy những kịch bản không mấy dễ chịu như ngày tận thế, gặp ma hay bị truy đuổi trong những giấc mơ? Các nhà khoa học Thụy Sĩ và Mỹ đã tổ chức một thí nghiệm để có thể tìm được câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi này.

Theo ý kiến của họ, ác mộng có thể được xem là một dạng đào tạo của hệ thống thần kinh, giúp mọi người có “kinh nghiệm” để đối phó với những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thực. Kết quả nghiên cứu được viết rằng những cảm xúc mà ta cảm thấy trong giấc mơ giúp con người biết trước được những áp lực về mặt cảm xúc cũng như khiến mọi người sẵn sàng cho những biến động có thể xảy ra trong tương lai.

Các nhà khoa học đã sử dụng điện não đồ để nghiên cứu hoạt động của các bộ phận khác nhau trong bộ não lúc đang ngủ. 18 tình nguyện viên đã thức dậy nhiều lần trong đêm và đều được hỏi những câu hỏi chung như họ đã thấy những giấc mơ nào và liệu đó có phải là ác mộng hay không?

 Nhờ phân tích hoạt động của não, các nhà nghiên cứu đã xác định được hai khu vực của não bộ chịu trách nhiệm cho những cơn ác mộng, đó là thùy đảo và thể chai. Hai bộ phận này đều hoạt động khi con người cảm thấy lo lắng hay sợ hãi trong cuộc sống thực. Thùy đảo có nhiệm vụ xác định các loại cảm xúc và tự động kích hoạt ngay khi một người cảm thấy lo lắng. Còn thể chai chuẩn bị những phản ứng thích hợp để đưa ra xử lý trong những trường hợp con người cảm thấy đe dọa và kiểm soát cách hành xử của con người khi gặp nguy hiểm. Nghe có vẻ thú vị nhưng trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người gặp nhiều ác mộng trong lúc ngủ thường có phản ứng dễ chịu hơn đối với những điều tiêu cực trong cuộc sống thực.

Bạn có biết rằng tiềm thức có mối liên kết chặt chẽ với hoạt động của mỗi chúng ta? Các nhà khoa học cho rằng khi bị rượt đuổi trong giấc mơ thì điều đó có nghĩa là bạn đang gặp rắc rối cần phải giải quyết với một ai đó ở ngoài đời thực. Tất nhiên, những nghiên cứu về giấc mơ này vẫn thường khá thiếu sót và vẫn còn rất nhiều điều thú vị đang chờ được khám phá.

Dưới đây là một số sự thật thú vị về những giấc ngủ mà bạn có thể không biết:

1. Các kỹ năng và kiến thức mới sẽ được sắp xếp lên các “kệ” trong bộ não khi bạn ngủ. Nó giúp cho việc ghi nhớ chúng trở nên dễ dàng hơn. Do đó, khi đang trong một kì thi hay có những điều quan trọng cần phải nhớ thì một giấc ngủ ngon và sâu là điều rất cần thiết.

2. Số ngày kỉ lục mà một người đã trải qua khi không ngủ là 11 ngày.

3. Có tới 15% người trên thế giới mắc chứng mộng du. Họ không những ngồi trên giường hay đi lang thang trong phòng mà còn có thể rời khỏi nhà hoặc đi du lịch xa trong lúc ngủ.

4. Những người không ngủ đủ giấc thường có cảm giác thèm ăn do leptin (hormone điều chỉnh sự thèm ăn) giảm xuống.

5. Trong vòng 5 phút đầu tiên sau khi thức dậy, chúng ta quên mất 50% giấc mơ. Sau 5 phút nữa, chúng ta quên đi hầu hết mọi thứ mà chúng ta đã thấy trong giấc mơ.

6. Giấc mơ đôi khi là điềm báo cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, và khoa học hiện nay vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích cho việc này.

Đọc thêm bài khám phá về giấc ngủ tại đây:

https://lostbird.vn/kham-pha-cung-lac/cuoc-song/kham-pha-nhung-lam-tuong-ve-giac-ngu-ma-ban-van-dang-mac-phai-631477.html

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.