• Về đầu trang
Còn Trẻ
Còn Trẻ

Chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ chế độ ăn uống chữa lành cho những 'tâm hồn tan vỡ'

Ẩm thực

Giai đoạn thất tình với nhiều người có lẽ là lúc mệt mỏi và khó khăn nhất. Cảm giác trống rỗng khi phải rời xa những điều thân thuộc, cùng với nỗi luyến tiếc dành cho mối quan hệ dang dở... tất cả luôn đè nặng trong tâm trí chúng ta những ngày sau.

Nỗi buồn sẽ kéo chúng ta xuống, khiến ta không muốn làm gì khác ngoài khóc lóc và ủ rũ, dẫn đến mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn. Có thể nói khi sức khỏe tinh thần sa sút, thì tình trạng thể chất của chúng ta cũng suy giảm theo.

Nguồn: Jackie Diedam

Để đảm bảo rằng chúng ta vẫn thật khỏe mạnh, giữ cho tinh thần phấn chấn để có thể bước tiếp sau đó, chuyên gia dinh dưỡng Jane Clarke đã chia sẻ chế độ ăn uống và những thực phẩm phù hợp giúp cô vượt qua thời kỳ khó khăn trong cuộc sống.

Jane cho biết, khoảng thời gian cô mất đi người bạn thân của mình, những việc đơn giản như mở miệng và nhai thức ăn cũng trở nên quá sức. Với tư cách là một chuyên gia dinh dưỡng, cô bắt đầu tìm hiểu về những chế độ ăn uống phù hợp với người mất đi cảm giác thèm ăn trong giai đoạn suy sụp tinh thần.

Vì sao tổn thương tinh thần lại ảnh hưởng đến cơ thể?

Ruột được biết đến như bộ não thứ hai của cơ thể. Thế nên, đó là lý do cảm xúc có thể tác động lên cảm giác thèm ăn và quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi cảm thấy sợ hãi, chúng ta sẽ thấy ruột của mình như thắt lại, buồn nôn như thể mọi thứ bên trong dạ dày đang "nổi sóng" và chuẩn bị trào ngược.

Việc chúng ta chán ăn sẽ khiến cơ thể bị thiếu chất, dẫn đến sụt cân không kiểm soát và cơ thể không có đủ năng lượng để tiếp tục chiến đấu với nỗi đau. Thiếu hụt dinh dưỡng cũng sẽ dẫn đến lượng đường trong máu giảm, do đó não của chúng ta sẽ không thể hoạt động ổn định và chúng ta cứ liên tục bị cuốn vào vòng xoáy đau buồn khó có thể thoát ra.

Nguồn: Hen Kim

Khi chúng ta đau buồn, tim sẽ trở nên đau nhức, cổ họng thì nghẹn ứ, cơ thể thì mệt mỏi nhưng đầu óc thì căng thẳng không thể ngủ yên. Tất nhiên, chúng ta không nên làm ngơ trước những biểu hiện này, bởi lẽ sự đau buồn có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh về tim mạch hay thậm chí là bệnh nặng như ung thư.

Jane chia sẻ rằng, khi mất đi người thân, chúng ta thường buồn đau cho họ đến mức quên đi bản thân mình. Đợi đến lúc chúng ta quan tâm đến chính mình thì cũng đã quá muộn.

Ăn gì để chữa lành trái tim tổn thương?

Hãy yêu thương bản thân và nạp vào cơ thể bạn những gì mà nó muốn. Những loại thức ăn nóng sẽ phù hợp và dễ ăn hơn so với những thực phẩm tươi mát như salad. Các loại thực phẩm mềm và có nước cũng sẽ phù hợp hơn trong thời điểm bạn đang gặp khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn. Do đó, hãy ăn các loại súp rau củ bởi chúng chứa đủ dinh dưỡng cần thiết như vitamin và khoáng chất.

Nguồn: Yaansoon

Ngoài vitamin, bạn cũng cần bổ sung protein giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và cân bằng lượng đường trong máu sẽ giúp cơ thể được phục hồi nhanh chóng. Thế nên, bổ sung thêm các loại thịt giàu protein như gà hay phô mai parmesan sẽ giúp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn. Nếu có thể, hãy nhờ những người bạn tốt bụng hỗ trợ nấu nướng để thắt chặt tình cảm nhé.

Những loại thực phẩm nên hạn chế

Nhiều người thường bỏ qua chế độ ăn uống lành mạnh và thường ăn những loại thức ăn nhanh để có thể lấp đầy cảm giác thèm ăn, thế nhưng việc này sẽ không giúp ích được lâu. Các loại thức ăn vặt, chocolate hay thức ăn chế biến sẵn có thể làm lượng đường trong máu lên xuống thất thường, khiến cho cảm xúc của chúng ta bị xáo trộn theo. Caffeine cũng không hề có ích trong giai đoạn này vì nó khiến chúng ta cảm thấy bồn chồn và khó chịu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ phải tuân theo "eat clean". Nếu bạn thèm ăn ngọt, hãy ăn những thực phẩm chứa đường tự nhiên không tinh chế, cùng protein và chất béo thể làm giảm sự hấp thụ lượng đường trong máu. Một ít quả chà là dẻo và óc chó sẽ là những phương án thay thế vô cùng hiệu quả đấy.

Nguồn: Adam Muto

Nếu bạn thèm món mặn, đừng ăn những thực phẩm giòn như các loại bánh chip. Lượng chất béo và phụ gia có trong các loại bánh ăn vặt có thể làm hưởng đến gan và tác động đến đường ruột đang nhạy cảm, khiến bạn cảm thấy tệ hơn, cũng như khiến máu lưu thông chệch hướng khỏi tứ chi chỉ để tiêu hóa quá nhiều loại dinh dưỡng cùng lúc.

Hấp thụ quá nhiều chất béo sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh đường ruột, khiến cho ruột phình trướng, làm giảm cảm giác thèm ăn. Nếu bạn cần một tách cà phê để vượt qua một ngày dài, hãy dùng nó với sữa nóng kèm theo chất béo và protein để giảm bớt tác dụng của caffeine trong đó. Thay vì cà phê, bạn cũng có thể dùng trà nóng để giúp cơ thể được thư giãn hơn.

Đối phó với những tuần đầu

Vào giai đoạn đầu của khủng hoảng tâm lý, hormone của bạn sẽ gặp phải phản ứng gọi là "chiến hoặc chạy" (phản ứng căng thẳng cấp tính), hay còn gọi là sự dị hóa. Các cơ bắp sẽ bị tổn thương làm cơ thể yếu đi, khiến cân nặng sụt giảm và da dẻ xanh xao, hốc hác. Do đó, bổ sung các thực phẩm giàu protein như thịt gà hoặc trứng có thể làm dịu đi triệu chứng này cũng như bảo vệ các cơ bắp của bạn.

Tổn thương cũng có thể khiến cho đường ruột như muốn "nổi sóng", khiến cho việc tiêu hóa thức ăn càng trở nên khó khăn hơn, dẫn đến buồn nôn và căng trướng. Trong thời điểm này, nên hạn chế lượng tinh bột hấp thụ vào cơ thể, cũng như tránh ăn các loại thực phẩm như bánh mì ngũ cốc, pasta, các loại rau củ và trái cây tươi, các loại đậu hạt.

Nguồn: Fecilita Sala

Bí quyết cho một giấc ngủ ngon

Quả thật khi đang hứng chịu cú sốc tâm lý, đa số chúng ta khó có thể ngủ ngon. Hãy ăn một quả chuối hay bánh quy kèm với bơ lạc hoặc bơ hạnh đào vì chúng có chứa magie, giúp đem lại cho bạn một đêm an giấc. Đừng quên kèm theo một tách trà cam cúc nữa nhé.

Nguồn: Alja Horvat

Việc ăn uống có thể trở nên khó khăn với nhiều người sau khi họ mất đi người thân yêu một phần là vì họ không thể ăn một mình. Nếu ăn một mình khiến bạn cảm thấy cô đơn, hãy rủ những người bạn và người thân cùng nấu nướng, tận hưởng bữa ăn nhé.

Theo: Dailymail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.