• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

x: Bi kịch khủng khiếp của chàng trai bị mắc kẹt trong hang động chật hẹp và mất dần không khí để thở

Khám phá

Từ khi còn nhỏ, cậu bé John Edward Jones đã thích đi thám hiểm hang động. Biết được điều này, cha của John thường xuyên đưa cậu và người em Josh đến thăm quan các hang động ở bang Utah để hai anh em có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp u ám và đen tối của thiên nhiên. Thật không may, cuộc thám hiểm đầu tiên vào hang động Nutty Putty, nằm ở phía Tây Nam Utah Lake lại là chuyến đi cuối cùng của John.

John và gia đình nhỏ của mình

Ngày Tạ Ơn định mệnh

Vào lúc 8 giờ tối ngày 24 tháng 11 năm 2009, chỉ vài ngày trước lễ Tạ Ơn, John khi ấy 26 tuổi, cùng với người em trai kém 3 tuổi và chín thành viên khác trong gia đình đã cùng nhau khám phá hang động Nutty Putty như một cách hâm nóng tình thân trước kỳ nghỉ. Thế nhưng, mọi chuyện lại diễn ra không theo kế hoạch của anh.

Khoảng một giờ sau khi bắt đàu thám hiểm hang động, John quyết định tìm đến một đoạn hang có tên là Birth Canal. Nơi đây được xem là thử thách với những tay ưa mạo hiểm bởi nếu muốn đi qua nó, người ta phải nằm bẹp xuống đất và bò thật cẩn thận. Để thỏa mãn trí tò mò của mình, anh đã cố trườn tới hệ thống hang bên trong. Khi đi sâu hơn trong đoạn hang chật hẹp, John nhận ra mình đã bị mắc kẹt và không quay đầu lại được.

Một nhà thám hiểm ở Birth Canal

Đến khi ấy, tính mạng của John đã ở trong trạng thái ngàn cân treo sợi tóc. Anh thậm chí không có chỗ vòng trở lại hay bò ngược ra và chỉ có thể cố gắng tiến về phía trước. Trong cơn nguy cấp, một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là phổi của John không thể lấy đủ không khí trong khoảng không chật hẹp này. Cảm thấy sợ hãi và bất lực, anh bắt đầu vùng vẫy trong tuyệt vọng.

Hành trình giải cứu

Em trai của John là người đầu tiên phát hiện ra. Josh cố gắng nắm chân John để kéo ra nhưng vô ích. Thậm chí John còn trượt sâu hơn và bị mắc kẹt ở vị trí tồi tệ hơn trước. Giờ đây, hai cánh tay của anh bị kẹp chặt dưới ngực và anh không thể cử động được một phân nào.

Ảnh mô phỏng vị trí mắc kẹt của anh

Thấy bất lực, Josh vội lết về phía lối ra của hang động để gọi người giúp đỡ. Nhưng ngay cả khi nhóm cứu hộ tới, John vẫn bị mắc kẹt ở độ sâu khoảng 30 mét so với mặt đất và khoảng 120 mét bên trong hang Nutty Putty. Chính vì thế, nhóm cứu hộ đã mất rất nhiều thời gian để xác định và tiếp cận vị trí của anh.

Vào lúc 12 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 11, một nhân viên cứu hộ tên là Susie Motola đã tiếp cận được John. Tại thời điểm đó, John đã bị mắc kẹt trong ba giờ rưỡi. Để bầu không khí bớt căng thẳng, Motola bắt chuyện với John và giới thiệu bản thân mình, dù tất cả những gì cô có thể nhìn thấy về anh là một đôi giày chạy bộ màu đen. Đáp lại lời chào hỏi của Susie, John nói: “Chào Susie, cảm ơn vì đã đến. Nhưng tôi rất muốn được ra khỏi đây."

Trong 24 giờ sau đó, hơn 100 nhân viên cứu hộ đã làm việc cật lực để giải thoát John. Kế hoạch tốt nhất mà họ có là sử dụng một hệ thống ròng rọc và dây thừng để đưa John ra khỏi vị trí hiểm hóc trên.

Sơ đồ hệ thống hang Nutty Putty

Theo Shaun Roundy, một trong những người cứu hộ tại hiện trường, Nutty Putty có hệ thống hang động rất phức tạp và nó là thử thách chết người với tất cả những người ưa mạo hiểm, kể cả là người đã có kinh nghiệm. Trong hang, có rất nhiều đoạn đường hẹp và chúng đều được gắn biển để cảnh báo người vào. Đáng nói hơn John không phải người đầu tiên gặp nguy hiểm khi tới đây.

Hang động nguy hiểm

Vào năm 2004, hai hướng đạo sinh đã suýt mất mạng khi đi vào hang động Nutty Putty. Họ đi vào đúng nơi mà John đang mắc kẹt và phải ở lại trong đó một tuần. Để đưa được cả hai ra ngoài, đội cứu hộ đã mất 14 giờ và sử dụng nhiều ròng rọc. Tuy nhiên, hai hướng đạo sinh này lại có thân hình nhỏ con hơn John - vốn là một người trưởng thành và có cơ thể vạm vỡ.

Nhà thám hiểm Kory Kowallis trong hang động

Sau sự cố trên, các quan chức trong khu vực đã đóng cửa hang động Nutty Putty. Vào năm 2009, hang động mới được mở cửa trở lại và nó đã hoạt động trong sáu tháng trước khi gia đình John vào đó.

Cuộc giải cứu đầy cam go

Sau khi xác định được vị trí của anh, những nhân viên cứu hộ đã dành nhiều tiếng để lắp đặt hệ thống ròng rọc nhằm kéo anh ra ngoài. Đã có lúc họ kéo John ra được vài mét, đủ để cung cấp thức ăn và nước uống cho anh cầm cự. 

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó, một trong những ròng rọc bị hỏng. Theo nhân viên cứu hộ Roundy, nguyên nhân có thể là do ròng rọc này được cắm vào vùng hang có cấu tạo bằng đất sét khiến nó bị lỏng ra. Sự cố này đã khiến cho John tụt sâu vào bên trong và mắc kẹt trong tư thế treo dốc đầu xuống ở góc khoảng 70 độ. Ở tư thế dốc ngược, John gặp rất nhiều khó khăn trong việc hít thở vì máu bị dồn thẳng về não trong thời gian dài.

Đối với nhân viên Roundy, đây là sự cố đã ám ảnh tâm trí anh suốt nhiều năm. Anh cho biết: “Tôi xem đi xem lại nhiệm vụ và luôn ước rằng chúng tôi đã làm khác đi một chút hay làm gì đó sớm hơn. Nhưng không bao giờ có nếu như. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể."

Cái chết bi thảm trong hang động Nutty Putty

Khoảng nửa đêm ngày 25 tháng 11 năm 2009, sau 27 giờ được đội cứu hộ tìm cách giải cứu, John qua đời vì ngừng tim. Dù phải đối mặt với tin dữ này, gia đình John vẫn bày tỏ sự cảm kích của mình tới đội cứu hộ vì đã cố gắng hết sức.

Bia tưởng niệm John

Một tuần sau cái chết của John, chính quyền đã cho đóng cửa hang động Nutty Putty vì họ tin rằng nơi này quá nguy hiểm và không muốn có thêm một bi kịch tương tự nào lặp lại. Thi thể của John vẫn nằm lại bên trong đến tận ngày nay.

Năm 2016, nhà làm phim Isaac Halasima đã thực hiện một bộ phim có tên là The Last Descent kể về cuộc đời và cuộc giải cứu John. Tác phẩm có thể tái hiện cho người xem một cái nhìn chính xác về những gì John đã trải qua và anh đã cảm thấy sợ hãi như thế nào khi mắc kẹt trong hang động chật hẹp này.

Theo: All That Is Interesting

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.