• Về đầu trang
Chou Chou
Chou Chou

'Bút mực đỏ' - Chúng ta đang được dạy để trở thành 'kẻ thất bại' như thế nào?

Khám phá

Ai cũng muốn trở thành người chiến thắng: tự tin và thành đạt, mạnh mẽ và quyết đoán. Và tất nhiên, chúng ta cũng muốn thế hệ sau này thừa hưởng những phẩm chất tuyệt vời ấy khi đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thành công. Tại sao lại như vậy?

Chúng ta vẫn đang dùng "bút mực đỏ" để đánh dấu những lỗi sai

Kể từ ngày bắt đầu cắp sách tới trường và biết tới những trang bài tập về nhà, chúng ta đã nhận được kết quả với những lỗi sai đánh dấu bằng bút đỏ chi chít. Tất cả những thiếu sót đó đều được khoanh tròn, đánh dấu X đỏ nổi bật, và chúng ta nghiễm nhiên "chết chìm" trong biển đỏ của những lỗi lầm.

Ngược lại, những điều mà chúng ta làm tốt thì lại chẳng hề được quan tâm. Chúng vẫn ở đó, nhưng mờ nhạt và nhanh chóng bị lẫn đi hay lãng quên bởi sai sót được khoanh tròn lớn hơn tất thảy.

Phương pháp "bút mực đỏ" này đã được áp dụng trong rất nhiều năm, và chúng ta vẫn cho rằng đó là cách để có thể tránh khỏi sai lầm. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Tại sao lại phải đau đầu tìm cách sửa sai, trong khi chúng ta có thể tìm lối đi đúng ngay từ đầu?

Nếu chỉ tập trung làm nổi bật những lỗi lầm, chúng ta sẽ mãi nhớ về những lỗi lầm đó. Chúng ta loay hoay tìm cách tránh và rồi rất có thể sẽ vô tình va phải lỗi lầm khác. Vòng lẩn quẩn ấy sẽ cứ thế tiếp diễn, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến được với sự hoàn hảo nếu cứ chắp vá mãi trên những bản lỗi.

Thay vì tự khiến bản thân bận rộn và kiệt sức như vậy, tại sao không tiếp cận lời giải cho bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống bằng cách tìm hướng đi đúng từ đầu?

Tatyana Ivanko - một nhà tâm lý học trẻ em - đã đưa ra phương pháp "bút mực xanh" để giúp các em học tập tốt hơn tại trường học. Đó là việc sử dụng những chiếc bút mực xanh và đánh dấu vào những bài làm tốt của học sinh, từ đó giúp những điểm tích cực, hoàn thiện hằn sâu hơn vào trí nhớ của các em.

"Bút mực xanh" sẽ tập trung làm nổi bật những điều tốt đẹp

Phương pháp "bút mực xanh" này không những có thể áp dụng tại các lớp học thông thường, mà còn có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì chỉ ra những lỗi sai của người khác, hãy chỉ ra điểm tốt để họ lấy đó làm mẫu, làm theo và tiến bộ trong những lần tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng "bút mực xanh" sẽ không hiệu quả với những lời khen mang tính chung chung, sáo rỗng. Một lời khen "Đẹp quá", "Bài này em làm tốt lắm", "Hôm nay bạn làm việc này rất tốt"... sẽ chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, mà không giúp người nghe nhận ra những điều mình đã làm được.

Thay vì thế, hãy nói cụ thể ra những gì mà họ đã thể hiện xuất sắc: "Bức tranh này thật đẹp, màu sắc trông thật tươi tắn, và cái đuôi của con mèo này mới uyển chuyển làm sao", "Bài báo cáo của cô hôm nay rất chi tiết, đặc biệt là phần nhận xét ở bảng thống kê"... Đó là những ví dụ cho những "vết mực xanh" mang tính xây dựng, giúp người nghe ngày càng phát triển năng lực của mình.

Hãy cho một lời khen cụ thể, chi tiết và mang tính xây dựng, thay vì những lời sáo rỗng vô nghĩa

"Bút mực xanh" là biện pháp hữu hiệu trong việc giúp tăng sự tự tin của mỗi người, bởi nó giúp chúng ta nhận ra được năng lực của bản thân. Không những vậy, nó còn giúp phát triển hàng loạt các thói quen tốt, trong đó có việc khích lệ người khác và tự đánh giá bản thân để thấy được phiên bản tốt hơn của mình cũng như người khác.

Bạn vẫn có thể chỉ ra những lỗi sai và cách khắc phục - nhưng nên hạn chế điều đó, và làm nó với một thái độ cởi mở, tích cực. Áp dụng "bút mực xanh" sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Không chỉ giúp phát triển con người mà còn khiến mối quan hệ giữa mọi người trở nên tốt đẹp hơn.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.