• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

2020 muốn làm giàu, biết 4 cách quản lý tài chính này đã đi được nửa đường

Cuộc sống

Nếu bạn không phải rich kid sinh ra ngậm thìa vàng, nếu bạn không phải người có máu liều đầu tư và chỉ cần tài chính đảm bảo cuộc sống hàng ngày, tốt nhất bạn nên lên kế hoạch quản lý tiền bạc để không phải năm nào cũng tăng chi giảm thu.

1. Quy tắc chỉ dùng tiền mặt

Hay còn gọi là “ngân sách phong bì”. Bạn sẽ chia thành nhiều mục và số tiền cần chi cho mỗi mục. Ví dụ, tiền ăn uống là 2 triệu, bạn sẽ cất 2 triệu vào phong bì “ăn uống”.

Quy tắc này phù hợp với những người thường vung tay quá trán. Bạn sẽ chỉ được phép tiêu tiền mặt, đúng số tiền trong từng phong bì. Nếu bạn đã tiêu hết, bạn không được phép nhét thêm tiền mặt vào phong bì đó nữa. Bạn cũng không được phép quẹt thẻ, trừ trường hợp cực kỳ cấp bách.

Điểm trừ khi áp dụng quy tắc này là bạn có thể bất cẩn làm rơi tiền. Tốt nhất bạn không nên giữ quá nhiều tiền mặt trong người và luôn tự nhắc bản thân nhớ trông chừng chiếc ví.

2. Quy tắc 6 chiếc lọ

Nếu bạn thấy khó khăn trong việc chia nhỏ các “ngân sách phong bì” khi áp dụng quy tắc chỉ dùng tiền mặt, bạn có thể thực hành quy tắc 6 chiếc lọ.

  • Chiếc lọ đầu tiên: 55% cho các nhu cầu thiết yếu.
  • Chiếc lọ thứ 2: 10% cho hưởng thụ như mua sắm đồ đẹp, hẹn hò, mời cả nhà đi ăn một bữa.
  • Chiếc lọ thứ 3: 10% cho giáo dục như mua sách truyện, đăng ký khóa học.
  • Chiếc lọ thứ 4: 10% tự do tài chính, hay còn là quỹ đầu tư, ví dụ chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm để sau này lên dự án đầu tư.
  • Chiếc lọ thứ 5: 10% tiết kiệm dài hạn để mua nhà, mua xe.
  • Chiếc lọ thứ 6: 5% để làm từ thiện.

Sau một thời gian áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ, bạn có thể rút gọn lại thành 3 mục chính gồm chi tiêu cần thiết, đầu tư và tiết kiệm. Quy tắc 50-30-20 dưới đây cũng là một lựa chọn không tồi.

3. Quy tắc 50-30-20

50-30-20 là quy tắc đơn giản và hay được sử dụng nhất. Trong đó, 50% tổng thu nhập hàng tháng cho những thứ cần thiết, 30% cho những thứ bạn muốn và 20% còn lại để tiết kiệm.

Cụ thể hơn, những thứ cần thiết bao gồm tiền thuê nhà, thực phẩm, quần áo, tiền xăng hoặc phương tiện đi lại công cộng, khám sức khỏe. Đây là những thứ thiết yếu bạn cần chi trả để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Những thứ bạn muốn bao gồm tiền đi ăn tiệm, đồ ăn vặt, sắm sửa quần áo mới, mua iPad, xem Netflix. Đây là những thứ không quá cần thiết, nếu tháng đó bạn chưa “giải ngân” thì có thể để dành sang tháng sau. Cuối cùng, khoản tiết kiệm thường được dùng cho các mục tiêu tài chính, ví dụ như quỹ lương hưu, dự phòng khi ốm đau, trả nợ hoặc có một khoản để sau này đầu tư.

Bất cứ ai cũng có thể áp dụng quy tắc 50-30-20, đặc biệt là những người không thể chia nhỏ và quản lý chặt chẽ từng danh mục như quy tắc chỉ dùng tiền mặt hoặc quy tắc 6 chiếc lọ. Hạn chế của quy tắc này là khoản tiền tiết kiệm của bạn không quá nhiều do sử dụng 80% tổng thu nhập cho chi tiêu.

4. Quy tắc 60%

Về cơ bản, quy tắc này không khác biệt quá nhiều so với quy tắc 50-30-20.

60% là “chi phí cam kết” (committed expense), bao gồm các chi phí cần thiết (thuê nhà, thực phẩm, quần áo) và các hóa đơn của bạn (internet, cáp, Netflix, điện thoại). 40% còn lại sẽ được chia thành 4 phần, mỗi phần là 10%, bao gồm: quỹ lương hưu, quỹ tiết kiệm dài hạn, quỹ tiết kiệm ngắn hạn và những thứ bạn muốn.

Tại sao bạn không chuyển 10% khoản những thứ bạn muốn vào “chi phí cam kết”? Bởi vì 40% tổng thu nhập dành cho tiết kiệm. Nếu bạn không tiêu hết 10% trong quỹ những thứ bạn muốn, bạn sẽ có ý thức tiết kiệm số tiền này thay vì đã tiêu thì tiêu cho hết.

Quy tắc này phù hợp với những người sống đơn giản, không hay tiêu hoang, ưu tiên tiết kiệm là quốc sách. Thậm chí những người đang nợ nần cũng nên áp dụng quy tắc này.

Dù áp dụng quy tắc nào, bạn cũng cần thực hiện nghiêm túc và kỷ luật. Hãy biến những cam kết với bản thân thành thói quen thường ngày, học cách kiểm soát những cơn “xõa” và biết đầu tư nhiều hơn cho bản thân.

Đọc thêm bài: Chuyên gia tài chính tiết lộ những lỗi sai trong chi tiêu giúp bạn tiết kiệm cả gia tài.

Theo: tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.