• Về đầu trang
Chèo Bẻo
Chèo Bẻo

Ai là những người phụ nữ cô đơn nhất Nhật Bản?

Cuộc sống

Năm 2018, Viện nghiên cứu Mitsubishi tiến hành một cuộc điều tra khảo sát trên 15511 nữ giới và 18062 nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 80 với câu hỏi "Bạn có cảm thấy cô đơn không?". Kết quả chỉ ra rằng ở Nhật Bản, nhóm người càng trẻ tuổi càng có xu hướng cảm thấy cô đơn. Hơn nữa, khi xét đến yếu tố tuổi tác và giới tính, kết quả thu được cho thấy nữ giới ở độ tuổi 26 chính là những người thường xuyên có cảm giác cô đơn nhất. Điều này được giải thích bởi 4 lý do sau.

phu nu co don

Nguồn: fnn.jp

1. Mọi người xung quanh kết hôn

ket hon

Nguồn: yahoo.jp

Người ta phỏng đoán rằng độ tuổi trung bình khi kết hôn lần đầu của phụ nữ Nhật Bản là khoảng 29 tuổi, vì thế những người ở độ tuổi mấp mé 30 thường cảm thấy nôn nóng từ đó dẫn đến cô đơn. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy hầu hết cuộc hôn nhân lần đầu sẽ rơi vào độ tuổi 26-27 và những người phụ nữ độc thân trong giai đoạn này thường cảm thấy bản thân bị bỏ lại phía sau và dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Trong khảo sát trên, có người đã trả lời rằng cô cảm thấy cô đơn nhất là khi những người bằng tuổi hay bạn bè đã lập gia đình và chủ đề cuộc nói chuyện xoay quanh vợ/chồng họ. "Tôi còn chưa có người yêu, nói gì đến chuyện lấy chồng. Khi ấy tôi nghĩ thật mừng cho họ nhưng cũng cảm thấy rất cô đơn".

khong co nguoi yeu

Nguồn: u-rennai.jp

2. Thiếu sự cảm thông từ chồng

Mặt khác, ngay cả khi đã kết hôn, vẫn còn trường hợp người phụ nữ trẻ, nhất là những người đã trải qua sinh nở cảm thấy cô đơn. Người ta cho rằng người chồng cũng là một nguyên nhân sâu xa. Đối với phụ nữ ở độ tuổi lần đầu kết hôn và sinh con, kinh nghiệm trong mối quan hệ vợ chồng hay chăm sóc con cái vẫn còn rất non nớt. Một người phụ nữ có chồng đi làm xa chia sẻ rằng khoảnh khắc cô về nhà một mình chính là lúc nỗi cô đơn ập tới. Nhiều phụ nữ vẫn còn lo lắng và bỡ ngỡ về việc chăm sóc con sau khi sinh nên họ rất muốn nhận được sự giúp đỡ từ chồng và mọi người xung quanh.

cham soc con cai

Nguồn: NYT

Mặc dù vậy, họ cũng không dám kì vọng nhiều sự hỗ trợ từ họ hàng ở gần, chưa nói đến những người sống cách xa mà khoảng cách tính bằng những chuyến tàu Shinkansen. Đó là lúc họ cảm thấy vô cùng đơn độc. "Vào ban đêm chỉ có mình tôi với đứa bé không ngừng khóc. Tôi không hiểu vì sao con khóc nên không biết cách xử lý. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh hàng ngày thật sự khó khăn". Đây là những chia sẻ của một bà mẹ 29 tuổi.

Khi phải sống xa cha mẹ và không có ai để tâm sự về chuyện chăm sóc con cái, hơn nữa lại không nhận được sự giúp đỡ từ chồng thì tâm trạng lo lắng hay cô đơn là điều khó tránh khỏi.

3. Cảm giác thua thiệt ở chỗ làm

Không chỉ gia đình mà công việc cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ trẻ cảm thấy cô đơn. Sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đi làm ở công ty được vài năm thì bản thân họ không còn là tân binh nữa. Tuy nhiên khi so sánh với những nhân viên kì cựu ngoài 30 tuổi thì những kinh nghiệm của họ vẫn còn khá mơ hồ. Vì thế có nhiều người cảm thấy buồn phiền về giai đoạn "dở dở ương ương" này.

thua thiet trong cong viec

Nguồn: ITmedia

Thực tế là trong khảo sát, số lượng nữ giới cảm thấy áp lực ở chỗ làm thậm chí còn nhiều hơn số người cảm thấy cô đơn. Có nghĩa là, khi bước sang tuổi 26, họ phải chịu kiểu áp lực "Để được xem là tiền bối thì bản thân phải thật đáng tin cậy". Nhưng họ lại không có ai để có thể thoải mái trò chuyện, chính điều này đã kéo theo cảm giác cô đơn. Một phụ nữ 23 tuổi đã trả lời rằng: "Khi suy nghĩ về tương lai, tôi rất lo lắng và nóng vội không biết bản thân có thể làm điều mình muốn hay có năng lực phù hợp với công việc hay không. Tôi cảm thấy thật lẻ loi".

4. Cảm giác lạc lõng giữa một tập thể

Không ít người nói rằng mặc dù xung quanh họ có rất nhiều người nhưng bản thân vẫn không thể hòa hợp được và cảm thấy bị dư thừa. Đây có lẽ là một hiện tượng đặc trưng của giới trẻ. Tôi luôn nghĩ rằng những người trẻ tuổi sẽ không cảm thấy cô đơn đâu vì trông họ lúc nào cũng ồn ào nhưng thực ra các mối quan hệ xã hội của họ rất phức tạp. Đối với khá nhiều cô gái trẻ chỉ riêng việc ở cạnh người khác cũng có thể khiến họ thấy bản thân thừa thãi, lẻ loi.

lac long giua tap the

Nguồn: chigai-allguide

Ngay cả khi đang bên cạnh ai đó, tôi vẫn cảm thấy xa lạ và không thể tham gia vào cuộc trò chuyện. Cảm giác như tôi không ở đó vậy.

Khi mọi người hào hứng nói chuyện về chủ đề mà tôi không biết, tôi có cảm thấy cô đơn một chút.

Tôi không thể chia sẻ cảm xúc của mình, tôi cảm thấy như bị bỏ lại phía sau vậy.

Những người sống ở Tokyo cùng cha mẹ và có thu nhập thấp dễ cảm thấy cô đơn hơn

Cũng trong khảo sát trên, khi điều tra thông tin cá nhân kĩ hơn, số lượng nữ giới 26 tuổi có câu trả lời "Cảm thấy rất cô đơn" vẫn còn độc thân chiếm 60%, 40% còn lại là những người làm nội trợ toàn thời gian. Những người độc thân thường sống cùng cha mẹ và có trình độ học vấn là sinh viên tốt nghiệp trường nghề hoặc nghề chuyên nghiệp. Trường hợp làm nội trợ toàn thời gian thì gia đình thường bao gồm chồng và một con, tuổi trung bình của người chồng là 27,5. Trình độ học vấn của nhóm này thường là sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng.

Về nơi cư trú, có nhiều người độc thân ở khu vực đô thị hoặc tỉnh Osaka còn số lượng phụ nữ làm nội trợ toàn thời gian sẽ phân tán trên khắp cả nước.

Thu nhập của nhóm người độc thân thường rơi vào khoảng 1-2 triệu Yên (làm việc bán thời gian) hoặc 3-4 triệu Yên (nhân viên chính thức công ty). Đối với nhóm nội trợ, thu nhập của người chồng thường là 3-6 triệu Yên, nhưng chủ yếu vẫn là 3-4 triệu Yên.

Hình ảnh tiêu biểu của một người phụ nữ cảm thấy cô đơn bao gồm các đặc điểm "Sống ở Tokyo với cha mẹ, không có bạn trai, thường có thu nhập dưới 2 triệu và hay lo lắng về tương lai".

phu nu doc than tokyo

Nguồn: google

Cụm từ 'cái chết cô đơn' gây ra hiểu lầm về người cao tuổi

chet mot minh

Nguồn: chinatimes

Theo kết quả khảo sát, người cao tuổi - nhóm người được coi là biểu tượng của sự cô đơn thực chất lại không cảm thấy cô đơn đến thế.

Trước hết, tuổi càng cao thì càng có ít lo âu hơn. Giới trẻ thường cảm thấy không yên tâm về tương lai như lương hưu hay bảo hiểm y tế. Nhưng đến khi về già và bắt đầu có lương hưu, họ sẽ ưu tiên việc tìm cách giải quyết hơn là lo âu. Hơn nữa, người cao tuổi có thể sống một mình, xoay sở một mình và tận hưởng cuộc sống một mình đến một mức độ nào đó nên họ sẽ bớt có những suy nghĩ về mối quan hệ con người kiểu 'cảm thấy cô đơn, bị bỏ lại phía sau', 'muốn có người trò chuyện', 'muốn vợ/chồng giúp đỡ nhiều hơn'.

Trái với những người phụ nữ trẻ tuổi thường cảm thấy cô đơn khi không có ai để tâm sự, người cao tuổi có khả năng nhìn xa trông rộng và có thể tự giải quyết vấn đề mà không cần ai tư vấn.

Trong khảo sát, một phụ nữ 70 tuổi đã ly hôn chồng cho biết: "Mặc dù chỉ có một mình nhưng tôi vẫn bận rộn với những việc như tập thể dục, tham gia câu lạc bộ, đi du lịch. Tôi không có thời gian rảnh rỗi nghĩ ngợi đến chuyện cô đơn".

nguoi cao tuoi

nguoi gia di du lich

Nguồn: google

Có lẽ cụm từ 'cái chết cô đơn' là một trong những lý do khiến mọi người có ấn tượng về hình ảnh 'người già neo đơn'. Tuy nhiên cụm từ này chỉ có nghĩa là 'chết một mình' chứ không hơn. Ngay cả khi sống một mình, nếu như có các mối quan hệ xã hội rộng thì sẽ không cảm thấy cô đơn. Việc chỉ đánh giá từ tính chất 'một mình' của cái chết trong cụm từ này là không nên.

Kết quả của cuộc khảo sát này đã cho thấy quan niệm 'người già sống cô đơn một mình''phụ nữ trong độ tuổi 20 đang tận hưởng cuộc sống' xuất phát từ cái nhìn một chiều. Có thể nói, 'cô đơn' là dấu hiệu chỉ ra rằng có gì đó đang phát sinh trong mối quan hệ giữa bản thân với xã hội và với người khác, đây thực chất là một điều rất tự nhiên.

Theo: president.jp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.