• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Cha Mẹ Thay Đổi: Đừng giải tỏa stress của bạn bằng nước mắt của con

Cuộc sống

Tiếp nối tập 1 của chương trình thực tế Cha Mẹ Thay Đổi, tập 2 với chủ đề "Nhà là nơi trái tim thuộc về" đã mở ra những bài học mới trong cách dạy con trẻ dành cho rất nhiều bố mẹ trẻ hiện nay. Hiểu được tâm lý bực dọc, muốn nghiêm khắc để con nghe lời của rất nhiều bố mẹ hiện nay, tập 2 đã nhắc đến bài học giúp nhiều phụ huynh có thể kiểm soát cảm xúc và thấu hiểu con cái hơn.

Tập 2 xoay quanh câu chuyện của 2 gia đình hoàn cảnh giống nhau bao gồm mẹ Hường cùng 2 con gái là Cún (6 tuổi), Kén (4 tuổi) và gia đình anh Thọ, chị Hảo cùng con trai là bé Tôm (8 tuổi) và con gái Tép.

Tôm con anh Thọ và chị Hảo.
Bé Cún nhà chị Hường.
Kén, con gái út của chị Hường.

Hoàn cảnh 2 gia đình giống nhau ở chỗ bố mẹ không kết nối được với con cái, lâu ngày dẫn đến tính tình bướng bỉnh của con càng bộc lộ rõ hơn. Xuất phát điểm của vấn đề này là đến từ bố mẹ, họ đi làm vất vả cả ngày và thường xả những năng lượng tiêu cực lên các con khi về nhà. Cùng với đó là quan điểm sai lệch: "Quát mắng thì con mới sợ, sợ thì mới nghe lời". Những thể hiện hung dữ ngày càng khiến mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng, các con sợ hãi khi gặp, trò chuyện với bố mẹ.

Trong tập phim mới, các chuyên gia cố vấn bao gồm Giáo sư Peck Cho từ Đại học Hàn Quốc, Giáo sư Choi Sung Aie, chủ tịch Hiệp hội Emotion Coaching Hàn Quốc, PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu, PGS. TS. Lê Văn Hảo tiếp tục là những người có kinh nghiệm, kiến thức trong nắm bắt tâm lý trẻ, họ đã đến và hướng dẫn cho các phụ huynh thay đổi tốt hơn.

Qua phần đầu của tập phim, khán giả có thể nhanh chóng nhận ra chị Hường hay anh Thọ đã rất nghiêm khắc khi muốn con làm gì đó như ra lệnh con đi học bài, không được xem TV, đi ngủ đúng giờ hay quát mắng, đánh đòn nếu con khóc, phản đối hay cãi lại. Đây là cách dạy của hầu hết các bố mẹ từ trước đến nay, nhưng vô tình gây ra rất nhiều tổn thương tinh thần cho trẻ.

Mẹ không cho Kén coi phim hay ăn bánh.
Khóc lóc một lúc thì ánh mắt Kén trở nên rất vô hồn.

Kết quả là Kem dùng ánh mắt vô hồn để nhìn mẹ, Cún thì luôn khóc mỗi khi có mẹ ngồi cạnh lúc học bài. Cậu bé Tôm thì cư xử không lễ phép với mẹ, đánh bạn và đánh em gái mỗi khi không hài lòng.

Tổn thương về tinh thần khi thơ ấu sẽ dẫn đến rất nhiều ảnh hưởng đến não bộ. Trẻ sẽ gặp căng thẳng dẫn đến không học tốt, không phát triển tư duy, sáng tạo, thậm chí tính cách cũng bị chèn ép, trở nên nóng nảy và dễ bỏ cuộc hơn. Như PGS. TS. Lê Văn Hảo đã chia sẻ:

Khi bộ não cảm thấy hạnh phúc thì nó sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thông minh hơn. Điều đó có nghĩa khi trẻ vui và hạnh phúc thì kết quả học tập sẽ rất khác so với ngược lại!

Qua những bài học về cách quan tâm đến cảm xúc của con, không tránh né hay đánh lạc hướng những gì trẻ cảm thấy, các bố mẹ đã có những cải thiện rõ rệt trong cuộc sống gia đình.

Nếu là trước đây, khán giả chỉ nhìn thấy gương mặt cau có, khó chịu của mẹ Hường thì gần đây, chị luôn tươi cười, biết cách tương tác với con, lắng nghe sở thích của con. Khi Cún học bài, chị cũng chỉ ngồi ở xa cổ vũ, động viên, khen ngợi mà không làm ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và tư duy của con.

Tương tự như vậy, anh Thọ, bố Tôm, cũng không còn dùng đòn roi để ra lệnh cho con. Anh nhẹ nhàng với Tôm hơn và sự kiên nhẫn khiến cậu bé nhận ra nhiều điều, Tôm tự đến giúp bố dù anh chẳng ép buộc. Anh Thọ còn dành nhiều thời gian chơi với con hơn, những trận khóc vì đòn roi đã nhanh chóng thay đổi thành nụ cười lớn của 2 anh em Tôm và Tép. Về phần chị Hảo, chị cũng nhận ra rằng dịu dàng không phải là cách dạy con tốt, quan trọng nhất vẫn là lắng nghe cảm xúc và phản hồi lại những cảm xúc của trẻ.

Tôm phụ giúp bố chiên trứng khi mẹ vắng nhà.
Những giọt nước mắt ban đầu đều được thay thế bằng nụ cười hạnh phúc.

Bài học trong tập 2 có thể rút ngắn bằng chia sẻ của Giáo sư Peck Cho:

Trẻ con cần 2 thứ đó chính là sự kết nối tốt và những lời khuyên.

Khi dạy đỗ con cái, chúng ta không thể bỏ qua bất cứ mệnh đề nào trong cả hai. Khi có thể chia sẻ với con, bạn cần đưa ra bài học, lời khuyên để chúng trở nên hiểu chuyện và ngoan ngoãn hơn.

Đã có 2 gia đình tìm lại hạnh phúc nhờ chương trình Cha Mẹ Thay Đổi, mong rằng đây sẽ là bài học thật bổ ích để bạn có mối quan hệ gia đình tốt hơn hoặc chuẩn bị hành trang cho chặng đường làm bố mẹ trong tương lai.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.