• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Chất làm ngọt nhân tạo trong đồ uống 'kiêng' có thể gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe

Cuộc sống

Một vài nghiên cứu về bệnh dịch đã kiểm chứng rằng, những chất làm ngọt nhân tạo trong đồ uống kiêng và các loại thức uống ít đường khác sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Tiểu đường loại 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất, bệnh này thường không thể hiện triệu chứng và thường gặp ở những người thừa cân, ngồi nhiều trong ngày.

Một nghiên cứu được công bố tại Pháp cho biết, những người "luôn luôn hoặc hầu như lúc nào cũng" thêm chất làm ngọt vào đồ uống sẽ có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn 83% so với những người "không bao giờ hoặc hiếm khi" làm vậy.

chat lam ngot nhan tao trong do uong kieng 3

Chất làm ngọt nhân tạo thường được dùng để thay thế đường trong những loại thức uống "kiêng", nhưng thực chất chúng có thể gây hại đến sức khỏe.

Aspartame, chất làm ngọt phổ biến nhất, và sucralose (còn gọi là Splenda) được sử dụng để thay thế đường trong những thức uống "kiêng" hơn 30 năm nay.

Không chỉ trong thức uống, hàm lượng chất làm ngọt nhân tạo trong khẩu phần ăn hằng ngày của chúng ta tăng đáng kể do chúng còn được cho vào ngũ cốc, bánh, yogurt ít calo, và thậm chí là một số loại thuốc.

Tuy vẫn còn rất ít số liệu cụ thể và đáng tin cậy về những chất này, đa số những loại thực phẩm "kiêng", ít đường đều được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe. Điều này lại khuyến khích người tiêu dùng lạm dụng chất làm ngọt để tránh bị thừa cân, nhưng cho dù dùng nhiều hay ít thì những loại phụ gia này vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Chất làm ngọt ngày nay vô cùng gây tranh cãi và bị nghi là sẽ góp phần làm tăng cân và làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đang cố gắng đo lường ảnh hưởng thực sự của chúng lên sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng lên những căn bệnh liên quan đến trao đổi chất.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và ung thư

Một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh dịch và Sức khỏe Cộng đồng tại Inserm, Pháp đã và đang đóng góp vào một chương trình nghiên cứu về những yếu tố gây ra bệnh tiểu đường loại 2 từ năm 2012.

Chương trình nghiên cứu này đã phát hiện rằng những chất thay thế đường nên được sử dụng một cách cẩn trọng. Công trình nghiên cứu được công bố tại Pháp cho biết, rủi ro mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng tỷ lệ thuận với mức độ tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo.

chat lam ngot nhan tao trong do uong kieng 4

Thay vì uống soda "kiêng", hãy chọn uống soda thường, hoặc tốt hơn hết là nước lọc và nước ép trái cây.

Nghiên cứu này lấy dữ liệu từ một nhóm gần 100.000 phụ nữ Pháp đến từ E3N - một tổ chức nghiên cứu sức khỏe cộng đồng phụ nữ tại nơi đây.

Người tham gia nghiên cứu phải hoàn thành những bảng hỏi chi tiết về chế độ ăn uống của họ trong khoảng thời gian 1993 - 2007, ghi nhận tất cả dữ liệu về các loại thực phẩm mà họ tiêu thụ (bao gồm cả đồ ăn vặt, khai vị, và ba bữa ăn chính). Những dữ liệu này bao gồm cả hình ảnh, và cho các nhà khoa học một cái nhìn toàn diện về hàm lượng chất dinh dưỡng trung bình mà mỗi người tham gia nghiên cứu đã tiêu thụ.

chat lam ngot nhan tao trong do uong kieng 1

Ly kích cỡ chuẩn dùng để đong lượng nước ép, soda thường, và soda với chất làm ngọt tự nhiên mà người tham gia nghiên cứu tiêu thụ trong quá trình nghiên cứu.

Hãy chọn soda loại thường thay vì "kiêng"

Khi phân tích những dữ liệu trên vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên phát hiện rằng rủi ro mắc bệnh tiểu đường sẽ cao hơn khi tiêu thụ soda "kiêng" so với soda thường.

Trong số 66.118 người tham gia dự án này, 1.369 người bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2. Mô hình giám định rủi ro mắc bệnh tiểu đường được xác lập dựa trên sự tiêu thụ ba loại thức uống sau: soda có đường, soda chứa chất làm ngọt nhân tạo, và nước ép 100% từ trái cây. Một số yếu tố khác như hoạt động thể thao, chỉ số khối cơ thể BMI, và lịch sử gia đình cũng được xem xét.

Nghiên cứu này đã xác định rõ được tầm ảnh hưởng của từng loại thức uống lên sức khỏe. Ví dụ, với 1.5 lít mỗi tuần, rủi ro mắc bệnh tiểu đường khi tiêu thụ thức uống "kiêng" sẽ cao hơn 60% so với thức uống có đường.

Rủi ro này sẽ còn cao hơn khi ta xét đến việc ngày nay mọi người tiêu thụ soda "kiêng" còn nhiều hơn trước. Trong khoảng thời gian nghiên cứu, trung bình mỗi người uống khoảng 328 ml đồ uống có đường mỗi tuần, và 568 ml đồ uống "kiêng".

chat lam ngot nhan tao trong do uong kieng 2

Đường liền mô tả rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2 dựa trên sự tiêu thụ đồ uống có đường (trái), đồ uống có chất làm ngọt tự nhiên (giữa), và nước ép trái cây (phải).

So với hai loại đồ uống trên, nước ép 100% từ trái cây không hề làm tăng khả năng bị tiểu đường.

Đường nhân tạo làm bạn mau đói hơn

Chất làm ngọt (dưới dạng gói hoặc viên) thường được cho đồ uống "kiêng" thay vì đường thông thường, và chúng sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.

chat lam ngot nhan tao trong do uong kieng

Thường được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe hơn đường thông thường, nhưng những loại chất làm ngọt tự nhiên lại có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Theo nghiên cứu trên nhóm E3N, những người "luôn luôn hoặc hầu như lúc nào cũng" thêm chất làm ngọt vào đồ uống sẽ có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn 83% so với những người "không bao giờ hoặc hiếm khi" làm vậy.

Những người sử dụng loại chất làm ngọt này trong hơn 10 năm liền sẽ có rủi ro cao hơn đến 110% so với những người ít hoặc không sử dụng, cho thấy sự ảnh hưởng chồng chất khi sử dụng lâu dài.

Mức rủi ro vẫn cao khi xem xét thêm chỉ số BMI nhưng không ảnh hưởng nhiều. Điều này cho thấy tuy rằng thừa cân cũng là một yếu tố gây bệnh, chất làm ngọt lại có ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro gây bệnh tiểu đường.

do uong kieng

Có nhiều yếu tố làm gia tăng rủi ro mắc bệnh tiểu đường, và một trong số đó có thể là chất làm ngọt nhân tạo.

Cơ chế ảnh hưởng của các chất làm ngọt vẫn chưa rõ ràng, xét về mặt sinh lý học. Một giả thuyết được đề ra là tiêu thụ chất làm ngọt quá mức sẽ làm tăng sự thèm đồ ngọt, thêm vào đó là làm tăng sự thèm ăn nói chung.

Chất làm ngọt cũng được cho là làm tăng cảm giác đói hoặc kích hoạt thụ thể T1R2/T1R3 - cơ quan liên kết với những protein cảm giác vị ngọt trong cơ quan tiêu hóa. Nếu giả thuyết này là đúng, những chất làm ngọt chắc chắn sẽ không liên kết những thụ thể này để cho ra kết quả như mong đợi, điển hình là giảm cân.

Một giả thuyết khác là những người tiêu thụ nhiều chất làm ngọt sẽ sản sinh ít hoóc-môn GLP-1 hơn - một loại hoóc-môn thúc đẩy sản xuất insulin từ tuyến tụy, và sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa đường của cơ thể.

Chất làm ngọt có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột

Một nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann tại Israel cũng phát hiện rằng việc tiêu thụ nhiều chất làm ngọt nhân tạo có khả năng làm thay đổi hệ vi sinh vật trong đường ruột.

Những vi sinh vật này rất có lợi cho sức khỏe, chúng giúp điều hòa chức năng tiêu hóa, trao đổi chất, miễn dịch và thần kinh. Biến đổi chúng có thể khiến bạn mắc chứng không dung nạp được glucose và kháng insulin, hai trong số những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường loại 2.

Đã đến lúc những thông tin chính xác về lợi ích, cũng như tác hại của những loại thức ăn nước uống "kiêng" được truyền tải đầy đủ đến người tiêu dùng.

Theo: The Conversation
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.