• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Con trai bị ức hiếp ở trường, bà mẹ đến gặp thẳng người bắt nạt

Cuộc sống

Trẻ con đi học ở trường và bị bạn bè bắt nạt là tình trạng không hiếm gặp và cũng để lại rất nhiều hậu quả đau thương nếu bố mẹ không kịp thời nhận biết và có cách xử lý khéo léo. Một số phụ huynh cho rằng chuyện con cái bị bắt nạt là không đáng để quan tâm hoặc thường dùng cách có phần tiêu cực như la mắng, thờ ơ để giải quyết khi biết con bị bạn bè trêu chọc.

Sự vô tâm của bố mẹ sẽ khiến con cái mất niềm tin và bắt đầu có suy nghĩ sai lệch dẫn kết kết cục bi kịch. Bằng chứng là có rất nhiều vụ học sinh, sinh viên tự tử vì bị bắt nạt ở trường, nếu xã hội biết cảm thông nhiều hơn và phụ huynh kịp thời nhận ra, có lẽ thế giới đã không có nhiều câu chuyện tang thương như thế.

Câu chuyện của người mẹ Việt dưới đây mong rằng sẽ là kinh nghiệm dành cho tất cả các bậc phụ huynh khác, vì khi con em bị bắt nạt thì sự kiên nhẫn và khéo léo của cha mẹ chính là điều quan trọng nhất.

Câu bé M., một học sinh lớp 7, thường xuyên bị bạn bè trong trường bắt nạt. Bạn của M. thường chọc ghẹo vì em học không giỏi, lời đùa có khi quá đáng nhưng không nhiều ác ý cho đến năm nay thì có một bạn cùng lớp đã nhiều lần gây tổn thương cho M. bằng lời nói. Cậu bạn có tên C.T. này thường gọi M. là bê đê, gay,... mỗi khi M. mắc lỗi gì trong lớp như trả lời sai hay bị điểm thấp thì C.T. lại buông lời chỉ trích, chọc ghẹo khiến M. suy sụp, không muốn đi học. Dù mẹ M. đã phát hiện từ sớm, động viên con, cho con học võ Karate nhưng tinh thần của M. cũng không thể khá hơn vì thường xuyên phải đối mặt với C.T. ở lớp.

Kể lại về câu chuyện này, chị P.T. đã viết:

Đỉnh điểm là một lần M. tâm sự với cô giáo tâm lý ở trường và sau đó nói với mẹ rằng “có lúc con muốn tự tử”. Mẹ nói chuyện với mẹ bạn kia và cô giáo chủ nhiệm để góp ý cho bạn, nhưng không những không cải thiện mà M. còn bị sỉ nhục, bị gọi là “thằng hèn”. Nhận thấy vấn đề nghiêm trọng, nên sau khi trao đổi với phụ huynh và cô giáo, mặc dù M. không muốn, mẹ vẫn quyết định đến tận trường nói chuyện trực tiếp với bạn C.T.

Khi chị P.T. xuất hiện, phản ứng của M. và bạn học C.T. đều khác nhau, M. có phần sợ sệt vì sợ sau này bạn sẽ lại bắt nạt mình nhiều hơn còn C.T. thì căng thẳng trước tình huống gặp mẹ của M.

Nhưng thay vì dùng cách tiêu cực và bạo lực như mắng chửi C.T. hay đe doạ sẽ mách bố mẹ cậu bé nếu tiếp tục bắt nạt M. thì chị P.t. lại nhẹ nhàng khoác vai cả hai bạn nhỏ, dẫn xuống phòng tiếp tân để trò chuyện riêng tư. Khi đối thoại với C.T., chị P.T. nhận ra C.T. rất hiểu chuyện, cậu bé thông minh và cũng không hề cáu gắt, nóng nảy. Sau một lúc tâm sự, mẹ bạn M. nhận ra C.T. bắt nạt con mình vì cho rằng M. sai và muốn chứng tỏ bản thân. Đứa trẻ nào cũng có lúc cứng đầu như thế nhưng chỉ cần mềm mại với chúng, nêu ra vấn đề và giải quyết từng suy nghĩ chưa đúng thì sự việc sẽ tích cực hơn.

Trong bài đăng chia sẻ về câu chuyện này, chị P.T. đã kể tường tận về cách mà chị trò chuyện với C.T., mong rằng các phụ huynh khác sẽ lấy đây làm kinh nghiệm khi con mình bị bắt nạt như M.

Về những lời trêu chọc gay hay bê đê, chị P.T. thẳng thắn đặt câu hỏi cho C.T. rằng:

"Con có hiểu giới tính thứ ba là gì không? Họ là người bệnh hay người bình thường?", "Con thử nói cho bác nghe xem con biết ai thuộc giới tính thứ ba mà nổi tiếng và thành công không", "Con thấy họ thế nào? Có thích xem họ biểu diễn không", "Nếu M. thuộc giới tính thứ ba, theo con đó có phải là lỗi của bạn không?", "Con có điểm gì về cơ thể mà con cảm thấy không tự tin và không thoải mái khi bị mọi người trêu không? Nếu bị trêu con cảm thấy thế nào?"

Sau khi để cậu bé tự trả lời những câu hỏi này, chị P.T. nhận ra C.T đã bắt đầu hiểu rõ về những lời mình nói, đặc biệt khi biết đó không phải lỗi của M., bạn học này sẽ tự nhiên không miệt thị nữa.

Về vấn đề M. học không giỏi, chị P.T. kể cho C.T. nghe câu chuyện lúc nhỏ của M. Cậu bé không may mắn bị viêm phổi nặng lúc 6 tháng tuổi, phải liên tục chích 40 mũi thuốc trong 3 tháng dẫn đến việc não của M. bị ảnh hưởng.

Nếu trẻ bình thường 1,5 tuổi biết nói thì M. 3 tuổi mới bập bẹ. Học hết lớp 1, các bạn đều biết cộng trừ nhân chia nhưng M. thì còn không cộng nổi trong phạm vi 10. Nhưng đó không phải trọng điểm. Trọng điểm là suốt 5 năm qua, M. đã hết sức nỗ lực để theo kịp các bạn, tất nhiên không thể giỏi nhưng cũng không kém quá xa.

Chị P.T. kể lại

C.T. mắng M. là "thằng hèn" khi cậu bé tâm sự mình bị bắt nạt, chị P.T. cũng mang suy nghĩ này ra để trao đổi, chị nhẹ nhàng hỏi C.T rằng:

“Nếu con bị một anh chị lớn hơn bắt nạt, con sẽ làm gì? Có tâm sự với bố mẹ để tìm sự giúp đỡ không?”, “Giả sử sau khi anh chị kia bị người lớn mắng, tiếp tục bắt nạt con thậm tệ hơn, con sẽ cảm thấy thế nào, con sẽ làm gì?”

Những câu hỏi này giúp C.T. nhận ra rằng khi mình gặp khó khăn, bố mẹ chính là điểm tựa và việc tâm sự, kêu cứu bố mẹ không phải là hành động hèn kém, ngược lại là rất khôn ngoan. Cuối cùng chị nhờ C.T. hãy bảo vệ M. và cậu bé đã vui vẻ hứa rằng mình sẽ làm như vậy.

Ban đầu, M. không tin bạn C.T. sẽ dễ dàng thay đổi và chuyển sang bảo vệ mình, cho đến khi C.T. chủ động nhắn tin cho M. để nói rằng:

“Hôm nay mới biết chuyện hồi bé của M., rất thương bạn và tự hứa sẽ giúp bạn”

Đi học về, M. cũng vui vẻ kể rằng C.T. đã thân thiên hơn, không trêu chọc ác ý nữa, M. còn kể: “Bạn C.T hôm nay bảo con là cậu đã có một vệ sĩ rồi đấy nhé”.

Cách làm của chị P.T. thật sự đã mang lại kết quả rất tích cực, không chỉ giải quyết khéo léo, êm xuôi, cậu bé C.T. còn được thay đổi cả tư tưởng để trở thành một học sinh tốt bụng hơn trong tương lai. M. cũng sẽ yêu thích việc đến trường mỗi ngày và không còn những suy nghĩ tiêu cực khi bạn bè bắt nạt nữa.

Bài chia sẻ của chị P.T. đã nhân được hơn 10.000 lượt tương tác và gần 3.000 chia sẻ, điều này cho thấy cách giải quyết của chị được rất nhiều người ủng hộ và xem đó là bài học đáng quý dành cho quá trình nuôi dạy con cái thành người.

Nhiều bình luận đều khen ngợi mẹ P.T. rất khéo léo, thông minh, phản ứng kịp thời nhưng vẫn mềm mại và hiệu quả. Mọi người cũng dành cho M. nhiều lời động viên vì sự nỗ lực lớn của cậu bé nhỏ.

Bị bắt nạt ở trường không hề xa lạ ở bất cứ xã hội nào, nếu muốn trở thành một phụ huynh có trách nhiệm và thấu hiểu, bạn hãy chú ý để con trẻ nhiều hơn. Quan sát mọi sự thay đổi của con và nhận ra vấn đề kịp thời luôn là quan trọng nhất.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.