• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Cuộc đời 'như phim' của quốc vương Ghana, người từng 'trốn' sang Mỹ làm hộ lý để không phải làm vua

Cuộc sống

Đã gần 8 năm kể từ khi fanpage Humans of New York được thành lập, ghi lại những dấu chân không mệt mỏi của Brandon Stanton trong sứ mệnh viết nên những câu chuyện về cuộc sống và con người trên khắp thế giới. Humans of New York luôn chia sẻ những sự việc thú vị với phong cách bình dị nhất, và Brandon Stanton cũng luôn biết cách tiếp cận người khác bằng sự chân thành và gần gũi. Được đánh giá là một trong những người sử dụng Facebook thành công nhất, Stanton đã biến ''thế giới ảo'' của mạng xã hội thành nơi chia sẻ mọi điều ''thật như cuộc sống''.

Brandon Stanton từng rong ruổi qua hơn 20 đất nước trên thế giới, từ những miền quê còn chưa yên tiếng súng ở Iraq cho đến vùng tuyết trắng xứ Đông Âu như Ukraine. Năm 2014, Stanton cũng đã đến Việt Nam để ghi lại cuộc sống đời thường của người dân Sài Gòn trong bộ sưu tập đầy màu sắc của mình.

cap 1

Brandon Stanton từng đăng tải những câu chuyện về người Ghana ở Mỹ. Lần này, khi ghé thăm đất nước ở Trung Phi, Stanton may mắn được gặp một vị quốc vương cùng những câu chuyện thú vị.

Sự sắp đặt của số mệnh

Lần này, hãy cùng blogger, nhiếp ảnh gia Brandon Stanton khám phá vương quốc Akwamu ở đất nước xa xôi Ghana bên kia bờ biển Đại Tây Dương, để được nghe kể về hành trình thú vị và đầy cảm xúc của một vị vua bất đắc dĩ.

1

Ngai vàng của Akwamu tại thủ đô Akwamufi, miền Nam Ghana.

Có vẻ như Stanton đi mà không hề kén chọn vì anh biết rằng bất cứ mảnh đất nào mà mình đến cũng có những câu chuyện đáng để lắng nghe và thấu hiểu. Phải chăng đó chính là lý do mà quốc vương Odeneho Kwafo Akoto III - vua của thành bang Akwamu thuộc Ghana đã chia sẻ một cách chân thành nhất về cuộc đời của mình với người xa lạ như Stanton?

Người đứng đầu hoàng tộc Akwamu tâm sự với anh:

Tôi là người thứ 29 ngồi trên ngai vàng của vương quốc Akwamu. Hơn 300 năm trước, bộ tộc của chúng tôi từng thống trị suốt một dải đất miền nam Ghana. Người Anh từng xem chúng tôi là những kẻ tàn bạo, người Đan Mạch thì từng gọi chúng tôi là những tên đạo tặc. Còn giờ đây, tôi đang thống lĩnh một cộng đồng dân cư gồm 120 thị trấn. Thực ra, không phải lúc nào tôi cũng muốn được làm vua.

Lúc nhỏ, tôi hiểu rằng mình có thể là người thừa kế ngai vàng, tôi mang trong mình đây huyết thống của hoàng tộc. Thế nhưng, tôi đã từng mong họ sẽ chọn người khác. Lần đầu tiên hoàng gia muốn ép buộc tôi là khi tôi đang học cao đẳng ngành kế toán. Lúc đó có tin đồn là vị vua hiện tại vừa qua đời, và tôi sẽ được chọn là quốc vương tiếp theo.

Quá sợ hãi, tôi đã search Google về cách đi ''tị nạn chính trị'', tôi trộm lấy hộ chiếu của một người khác và thậm chí còn không buồn thay đổi ảnh trên đó. Mặc dù chưa từng rời khỏi Ghana lần nào nhưng tôi vẫn mạnh dạn đặt ngay vé máy bay một chiều đến New York.

Tại quầy tiếp tân sân bay quốc tế John F. Kenedy, tôi nói với nhân viên sân bay: ''Xin hãy giúp tôi. Họ sắp ép tôi phải làm vua.''

Lưu lạc xứ người

Quốc vương Akoto Đệ Tam từng có một cuộc sống lưu vong khá tạm bợ, ông phải làm nhiều công việc phổ thông để có tiền đóng học phí. Mặc dù vậy, quãng thời gian lăn lộn kiếm sống ấy đã hun đúc những phẩm chất của một vị vua nơi chàng trai trẻ.

2

Vị vua trẻ không thể đến nơi công cộng mà không có một bầu đoàn hộ tống.

Vua Akoto kể với Brandon Stanton về thời gian ở Mỹ:

Sau khi được cấp phép tị nạn, tôi dọn đến ở tại phố Bronx cùng vài người anh em họ. Công việc đầu tiên của tôi là rửa bát đĩa cho bếp của một nhà thổ và được trả 297 USD mỗi hai tuần. Thế nhưng khi biết được là làm điều dưỡng được trả lương cao hơn, tôi liền đăng ký đi học một lớp đào tạo nghiệp vụ và lấy chứng chỉ.

Hợp đồng đầu tiên của tôi là với một người bị bại liệt có tên Hector. Sau đó tôi đã chăm sóc ông ấy suốt sáu năm liền. Tôi giúp ông ấy ăn, thay tã lót, tắm rửa... và mọi thứ khác. Tôi thực sự thích Hector và chúng tôi đã cùng nhau đến nhiều nơi. Chúng tôi lái xe đến Chicago và California, tôi làm ca tối nên đôi khi tôi đưa ông ấy đến hộp đêm, và Hector đung đưa theo nhạc trong khi vẫn ngồi trên xe lăn. Tôi đã ở bên cạnh ông ấy suốt ngần ấy thời gian.

Buổi sáng tôi theo lớp học ở Cao Đẳng Lehman, chuyên ngành Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe. Sau khi tốt nghiệp, tiếng gọi của trách nhiệm một lần nữa thì thầm bên tai tôi, người thân ở quê nhà mong muốn tôi trở về để nhận vị trí người kế thừa hợp pháp của ngai vàng.

Tôi tạm biệt Hector và trở về Ghana để đảm nhận một công việc kinh doanh. Mãi đến năm 2011 khi quốc vương tại vị lúc đó qua đời và các bô lão đến tìm tôi. Lần này, tôi đã sẵn sàng để lên ngôi.

Trưởng thành và trách nhiệm

3

Vua Akoto Đệ Tam gặp tổng thống Ghana trong một buổi nghị sự của chính phủ nước này.

Sau nhiều năm tự lập và học tập trên đất Mỹ, vua Akoto Đệ Tam tự tin có đủ trình độ để lãnh đạo người dân của mình. Thế nhưng, không phải tất cả mọi thứ đều có thể được cấp chứng chỉ bởi nền giáo dục Hoa Kỳ, và chỉ có bản lĩnh từ dòng máu hoàng tộc đang chảy trong huyết quản mới giúp vị vua trẻ đối mặt với những vấn đề của đất nước.

Akoto Đệ Tam nói về những khó khăn trong những ngày đầu làm vua:

Trở thành quốc vương là điều không hề dễ dàng. Tôi phải thực hiện nhiều nghi thức cổ xưa. Đồng thời, tôi buộc phải ăn một mình và không thể đi đâu mà không có hộ vệ. Thứ quyền lực mà tôi đang có đây nó không còn như xưa, làm vua trong thời buổi hiện đại có nhiều khác biệt. Chúng tôi đã không còn đánh nhau để tranh giành lãnh thổ, cũng không phải đấu tranh chống lại bọn thực dân xâm lược nữa. Hiện tại, tôi ít khi gặp phải sự phản đối khi điều hành đất nước, nhưng nhà vua cũng chỉ có thể ra lệnh một cách gián tiếp mà thôi.

Tôi làm việc vì người dân, có mặt tại các buổi nghị sự của chính phủ. Tôi yêu công việc này và muốn cuộc sống của dân chúng được cải thiện hơn nữa. Tôi muốn họ có nước sạch để sinh hoạt, họ cần được hưởng một nền giáo dục có chất lượng. Trên hết, đất nước này cần được phát triển, vương quốc này có thể trở thành một địa điểm du lịch. Thu nhập từ du lịch có thể thay đổi cuộc sống của nhiều người, và chúng tôi có đủ điều kiện để làm điều đó.

Akwamu có những dòng sông tươi đẹp, một nền văn hóa lịch sử lâu đời và những cổ vật đáng giá nhất Ghana. Năm 1680, người Hà Lan xây một pháo đài bên bờ biển Akwamu, và chúng tôi đã chiếm lấy nó. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử người da màu sở hữu một pháo đài, chúng tôi giữ nó một vài năm và chỉ trả lại với một điều kiện: họ phải để chúng tôi giữ chìa khóa.

Câu chuyện "như phim" về cuộc đời của quốc vương Akoto Đệ Tam, vị vua thứ 29 của vương quốc Akwamu thuộc Cộng Hòa Ghana được Brandon Stanton ghi lại tại Akwamufie, thủ đô của vương quốc Akwamu. Stanton đã chia câu chuyện làm ba bài viết đăng trên trang Humans of New York vào ngày 13 tháng 10 trước khi nó được chia sẻ lại hàng nghìn lần trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện này có thể dựng thành một bộ phim với những tình tiết hấp dẫn giàu cảm xúc. Ngoài ra, nhiều bình luận cũng tỏ ý thán phục ý chí và sự cần cù của vị vua trẻ nọ, mọi người đều đồng ý rằng Akoto Đệ Tam sẽ là vị vua tốt vì ông hoàn toàn có những trải nghiệm quý giá để xây dựng nhân cách của một người đứng đầu.

cap

Một bình luận đứng top trên trang Humans of New York trích lại lời khuyên của giáo sư Dumbledore với Harry Potter về quyền lực dành cho người lãnh đạo chân chính:

Quyền lực là một thứ làm người ta hiếu kỳ, Harry ạ. Thế nhưng, nó phù hợp nhất khi nằm trong tay những kẻ không tìm kiếm nó. Những người như con, họ buộc phải đứng lên vì mọi người, khoác lên chiếc áo choàng của người lãnh đạo vì đó là điều họ phải làm. Và con biết đấy, họ ngạc nhiên khi nhận ra rằng họ làm điều đó rất giỏi.

Theo: Humans Of New York
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.