• Về đầu trang
Pan
Pan

Cuộc đời túng quẫn, buồn tủi của anh shipper Trung Quốc sau khi bị vợ chưa cưới 'cuỗm' mất tất cả tài sản

Cuộc sống

Năm 2017, báo 'Một ngày của người Trung Quốc' đã ghi lại câu chuyện của anh shipper tên A Thố, người đàn ông đã bị lừa gạt hôn nhân, mất cả người lẫn của. Đến nay, đã 3 năm trôi qua, phóng viên gặp lại A Thố, hiện tại anh đã vượt qua được nỗi ám ảnh năm đó nhưng lại đau đáu với ước muốn có một gia đình.

Ngày 25 tháng 4 năm 2017, anh shipper A Thố trở về căn phòng thuê sau một ngày làm việc để sạc bình cho chiếc xe điện của mình. Anh chợt phát hiện người con gái mà bà con thân thuộc giới thiệu cho anh đã biến mất cùng tất cả đồ đạc trong phòng.

Hai ngày trước, A Thố đã dùng tiền tiết kiệm của nửa năm mua cho cô ta một chiếc nhẫn vàng, một vòng tay vàng để làm sính lễ đính hôn. Giờ đây tất cả mất hết, người đàn ông 42 tuổi nghĩ đến những ngày khó nhọc làm công của mình mà khóc lên trong buồn tủi.

Chỉ vì tin tưởng người phụ nữ đó mà anh đã trắng tay, mất hết những kế hoạch tương lai của mình, A Thố nhất thời không thể tiếp nhận được sự thật này. Lúc đến đồn công an báo án, anh vẫn chưa thể tin, mặc dù người kia đã hoàn toàn tắt máy, nhưng anh vẫn không ngừng gọi điện thoại với một hy vọng nhỏ nhoi nào đó.

A Thố nói, anh sợ rất nhiều thứ, sợ bệnh, sợ xe hư,... sợ không kiếm được tiền. Vừa mới ở đồn công an trở về thì anh lại chạy xe đi làm đêm.

Giờ cả người cả của đều không còn, nếu không đi làm thì tiền đâu ra mà sống!

Chạy shipper trong đêm đông là một công việc vô cùng cực khổ. Nếu gặp phải người đặt hàng không nghe điện thoại thì chỉ còn biết đứng đợi trong gió lạnh nhưng vẫn không thể nổi giận với khách hàng.

Sau khi bị lừa, quản lý khuyên anh nên nghỉ ngơi nhưng anh không đồng ý. Ngày hôm đó, anh vẫn làm việc bình thường, đến tận 11 giờ đêm mới trở về nhà.

Mọi sự cố gắng để bình ổn cảm xúc bỗng tan tành khi mở cửa bước vào căn phòng nhìn lại hiện thực. Bố anh gọi điện đến khuyên bảo anh nên nghĩ thông một chút. Anh tức giận, chỉ biết hi vọng bà con mau báo án, cung cấp tin tức, giúp anh tìm đồ đạc về.

A Thố thuê phòng trọ ở vùng thôn ngoài rìa Bắc Kinh, diện tích chưa đến 10 mét vuông, tiền thuê 700 tệ (hơn 2 triệu VND). Một chiếc mùng, hai cái gối, chiếc giường...chỉ đơn giản như vậy.

A Thố giao đồ ăn, một ngày làm hơn 10 giờ đồng hồ. Anh kiệm ăn kiệm uống, để dành tiền cho mục đích lớn nhất của mình. Người phụ nữ đó đã mang những gì anh tiết kiệm đi mất, cũng mang đi hy vọng của anh.

Tinh thần u buồn, nhưng cơ thể anh vẫn khỏe mạnh, anh vẫn làm lụng ngày đêm, lại cực khổ hơn trước.

Tan ca, A Thố trở về mang theo đồ cơm hộp. Sống cùng khu của anh cũng có nhiều shipper khác, vì vậy là khu đó còn được gọi là "Thôn shipper", nơi ở của những con người lam lũ.

Mười năm trước, anh từng làm việc cho một công ty than trong vùng, anh chê tiền lương quá thấp, cho rằng "lãng phí thanh xuân". Sau khi nghỉ việc, anh đến Bắc Kinh làm đủ mọi ngành nghề, rồi cuối cùng lại chọn nghề shipper.

A Thố nói, sau khi câu chuyện của anh được đưa lên báo "Một ngày của người Trung Quốc", từng có vài cô gái liên hệ đến anh. Nhưng khi nhìn thấy nơi ở chật hẹp bề bộn lại không nói lời nào bỏ đi.

Chiếc xe điện của A Thố từng bị một xe khác đâm vào, lúc đó lại vội giao đồ ăn, chưa đợi cảnh sát giao thông nói gì cả là anh đã chủ động đền tiền. So với việc đền tiền, điều anh sợ hơn chính là bị khiếu nại và phê bình của khách hàng, khiến anh mất đi công việc. Đợi qua cái giai đoạn khó khăn này, anh sẽ đổi chiếc xe mới.

Cuối tháng 12 năm 2019, phóng viên đã gặp lại A Thố, anh đã đổi trang phục shipper mới, nhưng vẫn là một cuộc sống bận rộn chạy đi chạy về như cũ. Bây giờ anh không giao đồ ăn nữa, đổi thành giao đồ tươi sống và rau.

Anh nói cái nghề này phù hợp với anh, thu nhập cũng ổn hơn, nhưng vẫn không thể nào giảm nhẹ được sự chật vật của anh, vì "vật giá ngày càng leo thang".

Ngồi trong tiệm cháo ven đường, A Thố vừa ăn vừa nhìn ra cửa sổ, hai mẹ con ngoài đó làm cho anh thấy ngưỡng mộ biết bao. Anh cho rằng, một người mẹ, một đứa con mới thành một gia đình.

Nếu ban đầu cô ấy không lấy tiền của đi mất thì chúng tôi chắc cũng có một gia đình nhỏ rồi, lại còn sinh một đứa con. Năm nay đã 45 tuổi rồi, khó nhọc mười mấy năm, thật muốn có một gia đình.

Hai năm trở lại đây, anh có từng mở một siêu thị nhỏ, nhưng vẫn kiên trì không nổi, chật vật rồi cũng thôi, anh phát hiện shipper vẫn là nghề ổn định nhất, ít phải lo nghĩ nhiều.

Có người hỏi sao anh không về quê hương, anh nói anh không muốn về, muốn ở lại Bắc Kinh vì anh đã quen như vậy rồi.

A Thố tin rằng:

Chỉ cần có lao động thì vẫn có thể sống tiếp được. Tôi không cho rằng mình khổ, mỗi lần gặp khó khăn, tôi nghĩ đến những người còn khổ hơn mình thì bản thân lại có lý do để tiếp tục cố gắng.

Anh hiện tại, không sợ bệnh, không sợ cô độc, chỉ muốn một gia đình.

Đọc thêm: Thắt lòng trước lời trăng trối an ủi mẹ của cậu bé 4 tuổi mắc bệnh ung thư

Theo: New.qq

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.