• Về đầu trang
Chim Điên
Chim Điên

Hiến nội tạng: Một em bé 7 tuổi còn dám làm, tại sao người lớn lại không?

Cuộc sống

"Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác..." là ước nguyện cuối cùng của bé Nguyễn Hải An.

Bé Nguyễn Hải An vừa được 7 tuổi 3 tháng thì em đã phải đối mặt với căn bệnh u não. Sau 5 tháng phát hiện và gần 2 tháng chiến đấu với bệnh tật, bé đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22/2/2018 vừa qua. Ước nguyện cuối cùng của em là: "Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác...". Gia đình và em đều mong muốn rằng sẽ lại được nghe tiếng trái tim bé nhỏ của Hải An đập trong lồng ngực một bạn trẻ nào đó. Tuy nhiên bé Hải An chỉ có thể hiến đi giác mạc của mình vì vấn đề pháp lý, chỉ những người từ 18 tuổi trở lên mới có thể hiến nội tạng khi còn sống hoặc sau khi chết não. Vậy nên, cô bé đã trao tặng giác mạc của mình lại cho đời.

Hiến nội tạng là gì mà sao nhiều người lại sợ?

Hay được mẹ tâm sự về việc hiến tặng nội tạng để duy trì sự sống cho những bệnh nhân khác. Trong một lần tỉnh táo, thiên sứ bé nhỏ này đã bày đỏ nguyện vọng cao cả của mình.

Hành động cao cả của bé Hải An đã làm nhiều người xúc động và không khỏi thán phục. Nhưng đa phần chưa đủ dũng cảm để có thể cho đi một phần cơ thể của mình sau khi mất vì chính tư tưởng "chết toàn thây" đã ám ảnh người Việt Nam ta. Tuy nhiên, có những bệnh nhân muốn hiến tạng nhưng lại bị người nhà ngăn cấm hay bị hàng xóm dị nghị như trường hợp chị Vân ở huyện Kế Giang trong một bài báo của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Chị Vân bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư xương, kể từ khi nằm liệt trên giường, chị mong muốn được hiến tạng của mình trước cả khi những cơ đau trở nên quá khủng khiếp. Nhưng vì chị mắc bệnh ung thư, để an toàn nhất, chị chỉ có thể hiến tặng giác mạc mà thôi. Tuy nhiên bố mẹ ruột, bố mẹ chồng và những người thân khác trong gia đình không đồng thuận. Họ tôn trọng và cảm phục di nguyện của chị, nhưng vì thương chị chết không toàn vẹn và phần vì trước giờ ở huyện chưa ai làm điều này, ba mẹ Vân sợ rằng sau này người ta sẽ bảo với các con chị là ông bà đã bán đôi mắt của mẹ chúng. Những ngày tháng cuối cùng trước khi cái liệt xâm chiếm hết cơ thể, chị Vân vẫn cố gắng ra sức thuyết phục gia đình, có lúc gia đình xuôi theo nhưng đến khi "nhiều người, cả họ hàng lẫn người ngoài, tìm tới nhà Vân. Họ nói thẳng với bố mẹ cô là họ phản đối chuyện này. Trước đó đã xuôi xuôi, nhưng khi nghe vậy, bố mẹ cô lại ngập ngừng." - (trích bài báo Để gửi lại một phần sự sống của Đặng Hoàng Giang).

Nhiều gia đình vì quan niệm "chết toàn thây" đã cản trở không cho người thân mình được thực hiện di nguyện của bản thân.

Quan niệm về "chết toàn thây" đã đeo bám người ta lâu đủ để "làm lơ" ngoài kia có hàng chục ngàn người mỗi ngày vẫn đang phải giành giật sự sống với tử thần và có thể tử vong bất cứ lúc nào chỉ để chờ có nội tạng ghép. Người ta e sợ rằng khi chết đi với cơ thể không toàn vẹn, người thân họ không thể đầu thai, khi hiến giác mạc, họ sẽ không thấy được đường đi ở thế giới bên kia.

Đâu ai biết được rằng, cát bụi sẽ trở về cát bụi, nhắm mắt xuôi tay là qua đi một kiếp người, nhưng khi hiến tạng, một phần cơ thể của họ vẫn sẽ tiếp tục sống, đôi mắt sáng tỏ, trái tim nóng hổi vẫn đập từng nhịp đều trong lòng ngực của một ai đó, và quan trọng hơn hết là sự ban tặng của mình đã cứu sống một mạng người.

Hành động dũng cảm của một em bé chỉ mới lên 7 là thế, còn người lớn thì sao?

Theo báo Thanh Niên: "Hàng năm có khoảng hơn 10.000 người bị suy tạng cần ghép, khoảng 300 nghìn người bị bệnh lý giác mạc không có giác mạc thay thế. Trung bình mỗi ngày có 12 người chết não, mỗi năm có hơn 12 nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông nhưng nguồn mô, tạng, bộ phận cơ thể người vẫn rất thiếu thốn so nhu cầu vì nhiều lý do, trong đó có định kiến tâm lý, rào cản về quan niệm."

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng trực tiếp tiếp nhận giác mạc hiến tặng của bé Hải An.

Nghĩa cử của "thiên thần nhỏ" Hải An như hồi chuông cảnh báo, đánh thẳng vào trong tâm thức của mỗi người. Tại sao một cô bé chỉ mới 7 tuổi thôi lại có thể hiểu được việc cho đi một phần thân thể để có thể tiếp tục được sống trên cơ thể người khác. Còn người lớn thì lại lo sợ với suy nghĩ ích kỷ cho riêng mình? Giá như có nhiều người hiểu thấu được những gì bé Hải An đã làm và thông điệp của em thì hàng trăm ngàn bệnh nhân đang chờ đợi được ghép nội tạng từng ngày kia lại có thêm một cơ hội để sống rồi.

Bé Mai An (11 tuổi) đang điền vào tờ giấy đăng ký hiến tặng nội tạng. Bé Mai An và bé Mai Chi đã trở thành những trẻ vị thành niên đầu tiên của Việt Nam mang theo người thẻ đăng ký hiến tạng. Nguồn hình: Giang Dang/facebook

Không chỉ riêng mỗi cô bé thiên sứ Hải An dám làm việc này, bé Mai An và Mai Chi con của nhà báo Đặng Hoàng Giang cũng đã trở thành những trẻ vị thành niên đầu tiên của Việt Nam mang theo người thẻ đăng ký hiến tạng. Các em hiểu rõ những việc mình đang làm khi giây phút đánh dấu vào từng ô thận, tuỵ, gan, xương... là những giây phút em phải đối mặt trực diện với cái chết của mình, nhưng vì sao em lại mạnh mẽ đến như vậy trong khi người lớn thì chỉ biết tỏ lời thán phục?

Một tin tức đáng mừng khác là sau hơn 3 năm thành lập Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia từ không có ai đăng ký hiến tặng nội tạng đến nay đã có hơn 6.800 người tự nguyện đăng ký. Nhưng con số ấy có bõ bèn gì với 10.000 người cần ghép tạng và 300.000 người cần thay thế giác mạc kia? Đã đến lúc vượt qua rào cản quan niệm, vượt qua sự sợ hãi về cái chết không vẹn toàn để dũng cảm cho đi. Vì theo Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết một người đăng ký hiến tạng sẽ có khả năng cứu sống tới 10 người khác, kể cả cụ già 80 tuổi thì giác mạc của họ vẫn vô cùng tốt để có thể thay thế cho những người gặp vấn đề về mắt.

Để tìm hiểu thêm thông tin về việc hiến tạng cũng như đăng ký hiến tạng, bạn đọc có thể truy cập Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế theo đường link này.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.