• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

‘Hồn nhiên’ gửi một lời mời kết bạn Facebook, người đàn ông vô tội ngồi tù oan suốt ba năm

Cuộc sống

Mỗi buổi sáng, cai ngục sẽ gọi anh dậy bằng tên của người khác. Tại mỗi phiên điều trần, thẩm phán sẽ yêu cầu anh đứng lên hay ngồi xuống, bằng một cái tên xa lạ. Suốt 3 năm đằng đẵng như thế.

Medhanie Tesfamariam Berhe, 32 tuổi, là nạn nhân của một trong những vụ án oan do nhầm lẫn danh tính nổi tiếng nhất nước Ý. Bị giam giữ vào tháng 5 năm 2016 do bị các công tố viên ở Palermo buộc tội là một trong những kẻ buôn người được săn lùng ráo riết nhất trên thế giới - Medhanie Yehdego Mered, hay còn gọi là Đại tướng. Trong khi tên tội phạm thực sự đang nhởn nhơ ở Châu Phi, Berhe, người làm nghề vắt sữa bò và thỉnh thoảng làm mộc, phải đối mặt với án tù 14 năm.

Medhanie Tesfamariam Berhe (© The Guardian)

Bi kịch của Berhe xảy ra khi anh gửi một lời mời kết bạn đến vợ của Mered chỉ vì thấy cô ta xinh đẹp, và lập tức các điều tra viên đã kết luận anh chính là tên buôn người đang hoạt động dưới danh tính mới.

“Đã có những lần tôi muốn tự kết liễu đời mình. Khi bạn phải gánh chịu một điều bất công và nhận ra rằng mình không thể làm được gì để thay đổi nó, bạn sẽ mất đi ý chí sống. Hãy thử xem xét theo góc nhìn của tôi nhé: Tôi không bị bắt giữ mà là bị bắt cóc và 3 năm ngồi tù như một cơn ác mộng vô tận, tất cả chỉ bắt đầu bằng một lời mời kết bạn Facebook.”

Berhe chia sẻ với tờ The Guardian.

Cuối cùng, vào hồi tháng 7, bi kịch của Berhe cuối cùng cũng kết thúc khi một thẩm phán ở Sicily tuyên bố Berhe trắng án, xác nhận anh là nạn nhân của một trường hợp nhầm lẫn danh tính, và yêu cầu ngay lập thức trả lại tự do cho Berhe.

Ngày nay, Berhe sống một cuộc sống tự do trong căn hộ nhỏ giữa những con hẻm ở trung tâm thành phố Palermo lịch sử, được cấp cơ chế tị nạn bởi Ý. Những năm tháng sau chấn song sắt đã khiến anh trở nên dè dặt và cảnh giác.

“Đôi khi tôi sợ rằng cảnh sát sẽ ập đến bắt tôi và cơn ác mộng đó sẽ lại tiếp diễn.” Anh nói. “Từ cái ngày kinh hooàng tôi bị bắt, cuộc sống tôi chẳng bao giờ có thể trở lại bình thường như trước đây.”

Berhe đang đợi phán quyết cuối cùng của tòa. (© The Guardian)

Vào chiều ngày 24 tháng 5 năm 2016, Berhe, một người tị nạn từ Eritrea, đang uống cà phê trong một quán bar ở ngoại ô Khartoum, thủ đô Sudan, thì 6 sĩ quan cảnh sát bước vào, kéo mũ trùm lên đầu Berhe, đưa anh đi và đưa anh lên một chuyến bay đến Rome.

Sau một cuộc điều tra xuyên 2 lục địa và 5 quốc gia, việc bắt giữ Berhe đã được coi là một chiến thắng trong chiến lược chống nạn buôn người mới. Nghi phạm được gọi là Al Capone của sa mạc và là kẻ buôn người đầu tiên được dẫn độ từ Châu Phi. Nhưng khi đến Ý, anh không biết mình đã làm gì sai.

“Tôi tưởng họ dẫn độ tôi về Eritrea vì tôi đào ngũ.” Berhe nói. “Trong suốt quá trình lấy cung ở Rome, họ nói rằng tôi bị bắt vì bị cáo buộc là Mered, một tên buôn người. Tôi nghĩ họ điên rồi.”

Berhe đã được chuyển sang nhà tù Pagliarelli của Palermo trong thời gian chờ một phiên xét xử dài và gây tranh cãi. Hai mẫu thử DNA, một loạt nhân chứng và các ghi nhận từ tờ The GuardianNew Yorker, những người đã trực tiếp nói chuyện với tên tội phạm thật, tất cả đều cho thấy Berhe vô tội nhưng cơn ác mộng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Sự thật là khi các công tố viên Ý tới Sudan và bắt giữ Berhe tại chỗ, ngay cùng thời điểm kẻ buôn lậu thật vừa bị bỏ tù tù ở Trung Đông - rất có thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - với tội danh sử dụng hộ chiếu giả. Việc tống giam Mered đồng nghĩa với việc các điều tra viên Ý sẽ tháo gỡ các thiết bị nghe lén mà họ cài trên điện thoại Mered và tài khoản Facebook của hắn ta cũng ngừng hoạt động. Do đó, người ta cho rằng Mered đã đổi số điện thoại và tài khoản mạng xã hội của mình, dẫn đến việc bắt giữ nhầm người.

Quay trở lại trước đó vài tháng, khi cảnh sát thấy một người Eritrea tên Medhanie, chính là Medhanie Tesfamariam Berhe, trùng tên với tên tội buôn người Medhanie Yehdego Mered, đã trở thành bạn bè trên Facebook với Lidya Tesfu, vợ của hắn, họ đã kết luận chủ tài khoản Facebook này chính là Mered. Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh đã cung cấp số điện thoại liên quan đến tài khoản cho các công tố viên Sicilia, những người đã ra lệnh bắt giữ.

“Nếu có thể quay ngược thời gian về mùa thu năm 2015, tôi thề sẽ chặt đứt ngón tay nào của mình đã gửi lời mời kết bạn đến người phụ nữ đó. Làm sao tôi biết được đó là vợ Mered cơ chứ? Chỉ là tôi thấy cô ấy đẹp. Và rồi chính tài khoản Facebook đó đã khiến tôi rơi vào tình cảnh oái oăm này. Nếu Mered không bị bắt ở UAE, hẳn cảnh sát Ý đã bắt được hắn tại Khartoum, chứ không phải tôi. Và nếu tôi kết bạn với Lidya trên Facebook, có lẽ tôi đã kịp đoàn tụ với gia đình ở Châu Âu.”

Berhe nói.

Chính Lidya Tesfu đã đưa ra bằng chứng rằng Berhe không phải là chồng mình, nhưng công tố viên Calogero Ferrara đã bác bỏ không những điều đó mà tất cả những ý kiến khác cho rằng anh ta đã bắt nhầm người. Khi kết thúc phiên tòa, anh ta yêu cầu mức án 14 năm tù cho Berhe. Trong khi đó, tờ The Guardian và đài phát thanh - truyền hình Thụy Điển SVT tiết lộ rằng Mered đã được thả tự do ở UAE, đang nhởn nhơ tiêu núi tiền hắn ta kiếm được từ việc buôn người và thường xuyên lui tới các hộp đêm tại thủ đô Kampala của Uganda.

“Tôi biết rằng trong khi tôi đang ngồi tù thì Mered đang tận hưởng sự tự do đâu đó tại Châu Phi.” Berhe nói. “Nhưng tôi không trách anh ta. Anh ta không phải là người khiến tôi bị bắt oan ở Khartoum, và anh ta cũng không tống tôi vào tù.”

Hiện tại, Berhe đang sống tự do tại Palermo. (© The Guardian)

Berhe đã được xóa tội buôn người nhưng nhưng lại bị kết một tội danh nhẹ hơn là hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp, vì đã giúp người anh họ của mình đến Libya. Tuy nhiên vì anh đã ở tù suốt ba năm nên thẩm phán đã ra lệnh phóng thích ngay lập tức. “Tôi vẫn không hiểu vì sao mình lại bị kết tội hỗ trợ di dân bất hợp pháp.” Berhe nói. “Những người di cư không được cầm tiền mặt trong suốt hành trình trên sa mạc vì họ có thể sẽ bị cướp. Đó là lý do tại sao anh họ của tôi nhờ tôi chuyển tiền cho một người sẽ giúp anh ta trên đường. Điều này là hoàn toàn bình thường ở Châu Phi, đặc biệt là đối với những người Eritrea, bởi vì chúng tôi không có hộ chiếu. Nếu không thì, chúng tôi còn biết cách nào hơn để đến được Châu Âu?”

Với cơ chế tị nạn được cấp ở Ý, Berhe có thể sống tiếp những ngày tháng còn lại của mình tại đây. “Mọi người hỏi tôi sẽ làm gì sau khi được thả tự do. Vâng, trước tiên tôi cần nhận thức rằng cơn ác mộng của tôi đã kết thúc và sự tự do này không phải là một giấc mơ. Mà nếu nó là một giấc thật, tôi chỉ cầu xin bạn một điều: xin đừng đánh thức tôi.”

Theo: The Guardian
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.