• Về đầu trang
Chou Chou
Chou Chou

Khoa học chứng minh: Mối quan hệ giữa mẹ và con gái lớn là quan hệ gia đình phức tạp nhất

Cuộc sống

Chúng ta đều biết rằng, khi những đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, chúng thường có xu hướng nổi loạn. Những xích mích trong gia đình nổ ra nhiều hơn khi các con bắt đầu bước vào cuối cấp 2 - đầu cấp 3, và nhiều người cho rằng khi con lên Đại học, mọi chuyện sẽ dần êm đẹp.

Thế nhưng, các nghiên cứu khoa học đã cho biết vẫn sẽ còn có nhiều biến cố xảy đến giữa con cái và cha mẹ, ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Đặc biệt hơn, mối quan hệ giữa mẹ và con gái lớn sẽ càng trở nên phức tạp khi chúng bước qua giai đoạn dậy thì.

Trong báo cáo khoa học về sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trưởng thành của của Kira Birditt, Phó Giáo sư tại trường Đại học Michigan, bà gọi đây là một trong những mối quan hệ "gần gũi nhất và cũng khó chịu nhất".

The Journal of Neuroscience đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa mẹ và con gái và chỉ ra rằng sự liên kết này thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả giữa cha và con trai. "Mẹ và con gái thể hiện những tình cảm sâu sắc hơn, cả tích cực lẫn tiêu cực, nếu so với các mối quan hệ khác, bao gồm cả giữa cha và con trai trong cùng một thế hệ...".

Trong khi đó, nghiên cứu của Phó Giáo sư Karen L. Fingerman lại nhấn mạnh những tình cảm phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ và con gái. Nó có khả năng định hướng các hoạt động trong gia đình, thậm chí chi phối các mối quan hệ khác trong và ngoài gia đình.

Vai trò của người mẹ thường gắn liền với việc thiết lập nên những quy tắc trong gia đình, đồng thời làm "người dẫn đường" cho những đứa con. Việc có một cô con gái thậm chí sẽ khiến việc làm mẹ trở nên gian nan thử thách hơn: nó giống như tạo ra một phiên bản thu nhỏ của mình. Người mẹ sẽ hình thành nên tính cách cũng như cách nhìn cuộc sống cho con gái. Và khi lớn lên, cô con gái sẽ có những mối quan hệ và thế giới quan riêng của bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều bởi người mẹ. Cũng chính bởi những cảm xúc sâu sắc hơn của mẹ và con gái, họ sẽ khiến cho cả gia đình vận hành theo chiều hướng của hai người phụ nữ này.

Sự xung đột giữa mẹ và con gái thường không giảm đi mà chỉ được giấu hoặc dồn nén lại bởi một trong hai (hoặc cả hai bên). Thậm chí, nó còn hình thành và tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau.

Phớt lờ: Nhiều người mẹ sẽ phớt lờ những ý kiến hoặc quan điểm, thậm chí là thành tích của con gái, vì họ cho rằng con gái chưa hiểu rõ sự việc, và trên góc nhìn của người phụ nữ lớn tuổi hơn, quyết định của họ sẽ đúng đắn hơn. Họ cũng có thể coi những điều mà con mình làm được là... dĩ nhiên, và không cần thể hiện sự tự hào về việc đó. Điều này sẽ trở thành ngòi nổ cho những cuộc tranh cãi nếu người mẹ thể hiện nó quá lộ liễu thành sự từ chối thẳng thừng.

Kiểm soát: Cũng là một dạng phớt lờ, nhưng mạnh mẽ hơn, tới mức áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái.

Đấu tranh: Khi những xung đột quan điểm giữa mẹ và con gái không thể giải quyết, và hai người phụ nữ quyết định giải quyết nó một cách "cởi mở và thẳng thắn", đấu tranh sẽ nổ ra cùng với những trận cãi vã không rõ hồi kết.

Khó đoán: Đây là hình thái mà những đứa con khó lường tới cũng như đối mặt nhất, vì chúng sẽ không biết khi nào mẹ mình là một người mẹ tốt, khi nào là một người mẹ "độc hại". Những hành vi bất thường của người mẹ thường do giai đoạn mãn kinh của phụ nữ, hoặc do những tổn thương tinh thần/thể chất di chứng từ rất lâu, hoặc đơn giản là do lão hóa của tuổi già.

Tự cho con gái cũng chính là mình: Những người mẹ thuộc kiểu này cho rằng con gái cũng chẳng khác gì mình, và họ sẽ cho rằng những gì mình nghĩ cũng là những gì con nghĩ, và họ quyết định những hành động của con như quyết định những hành động của chính mình.

Đảo vai: Trong tình huống này, những người mẹ lại trở nên vô cùng... trẻ con, và những cô con gái buộc phải trưởng thành và chín chắn hơn để ngăn các bà mẹ không làm những chuyện "lố bịch" hoăc nguy hiểm.

Mặc dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận mối quan hệ giữa mẹ và con gái là vô cùng sâu sắc. Cho dù thế nào, đó vẫn là một trong những tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.