• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Lỡ nghe tin 'fake', nhiều người thà đổi trắng thay đen còn hơn thừa nhận mình đã sai

Cuộc sống

Học viện Công nghệ Massachusetts tiến hành phân tích 126.000 câu chuyện được 3 triệu người dùng Twitter chia sẻ nhiều nhất, để xem giữa tin chính xác và tin giả, cái nào thu hút sự chú ý hơn. Kết quả là tin tức giả tiếp cận nhiều người dùng nhất và lan truyền nhanh hơn.

Điều quan trọng là sự bùng nổ của tin giả khiến nhiều người mất niềm tin vào tin chính xác. Họ thậm chí không biết cách nhận ra đâu là tin đúng giữa bão tin giả.

Cứ 10 người thì có 7 người sợ rằng tin giả được sử dụng như một loại “vũ khí” và hơn 60% người trả lời họ không tự tin khi chỉ ra tin đúng và tin giả khác nhau thế nào.

fake news

Bạn có tự tin là mình có khả năng phân biệt tin giả và tin thật không? (ảnh: curtin.edu).

Nguyên nhân nào khiến con người trở nên mẫn cảm với tin giả đến vậy kể cả khi mới đọc lần đầu? Liệu có phương pháp nào giúp chúng ta bảo vệ bản thân trước mạng lưới tin giả này không?

Tiến sĩ Mark Whitmore cho rằng lý do chính khiến tin giả thu hút đến vậy là bởi mọi người dễ nảy sinh thành kiến với việc đính chính thông tin.

Khi có niềm tin với loại thông tin tiếp nhận ban đầu, chúng ta sẽ có khuynh hướng phớt lờ những tin đính chính. Bộ não của chúng ta lúc này chỉ tiếp nhận những thông tin trùng với quan điểm và niềm tin đã được xây dựng trước đó. Mark Whitmore cũng cho hay:

Thực tế là bộ não có khả năng chấp nhận, từ chối, bỏ quên hoặc bóp méo thông tin, bất kể thông tin đó đồng tình hay đe dọa niềm tin lúc này của chúng ta hay không. Để tránh tranh cãi và thừa nhận niềm tin đặt sai chỗ, chúng ta thậm chí sẵn sàng đổi trắng thay đen.

fake news1

Tin giả thường có mức độ lan truyền rất nhanh (ảnh: amnews).

Tiến sĩ Eve Whitmore giải thích thành kiến với việc đính chính tin tức được hình thành từ những năm tháng đầu đời, khi chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ và phải học cách phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng.

Bố mẹ thường khuyến khích trẻ tham gia “trò chơi” phân biệt này để chúng có thể đương đầu với thực tế và các quy tắc xã hội khi trưởng thành.

Tuy nhiên, mặt trái của “trò chơi” là trẻ nhỏ học được rằng đôi khi ảo tưởng cũng tồn tại và được chấp nhận. Khi trẻ lớn, chúng sẽ tự phát triển kĩ năng tư duy phản biện và bắt đầu đặt câu hỏi với bố mẹ hoặc với người lớn tuổi. Điều này có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi và tâm lý băn khoăn ở trẻ.

Để tránh lo sợ, băn khoăn và tranh cãi với người lớn, trẻ sẽ hình thành và phát triển cơ chế phòng vệ. Một trong những thứ tham gia vào cơ chế này là nảy sinh định kiến với đính chính thông tin.

fake news2

Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là sự thật, đâu là dối trá (ảnh: thedeepstate).

Cách duy nhất để không sa ngã vào tin tức giả là chúng ta cần dẹp bỏ nỗi lo sợ, băn khoăn và “tống cổ” thành kiến chấp nhận các tin đính chính sự thật.

Hài hước là một liều thuốc tốt. Một cách khác là biến cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Ngoài ra, bạn hãy cố gắng lắng nghe các quan điểm một cách tỉnh táo. Điều đó sẽ giúp bạn tránh tâm lý cực đoan và có cái nhìn khách quan, công tâm hơn.

Cuối cùng, một điều quan trọng không kém, hãy khuyến khích trẻ nhỏ đặt câu hỏi, biết hoài nghi và tránh có thành kiến khi nhận được những tin tức đúng. Hãy biết cách rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho trẻ từ nhỏ để chúng không rơi vào bẫy tin tức giả trôi nổi trên mạng nhé.

Theo: medicalnewstoday
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.