• Về đầu trang
CIBOONG
CIBOONG

Lý giải niềm đam mê của con người với tàu lượn siêu tốc dưới góc độ tâm lý học

Cuộc sống

Tàu lượn siêu tốc chưa bao giờ ngừng chứng tỏ vị thế của mình trước một loạt các loại hình giải trí hiện đại khác. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ, người ta liên tục thay đổi để chúng ngày càng hoành tráng hơn, nhanh hơn và đáng sợ hơn. Nhưng ít ai biết rằng lịch sử hình thành của trò chơi mạo hiểm này đã được nhen nhóm từ giữa những năm 1800 – thời điểm mà các tuyến đường sắt được xây dựng để vận chuyển than từ trên núi xuống thị trấn Pennsylvania (Hoa Kỳ). Cứ vào cuối tuần, những tuyến đường sắt này lại được một vài hành khách thuê nhằm phục vụ cho mục đích giải trí của họ.

Ngày nay, công viên giải trí đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh đem lại doanh thu không hề nhỏ. Ở các công viên lớn trên thế giới, người ta không còn xa lạ gì với hình ảnh đoàn người xếp hàng chờ đợi có khi 8 tiếng đồng hồ chỉ để trải nghiệm một lượt chơi chưa đầy 2 phút. Đó là chưa kể đến các báo cáo về những vụ đột quỵ, tổn thương não và các chấn thương nghiêm trọng khác mà trò chơi này mang lại. Vậy rốt cuộc tàu lượn siêu tốc có điều gì khiến rất nhiều người trong chúng ta bất chấp hết để thỏa mãn sự thích thú ngắn ngủi ấy? Và liệu rằng sau này khi già đi thì chúng ta có còn hào hứng đến vậy nữa không?

Chơi tàu lượn siêu tốc có liên quan đến việc tìm kiếm cảm giác mạnh - xu hướng thưởng thức những trải nghiệm đa dạng, mới lạ và mãnh liệt như leo núi và nhảy dù. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi chính xác là cảm giác nào đã khiến tàu lượn siêu tốc trở nên cực kỳ lôi cuốn chưa?

Thoạt nhìn, nó có vẻ như là một trải nghiệm về tốc độ. Nhưng những bằng chứng đã cho thấy rằng cảm giác liên quan đến tốc độ cao lại thực sự không mấy thuyết phục. Ví dụ, khi xét đến việc lái xe quá tốc độ cho phép khi tham gia giao thông thì rõ ràng những người vi phạm không hẳn chỉ là những người thích tìm kiếm cảm giác mạnh.

Có lẽ sức hút của trò tàu lượn siêu tốc là sự thích thú xen lẫn cảm giác sợ hãi, giống như khi ta xem một bộ phim kinh dị vậy. Các dấu hiệu về mặt thể chất khi chúng ta sợ có thể kể đến như tim đập thình thịch, thở gấp và năng lượng được đẩy lên cực độ do giải phóng glucose, được gọi chung là phản ứng “chiến hay chạy” (flight-or-fight response).

Hẳn nhiều bạn cũng đã biết rằng một chuyến trải nghiệm tàu lượn siêu tốc có khả năng kích hoạt phản ứng này là nhờ vào các nghiên cứu đo nhịp tim của những người chơi trên tàu lượn Coca-Cola vào những năm 1980 tại Glasgow. Nhịp tim trong mỗi phút sẽ tăng gấp đôi từ mức trung bình 70 lên 153 nhịp ngay sau khi tàu bắt đầu chạy. Một số người chơi lớn tuổi sẽ cảm thấy sức khỏe của họ không thể đảm bảo để thích nghi được.

Một trò chơi khác cũng có tác dụng làm tăng lượng adrenalin là nhảy bungee. Những người mới chơi nhảy bungee không chỉ cho thấy cảm giác hạnh phúc, tỉnh táo và hưng phấn tăng lên ngay sau khi hoàn thành một cú nhảy, mà mức độ endorphin trong máu của họ còn tăng cao – “thủ phạm” chính gây ra khoái cảm mãnh liệt.

Thật thú vị, mức độ endorphin càng cao chứng tỏ người chơi càng cảm thấy phấn khích. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy mọi người thích những cảm giác mạnh đi kèm với phản ứng “chiến hay chạy” trong một bối cảnh an toàn.

Stress cũng có loại tốt, loại xấu

Tuy những người nhảy bungee rất hưng phấn khi tham gia trò chơi nhưng nghịch lý thay, họ cũng được ghi nhận có mức độ hormone cortisol tăng, tức dấu hiệu cho thấy người đó đang gặp căng thẳng. Vậy làm thế nào mà một người có thể đồng thời trải nghiệm cả căng thẳng và niềm vui?

Câu trả lời là vì không phải tất cả các loại stress đều xấu. Eustress (với vần “eu” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tốt, như trong từ “euphoria” – hưng phấn) là một loại căng thẳng tích cực mà con người chủ động tìm kiếm.

Nhờ một nghiên cứu thú vị được thực hiện bởi hai nhà tâm lý học người Hà Lan mà chúng ta biết được rằng một chuyến tàu lượn siêu tốc có thể mang lại trải nghiệm đầy “eustress”. Họ đã nghiên cứu về bệnh hen suyễn và đặc biệt là mối quan hệ giữa hen suyễn với stress. Vì các kết quả nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng căng thẳng khiến triệu chứng của những người hen suyễn trở nên trầm trọng hơn, hai nhà tâm lý học tự hỏi liệu eustress có thể tạo ra tác dụng ngược hay không.

Vì vậy, với mong muốn đóng góp cho khoa học, một số tình nguyện viên bị hen suyễn đã được đưa đến công viên giải trí và chơi tàu lượn siêu tốc để theo dõi chức năng hô hấp của họ sẽ biến đổi như thế nào. Và kết quả nghiên cứu thật phi thường!

Đúng như dự đoán, chức năng phổi của họ giảm nhờ việc la hét và các biến động chung mà trò chơi đem lại, đồng thời cảm giác khó thở cũng giảm đi nhiều. Điều này cho thấy những người tìm kiếm cảm giác mạnh khi chơi tàu lượn siêu tốc hoàn toàn có thể trải nghiệm stress theo hướng tích cực.

Vai trò của dopamine

Nhưng không phải ai cũng hứng thú với trò tàu lượn siêu tốc. Liệu sự khác biệt trong hóa chất não có thể giải thích được hành vi tìm kiếm cảm giác mạnh của chúng ta?

Thí nghiệm với người nhảy bungee cho thấy những người có mức độ endorphin cao hơn sẽ cảm thấy hưng phấn hơn. Nhưng không có bằng chứng nào chứng tỏ việc endorphin ngừng sản sinh có thể giải thích cho hành vi mong muốn trải nghiệm cảm giác mạnh. Nhiều khả năng đây chỉ là một phản ứng của cơ thể khi chúng ta hồi hộp hơn là một dự cảm về việc chúng ta có thích cái cảm giác mạnh hay không.

Vì vậy người ta chuyển sang xem xét vai trò của dopamine – một hormone rất quan trọng trong hoạt động dẫn truyền thần kinh. Những đánh giá cho thấy các cá nhân có mức dopamine cao cũng có trải nghiệm tốt hơn với hoạt động tìm kiếm cảm giác mạnh. Mặc dù đây chỉ là mối tương quan chứ không phải nguyên nhân nhưng một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng sử dụng haloperidol – chất có khả năng phá vỡ tác dụng của dopamine trong não – có thể làm giảm mong muốn tìm kiếm cảm giác mạnh.

Dòng nghiên cứu này đặt ra một giả thuyết hấp dẫn rằng việc tận hưởng những trải nghiệm thể chất sôi nổi như chơi tàu lượn siêu tốc có thể phản ánh sự khác biệt về hóa chất não của mỗi cá nhân.

Những người có mức độ dopamine cao hơn có thể dễ bị cuốn hút bởi một số hành vi tìm kiếm cảm giác mạnh, từ những hoạt động vô hại như chơi tàu lượn siêu tốc đến các hành vi mang tính rủi ro như chơi thuốc hoặc thậm chí là ăn cắp vặt.

Câu hỏi liệu tàu lượn siêu tốc có còn hấp dẫn khi chúng ta già đi lại không được nghiên cứu trực tiếp, nhưng một cuộc khảo sát đã xem xét cách các lứa tuổi khác nhau tìm đến hoạt động cảm giác mạnh trong các kỳ nghỉ (như leo núi chẳng hạn).

Khảo sát cho thấy sự hứng thú với các hoạt động kiểu này được thể hiện rõ nhất ở giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, và từ từ giảm dần sau mỗi thập kỷ. Điều này đồng nghĩa rằng người lớn tuổi ít có xu hướng tham gia vào các hoạt động tương tự như đi tàu lượn siêu tốc.

Lời kết

Rất khó để đưa ra một kết luận hoàn toàn chính xác nhưng chúng ta có thể hiểu rằng hầu hết mọi người hứng thú với trò tàu lượn siêu tốc là nhờ sự kết hợp giữa tốc độ cao, cảm giác chinh phục nỗi sợ hãi và những tác động tích cực khác liên quan đến sự gia tăng đáng kể trong kích thích sinh lý.

Chơi tàu lượn siêu tốc là một phương tiện hợp pháp, tương đối an toàn để trải nghiệm cảm giác phấn khích. Điều này cũng dễ hiểu thôi khi mà hàng thế kỷ nay mọi người vẫn vui vẻ trả tiền để đổi lấy trải nghiệm ngắn ngủi nhưng cực kỳ thú vị này, và cũng chưa có bất kỳ cảnh báo nguy hiểm nào về việc nếu chúng ta lỡ có nhiều eustress hơn bình thường một chút cả.

Theo: theconversation.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.