• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Nhận ra 10 sự thật này càng sớm bạn càng có nhiều cơ hội sống sót qua lứa tuổi 20

Cuộc sống

Mark Manson là một blogger nổi tiếng chuyên viết các vấn đề về cuộc sống, tình yêu, tâm lý. Anh cũng là cây viết quen thuộc trên nhiều tờ báo nổi tiếng như CNN, BCC News, Business Insider. Bên cạnh bài viết triệu view lý tưởng hóa tình yêu, “Sống sót qua tuổi 20” dưới đây cũng một trong những bài viết được yêu thích của Mark Manson.

1. Thời gian và thất bại sớm là tài sản đáng giá nhất

Khi bạn còn trẻ, tài sản đáng giá nhất của bạn không phải là tài năng, các ý tưởng hay kinh nghiệm. Đó là thời gian. Thời gian cho phép bạn có cơ hội đón nhận những rủi ro và thất bại ê chề.

Hãy bỏ qua mọi thứ, xách ba lô lên và đi. Khởi nghiệp công ty tạo ra ứng dụng điên rồ mà bạn và “đồng bọn” mới nảy sinh ý tưởng chỉ trong một đêm. Thu xếp hành lý để chuyển tới một thành phố khác vì công việc hoặc chỉ để ở cùng mấy đứa em họ. Bạn chỉ có thể phạm lỗi sai khi còn trẻ và tay trắng. Nợ nần và không có kinh nghiệm thực sự của người 22 tuổi và người 25 tuổi, về lâu dài, chẳng có gì khác biệt.

tuoi tre

Khi còn trẻ, sai lầm của bạn sẽ dễ được tha thứ. Khi bạn già đời rồi mà phạm sai lầm là dễ bị tuýt còi ngay (ảnh: Pinterest).

Khi còn trẻ, bạn sẽ không bị trói buộc bởi gánh nặng tài chính như tiền xe cộ, tiền chăm sóc con cái, bảo hiểm và nhiều khoản chi khác. Khi còn trẻ, bạn hãy cứ chấp nhận những thách thức có thể không đem lại kết quả nhưng rất đáng để nỗ lực. Vì những thất bại khủng khiếp của vài năm sau đó có thể sẽ khiến những gì bạn có trong tay đều đổ sông đổ bể.

2. Tình bạn là thứ không thể ép buộc

Có 2 kiểu tình bạn: kiểu thứ nhất là dù lâu không gặp nhau nhưng khi gặp lại vẫn thấy vui và cảm giác không có gì thay đổi, kiểu thứ hai là ngược lại.

tuoi tre1

Không phải ai cũng thành bạn tốt của bạn (ảnh: bustle).

Tôi từng dành phần lớn thời gian để sống ở một vài quốc gia khác nhau. Điều đó có nghĩa là sẽ cùng bạn bè bặt vô âm tín sau mỗi lần tôi chuyển đến nơi khác. Lúc đó tôi mới hiểu mình không thể áp đặt tình bạn lên một người. Bất kể mối quan hệ đó tồn tại hay không và nó là dạng quan hệ gì đi chăng nữa, bạn cũng không thể đặt tên cho mối quan hệ mơ hồ và vi diệu này dù cố gắng đến mấy.

Tôi cũng hiểu thêm một điều rằng chúng ta hiếm khi đoán được người bạn nào sẽ gắn bó với mình và người bạn nào không.

Mùa thu năm 2009, tôi rời Boston và quay lại đó sau 8 tháng. Nhiều người tôi từng thân thiết không thèm gọi cho tôi một cú điện thoại khi họ biết tôi sẽ dành kỳ nghỉ hè của mình ở Boston. Chắc họ thấy phiền. Và một số người tôi không thân lắm dần trở thành bạn thân của tôi. Điều đó không có nghĩa những người khác là bạn bè tồi. Đó không phải lỗi của họ. Chỉ vì cuộc đời vốn thế mà thôi.

3. Bạn không cần phải cố hoàn thành các mục tiêu

Dành hẳn 20 năm đầu đời để đi học tạo điều kiện cho chúng ta biết cách định hướng và tập trung vào những mục tiêu đã đặt ra. Có cái chúng ta hoàn thành và có cái không. Nếu bạn đạt được, bạn xuất sắc. Ngược lại, bạn là kẻ thất bại. Tôi học được một điều rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng vận hành theo cách đó.

Thật tuyệt khi bạn luôn có những mục tiêu để phấn đấu nhưng thực tế là không phải lúc nào bạn cũng đạt được mọi thứ.

tuoi tre2

Đôi lúc, bạn chợt nhận ra mục tiêu của mình không phải là cứ dán chặt vào bóng rổ. Bạn muốn rẽ ngang để hát hò, nhảy múa, và cưa cẩm cô gái bạn thích (ảnh: knowyourmeme).

Năm tôi 24 tuổi, tôi viết ra một danh sách những thứ muốn hoàn thành trước năm 30 tuổi. Tôi đã lập mục tiêu rất nghiêm túc và tham vọng đấy nhé, ít nhất trong mấy năm đầu tôi cũng thấy vậy. Kết quả là tôi đã hoàn thành 1/3, 1/3 đạt được vài bước tiến đáng kể và 1/3 còn lại vẫn chỉ nằm trên giấy. Và tôi hài lòng với điều đó.

Khi trưởng thành, tôi nhận ra có những thứ mình đề ra không phải là thứ mình thực sự muốn.

Việc lập ra mục tiêu dạy tôi rằng không phải cái nào cũng quan trọng trong cuộc đời mình. Với một vài mục tiêu khác mà tôi không hoàn thành được, việc cố gắng để đạt được chúng cũng dạy tôi nhiều bài học và tôi thấy vui với những gì mình đạt được, bất kể kết quả là gì đi nữa.

4. Không phải ai cũng thực sự hiểu họ đang làm cái quái quỷ gì

Học sinh cấp 3 và sinh viên đại học có nhiều áp lực trong việc biết chính xác mình muốn làm gì với cuộc đời của mình. Mọi thứ bắt đầu bằng chọn trường và cố gắng đỗ đại học. Tiếp theo là lựa chọn ngành nghề, có việc làm đầu tiên, có lộ trình công việc rõ ràng để phấn đấu và càng thành công càng tốt. Tiếp theo là kết hôn và có con.

Nếu có giây phút nào bạn không biết phải làm gì, hoặc thấy phân vân, hoặc thất bại vài lần, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời đang rối tung hết cả lên và cuối cùng bạn chỉ còn cách đi ăn xin hoặc say xỉn tối ngày mất.

Sự thật là không phải thanh niên nào cũng biết mình đang làm gì. Và tôi khá chắc chắn vài người vẫn như vậy khi bước vào tuổi trung niên. Mọi người chỉ đang cố gắng làm những gì họ cho là tốt nhất ở thời điểm họ đang sống.

tuoi tre 8jpg

Tuổi trẻ là lúc để bạn thử thách bản thân, phạm sai lầm và thấu hiểu mình hơn (ảnh: pedestriantv).

Tôi vẫn giữ liên lạc (ý tôi ở đây là hóng Facebook) với vài người bạn học chung cấp 3 và đại học. Tôi không ngờ có mấy đứa đã đổi việc làm, định hướng nghề nghiệp, gia đình, xu hướng tình dục.

Ví dụ, một cậu bạn của tôi đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp khi mới 23. Cậu ta có khởi đầu hết sức thuận lợi và kiếm được nhiều tiền lắm. Năm ngoái, ở độ tuổi 28, cậu ta phạm pháp và được bảo lãnh. Một đứa bạn khác của tôi rời Hải quân và đi bán đồ lướt sóng để lấy bằng cao học. Ngoài ra còn có đứa đến Hồng Kông làm việc hoặc có đứa từ bỏ công việc nghiên cứu môi trường để làm DJ.

Tôi thường nhận được email hỏi về cách xây dựng sự nghiệp riêng, khi nào tôi quyết định trở thành một blogger, kế hoạch công việc của tôi là gì. Thú thật là tôi chẳng rõ mấy cái thứ đó đâu. Nó cứ thế xảy ra thôi. Việc của tôi là tập trung nắm bắt cơ hội và cố gắng. Và để tôi nói bạn nghe, đa phần các cơ hội đều thất bại thảm hại. Nhưng lúc đó tôi biết mình còn trẻ và có thể chịu được những thất bại đó. Cuối cùng, tôi đã có cơ hội được làm công việc mình thích và làm rất tốt là đằng khác.

5. Về cơ bản, nhiều người muốn những thứ giống nhau

Nhìn lại tôi thấy mình có một tuổi 20 khá vui vẻ. Tôi bắt đầu công việc cho phép mình đến nhiều nơi thú vị và gặp nhiều người hay ho. Tôi đã chu du hơn 50 quốc gia, học một vài ngôn ngữ và làm quen với vài người giàu có, nổi tiếng lẫn những người nghèo khó, bị chà đạp, ở cả những nước đã phát triển hoặc đang phát triển.

Tôi khám phá ra một điều: về cơ bản, ai cũng như nhau.

tuoi tre9

Dù có là hot girl học giỏi hay bad boy ngỗ nghịch, ai cũng đều có những lo lắng và nhu cầu giống nhau (ảnh: sankles).

Ai cũng dành thời gian để lo lắng về cơm áo gạo tiền, công việc, gia đình, kể cả những người giàu có hoặc khá giả cũng như vậy. Ai cũng muốn mình trông chất chơi hơn và cảm thấy mình thật quan trọng dù bản thân đã có sẵn những điều đó. Ai cũng cảm thấy bất an và lo lắng dù họ là những người thành công trong cuộc sống. Ai cũng sợ thất bại và sợ bị biến thành kẻ ngốc. Ai cũng yêu gia đình và bạn bè mình dù đôi lúc chính những người đó khiến chúng ta phát cáu.

Nhìn chung, ai cũng như ai, chỉ là có những thứ “chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Đổi quốc tịch này sang quốc tịch khác. Chính phủ tham nhũng ở đâu cũng có. Tôn giáo và các chuẩn mực xã hội ở đâu cũng có.

Tôi học được một điều rằng hãy đánh giá một người qua những gì họ làm.

Thế giới này có nhiều hạng người. Và bạn không thể biết mình sẽ gặp hạng người nào cho đến khi bạn có đủ thời gian quan sát những gì họ làm, chứ không phải chỉ trông mặt mà bắt hình dong.

6. Thế giới không quan tâm đến bạn đâu

tuoi tre4

Vì thế giới không xoay quanh bạn nên hãy cứ sống theo cách bạn muốn nhất (ảnh: deliriumnerd).

Suy nghĩ “Không ai quan tâm tôi sao?!” chỉ đáng sợ khi bạn quá để tâm đến nó. Nhà văn David Foster Wallace từng nói: “Bạn sẽ ngừng lo lắng chuyện mọi người nghĩ gì về mình khi bạn nhận ra họ hiếm khi làm trò đó”.

Tôi, bạn, và những gì chúng ta làm, sẽ bị quên lãng vào một ngày nào đó. Như thể chúng ta chưa từng tồn tại vậy dù rõ ràng không phải như thế. Chẳng ai quan tâm bạn đâu. Như lúc này chẳng hạn, hầu như mọi người không quan tâm bạn đang thực sự nói gì và làm trò trống gì với cuộc đời của bạn.

Tin tốt là nhờ đó bạn có thể tránh xa những thứ vớ vẩn, nhảm nhí và bạn cũng chẳng cần phải trở thành kiểu người mà bạn không muốn.

Nỗi đau của việc vượt qua giới hạn bản thân sẽ trôi qua nhanh và phần thưởng bạn nhận được sẽ đi theo bạn suốt cuộc đời này.

7. Hãy biết tiết chế với những thứ cực đoan trên mạng

Cuộc sống của tôi đột nhiên tốt lên khoảng 542% khi tôi nhận ra rằng những gì tôi đọc được trên mạng đa phần được dựng lên từ 5% góc nhìn cực đoan, và rằng 90% đến từ những con người bình thường sống một cuộc đời thầm lặng. Chúng ta đang sống trong 90% này chứ không phải 5% kia.

Nếu một người đọc đủ thứ “thập cẩm” trên Internet, họ bắt đầu tin rằng chiến tranh thế giới thứ 3 sắp xảy ra, nhiều tổ chức đang âm mưu thống trị thế giới, đàn ông chỉ toàn lũ yêu râu xanh (hoặc ít nhất cũng đồng lõa với tội hiếp dâm), đàn bà là những gái điếm làng chơi và chuyên bốc phét, người da trắng mới là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, chiến tranh sẽ bùng nổ vào lễ Giáng Sinh, người nghèo lười biếng và phá hoại chính phủ, vân vân.

Điều quan trọng là thỉnh thoảng bạn hãy quay về với 90% kia và tự nhắc nhở bản thân rằng: cuộc đời đơn giản, con người tốt bụng, và những vực thẳm ngăn cách chúng ta có khi chỉ là những vết nứt mà thôi.

tuoi tre5

Đôi lúc hãy tránh xa Internet đầy rẫy thị phi, cực đoan để thấy đời “high” hơn nhé (ảnh: Pinterest).

8. Nhiều việc nhỏ gộp lại còn hơn cả những việc lớn lao

Tôi vẫn còn nhớ lần đọc bài phỏng vấn về Dustin Moskovitz – bạn chung phòng và đồng sáng lập Facebook với Mark Zuckerberg. Người phỏng vấn hỏi Dustin cảm thấy thế nào khi là một phần “thành công chỉ sau một đêm” của Facebook. Câu trả lời của Dustin đại khái như này: “Nếu ‘thành công chỉ sau một đêm’ có nghĩa là phải ngồi code xuyên đêm suốt 6 năm liền thì quá mệt mỏi và stress”.

Chúng ta có xu hướng ra vẻ mọi chuyện xảy ra đều là tất nhiên. Là người ngoài nhìn vào, chúng ta thường chỉ thấy kết quả chứ không thấy cả quá trình gian khổ cũng như thất bại. Tôi nghĩ khi còn trẻ, chúng ta thường có suy nghĩ muốn làm điều gì đó lớn lao để thay đổi thế giới. Chúng ta thường mơ lớn vì chúng ta vẫn còn quá trẻ để ngộ ra một điều:

Những thứ lớn lao được tạo nên từ hàng trăm hoặc hàng nghìn những thứ nhỏ bé chúng ta vẫn âm thầm làm mỗi ngày và duy trì suốt một thời gian dài.

9. Thế giới không đến mức đáng sợ như bạn tưởng

Về cơ bản, câu này đúng. Tôi đã từng đặt chân đến những nơi hẻo lánh cả ở trong nước Mỹ lẫn ngoài nước. Khi được trao cho cơ hội, tôi gặp được nhiều người tử tế và sẵn lòng giúp mình. Nếu phải đưa ra lời khuyên thực tiễn cho các bạn đang ở độ tuổi 20, bất kể mọi trường hợp, tôi muốn nói là:

Hãy tìm cách để lên đường và khi do dự, hãy trò chuyện và hỏi han mọi người để hiểu thêm về họ. Điều này mang lại cho bạn nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ, nhất là khi bạn vẫn còn trẻ người non dạ.

tuoi tre6

Hãy cứ mở lòng đón nhận thế giới để thấy đời vẫn còn đẹp lắm bạn nhé (ảnh: vulture).

10. Bố mẹ bạn cũng chỉ là người bình thường

Cuối cùng, đây chắc hẳn là sự thức tỉnh lớn nhất: bố mẹ bạn không phải là những người che chở thông thái như khi bạn còn là một đứa trẻ, bố mẹ bạn không phải là kẻ độc tài khó ưa và đáng sợ như khi bạn còn tuổi teen.

Hãy thử xem bố mẹ cũng là người bạn đồng hành của bạn trong cuộc đời này, để thấy họ cũng có những sai sót, dễ bị tổn thương, nỗ lực vật lộn với cuộc sống dù đôi lúc họ cũng chẳng biết đang làm cái của nợ gì (xem lại điều 4).

tuoi tre7

Dù bạn xảy ra chuyện gì, bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh bạn. Đừng quên nhé! (ảnh: variety).

Có thể khi bạn còn nhỏ, bạn thấy bố mẹ đang làm rối tung mọi chuyện (như mẹ tôi vẫn hay bảo “Sao không có giấy hướng dẫn sử dụng khi bọn trẻ con chào đời vậy”). Khi bạn 20, có lẽ bạn sẽ ý thức hơn về những thứ rối tung này. Trưởng thành và chín chắn là một quá trình chỉ toàn nỗi đau, cay đắng và hối hận. Dẫu vậy, nhiệm vụ đầu tiên khi bạn trưởng thành – trưởng thành thực sự, chứ không phải lớn lên đi làm để đóng thuế - là:

Bạn thấu hiểu, chấp nhận và (có thể) tha thứ cho những sai lầm của bố mẹ. Họ cũng chỉ là con người. Họ đã cố gắng hết sức trong khả năng của bản thân dù họ không phải lúc nào cũng hiểu đâu mới là thứ tốt nhất.

Theo: markmanson
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.