• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Ông chồng Nhật chê vợ 'lười' vì dùng sủi cảo đông lạnh gây phẫn nộ, khiến hãng Ajinomoto cũng phải lên tiếng

Cuộc sống

Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra trong cộng đồng mạng Nhật Bản liên quan đến việc một bà nội trợ lên Twitter than vãn rằng cô bị chồng mình chê bai vì đã dùng gyoza (gần giống sủi cảo) đông lạnh thay vì tự làm. Bởi vì theo như văn hóa truyền thống có phần bảo thủ của người Nhật, người vợ trong gia đình phải gánh vác trách nhiệm nặng nề.

Đơn cử như đối với việc nấu nướng, nếu một người vợ sử dụng đồ chế biến sẵn thay vì tự làm, những ông chồng gia trưởng sẽ chê bai họ là lười, hoặc kém đảm đang - đây là một quan điểm lỗi thời mà giới trẻ đang đấu tranh để xóa bỏ.

Câu chuyện mà bài viết này nói tới cũng bắt đầu bằng một sự việc như thế, khi người mẹ trẻ có tài khoản Twitter là Ponkotsu viết:

Làm gyoza cho bữa tối, con trai tôi đã nói "Gyoza mẹ làm rất ngon!" nhưng ngay sau đó chồng tôi bảo: "Mẹ con lười biếng, đây toàn là đồ đông lạnh."

Bài tweet sau đó thu hút hơn 140 nghìn lượt like và 40 nghìn lượt retweet, tranh cãi xoay quanh vụ việc không có hồi kết cho đến khi hãng Ajinomoto tham gia trận khẩu chiến và đưa ra những lập luận thuyết phục của họ.

Sử dụng gyoza đông lạnh không phải là để tránh né việc nội trợ, mà là tránh mất thời gian cho những thao tác phức tạp! Chúng tôi xem nhà máy của mình như một căn bếp lớn, nơi chúng tôi đảm nhận những công việc như thái rau, băm thịt và gói gyoza một cách phức tạp, để các bà mẹ không cần phải làm vậy nữa.

Món gyoza của Nhật Bản khá tương đồng với sủi cảo.

Ajinomoto là một trong những hãng sản xuất gia vị và thực phẩm hàng đầu thế giới, cũng là đơn vị sản xuất gyoza nhiều nhất Nhật Bản, khá chắc là không ai dám đặt câu hỏi về năng lực làm gyoza của họ rồi.

Thế nên, khi đại diện trên mạng xã hội của Ajinomoto lên tiếng bênh vực người nội trợ, họ đã thu hút một lượng lớn người đồng tình với gần 300 nghìn lượt like và hơn 80 nghìn người cùng bình luận bên dưới bài tweet.

Ajinomoto tiếp tục khẳng định:

Và các bà mẹ trên thế giới có thể làm gì khi được giải thoát khỏi sự phức tạp trong công việc nội trợ của họ? Họ sẽ có thời gian chăm sóc con trẻ đang quấy khóc. Giúp chúng làm bài tập về nhà. Gọi điện người thân của họ ở xa và nói chuyện. Chúng tôi tin rằng họ vẫn đang sử dụng khoảng thời gian trống đó vì lợi ích của người khác nữa.

Vì vậy, chúng tôi sẽ hét lên rằng: "Đấy không phải là lười biếng, mà là tiết kiệm thời gian. Tôi là mẹ của một đứa trẻ hai tuổi và tôi nói rằng không có gì sai khi sử dụng salad khoai tây làm sẵn hoặc gyoza đông lạnh! Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền bá thông điệp đó để nhiều người có thể yên tâm lựa chọn sử dụng gyoza đông lạnh và chúng tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục làm như vậy!"

Bên dưới phần bình luận đã có vô số lời khen ngợi và tỏ ra tôn trọng triết lý kinh doanh của Ajinomoto, cũng như việc họ đã đứng lên nói hộ cho rất nhiều người phụ nữ.

Một người dùng Twitter nói:

Đó là tất cả về việc tận dụng tốt nhất thời gian cho bản thân và cho chính gia đình của bạn.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thay đổi tiến bộ trong suy nghĩ của giới trẻ sau mỗi thế hệ, người phụ nữ đã được giải phóng khỏi nhiều công việc nội trợ dai dẳng và vất vả đè nặng trên vai họ trong nhiều thế kỷ qua. Thói trọng nam khinh nữ từ thời phong kiến dưới chế độ phụ hệ dần bị đẩy lùi.

Việc giặt đồ, rửa bát... đều có thể dùng máy móc thay thế. Kỹ nghệ chế biến thực phẩm cũng đã có bước nhảy vọt, nhất là với quốc gia phát triển như Nhật Bản, đồ ăn chế làm sẵn của họ có chất lượng, đa dạng và phong phú không thua kém gì làm thủ công. Người nội trợ ở Nhật nói riêng và trên thế giới nói chung đang có được sự hỗ trợ cần thiết và họ đã nắm được cơ hội đó.

Người phụ nữ Nhật Bản thường là người được ngồi xuống bàn ăn sau cùng, khi họ đã phục vụ chồng và con đầy đủ. Ở nhiều gia đình của xứ sở hoa anh đào, có những bà mẹ trẻ vẫn còn bị chèn ép bởi thói trọng nam khinh nữ.

Đối với những món đơn giản như gyoza, sự khác biệt giữa việc làm thủ công hay mua đồ chế biến sẵn chỉ là vấn đề mâu thuẫn trong quan điểm và tư tưởng, vốn sẽ được định đoạt bởi ý kiến của cộng đồng - như diễn biến mà chúng ta đã thấy ở trong bài.

Việc một ai đó ưa thích đồ tự nấu hơn là đồ làm sẵn không biến họ thành kẻ xấu, tuy nhiên khi một ông chồng gia trưởng và bảo thủ mắng vợ mình "lười" chỉ vì cô ấy không thể làm thức ăn thủ công lại là điều vô cùng đáng trách, sao các ông không tự vào bếp mà trổ tài nấu nướng cho cả nhà ăn nhỉ?

Đọc thêm: Kỳ án Nhật Bản (Phần 15): Khi máy chơi game PS4 cứu mạng cô gái bị bắt cóc

Theo: Tổng hợp Twitter

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.