• Về đầu trang
Chim Điên
Chim Điên

10 việc làm nhỏ giúp bạn thay đổi mức độ ô nhiễm của cả một thành phố

Cuộc sống

Vì sao hai thành phố lớn nhất Việt Nam lại phải ''hít thở'' những đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng đến như vậy? Nếu như Hà Nội chịu trận với tình trạng mật độ giao thông quá đông đúc và tạm thời chưa giải quyết được, TP. Hồ Chí Minh lại phải đối mặt với các công trình dự án xây cao ốc mọc lên quá nhanh chóng, lượng cây xanh không đủ sức lọc khí thải.

Nguyên nhân trên là khách quan, vậy tại sao bản thân chúng ta không chủ động hạn chế việc thải ra môi trường những chất độc hại? Thay đổi 10 thói quen để bớt là một phần gánh nặng của môi trường nhé!

1. Tắt máy xe khi đợi đèn trên 20 giây

Một nhóm bạn trẻ xuống phố kêu gọi người dân tắt máy xe khi chờ đèn đỏ.

Việc làm này không chỉ tiết kiệm tiền xăng cho bạn mà còn giảm thiểu lượng khí thải độc hại ra môi trường. Ngoài ra đồng loạt tắt máy xe khi chờ đèn đỏ trên 20 giây khiến nhiệt độ trên đường giảm đi, bạn không phải chịu đựng cái nóng nực bực bội vì kẹt xe.

2. Sử dụng xăng sinh học E5

Tuy được Nhà nước kêu gọi sử dụng xăng sinh học E5 để giảm thiểu lượng khí thải CO và Hydrocarbon ra môi trường, nhưng thông tin này vẫn chưa được nhiều người quan tâm.

Ai cũng nghĩ xài xăng 95 sẽ giúp ích cho động cơ mà ngó lơ với dòng xăng sinh học E5 được nhiều chuyên gia khuyến khích sử dụng này. Động cơ dùng xăng E5 RON 92 sẽ tạo ra khí thải CO và Hydrocarbon ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng. Ngoài ra khi sử dụng xăng E5, động cơ xe của bạn sẽ hoạt động tốt hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu. Để thúc đẩy việc sử dụng xăng E5, mới đây, Chính phủ ra quyết định kể từ 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Điều này nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường. Là một người quan tâm đến sức khỏe, thiết nghĩ bạn cũng nên dùng xăng E5 vừa rẻ lại vừa ít thải CO và Hydrocarbon.

3. Đừng bỏ lại tờ rơi trên đường

Nếu có vô tình cầm những mẩu giấy như thế này thì nhẹ nhàng cất vào túi và tìm thùng rác vứt đi nhé...

Bạn có bao giờ cảm thấy khó chịu khi nhìn xuống mặt đường, dưới chân mình và thấy đầy rác không? Hãy thay đổi thói quen nhận những tờ bướm quảng cáo để đường xá luôn được sạch đẹp. Khi đang lưu thông, hãy tìm cách cất tờ rơi vào túi xách hoặc một góc trên xe. Đừng nhận chỉ để thả chúng xuống mặt đường.

4. Hạn chế sử dụng túi ni - lông

Thay vì sử dụng túi ni - lông, sao bạn không thử xài túi giấy kraft vintage này nhỉ? Vừa mộc mạc, vừa độc lạ lại có thể tái sử dụng nhiều lần mà không gây hại cho môi trường.

Túi ni - lông được coi là kẻ thù truyền kiếp của môi trường nhưng lại được xem là bảo bối hữu hiệu của nhiều người. Phải mất từ 400 - 600 năm để có thể phân hủy được một túi ni - lông nhỏ. Vì vậy tốt nhất là nên hạn chế hết mức việc sử dụng bao ni - lông nhé. Thay vào đó hãy chuyển sang túi giấy, túi vải thân thiện, vừa dễ thương lại vừa tốt cho môi trường nữa.

5. Sử dụng đồ có thể tái chế

Starbucks không chỉ ghi điểm khách hàng vì thức uống ngon lành mà còn vì tinh thần bảo vệ môi trường của họ

Hiện nay một số quán cà phê take away đã áp dụng hình thức sử dụng ly sứ thay vì dùng đến ly nhựa, ví dụ như Starbucks sẽ giảm 10.000đ nếu bạn đem theo ly sứ. Để giảm lượng thải ly nhựa ra môi trường, đây là một cách nên học hỏi. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều quán cà phê take away sử dụng ly nhựa vô tội vạ, không chỉ để phục vụ cho khách mang về mà ngay cả khách ngồi tại quán vẫn nhận được một ly cà phê bằng nhựa khó phân hủy.

6. Tắm vòi sen ít hơn

Ai cũng biết rằng mình nên tiết kiệm nước, tiết kiệm điện để giúp môi trường tốt hơn. Nhưng cách nào thiết thực nhất? Nhiều người vẫn luôn có thói quen bật mạnh vòi sen và giữ nguyên hiện trạng trong suốt quá trình tắm, như vậy bạn đã vô tình lãng phí gấp đôi, có khi gấp ba lượng nước để tắm thông thường. Chỉ cần tắm nước vòi sen ít đi một tí là bạn đã góp phần tiết kiệm nước rồi.

7. Rút phích cắm điện

Một việc làm nhỏ có thể thay đổi cả thế giới chứ chẳng đùa...

Không cần phải thay thiết bị công suất thấp hay tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng vì những cách này đôi khi sẽ gây nguy hại đến thiết bị của bạn. Thay vào đó, sau khi sử dụng xong bạn hãy rút hết các phích cắm điện ra, điều này không chỉ tiết kiệm lượng điện chờ mà còn giúp căn nhà của bạn tránh được cháy nổ ngoài ý muốn.

8. Không xả rác xuống cống

Một dự án ý nghĩa giúp người dân chú ý hơn với những chiếc nắp cống đáng thương.

Cống là để thoát nước, không phải bể rác đâu... Một trong những nguyên nhân gây “hiện tượng” Sài Gòn chìm trong nước mỗi khi có mưa to là vì nguyên nhân này. Hiện tại cũng đã có rất nhiều dự án thay áo đẹp cho ống cống với mục đích giúp người dân hiểu rõ và chú ý hơn về việc xả rác bừa bãi.

9. Nếu ''can đảm'' hãy đi bộ hoặc đạp xe đến trường, cơ quan

Việc đơn giản nhưng chẳng nhiều người dám làm là đi bộ hoặc chạy xe đến cơ quan để giảm thiểu khí thải ra môi trường.

Thời buổi giành nhau từng tấc đường để đi thì… đi bộ là cao kiến! Vừa tập thể dục, vừa không thải nhiên liệu độc hại cho môi trường, vừa ung dung nhìn người khác “vật lộn” trên đường mà mình vẫn bon bon thì cảm giác sung sướng còn gì bằng. Nhưng nhà xa quá thì làm sao? Bạn vẫn sẽ nghĩ ra cách nếu thật sự muốn tốt cho môi trường, tại sao không đi xe đạp hoặc leo lên xe buýt nhỉ?

10. Hạn chế sử dụng ống hút

Ống hút tre sẽ giúp bạn cải thiện đôi chút tình hình ô nhiễm nguồn nước ngày nay.

Theo một số đánh giá thì ống hút nằm trong top 10 rác thải biển “đông và nguy hiểm” nhất. Tưởng chừng như vô hại và là “bạn thân” của mỗi ly nước, chai lọ giải khát, nhưng ống hút vô hình gây hại cho môi trường rất nhiều. Trà sữa, thức uống gây nghiện cho giới trẻ đòi hỏi dùng ống hút để có thể thưởng thức trọn vẹn các loại topping. Nhưng cứ đều đặn một ly trà sữa mỗi tuần thì lượng rác nhựa mà bạn thải ra môi trường là bao nhiêu? Hiện nay có nhiều loại ống hút thay thế cho ống hút nhựa thông thường, như ống hút thủy tinh, ống hút gỗ tre. Bạn có thể tìm mua chúng vì môi trường ''đáng thương'' này.

Một việc làm nhỏ, một thói quen hàng ngày, nếu bạn có thể thay đổi 1 trong 10 điều trên đã góp phần bảo vệ môi trường sống rồi.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.