• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Vài vết liếm yêu của thú cưng cũng có thể dẫn đến cái chết cho chủ nhân

Cuộc sống

Ngày nay, bệnh dại từ chó mèo hầu như được ngăn chặn triệt để nhờ tiêm phòng vắc-xin, tuy nhiên vẫn còn những nguy hiểm lẩn khuất, đáng sợ và khó phòng tránh hơn cả bệnh dại.

Năm 2007, một ca bệnh kỳ lạ được ghi nhận ở thành phố Mildura, Úc. Bệnh nhân là Julie McKenna, cô đến bệnh viện trong tình trạng tay chân lạnh ngắt, nổi lốm đốm màu nâu đỏ, gương mặt thì dần chuyển sang màu tím.

hoai tu

Nổi nốt màu nâu đỏ, tím tái và hoại tử là triệu chứng khi nhiễm phải Capnocytophaga canimorsus, nếu không được chữa trị kịp thời chắc chắn sẽ chết.

Bác sĩ nhanh chóng xác định McKenna bị nhiễm trùng máu, vi khuẩn lạ xâm nhập vào máu đang phá hủy cơ thể cô từ bên trong. Mặc dù đã được dùng kháng sinh nhưng tình trạng của McKenna không khá lên. Các cơ quan của cô bắt đầu suy yếu, ngón tay ngón chân thì bắt đầu hoại tử và chuyển sang màu đen.

capnocytophaga canimorsus

Ảnh phóng to bằng kính hiển vi cho thấy hình dạng của vi khuẩn Capnocytophaga canimorsus.

Phải mất đến hai tuần để các nỗ lực y tế có thể xác định được vi khuẩn đang hành hạ McKenna, một chủng vi khuẩn gram âm có tên Capnocytophaga canimorsus, chúng có nhiều trong nước bọt và nướu răng của chó mèo.

Đặc biệt, Capnocytophaga canimorsus tuy vô hại đối với các loài thú cưng nhưng lại cực kỳ chết chóc khi lây nhiễm sang người.

gallery 1467388197 gettyimages 570385769

Vi khuẩn trong nước bọt của chó mèo có thể gây nguy hiểm chết người cho chủ nhân.

''Nụ hôn'' chết chóc từ thú cưng

Khi bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân và gặng hỏi về thú cưng, McKenna mới chợt nhớ rằng cô từng bị một vết bỏng ở chân trái khi nấu nước sôi vô tình văng vào người, sau đó chú chó Terrier của cô đã liếm vào đó. McKenna không ngờ rằng việc này lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Tương tự như Julie McKenna, nhiều người không biết rằng có thứ gì đang ''bơi lội'' trong nước bọt của chó mèo. Khi các bạn ôm ấp, nựng nịu và để chúng liếm mình, nhiều loài vi khuẩn từ chúng vẫn lây nhiễm sang cơ thể bạn.

Hầu hết trường hợp, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ ngăn chặn và tiêu diệt hiệu quả những vi khuẩn lạ trước khi chúng kịp xâm nhập vào sâu hơn. Tuy nhiên, đối với những vết thương hở thì lại khác, chúng sẽ đi thẳng vào máu.

dawn manteufel 01 orig

Một ca nhiễm Capnocytophaga canimorsus ở Mỹ, nạn nhân phải chịu cắt cụt tay chân, và cả lỗ mũi nếu muốn sống.

Thống kê cho thấy 10 - 15% vết cắn của chó sẽ lây nhiễm Capnocytophaga canimorsus cho người. 26% số người bị hoại tử vì Capnocytophaga canimorsus sẽ chết. Trong trường hợp của McKenna, cô ta đã may mắn sống sót nhưng phải bị cắt cụt chân trái đến đầu gối, nửa bàn chân phải và 10 đầu ngón tay để ngăn chặn sự hoại tử.

Theo thống kê của các nhà động vật học, 25% chó mèo khỏe mạnh đều chứa Capnocytophaga canimorsus, chúng là một loại vi khuẩn thường thấy trong hệ sinh thái nội thể của chó mèo. Ngược lại, con người thì không.

cho meo 1

Một nạn nhân khác mất mũi do hoại tử sau khi bị chó liếm.

Đối với chúng ta, khuẩn Capnocytophaga là một giống loài ngoại lai, khi chúng xâm nhập vào máu sẽ dẫn đến một cuộc chiến dữ dội giữa các tế bào bạch huyết - đội quân bảo vệ cơ thể của con người, và Capnocytophaga. Kết quả của trận chiến này là cả hai bên cùng hủy diệt lẫn nhau gây ra giảm lưu thông máu, phá hủy tế bào hồng cầu và các cơ quan nội tạng dẫn đến sự hoại tử và cái chết chắc chắn cho chủ thể người.

Thận trọng trước nguy cơ tiềm ẩn

Một nghiên cứu cụ thể về vi khuẩn trong miệng của chó mèo và người được giáo sư Floyd Dewhirst ở đại học Harvard thực hiện. Theo đó, trong vòm miệng của con người có khoảng 400 - 500 loại vi khuẩn xuất hiện (chúng có mặt thường xuyên, và vô hại). Tương tự, có 200 loại vi khuẩn đặc trưng trong miệng chó mèo, chúng cũng vô hại đối với những động vật 4 chân này.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 loại vi khuẩn là cùng xuất hiện trong cả miệng người và chó mèo, tức là còn khoảng 170 loại khác trong nước bọt của thú cưng có thể gây hại cho bạn. Đây đơn giản là sự khác biệt về giống loài, dẫn đến các loại vi khuẩn cộng sinh/hội sinh cũng khác nhau.

microbiome

Cơ thể người là môi trường sống của một quần thể vi khuẩn. Hầu hết trong số chúng có lợi hoặc vô hại với con người.

Giáo sư Floyd Dewhirst nói:

Khác biệt nằm ở sự tiến hóa, thích nghi phục vụ cho việc ăn uống. Ví dụ như chó mèo không ăn bánh donut, nên nước bọt của chúng không cần có streptococcus.

Những vi khuẩn streptococcus trong nước bọt của con người giúp chúng ta dễ tiêu hóa chất đường bột hơn trong khi nhai. Ngược lại, chó mèo không ăn chất đường bột mà những chất đạm như thịt cá là thức ăn chính, chúng không sở hữu vi khuẩn streptococcus như con người. Tương tự, sẽ có một số loài vi khuẩn cộng sinh/hội sinh với chó mèo mà chúng ta không có, nếu bị lây nhiễm những vi khuẩn này, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng dữ dội.

pc barko microbiome

Tương tự, chó mèo cũng có quần thể vi khuẩn của riêng chúng, tuy nhiên các chủng loại vi khuẩn thì khác biệt với con người.

Chỉ một lần liếm của chó cưng cũng có thể lây nhiễm hàng triệu cá thể vi khuẩn lạ cho con người. Khảo sát đơn giản bằng cách dùng tăm bông chà xát lên khu vực da bị liếm bởi một con chó có thể lấy được hơn 50 loại vi khuẩn khác nhau. Số vi khuẩn ấy vẫn tồn tại đến hơn 5 giờ sau đó kể từ khi chúng ta bị thú cưng liếm.

Sai lầm cố hữu về hành vi liếm

Một số quan niệm cho rằng vết thương sẽ mau lành hơn nếu được liếm bởi một con chó. Vào thời cổ đại ở Hy Lạp, người ta tin rằng "vị thần của sự chữa lành" là Asclepius được một con chó liếm vào vết thương. Cũng có nhiều giai thoại kể về việc quân đội của Caesar đại đế nuôi chó để chữa thương cho binh sĩ. Tất nhiên, đó không phải là ý kiến hay.

cho meo

Chó mèo có thể tự chữa thương cho bản thân nó bằng cách liếm, đối với con người thì không.

Có vẻ vì những câu chuyện cổ xưa nói trên mà người Âu Mỹ xem nhẹ hoặc có hiểu biết sai lầm về việc được liếm bởi một con chó. Trong nước bọt của chó có chứa nitrite, khi chúng liếm lên da, nitrite phản ứng với khí oxy ngoài môi trường tạo thành oxit nitric có tác dụng khử trùng.

an orange tabby cat licking a human on the nose

Lưu ý, không để thú vật liếm vào vết thương của bạn.

Một số phân tử khác cũng có vai trò diệt vi khuẩn gây hại (gọi là ''peptide'') cũng xuất hiện trong nước bọt của chó, và tất nhiên chỉ diệt những vi khuẩn có hại cho chó, phù hợp với quần thể vi khuẩn nội thể của chó mà thôi.

Khi chó mèo bị thương chúng thường tự liếm vết thương của mình, hành vi này chỉ có tác dụng làm sạch, sát trùng cho chính bản thân nó, ngoài ra không có tác dụng với vết thương của con người.

Vậy chó mèo vệ sinh cá nhân như thế nào?

Loài người có thể làm sạch cơ thể bằng cách tắm với nhiều loại chế phẩm hóa chất, xà phòng phù hợp. Đối với thú cưng, nếu như miệng của chúng toàn là vi khuẩn, vậy làm sao chúng có thể tự vệ sinh cho mình bằng cách liếm?

luoi meo co gai

Mèo dùng lưỡi gai liếm chính mình không chỉ để tắm, mục đích thực sự là để xóa dấu vết.

Thực ra, bọn mèo dùng cái lưỡi có gai của chúng để ''chải lông'' không đơn thuần vì mục đích tắm táp. Hành vi đó xuất phát từ thói quen của một động vật săn mồi thuộc họ mèo. Chúng liếm lông để xóa đi những mùi lạ và che giấu sự hiện diện trước những đối thủ khác, ví dụ như mùi máu của con mồi chẳng hạn.

Mèo không muốn để lại mùi lạ phía sau để kẻ thù có thể đánh hơi được mình. Hơn nữa, bản thân chúng vốn tiến hóa để miễn nhiễm với những vi khuẩn vốn có trong miệng, nên có ''trây trét'' ra người thêm nữa cũng không vấn đề gì.

146067791 how to dog bath 632x475

Hãy tắm cho chó vì khả năng tự vệ sinh của chúng rất hạn chế.

Đối với chó, chúng không phải một loài săn mồi rình rập như mèo, vì vậy chúng không có thói quen chải lông thường xuyên. Căn bản, một con chó sẽ dơ y chang như vậy nếu bạn không tắm rửa cho nó.

Ngoài tự nhiên, chó thường vệ sinh thân thể bằng cách trầm mình xuống nước rồi vẫy người cho văng những thứ dơ bẩn đi, hoặc lăn lộn, cọ lưng trên một bãi cát hoặc bãi cỏ để loại bỏ những loài ký sinh trùng.

Hãy có hiểu biết và hình thành thói quen tốt

Sau tất cả, bài viết này không có ý kêu gọi các bạn giảm tương tác với thú cưng, tuy nhiên hãy làm đúng cách và biết tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ lây nhiễm đáng tiếc.

Đối với mèo, vi khuẩn trong miệng chúng không thể sống qua lâu ở môi trường bên ngoài, nhưng cũng không chết ngay lập tức, chính vì vậy mỗi một gram lông mèo chứa hàng triệu vi khuẩn cùng loại với những gì tìm thấy trong miệng chúng.

excessive production saliva dogs

Bất kể chó mèo khỏe hay ốm, nước bọt của chúng đều có vi khuẩn gây hại cho con người.

Thực ra, có hẳn một nghiên cứu về việc này. Cứ mỗi 2 phút ngồi vuốt ve chú mèo cưng (trong trường hợp chúng không liếm bạn) thì chỉ có khoảng 150 con vi khuẩn truyền sang tay của bạn mà thôi, đó là con số rất nhỏ và hầu như không đủ để gây hại.

Bác sĩ thú y Kathryn Primm cho biết, tốt nhất chúng ta nên tự giữ sạch mình:

Tôi luôn khuyên mọi người sử dụng các chế phẩm sát khuẩn thông thường. Khi bị thú cưng liếm vào đâu đó, hãy rửa vị trí đó với xà phòng tiệt trùng.

wash

Tập thói quen rửa tay diệt khuẩn sau khi chơi với thú cưng, và dạy cho trẻ em điều đó.

Bác sĩ Kathryn Primm cũng nhấn mạnh rằng việc quan trọng nhất là ngăn không cho vi khuẩn đi qua da. Sau khi xâm nhập được vào cơ thể bạn, vi khuẩn sẽ tìm được một nơi ''ấm áp'', lý tưởng tuyệt vời để sinh sản và làm rối tung mọi thứ lên.

Đối với những chú chó cưng có thói quen liếm bạn, hãy chắc chắn rằng chỉ cho phép chúng liếm khi bạn đang khỏe mạnh, và không có vết thương hở nào trên mặt (trầy xước, mụn nhọt... những vết thương có rướm máu nói chung).

mun nhot

Cẩn thận, mụn nhọt cũng là vết thương hở, không để chó mèo liếm vào đấy.

Lưu ý, trẻ em và người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn so với người ở tuổi vị thành niên, chính vì vậy để mặc trẻ em chơi với chó mèo không phải là ý kiến hay. Từng có một vụ em bé bị viêm não sau khi nhiễm vi khuẩn từ chó. Đối với làn da mỏng của trẻ nhỏ, hành vi liếm của chó cũng có hại tương tự như bị cắn vì vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong.

Ngoài ra cũng lưu ý rằng trẻ em có thể bị chó liếm tay, sau đó chúng tự mút ngón tay của mình. Điều này từng được ghi nhận trong một ca viêm màng não xảy ra với đứa bé 2 tháng tuổi.

bang keo ca nhan

Hãy có biện pháp cách ly vết thương hở nếu có ý định tiếp xúc với thú cưng.

Vì vậy, hãy lưu ý: luôn sát khuẩn sau khi chơi với thú cưng, không để trẻ nhỏ chơi với thú cưng một mình, không ăn cùng, không để vết thương hở tiếp xúc với nước bọt của thú cưng, không ôm ấp thú cưng khi đang bị bệnh.

Theo: National Geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.