• Về đầu trang
Mèo Thổ Cẩm
Mèo Thổ Cẩm

Vì sao trẻ lại dễ dàng đi theo người lạ mặc kệ lời cảnh báo của bố mẹ?

Cuộc sống

Mùa hè năm 2019, nhóm tình nguyện Lisa Alert đã thực hiện một thí nghiệm ở Nga (dưới sự đồng ý của phụ huynh): những người lạ mặt tiếp cận và cố gắng dụ dỗ các em nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 12 đi theo họ. Điều đáng ngạc nhiên là có đến 15 trong số 17 em đồng ý đi theo người lạ và duy chỉ có 2 đứa trẻ 6 tuổi là hoàn toàn không chịu rời khỏi sân chơi.

Trẻ em bị bắt cóc tại sân chơi đông người như thế nào?

Một trong những điểm đáng sợ nhất được ghi nhận trong cuộc thí nghiệm là sự thờ ơ của những người xung quanh. Theo các tình nguyện viên của tổ chức Lisa, họ đã tiếp cận nhiều trẻ em từ các sân chơi khác nhau và mặc dù có đông người ở đó nhưng không một người lớn nào chú ý đến sự việc hay cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Những kẻ bắt cóc hay sử dụng các câu nói rất phổ biến mà bất kỳ người lớn nào cũng dễ dàng nhận ra điều bất thường nếu tình cờ nghe được như:

  • Để cô mua cho con một ít kẹo nhé !
  • Con có muốn ra đó cho chim bồ câu ăn cùng cô không ?
  • Đằng kia có những con sóc rất đáng yêu, cùng ra xem nhé !
  • Bố con nhờ chú đến đón con về, mau đi thôi !

Ngoài ra, phương pháp hiệu quả nhất là nhờ trẻ giúp đỡ các chú mèo con hoặc chó con. Có những trường hợp tội phạm còn đóng giả làm cảnh sát, bác sĩ hoặc lính cứu hỏa để tạo niềm tin ở trẻ.

Động cơ của những kẻ bắt cóc luôn khác nhau, có thể là bắt cóc để làm hại, bắt làm nô lệ, đem bán cho gia đình muốn nhận con nuôi hoặc vấn nạn gần đây nhất là buôn bán nội tạng để cấy ghép.

Vì sao ngay cả trẻ lớn cũng đi theo người lạ?

Khả năng khiến một đứa trẻ đồng ý đi theo người lạ sẽ tăng lên đáng kể nếu kẻ bắt cóc là một phụ nữ hoặc thiếu niên. Bởi lẽ, đàn ông sẽ dễ khiến trẻ liên tưởng đến hình ảnh cao lớn và hung bạo của tội phạm, nhưng phụ nữ và thiếu niên thì không. Vì vậy, chúng ta nên giải thích cho con cái rằng ngay cả bà lão hay một cô gái trẻ cũng có thể là kẻ xấu.

Những đứa trẻ tham gia thí nghiệm trên khi được hỏi “Tại sao con lại đồng ý đi?” đã đưa ra các câu trả lời khác nhau:

  • Cô ấy bảo con đi theo cô ấy.
  • Con nghĩ đó là một cuộc thí nghiệm.
  • Con tưởng mẹ con đang chờ.

Nhiều trẻ thậm chí biết rõ những hậu quả có thể xảy ra khi đi theo người lạ và đã được hướng dẫn, dạy kỹ năng sống rất nhiều. Tuy nhiên các hướng dẫn này vẫn có vẻ không thực sự hữu dụng.

Trẻ em cần được giải thích rõ ràng về lý do tại sao người lạ là mối nguy hiểm với chúng. Bởi nhân viên trong cửa hàng, hàng xóm và các bà mẹ khác trên sân chơi cũng là những người xa lạ. Vì vậy, quy tắc “không được nói chuyện với người lạ” khó có thể áp dụng triệt để trong mọi tình huống.

Cách giải quyết vấn đề này là tổ chức một hội phụ huynh. Các bố mẹ sẽ thay nhau trông chừng các bé. Bên cạnh đó, còn một cách cũng rất hữu ích là thường xuyên kiểm tra phản ứng của trẻ bằng việc đưa ra những tình huống cụ thể và hỏi chúng sẽ làm gì trong tình huống đó. Bạn sẽ không tưởng tượng nổi những việc này có thể cứu mạng con cái bạn như thế nào đâu.

Vì sao trẻ không chạy đi khi bị người lạ dụ dỗ?

Một thông tin đáng lo ngại nữa là ngay cả khi trẻ nhận ra mình đang bị lừa, chúng cũng không cố gắng chạy trốn. Khi được hỏi “Vì sao con không chạy đi ?” những đứa trẻ này chỉ trả lời rất mơ hồ như chúng cảm thấy xấu hổ khi la hét hoặc cầu cứu người khác.

Hướng dẫn "hét to kêu cứu khi gặp nguy hiểm" có vẻ quá mơ hồ với trẻ. Chúng không biết phải hét cái gì, to đến đâu, làm gì nếu không ai nghe thấy mình kêu cứu, làm gì nếu mọi người nghe thấy nhưng vẫn không giúp đỡ. Vì vậy, hãy dạy trẻ hét lớn với nội dung cụ thể như “Cứu cháu với! Cháu không biết chú này Chú đi ra đi!” và luyện tập thường xuyên để trẻ không còn xấu hổ nữa.

Ngoài ra, trẻ cũng thường sợ mình sẽ trông ngớ ngẩn. Nhiều trẻ nghĩ rằng: "Nếu họ không có ý xấu gì mà mình lại hét lên thì sao? Mình sẽ thành trò cười cho tất cả mọi người." Bên cạnh đó, còn một điều nguy hiểm khác nữa là trẻ sẽ có xu hướng nghe theo lời người lớn vì chúng ta vẫn thường dạy con phải biết vâng lời và không được nghi ngờ những gì người lớn nói.

Một số khuyến nghị từ các chuyên gia Mỹ trong việc phòng chống nạn bắt cóc trẻ em

  • Đừng dán nhãn có tên con bạn lên đồ dùng và quần áo của chúng. Trẻ em có khả năng sẽ tin những người gọi đúng tên mình.
  • Nếu trẻ bị lạc trong trung tâm thương mại, hãy dặn con tìm đến bất kỳ nhân viên nào trong trung tâm. Chúng không nên đi đến bãi đậu xe một mình để tìm bạn vì có rất nhiều trẻ em đã bị bắt cóc ở bãi đậu xe.
  • Khi trẻ bị bắt cóc, chúng nên biết cách ra hiệu cho những người xung quanh rằng chúng đang gặp rắc rối. Theo NBC News, năm 2007, một bé gái bị bắt cóc và đưa đi bằng máy bay. Cô bé đã để lại lời nhắn cầu cứu trong nhà vệ sinh. Khi máy bay hạ cánh, cảnh sát đã chờ sẵn để bắt tên tội phạm.
  • Trẻ vị thành niên không nên đi nhờ xe người lạ.
  • Ở nơi công cộng, nhà vệ sinh là địa điểm cực kỳ nguy hiểm. Đừng để con bạn vào nhà vệ sinh một mình, hãy dắt chúng đến đó và đợi chúng.
Theo: Bright Side
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.