• Về đầu trang
Chanh Dây
Chanh Dây

Victim blaming và định kiến của 'người phán xử': Tại sao phụ nữ luôn bị đổ lỗi dù là nạn nhân?

Cuộc sống

Mặc cho mức án thi hành với tội phạm xâm hại tình dục được luật pháp quy định khá nặng, thế nhưng tỉ lệ phạm tội vẫn không ngừng gia tăng và tính chất gây án ngày càng nghiêm trọng. Kèm theo đó là thái độ của xã hội, thay vì chỉ trích kẻ ác thì người ta lại có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân.

Công kích, áp đặt, đổ lỗi đang dần trở thành một lẽ thường tình trong xã hội vì mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm. Ngay cả khi phía bị hại mới là người cần được bảo vệ thì bằng cách này hay cách khác, người ta vẫn sẽ thể hiện ánh nhìn đồng tình với kẻ phạm tội.

Những vấn đề thường được đưa ra bàn luận về một vụ án xâm hại tình dục là trang phục của cô gái như thế nào, cô gái có đẹp không, đã dùng đồ uống có cồn chưa... Đó được cho là những nguyên nhân chính khiến nạn nhân bị xâm hại bởi quan niệm "không có lửa làm sao có khói".

Như để chứng minh sự phi lý của "người phán xử", một buổi khảo sát và triển lãm mang tên Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại? đã được tổ chức tại Bỉ. Những trang phục được trưng bày đa phần đều rất bình thường, đôi khi in những thông điệp dễ thương. Rõ ràng trang phục không phải là nguồn cơn nhưng lại là thứ mà "người phán xử" vin vào để tuyên án cho nạn nhân.

"Những kẻ hiếp dâm cưỡng bức người, không phải trang phục"

Mới đây, một vụ việc đau lòng đã xảy ra ở Trung Quốc khi bé gái chưa tròn 14 tuổi bị ba bạn nam cùng lớp kéo vào nhà vệ sinh trường học cưỡng hiếp. Điều đáng nói ở đây là khi những kẻ phạm tội không bị truy tố vì chưa đủ 14 tuổi, "người phán xử" lại đưa ra ý kiến đồng thuận và chĩa mũi nhọn về phía nạn nhân: "14 tuổi thì biết cái gì chứ", "chỉ là do các bạn nam thích người ta quá thôi", hay "chắc là bé gái 14 tuổi đã dậy thì rồi nên mới thu hút các bạn khác".

Nên biết mỗi sự công kích nhằm đổ lỗi cho nạn nhân đều là đang cổ xúy cho tội ác và đẩy lời kêu cứu của nạn nhân xuống hố sâu. Có rất nhiều trường hợp nạn nhân vì lo sợ ánh mắt phán xét, buộc tội của người ngoài dẫn đến không dám báo án, và tội phạm thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

"Hiếp dâm không bao giờ là lỗi của nạn nhân".

Mạng xã hội và quyền đưa ra quan điểm là con dao hai lưỡi. Hãy lên án những thứ cần lên án, bảo vệ những thứ cần bảo vệ, đừng vin vào bất kỳ lý do gì để biện minh cho tội phạm xâm hại tình dục. Bạn quá yếu để có thể một mình thay đổi xã hội nhưng hãy cố gắng thay đổi chính tư duy của bản thân.

Theo thống kê thu được từ những vụ án xâm hại tình dục, chỉ 2% tội phạm là người xa lạ, đa phần là người quen, thân cận với nạn nhân. Ngày nay người ta dạy con gái làm thế nào để không bị xâm hại mà chẳng hề dạy con trai không được đi xâm hại người khác. Có thể bạn cảm thấy rất không công bằng, nhưng cũng không thể xóa sạch những điều xấu xa, vì vậy trước nhất hãy tự bảo vệ chính mình, hạn chế tối đa việc bản thân trở thành đối tượng bị xâm hại.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.