• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Wibu (Weeaboo) là gì mà hay bị cộng đồng mạng lôi ra 'đá xéo' như thế?

Cuộc sống

Wibu là một thuật ngữ của cộng đồng người Việt xuất phát từ Weeaboo, một dạng từ lóng phổ biến trên mạng xã hội chỉ những fan cuồng thích thể hiện về văn hóa 2D Nhật Bản. Vậy Weeaboo thực chất là như thế nào? Dưới đây là “bản phác họa” về khái niệm quái lạ này.

Định nghĩa về Weeaboo (hay Wibu)

Từ Weeaboo xuất hiện vào khoảng năm 2005, vốn là thuật ngữ được Nicholas Gurewitch giới thiệu trong bộ comic Perry Bible Fellowship của anh.

Nguồn gốc của Weeaboo chính là từ Wapanese có nghĩa là Người Nhật Da Trắng, được ghép từ hai từ wannabewhite. Wapanese dùng để chỉ một người da trắng bị ám ảnh, hâm mộ cuồng nhiệt quá mức về anime, manga và hentai; từ này ra đời khoảng năm 2002 và được sử dụng rộng rãi, sau đó những người điều hành Trang web 4chan quyết định thay đổi Wapanese thành Weeaboo vào năm 2005.

Cư dân mạng Việt Nam đã đặt từ Weeaboo thành Wibu, theo kiểu phiên âm tiếng Việt. Wibu được sử dụng phổ biến trên các diễn đàn để miêu tả về hội những người quá cuồng anime, manga cùng các loại hình văn hóa khác của xứ Phù Tang.

Tuy nhiên trên thế giới không phổ biến từ Wibu mà chỉ có từ Weeaboo. Tên gọi Weeaboo về mặt bản chất dành để chỉ người phương Tây da trắng còn Wibu được hiểu như là “người Việt cuồng Nhật”, dùng để dành riêng cho các tín đồ yêu văn hóa Nhật tại Việt Nam đến mức mất kiểm soát. Wibu thường được dùng mang tính mỉa mai, chỉ trích hội “trẻ trâu thích cào bàn phím”, kiểu fan phong trào và tự xưng mình là một Otaku đích thực.

Sự khác nhau giữa Weeaboo với Otaku

Thuật ngữ Weeaboo (hay Wibu) được hiểu là ám chỉ fan quốc tế có sở thích giống với Otaku. Còn Otaku là khái niệm chỉ dành cho đối tượng là người Nhật Bản.

Đặc điểm nhận dạng Otaku là người Nhật mê mẩn thế giới truyện tranh, hoạt hình. Họ thích tìm hiểu, sưu tập, đọc và xem manga hay anime thâu đêm suốt sáng, có trí nhớ siêu đẳng với các tác phẩm đó; thậm chí là tưởng tượng “nhập vai” vào các phân cảnh trong truyện hay phim và có hành động, biểu hiện giống với nhân vật mình yêu thích.

Còn Weeaboo có đặc điểm được trang Urban Dictionary (2005 - 2015) liệt kê ra như sau:

  • Có hành động hâm mộ quá khích, bất thường với hoạt hình, truyện tranh và bất cứ sản phẩm văn hóa nào của Nhật Bản.
  • Ám ảnh, si mê văn hóa Nhật đến mức cho rằng văn hóa của Nhật là tuyệt nhất thế giới, thậm chí còn thượng đẳng hơn văn hóa quê hương.
  • Thường chen các từ tiếng Nhật vào cuộc sống thường ngày dù không học hay hiểu nghĩa và dùng tiếng Nhật sai cách.
  • Hiểu biết về đất nước và ngôn ngữ Nhật Bản thông qua các tác phẩm anime hay manga.

Weeaboo tốt hay xấu?

Weeaboo được cho là phong cách độc đáo, thể hiện nét cá tính riêng của người trẻ khi hâm mộ văn hóa Nhật Bản mặc dù sự yêu thích đó ở mức độ thái quá; điều đó cũng có thể chấp nhận được vì Weeaboo thường thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, tuổi mộng mơ hay “ảo tưởng sức mạnh” và muốn thể hiện bản mình.

Theo tạp chí Rocket News 24 khi phỏng vấn người Nhật về Weeaboo thì đa số nhân dân xứ hoa anh đào cho rằng người nước ngoài muốn tìm hiểu, quan tâm đến văn hóa và đất nước họ là một điều tốt.

Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt tốt xấu và Weeaboo bị mỉa mai, phê phán vì những thành phần fan “thượng đẳng” luôn cho mình là số một. Họ là cộng đồng fan yêu Nhật đến mức mất kiểm soát trong hành vi và suy nghĩ khiến mọi người khó chịu, đánh giá tiêu cực.

Họ sẵn sàng “ném đá khẩu nghiệp” bất cứ ai đưa ra nhận xét trái ý về văn hóa đại chúng xứ Nhật dù các tác phẩm và nhân vật anime, manga đó tốt hay xấu, truyền tải thông điệp tiêu cực hay tích cực; tôn thờ Nhật Bản quá mức mà xem thường và “bôi xấu” các nền văn hóa khác kể cả văn hóa quốc gia của họ.

Hội Weeaboo còn tấn công, xúc phạm, đe dọa trên mạng xã hội các tác giả manga như Tite Kubo (tác giả của Bleach) phải đóng cửa trang Twitter cá nhân vì không làm theo yêu cầu của fan; thậm chí còn dùng hình nộm, gối ôm có ảnh các nhân vật manga, anime để thể hiện những hành vi bệnh hoạn nơi công cuộc và bắt mọi người phải nhìn nhận, ủng hộ sự biến thái của mình. Vì những hành động xấu đó vô tình khiến thiên hạ lắc đầu và lên án mạnh mẽ cộng đồng Weeaboo.

Dưới đây là một số ý kiến trái chiều về Weeaboo (hay Wibu):

- Ở Việt Nam từ Wibu đang bị lạm dụng vì những người yêu anime chân chính đang bị mỉa mai là Wibu.

- Wibu là đứa tin rằng nước lọc của Nhật ngon hơn nước lọc ở mọi nơi khác.

- Theo lý thuyết của cư dân mạng Việt Nam nếu để avatar anime thì sẽ là Wibu.

- Wibu thì cũng có kiểu Wibu này Wibu nọ.

- Wibu giai đoạn 1: không để avatar hoạt hình và xem vài bộ manga, giai đoạn tiến hóa hơn: để avatar hoạt hình, xem anime và manga rồi tự hào xưng mình là Wibu, giai đoạn cuối là tự nhận mình là Otaku và đi chửi rủa lũ Wibu khác.

- Wibu được hiểu là sản phẩm lỗi của Otaku.

- Có thể bạn không biết trùm khủng bố Osama Bean Laden cũng là một Wibu, ông có sở thích “cày phim” anime và tải lậu game. Ngày 1/1/2017, máy tính cá nhân của ông ta đã bị CIA giải mã và những tài liệu chứa trong đó có game và anime; forum mà ông ta hay vào không phải trang web tuyệt mật về hồi giáo, tổ chức mà là những trang diễn đàn bàn tán về phim hoạt hình như: Conan, Naruto, Dragon Ball, Bleach… Đây mới chính là một Wibu đại nguy hiểm.

- Wibu thì sao họ chỉ sống thật với bản thân mình thôi, không có gì để miệt thị cả họ không ảnh hưởng đến cuộc sống của các bạn nên đừng lấy bọn họ ra “cà khịa” nữa. Như vậy chẳng khác gì kỳ thị người đồng tính hay phân biệt chủng tộc cả.

- Wibu thì cũng giống như mấy bạn fan xem phim Marvel rồi làm mấy hành động như hô vang khẩu hiệu "wakanda forever", "i'm iron man”, “i love you 3000” hay cầm búa rồi nghĩ mình là Thor, xem Star Wars rồi cầm cái đèn pin tưởng đó là kiếm…hoặc là fan KPOP tự nhận mình là bạn gái, vợ của Idol thôi. Wibu cũng chỉ là fan như bao fan khác có gì phải kỳ thị chứ!

Đọc thêm: Phong cách của ‘sửu nhi’ ở các quốc gia trên thế giới và cách để nhận ra trong một nốt nhạc

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.