• Về đầu trang
Chim Điên
Chim Điên

14 sự thật sẽ khiến bạn sụp đổ hình tượng 'bầu sô vĩ đại' P.T. Barnum

Độc lạ

Phim The Greatest Showman (Bậc Thầy Của Những Ước Mơ) dựa trên một sự kiện có thật kể về Phineas Taylor Barnum – nhà sáng lập đoàn xiếc Barnum & Bailey, ông nổi tiếng vì tài năng cũng lắm mà scandal lừa đảo cũng nhiều, bộ phim mới The Greatest Showman là cuộc hành trình lãng mạn, hài hước và kịch tính của gã đàn ông từ tay trắng chạm đến đỉnh cao và trở thành nhân vật truyền kỳ.

Nhưng những gì bạn thấy về nhân vậy Phineas Taylor Barnum ngoài rạp liệu có phải là tất cả về cuộc đời của ông? Nếu bạn đã lỡ yêu nhân vật Barnum thì không nên xem tiếp vì một số thông tin dưới đây có thể khiến cho hình tượng về một người đàn ông tài ba tên Barnum... vỡ vụn.

P.T mua một người nô lệ và tuyên bố bà là y tá của George Washington

Barnum mua một người nô lệ già nua tên Joice Heth vào năm 1835 với giá 1000 đô, ông tuyên bố rằng bà đã 161 tuổi và là  cựu y tá của Tổng thống George Washington. Sau đó, ông nhanh chóng thu lại được số tiền mình đã bỏ ra - 1000 đô hàng tuần bằng cách mở buổi trưng bày bà khắp vùng Đông Bắc. Nguồn hình: J. Booth & Son, 147 Fulton St NY

Khi buổi triển lãm bà Heth dần mất đi sự thu hút, Barnum bắt đầu loan tin rằng bà Heth không phải là người thật, bà chỉ là một cỗ máy robot. Bà Heth qua đời năm 1836 nhưng Barnum vẫn chưa để bà yên nghỉ. Ông ta mở buổi khám nghiệm tử thi công khai và thu mỗi người 50 xu nếu muốn đến xem. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bà Heth chỉ khoảng 80 tuổi.

21 con voi và 17 con lạc đà diễu hành trên cầu Brooklyn

Ngay sau khi cầu Brooklyn được khánh thành vào năm 1883, đã có một cuộc hoảng loạn diễn ra làm 12 người chết. Trước khi có sự cố đó, chủ cây cầu đã từ chối cho Barnum diễu hành voi đi qua cầu để chứng minh cây cầu vững chắc. Nhưng sau thảm họa, họ đã chấp nhận lời đề nghị này của ông.  Nguồn hình:  E. Bierstadt

Ngày 17 tháng 5 năm 1884, Barnum cho 21 con voi (bao gồm cả voi Jumbo nổi tiếng) và 17 con lạc đà trên đi bộ diễu hành từ Brooklyn đến Manhattan. Đó là một chiến lược thắng lợi cho cả hai bên. Cuộc diễu hành qua cầu Brooklyn đã diễn ra như một buổi tản bộ bình thường trong công viên – ai ai cũng vui mừng, những chú voi thì bỗng dưng có hẳn một câu chuyện để được nhắc tới, còn rạp xiếc của Barnum thì có màn quảng cáo ầm ĩ nhất từ trước tới giờ.

Nàng tiên cá Feejee

Barnum đã trưng bày nàng tiên cá Feejee (hay còn gọi là người cá Fiji) trong những năm 1840, Feejee nhanh chóng trở thành nàng tiên cá nổi tiếng nhất được trưng bày. Tuy nhiên nàng tiên cá này không giống như trong truyện cổ tích mà nhiều người biết: Feejee có một cái đầu gớm ghiếc, phần thân là của một con khỉ cùng với chiếc đuôi cá, nó là một sinh vật có thân trên dạng khỉ hoặc chó và phần thân dưới là dạng cá. Về sau các mẫu nàng tiên cá giả mạo giống 'bản chính' của Barnum xuất hiện ở khắp nơi. Nguồn hình: P. T. Barnums

Barnum đã miêu tả nàng tiên cá trong cuốn tự truyện của mình như là "một mẫu vật nhỏ bé xấu xí, dài khoảng 1m, miệng của nó luôn luôn mở ra, đuôi cong lại, nó trông khá đau đớn khi chết". Hiện nay không biết nàng tiên cá Feejee đã bị thiêu cháy cùng bảo tàng Barnum hay đã được tặng cho Bảo tàng Peabody ở Đại học Harvard. Thông tin về nàng tiên cá nằm trong viện bảo tàng Peabody khá mơ hồ để xác nhận có phải bản nguyên gốc không.

Tướng Tom Thumb lùn

Barnum gặp một cậu bé bốn tuổi nhỏ bé tên Charles Sherwood Stratton năm 1842. Charles nặng chỉ 6,8kg và cao chỉ 63cm. Barnum chuyên tìm kiếm "những kẻ kỳ quặc" và ngay lập tức ông biết cậu bé sẽ là một nhân tố tỏa sáng trong show diễn xiếc của ông. Ông dạy Charles cách hát và nhảy và đổi tên cậu bé thành Tướng Tom Thumb. Nguồn hình: Samuel Root or Marcus Aurelius Root

Tom Thumb trở nên nổi tiếng đến nỗi cậu đi lưu diễn cùng Barnum khắp Châu Âu, thậm chí Tom Thumb còn được gặp Nữ hoàng Victoria ở Anh.

"Hoạ mi Thuỵ Điển" Jenny Lind

Ngoài việc chủ trì rạp xiếc của mình, Barnum còn quảng bá cho chuyến lưu diễn của ca sĩ Jenny Lind. Năm 1850, ông đã đưa ca sĩ opera châu Âu Jenny Lind đến Hoa Kỳ và đưa cô đi biểu diễn tại một số thành phố. Hầu hết mọi người không biết soprano (một loại giọng nữ, có âm vực cao nhất trong tất cả các loại giọng) trước khi cô đến hát cho họ nghe. Tuy nhiên, Barnum lại thu hút khán giả bằng cách "lăng xê" bản chất tốt đẹp của Lind (cô đã dành phần lớn thu nhập của mình để làm từ thiện). Hình tượng đấy giúp Lind trở nên nổi tiếng nhanh chóng. Tất nhiên, hợp đồng này cũng mang lại lợi ích cho Barnum: ông kiếm được 700.000 đô la bằng cách đưa "Swedish Nightingale" (Hoạ mi Thụy Điển) vào tour lưu diễn. Nguồn hình: John Carl Frederick Polycarpus Von Schneidau

Khai trương thuỷ cung đầu tiên của Mỹ

Bảo tàng của Barnum là điểm đến nổi tiếng ở thành phố New York với những điểm tham quan 'bất thường' và đa dạng. Đáng chú ý nhất, bảo tàng của ông đã mở ra khu thuỷ cung đầu tiên của Mỹ vào năm 1857. Nó chứa một con cá voi trắng trong bể nước bơm từ sông Đông.

Người vợ kế kém ông 40 tuổi

Barnum kết hôn với người vợ đầu tiên là Charity Hallett, khi ông mới 19 tuổi. Charity thường ở nhà của họ ở Bridgeport, CT, khi Barnum đi lưu diễn. Bà chết vì chứng suy tim vào năm 1873 sau 44 năm kết hôn cùng Barnum. Nhưng chỉ 13 tuần sau khi Charity qua đời, Barnum kết hôn với Nancy Fish - con gái của một người bạn tại London. Lúc đấy ông 63 tuổi còn Nancy 22 tuổi.

Cái chết bi thảm của chú voi Jumbo nổi tiếng

Vào năm 1882, Barnum đã mua Jumbo, một con voi khổng lồ cỡ kích thước bàn chân size 11,5 nặng 6,5 tấn từ Hiệp hội động vật Hoang dã Hoàng gia ở London. Jumbo là con voi lớn nhất mà mọi người từng thấy, khán giả rất yêu quý Jumbo. Nguồn hình: Barnum Museum of Natural History

Năm 1885, Barnum quyết định đưa rạp xiếc của mình - và Jumbo - trở lại Anh. Tuy nhiên, trong khi Jumbo đang được vận chuyển ra khỏi một chuyến tàu ở Ontario, Canada, chú voi này đã bị đánh tráo bởi một chiếc đầu máy xe lửa. Jumbo chết trước mặt huấn luyện viên của mình, người đã nỗ lực giúp chú voi cảm thấy thoải mái nhất trong những giây phút cuối đời.

Barnum tận dụng triệt để cái chết của Jumbo. Ông đã mua một con voi khác tên là Alice, bạn của Jumbo tại Sở thú London, ông đã đưa Alice đi lưu diễn với tiêu bản của Jumbo. Đáng buồn thay, Alice đã chết trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1886, mặc dù tiêu bản Jumbo vẫn còn nguyên vẹn. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở thành phố New York hiện đang trưng bày bộ xương của Jumbo.

Kế sinh nhai của ông bị phá hủy bởi những ngọn lửa

Lửa là khắc tinh của Barnum. Trong năm lần khác nhau, "bà hoả" đã hủy hoại những thành tựu của ông. Tòa nhà của ông ở Connecticut, Iranistan, được mô phỏng theo Pavilion của George IV ở Brighton, Anh, bị đốt cháy vào năm 1857. Bảo tàng đầu tiên của ông cháy rụi vì lửa vào năm 1865. Sau đó các viện bảo tàng khác bị cháy vào năm 1868 và năm 1872. Cuối cùng, vào năm 1887, Barnum mất gần toàn bộ nhà xưởng của rạp xiếc lớn khi nó bị thiêu cháy.

"Có một kẻ ngốc sinh ra trong mỗi phút" - Không phải câu nói của Barnum

Barnum là người được cho là đã tạo ra câu "Có một kẻ ngốc sinh ra trong mỗi phút", vì dựa vào khả năng 'lừa đảo' mọi người tin vào những gì ông từng trình diễn hay gây sốc tuy nhiên thực tế không phải như vậy, không có bằng chứng cho thấy ông đã nói điều đó.

Thực chất, đây là lời bình luận của David Hannum về những khán giả mua vé xem phiên bản "Gã khổng lồ Cardiff" do Barnum dựng lên, sau khi bị Hannum từ chối cho mượn mẫu vật này để triển lãm. Hannum tố cáo phiên bản mà Barnum có là giả và bị Barnum kiện ngược lại. Nhưng đến khi ra toà, khi được điều tra một cách nghiêm túc, thẩm phán tuyên bố phiên bản của Hannum cũng là... giả nốt và vì thế "Gã khổng lồ Cardiff" của Barnum không phải là giả khi "nhái lại" một bức tượng giả.

"Gã khổng lồ Cardiff" là một mô hình giả do Hannum tạo ra, chôn dưới một vùng đất nhất định rồi cho công nhân (lấy cớ đào giếng) đào nó lên, loan tin rằng ông ta tìm được bằng chứng về sự tồn tại của người khổng lồ. Hannum đã kiếm lời từ việc triển lãm mẫu vật này khá nhiều.

Barnum là Thị trưởng thành phố Bridgeport, CT

Barnum hoạt động chính trị suốt những năm trưởng thành của mình. Ông phục vụ hai nhiệm kỳ tại cơ quan lập pháp Connecticut năm 1865 như là một đại diện Đảng Cộng hòa ở Fairfield. Mặc dù sở hữu một nô lệ là bà Joice Heth, nhưng trước đó, ông đã từng ủng hộ quyền bình đẳng và bình đẳng người Mỹ gốc Phi. Barnum vụt mất chiếc ghế của Quốc hội, nhưng đã được bầu làm Thị trưởng Bridgeport, CT năm 1875, nhiệm kỳ một năm. Là thị trưởng, ông đã làm việc để cải thiện việc cung cấp nước, mang ánh sáng khí đến các đường phố, thực thi luật cấm rượu và mại dâm.

Ông đã bị phá sản ở tuổi 46

Mặc dù kiếm được một khoản tiền lớn từ các hoạt động diễn xuất của mình, Barnum đã đưa ra một quyết định kinh doanh tồi tệ đã làm tê liệt tài chính của ông. Ở tuổi 46, ông bị phá sản sau khi cố gắng xây dựng một thành phố giữa đất nông nghiệp ở East Bridgeport, CT vào năm 1855. Nguồn hình: Mathew Brady

May thay, tình hình kiệt quệ tài chính của Barnum chỉ là tạm thời. Ông đã sử dụng một chuyến lưu diễn thuyết trình, phần lớn làm một diễn giả với chủ đề "Nghệ thuật kiếm tiền" và nói về phong trào ôn hoà, ông đã hoàn toàn xóa hết nợ nần vào năm 1860.

Nói không với rượu chè

Vào cuối những năm 1840, Barnum đã trở thành người ủng hộ phong trào cấm rượu một cách nhiệt tình. Mặc dù rõ ràng ông là một người nghiện rượu mạnh vào những ngày còn trẻ, nhưng ở tuổi 30, ông trở thành một người kiêng rượu tuyệt đối. Ông thường đưa ra những bài diễn thuyết chi tiết về những tệ nạn mà rượu gây ra. Không ai được phép uống rượu trong bảo tàng Mỹ của ông và vở kịch The Drunkard tập trung vào vấn đề nghiện rượu đã được thực hiện cho du khách xem. Nguồn hình: Fredricks, Charles DeForest, 1823-1894

Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ hăng hái của ông về lệnh cấm rượu, Barnum vẫn cho con voi Jumbo uống khá nhiều rượu để có thể kiểm soát nó. Theo báo cáo, có một liều lượng cồn đặc biệt cho loài voi bao gồm bánh quy ngâm nước sốt cũng được Barnum sử dụng.

Ông đã bán được một triệu bản sao cuốn tự truyện của mình

Barnum đã dành nhiều năm viết cuốn tự truyện của mình. Ông đã phát hành ấn bản đầu tiên Cuộc đời của P.T. Barnum vào năm 1854 và tiếp tục chỉnh sửa, cập nhật nó trong suốt cuộc đời của ông. Barnum đã quá ám ảnh về việc cập nhật cuốn sách của mình đến nỗi ông dặn dò vợ rằng nhớ thêm một chương mới về cái chết của ông. Rồi ngay cả trước khi chết, Barnum cho phép một tờ báo viết cáo phó của ông để ông có thể đọc nó trước và ông sẽ thực hiện bất kỳ thay đổi nào mà ông cho là cần thiết.

Để tăng doanh thu, Barnum cho phép bất cứ ai xuất bản cuốn tự truyện của mình. Trong suốt cuộc đời, ông đã bán được hơn một triệu bản sao cuốn sách đó.

Theo: Ranker
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.