• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Bạn đã biết những câu chuyện lịch sử đằng sau nguồn gốc của 10 thành ngữ tiếng Anh này chưa?

Độc lạ

Hầu hết những người nói tiếng Anh đều đã quen với những cụm từ hoặc thành ngữ kỳ quặc, nhưng đối với những người mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, có thể sẽ cảm thấy khá là khó khăn để có thể hiểu được vì sao một người nào đó “đứng trên hộp xà phòng” khi họ đang cố ép người khác nghe quan điểm của mình, hay một người nào đó đã thoát nguy một cách kỳ diệu lại được “cứu bởi cái chuông”.

Một sự thật thú vị là những cụm từ này có một câu chuyện lịch sử hấp dẫn đằng sau nó, cái mà sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những cụm từ có vẻ như không liên quan gì đến nghĩa của nó này.

1. To turn a blind eye

nelson

Horatio Nelson (1758 - 1805)

Ý nghĩa: Nhắm mắt cho qua.

Nguồn gốc: Thành ngữ này đưa chúng ta trở về năm 1801 xa xưa, khi sĩ quan hải quân Anh vĩ đại Horatio Nelson đã đánh bại hạm đội liên minh Đan Mạch và Na Uy nhờ làm trái lệnh cấp trên của mình. Vào Trận Copenhagen năm đó, đoàn tàu chiến của Nelson phải đối đầu với một hạm đội mạnh gấp nhiều lần, cấp trên của ông đã gửi tín hiệu ra lệnh rút quân.

Tuy nhiên, Nelson đã đưa chiếc ống nhòm lên con mắt bị mù của mình và nói rằng ông không nhìn thấy tín hiệu nào cả. Ông đã không đầu hàng mà cho quân tiếp tục tiến đánh, và cuối cùng đã đem lại thắng lợi cho về phe mình. Sự kiện táo bạo này đã trở thành một đề tài tranh luận giữa các nhà sử học rằng liệu nó có thực sự có thật hay không, tuy nhiên thành ngữ Turn a blind eye đã bắt nguồn từ đây và đến ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi.

2. Get on a soapbox

get on a soapbox

Ảnh: mentalcrumble.com

Ý nghĩa: Thể hiện ý kiến của bản thân một cách gay gắt.

Nguồn gốc: Có thể bạn đang tự hỏi rằng, làm sao một người có thể đứng lên một chiếc hộp đựng xà phòng (soapbox) được, không phải nó quá nhỏ và yếu để đủ chỗ cho một người đứng lên đó ư? Và tại sao người ta lại cần đứng lên hộp đựng xà phòng để thể hiện quan điểm, ý kiến của mình?

Câu chuyện đằng sau thành ngữ này diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XIX – vào thời điểm đó, khi nhắc đến hộp đựng xà phòng, người ta nghĩ đến những chiếc thùng gỗ thưa dùng để đóng gói và vận chuyển nhiều bánh xà phòng từ nơi này qua nơi khác.

Vào thời đó, rất nhiều diễn giả hay thương nhân thường lấy những chiếc thùng gỗ đó để làm bệ đứng tạm trong khi diễn thuyết trước đám đông. Người dân thường cảm thấy rất khó chịu và bị quấy rầy bởi những con người nhàm chán và phiền nhiễu này, vì thế cụm từ Stand/Get on a soapbox được sử dụng khi có ai đó thể hiện ý kiến của mình một cách mạnh mẽ, gay gắt.

3. Saved by the bell

saved by the bell

Ảnh: Stocksy

Ý nghĩa: Thoát nguy trong gang tấc.

Nguồn gốc: Đã có không ít tranh cãi xung quanh việc thành ngữ này bắt nguồn từ đâu, có người nói nguồn gốc của nó có liên hệ với bộ môn quyền Anh. Tuy nhiên, có giả thuyết phổ biến nhất cho rằng thành ngữ này lấy bối cảnh từ một câu chuyện khá rùng rợn và thú vị từ thời Trung Cổ xa xưa.

Vào thời Trung cổ, các lương y nhiều lúc không thể phân biệt được một người đang ở trạng thái hôn mê hay là đã chết, do đó mà nhiều người đã vô tình bị chôn sống và điều này dần trở thành nỗi ám ảnh chung của người dân. Để giải quyết vấn nạn này, người ta đã xây dựng một hệ thống máy móc nối một sợi dây buộc vào một cái chuông chuông vào bên trong quan tài, phòng khi người trong quan tài vô tình “sống lại”, họ sẽ kéo sợi dây chuông này để thông báo với người bên ngoài rằng mình chưa chết và nạn nhân xấu số này sẽ được cứu lên.

Tuy vậy, thuyết về việc con người được cứu bởi hệ thống chuông có dây kéo này là không có căn cứ, vì thế số đông các nhà ngôn ngữ học lịch sử đã dựa vào một từ lóng trong bộ môn quyền Anh từ cuối thế kỷ XIX để giải thích cho thành ngữ này: đó là khi một võ sĩ đang ở thế yếu có thể được “cứu” khỏi bàn thua bởi tiếng chuông kết thúc vòng đấu. Cả hai thuyết này đều khá là hợp lý và thú vị.

4. Push the envelope

Ý nghĩa: Tiến đến hoặc vượt qua giới hạn/ khả năng.

Nguồn gốc: Khác với những thành ngữ trên, Push the envelope là một thành ngữ khá là mới, nó xuất hiện từ một thuật ngữ hàng không. Trong ngành hàng không, từ “flight envelope” có nghĩa là giới hạn tốc độ và độ cao của một chiếc máy bay, và phi công thường vượt ra khỏi giới hạn khả năng của một chiếc máy bay trong quá trình kiểm tra nó.

Thành ngữ này đã từng được sử dụng như là một từ lóng của ngành hàng không trong một khoảng thời gian. Nhưng cho đến năm 1979, cuốn sách về những chiếc máy bay thử nghiệm The Right Stuff của Tom Wolfe đã khiến thành ngữ này trở nên nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi hơn.

5. Crocodile tears

crocodile tears

Ý nghĩa: Nước mắt cá sấu/ Buồn khổ, đau đớn giả tạo.

Nguồn gốc: Cụm từ này xuất phát từ một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu từ thời Trung Cổ mang tên The Travels of Sir John Mandeville, một tác phẩm cực kỳ nổi tiếng lúc đương thời. Nhưng thực tế, phần lớn những câu chuyện trong cuốn sách này đều là hư cấu. Một trong những câu chuyện phiêu lưu đến vùng đất Châu Á trong cuốn tiểu thuyết này, tác giả đã miêu tả cá sấu là một loài bò sát không có lưỡi chuyên lừa gạt con người rồi để ăn thịt, và trong khi ăn thịt nó, con cá sấu chảy nước mắt.

Truyền thuyết về một loài cá sấu khóc trong khi nhai con mồi trong miệng mình cùng với việc Shakespeare đã góp phần khiến ý niệm “nước mắt cá sấu” trở nên phổ biến hơn, và cuối cùng biến nó thành một thành ngữ thông dụng cho đến ngày nay.

6. Hands down

hands down

Ý nghĩa: Một cách dễ dàng, hiển nhiên.

Nguồn gốc: Cụm từ này xuất phát từ một từ lóng trong bộ môn đua ngựa. Trên đường đua, những người đua ngựa sẽ phải nắm lấy dây cương được đeo chặt vào mình ngựa và tay phải giơ lên cao trong khi họ ghì chặt dây cương để thúc ngựa chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, người dẫn đầu đoàn đua thi thoảng có thể nới lỏng tay cầm cương và hạ tay xuống, cử chỉ này cuối cùng đã trở thành một cách thể hiện cho chiến thắng dễ dàng và được sử dụng rộng rãi không chỉ trong bộ môn đua ngựa.

7. My ears are burning

my ears are burning

Ảnh: ELLE Australia

Ý nghĩa: Tôi biết rằng ai đó đang nói xấu sau lưng tôi.

Nguồn gốc: Thành ngữ này bắt nguồn từ một mê tín của người La Mã cổ đại: nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy ngứa ran hoặc nóng rát ở tai trái có nghĩa là ai đó đang nói những điều xấu hoặc âm mưu chống lại bạn. Nhưng cảm giác ở tai phải của bạn lại có nghĩa là ai đó đang khen ngợi bạn hoặc là một dấu hiệu của sự may mắn.

Dần dần, dấu hiệu này chỉ còn được hiểu là có ai đó đang thì thầm to nhỏ sau lưng bạn.

8. Called on the carpet

called on the carpet

Ý nghĩa: Mắng mỏ, quở trách ai đó, thường là người dưới trướng, dưới quyền.

Nguồn gốc: Ngày nay, từ “carpet” (“thảm”) được dùng để chỉ tấm vải trải trên nền nhà, nhưng ngày xưa nó lại được hiểu là một tấm vải dày bất kỳ phủ lên mọi thứ, từ giường cho đến mặt bàn. Và bằng một cách khó hiểu nào đó, cụm từ này ban đầu nói đến tấm khăn trải bàn thay vì thảm trải nhà, bởi vì người ta thường ngồi ở bàn để thảo luận về những vấn đề quan trọng.

Không những thế, hiện tượng thay đổi về nghĩa, khi mà một từ có nghĩa phổ quát dần biến thành nghĩa cụ thể (trong ngôn ngữ học được gọi là sự thu hẹp nghĩa) không xảy ra chỉ với từ “carpet” và còn với các từ khác, ví dụ như “deer” (“con nai”) trước đây được dùng để chi các loài vật nói chung.

9. As mad as a hatter

mad hatter

Nhân vật Mad Hatter (Thợ Làm Mũ Điên) trong bộ phim Alice Ở Xứ Sở Diệu Kỳ

Ý nghĩa: Điên loạn, mất trí.

Nguồn gốc: Có thể bạn đang nghĩ rằng cụm từ này xuất phát từ tác phẩm văn học nổi tiếng Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên của Lewis Carroll, nhưng thực ra nó có từ thế kỷ XIX, khi những người thợ làm mũ (“hatter”) thường sử dụng thủy ngân, một kim loại nặng cực kỳ độc hại để làm mũ mà không hề biết đến tác hại của nó đến cơ thể người.

Kết quả là, họ đã bị ngộ độc thủy ngân và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của họ; gây ra hiện tượng run rẩy, lên cơn co giật và thể hiện những hành vi khác thường, khiến cho những người thợ tội nghiệp này trông có vẻ như đang hóa điên. Thậm chí đến ngày nay, nhiễm độc thủy ngân vẫn còn được coi là “bệnh Thợ Làm Mũ Điên”.

10. Running amok

Ý nghĩa: Hành động một cách điên loạn, thiếu kiểm soát.

Nguồn gốc: Cụm từ cuối cùng trong danh sách này có liên hệ với những hành vi thất thường và, tình cờ thay, nguồn gốc của nó cũng liên quan đến y học. Running amok xuất hiện từ thế kỷ XVIII, khi thực dân Châu Âu đến Malaysia, họ đã bắt gặp một hiện tượng kỳ quái: một số thành viên bộ lạc đang rất bình thường, bỗng nhiên trở nên cáu gắt, hung bạo và dấn vào những vụ giết người liên tiếp.

Người dân địa phương gọi hiện tượng này là “amuco”, đặt theo tên của một nhóm chiến binh Java và Malaysia nổi tiếng bạo lực. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận bởi Thuyền trưởng James Cook vào năm 1772 và ở thời đó, người ta cho rằng hiện tượng này xảy ra là do bị các linh hồn quỷ dữ dẫn đường. Tuy nhiên cho đến ngày nay, nguyên nhân thật sự của nó vẫn chưa được giải thích.

Theo: ba-bamail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.