• Về đầu trang
Roger
Roger

'Bàn tay ngoài hành tinh': Hội chứng thần kinh đáng sợ khiến bàn tay tự... bóp cổ chính chủ nhân của mình

Độc lạ

Trong giấc ngủ chập chờn, khi bạn đang dần chìm vào giấc ngủ. Bất chợt, bạn cảm thấy có một bàn tay từ đâu, tiến dần đến cổ bạn, rồi từ từ siết chặt nó. Bạn cố chống trả, nhưng bạn không thể, bởi bàn tay "ác nghiệt" đang ở trên cổ mình là của... chính bạn.

Thoạt nghe, câu chuyện đáng sợ trên tưởng chỉ như một sản phẩm của trí tưởng tượng từ những nhà làm phim kinh dị tại Hollywood. Nhưng thực chất, đó là những mô tả có thật của những người bệnh của một chứng bệnh ma quái mang tên Bàn tay ngoài hành tinh.

Trong chương trình Invisibilia của đài NPR, những người dẫn chương trình đã từng nhận được một cuộc điện thoại của một phụ nữ có tên Karen. Người này chia sẻ, từ khi bà 20 tuổi, bà đã từng trải qua một ca phẫu thuật não. Dù ca phẫu thuật thành công, nhưng những tác dụng phụ của nó đã khiến toàn bộ phần đời của bà thay đổi.

Karen kể lại: "Khi tôi thức dậy sau ca phẫu thuật và nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật thì bất ngờ, tay trái của tôi 'tự' nhấc dậy và cởi chiếc áo mà tôi đang mặc trên người. Dù lúc đó, tôi không hề muốn cởi áo của mình nhưng cái tay cứ làm thế.

Thế rồi, cái tay trái trở nên 'giận dữ' hơn. Nó giật những chiếc cúc trên áo của tôi, bất chấp việc tôi đã cố gắng để nó ngừng lại. Điều đó khiến toàn bộ các bác sĩ trực phải bất ngờ và họ phải vật lộn để giữ tay của tôi lại. Như thể nó có một suy nghĩ khác vậy."

Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" như Karen trong câu chuyện vừa rồi thực tế không phải là hiếm. Trước đó, đã từng có rất nhiều báo cáo về những bệnh nhân "tự" bóp cổ chính mình hay tự cầm búa để đánh vào bản thân. Các bệnh nhân khi đó có cảm giác là mình không còn tự kiểm soát được bàn tay trên cơ thể mình nữa. Không ít lần, chính các bộ phận "vô chủ" này đẩy chính chủ nhân của mình vào nguy hiểm.

Trường hợp đầu tiên về Bàn tay Ngoài hành tinh (Alien hand syndrome) được ghi lại bởi nhà thần kinh học người Đức Kurt Goldstein, khi ông gặp một bệnh nhân nữ tự cố bóp cổ chính mình. Đáng chú ý, người này miêu tả lại rằng, bàn tay trái chính là "kẻ" đã thực hiện hành động này với cô.

Cảnh trong phim Dr Strangelove

Căn bệnh đáng sợ trên sau đó còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim kinh dị, trong đó có Dr Strangelove của đạo diễn Stanley Kubrick. Tầm ảnh hưởng của bộ phim lớn đến mức, hội chứng này còn được gọi thay thế bằng tên Hội chứng Strangelove.

Để tìm ra nguyên nhân chính của căn bệnh, các bác sĩ thần kinh đã phải tra lại bệnh sử của những bệnh nhân này và phát hiện, tất cả bọn họ đều từng trải qua những ca phẫu thuật não, đặc biệt nhiều trong đó đều có tác động lên thể chai. Thể chai là một hệ thống sợi dây thần kinh lớn nhất của não, có chừng 20 vạn dây thần kinh hợp thành, ở vị trí giữa hai bán cầu não.

Vị trí của thể chai khi cắt đôi não thành hai nửa

Theo Tiến sĩ Roger W.Sperry, chủ nhân giải Nobel Y Học 1981, bộ phận này có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển thông tin giữa hai bán cầu não. Khi thể chai gặp vấn đề, quá trình tiếp nhận và vận chuyển thông tin giữa hai nửa não chắc chắn sẽ bị trục trặc. Ví dụ, trong điều kiện bình thường, hai bên bán cầu não sẽ cùng điều khiển các chi trên cơ thể một cách nhịp nhàng.

Nhưng trong trường hợp các bệnh nhân của hội chứng Bàn tay ngoài hành tinh, bên não phải lại bị "cô lập" và phần tay trái do bên nửa não này điều khiển lại không nhận được tín hiệu từ phía bên kia. Ngoài ra, các tổn thương ở phần vỏ não cũng có thể khiến một số bộ phận cơ thể có những hành động bộc phát.

Kết quả scan não của bệnh nhân mắc hội chứng này thể hiện những tổn thương ở phần vỏ não và khu thể chai

Đáng buồn cho những bệnh nhân của hội chứng đáng sợ này là hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị cho chứng bệnh trên. Trị liệu tâm lý và dùng thuốc thực tế chỉ đem lại những kết quả rất hạn chế. Đa phần các trường hợp báo cáo đã khỏi bệnh đến từ chữa khỏi những bệnh thần kinh khác mà họ cũng đang mang trong người.

Ngoài ra, liệu pháp Hộp gương (Mirror box therapy), thường sử dụng với những bệnh nhân của chứng Chi ma (phantom limb syndrome) cũng được cho là có hiệu quả nhất định với hội chứng Bàn tay ngoài hành tinh. Với liệu pháp Hộp gương,người bệnh sẽ đặt bên tay có vấn đề của mình sau một tấm gương, trong khi để tay còn lại trước gương.

Liệu pháp Hộp gương (Mirror Box therapy) có tác dụng tương đối tốt với những bệnh nhân của hội chứng kỳ lạ Bàn tay ngoài hành tinh
Khiến bên tay "vô chủ" phải làm việc nặng, tránh nó có những hành động bột phát

Người bệnh sẽ nhận thấy phần chi khoẻ mạnh cử động bình thường để sửa chữa những tín hiệu lẫn lộn giữa não và thần kinh, vì thế cơn đau sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến khích bệnh nhân hãy giữ chặt phần tay bị bệnh của mình vào giữa hai chân, hoặc dùng nó để thực hiện một hành động nào đó, giúp giảm bớt sự tự phát của hành vi.

Với việc chưa tìm ra thuốc trị đặc hiệu, hội chứng bí ẩn này vẫn đang là nỗi đau đầu với các chuyên gia ngành thần kinh. Còn với những người đang đọc bài này với đôi tay bình thường, hãy mong rằng, một trong hai tay bạn sẽ không bị bóp cổ chủ nhân của nó trong đêm nhé.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.